Ngọc Lan, Nỗi Yêu Dấu Không Thật (Đỗ Vẫn Trọn) | Thanh Thúy

ngoc lan

Ngọc Lan, tiếng hát như sương mong manh, người nữ ca sĩ được nhiều yêu mến đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 8 giờ 25 phút sáng ngày 6 tháng 3 năm 2001 tại bệnh viện Vencor, Cali.

Liên tiếp nhiều ngày qua, hầu hết trên các làn sóng điện đều phát thanh những bản nhạc do Ngọc Lan trình bày. Ai cũng thương tiếc cho người nữ ca sĩ “Hồng nhan bạc mệnh” này. Nhiều thính giả nghẹn ngào khóc thương Ngọc Lan trên đài phát thanh Sài Gòn. Tiếng hát buồn, khuôn mặt buồn, đôi mắt buồn của Ngọc Lan càng làm cho mọi người buồn hơn. Lại thêm một cái tang lớn cho sinh hoạt nghệ thuật tại hải ngoại.

Ngọc Lan sinh năm 1956, tại Nha Trang, tên thật là Maria Lê Thanh Lan, định cư tại Minnesota, Hoa Kỳ vào năm 1980. Năm 1981, vì không chịu nổi cái khí hậu lạnh buốt ở đây, nên Ngọc Lan cùng gia đình dọn về quận Cam. Khởi đi từ quán cà phê Đỉnh Thiêng, giọng hát của Ngọc Lan đã thu hút mọi người. Những năm đầu thập niên 90, Ngọc Lan trở thành một tiếng hát hàng đầu ở hải ngoại. Thời gian chưa được bao lâu thì Ngọc Lan ngã bệnh, chứng bệnh gọi là Multiple Sclerosis. Từ đó, Ngọc Lan ít xuất hiện. Có nhiều huyền thoại về Ngọc Lan, về người ca sĩ có cuộc đời khép kín.

Những tình khúc: Nha Trang Ngày Về, Tháng Sáu Trời Mưa, Còn Chút Gì Để Nhớ, Trúc Đào, Tuyết Rơi, Sans Toi, Nếu Một Mai Em Sẽ Qua Đời… là những tình khúc mà Ngọc Lan đã êm ả đi vào lòng người bằng giọng hát ngọt ngào mang nỗi buồn sâu kín.

Tang lễ của Ngọc Lan được cử hành lúc 10 giờ sáng thứ Bảy ngày 10 tháng 3 tại thánh đường Thánh Linh, thành phố Fountain Valley, và an táng tại Nghĩa Trang Chúa Chiên Lành thuộc thành phố Huntington Beach. Trên 2,000 người mà phần đông là giới văn nghệ và khán giả hâm mộ đến tiễn đưa.

Lê Thao Chuyên

Lê Thao Chuyên

Nhiều người đã khóc ngất. Không khí thật buồn bã, xúc động. “Cách đây mấy năm, chị của Ngọc Lan là nhà văn nữ Lê Thao Chuyên, cây bút trên một bàn viết lữ thứ đã cùng chung với tôi nhiều tác phẩm, bị chết thảm bởi một viên đạn oan nghiệt, mà sát nhân là một tên cướp người Mỹ da màu. Những dòng chữ gửi người bạn văn quá vãng đượm màu tang tóc vẫn còn âm vang trong tôi.”Mưa sa, giăng phủ một màu tang, tiễn người, tiễn những dòng văn chương thôi ngưng lại, trong cõi khác sẽ cùng tận. Có thiên khúc trường ca về biển đông. Cõi a tì xa lắc, cõi dương gian phiền muộn.

Bàn viết lữ thứ sẽ không cùng ghép, không cùng chung, không cùng một giòng đôi, không cùng một tác phẩm. Bàn viết đã rời xa tên gọi Lê Thao Chuyên, tên gọi của những ngày đầu nơi sân trường Garden Grove. Nơi một e ấp phố núi, của ngày tháng miệt mài chữ nghĩa, nơi trang giấy tinh anh còn hờ hững, đợi chờ. Mưa Phố Núi, Nỗi Niềm Mang Theo, Bóng Mờ Hiu Quạnh, Giọt Nước Mắt Thủy Tinh. Chuyện phim chưa khởi quay, hư cấu đã thành thật, văn chương linh hiển đời sống. Bóng đen toa rập tử thần của ngày thứ năm, ngày vĩnh biệt Lê Thao Chuyên, vĩnh biệt người bạn văn đã gắn bó mười hai năm. Lời khấp nguyện, chung cuộc vẫn chia tay, vẫn trần gian, âm dương chia ngã, như một định mệnh mà thi sĩ Hoàng Anh Tuấn đã cảm đề.

Nằm đây, hơi ẩm quanh mình.

Nghe mưa phố núi nhòa xanh nẻo mù

Mưa bản thổ. Mưa Pleiku

Thương anh nơi cõi phiên du mỏi mòn

Anh xa xôi vẫn thật gần

Dốc sương em vẫn bên đường ngủ ngon

Xin bình an giấc nữ thần

Trong mưa có tiếng thạch cầm ru em

 

Đời sống có phải rồi cũng hợp tan, tan hợp. Lê Thao Chuyên sớm ra đi, bây giờ là Lê Thanh Lan cũng ra đi. Tôi thật sự bàng hoàng. Ngọc Lan ra đi, mang theo cái lạnh tràn đầy, se cóng. Ngọc Lan của nhiều năm trong căn bệnh ngặt nghèo, Ngọc Lan của nhiều tháng chống chọi với tử thần, sống, chết từng giờ trong bệnh viện. Tôi nhớ Ngọc Lan nơi Đỉnh Thiêng, của 81, của những ngày bơ vơ trên đất lạ mà tôi đã viết.

“Giọng hát của nàng đã tách rời những cây cổ thụ, mở ra những chất ngọt nồng. Từ trong tiếng hát nàng, tôi cảm nhận những cảm xúc thầm lặng, những sâu kín nhất của một tâm hồn. Tiếng hát Ngọc Lan duy nhất ở lại trong tôi những bâng khuâng khắc khoải, đêm huyễn hoặc chợt hiện, mang đến những kỷ niệm ấm áp cho một tâm hồn cô độc trong đêm sương lạnh, tiếng hát mở ra những bờ bến mới. Đêm và ngày. Bình minh và hoàng hôn. Tiếng hát từ một biển đông cất lên mang một hoài bão, một quá khứ êm đềm, nhẹ nhàng chợt đến. Sự tuyệt vời trong âm nhạc, sự kỳ diệu nơi giọng hát, Ngọc Lan. Hình dung, những buổi tối cuối đông, lang thanh trên những triều dốc trong giá buốt, ngang qua những ngôi nhà cao, thấp, chợt một âm thanh văng vẳng từ xa vọng lại, như réo gọi, như tình tự cùng cỏ cây, như một thông điệp của Thượng đế cho những reo vui vỗ cánh. Ở tận cùng khắp, giọng hát nàng trải đều trong suốt, phẳng lặng, tinh mơ. Nghe Ngọc Lan hát, ngắm nhìn con người nàng như một bức họa, với dáng người mảnh khảnh, với đôi mắt đen buồn ướt sũng, từ giọng hát đến nhân dáng. Ngọc Lan đã có một vẻ riêng, thế giới của nàng là những giấc mơ dịu dàng.

Ngọc Lan, người ta đề cập đến nhan sắc nàng, đến nét kiêu bạc của một loài hoa sắc hương tinh khiết, nhưng người ta đã quên đằng sau cái nhan sắc kiêu bạc đó, chỉ là một trái tim nhũng mềm gió lộng. Đằng sau cái nhan sắc phong nhụy kia, chỉ là một hồn nhỏ, mưa, nắng, tương tư.

Ngọc Lan, chưa là một nhan sắc rực rõ ở tiền trường. Ngọc Lan cũng chưa là một giọng ca dội cuốn năm châu. Nhưng Ngọc Lan, từ nhan sắc đến giọng ca của nàng đã thật sự trở thành giấc mơ thầm kín, trở thành ao ước ngọt ngào, kín lặng của những hồn trai, của những cửa gương thanh niên, vào đời, hăm hở bước chân đi.

Nghe Ngọc Lan hát, tôi nhớ đến những năm tháng ở quê nhà, ở một chân trời, một bờ bến, phẳng lặng, bình thản như những buổi chiều êm ả trôi qua mang theo những cơn gió nhẹ mỏng hạt sương mai, hòa tan trong những tia nắng reo vui, hân hoan ca khúc bình minh. Những chợt đến trong đời sống tự nhiên, không gượng gạo. Thế giới được mở ra rộng lớn, những ước mơ cao đẹp, những đời sống vốn bình thản và giản gị. Am nhạc quả thật có một sức mạnh ghê hồn, kỳ bí, âm nhạc chuyên chở từ chốn này sang nơi chốn khác, thâm nhập trong cơ thể, hòa tan trong máu óc, xương, tủy. Am nhạc tự nó đã trở thành màu sắc, huyền hảo, với nhạc khí là công cụ cho người nhạc sĩ, với cung bậc thanh âm đòi hỏi sự tài hoa của người nhạc sĩ hợp cùng ca sĩ tạo nên yếu tố quyết định, một phối ngẫu tuyệt vời của trời, đất. Am nhạc quyến rũ mọi người, mọi lứa tuổi. Am nhạc tạo sự thân thiện, gần gũi với tha nhân với bằng hữu, dẫn dắt mọi người tìm đến nhau và cũng tạo sự chia xa, cách biệt. Am nhạc phá vỡ những kiên cố, len lỏi xâm nhập đời sống, đem sự tươi mát cho tâm hồn, cô đọng những phiền muộn sầu não đắm chìm trong lang thang cùng tận. Ngọc Lan, người nữ ca sĩ khả ái nhất của sinh hoạt tân nhạc hải ngoại, hương thơm của những đời lưu vong, tiếng hát thánh thót của những tâm hồn phiêu bạt. Trong đời sống ly hương, chúng ta đã mất mát quá nhiều. Chúng ta phải giã từ những gì yêu dấu và thân thương nhất, ai trong chúng ta cũng đều mong có một tâm hồn thật quê cũ. Ngọc Lan, là một trong những biểu tượng. Người con gái đó đến từ biển Đông, từ nửa vòng quay của địa cầu, từ nghìn dặm mù khơi, vẫn còn có được một trái tim rất Việt Nam.”

Tất cả. Tất cả, đều là hư vô, đều là nhân ảnh. Ngọc Lan đã về một cõi khác, âm u, buồn bã. Miền thùy dương cát trắng dường như đang thổi những điệu sầu. Tài hoa – bạc mệnh. Tôi đã có nhiều liên hệ mật thiết với Lê Thao Chuyên, với Ngọc Lan. Hai chị em, một là cây viết, một là tiếng hát. Cả hai đều là những tài năng hiếm quý. Hai nhan sắc vắn số – bạc phần.

Tôi thấy một nỗi u tịch, viết những dòng chữ này như một điếu văn gửi đến người quá cố, rưng rưng một nỗi buồn, lòng xót xa, giọt lệ cũng vừa chảy. Vĩnh biệt. Vĩnh biệt Ngọc Lan!

Ô/B Từ Công Phụng, Ô/B Trúc Ly, Ngọc Lan, Đỗ Vẫn Trọn, Mai Thảo năm 1983 tại Portland

Ô/B Từ Công Phụng, Ô/B Trúc Ly, Ngọc Lan, Đỗ Vẫn Trọn, Mai Thảo năm 1983 tại Portland

Chia sẻ:

Thích Đang tải...

Related

Từ khóa » Tiểu Sử đỗ Vẫn Trọn