Ngôi Biệt Thự... Nhà Mồ - Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Nhìn từ ngoài vào phòng khách thấy ngay ngôi mộ

Một Việt kiều sau khi qua đời đã được người nhà đưa từ Mỹ về Việt Nam và chôn cất ngay tại phòng khách của một ngôi biệt thự. Ngôi biệt thự mộ độc nhất vô nhị này hiện đang tọa lạc tại ấp 9, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành (Bến Tre).

Xây nhà xong phát hiện ung thư

Thời gian gần đây nhiều người dân truyền tai nhau râm ran đồn về một phụ nữ quê ở Bến Tre khi chết đã được gia đình đem chôn cất ngay trong phòng khách của ngôi biệt thự khiến chúng tôi tò mò và tìm về đây để tận mắt xem rõ thực hư.

Vừa phóng xe qua cầu Rạch Miễu, chúng tôi ghé vào bên đường hỏi thăm, một người chạy xe Honda ôm nói vẻ rành rọt: “À, mấy chú hỏi nhà bà cụ tỷ phú xây biệt thự để làm nhà mồ đó hả, ở đây ai mà chẳng biết”. Theo hướng dẫn của người đàn ông này, chúng tôi chạy vòng vào con hẻm nhỏ tìm đến căn biệt thự được xây dựng khang trang, hoành tráng, có thể nói đây là ngôi nhà lớn nhất vùng. Căn biệt thự màu vàng nâu đất còn mới tinh như vừa được khánh thành nhưng không gian vắng lặng không thấy một bóng người. Từ ngoài nhìn vào, tôi nổi da gà khi chứng kiến ngay chính giữa phòng khách của căn biệt thự lù lù một ngôi mộ, thay vì là một bộ bàn ghế salon tiếp khách như thường thấy.

Bấm chuông cổng, một lúc sau thấy một bà cụ có gương mặt  phúc hậu ra đón tiếp. Tên của bà cụ là Đặng Thị Nhạn, 76 tuổi, là mẹ ruột của người phụ nữ nằm dưới nấm mộ kia. Bà Nhạn cho biết người con gái xấu số của bà tên Trần Thị Kim Liên, sinh năm 1960, đã bị bệnh và chết ở Mỹ từ cuối năm 2008. Tôi xin phép bà Nhạn được vào phòng khách để thắp nén hương và tận mắt chứng kiến ngôi mộ có một không hai này, bà cụ đã chấp thuận.

Theo chân bà cụ vòng ra cửa bên hông để lên phòng khách, nhưng tâm trạng tôi bắt đầu thấy hồi hộp. Hiện ra trước mắt tôi, căn phòng khách rộng thênh thang, nền nhà được lót đá hoa cương từ trong ra ngoài, có những tấm rèm cửa và hoa treo trên vách tường khiến cho căn phòng càng đẹp trở nên sang trọng lộng lẫy. Chính giữa phòng khách là một ngôi mộ cũng được trang trí bằng đá hoa cương bóng loáng, phía trước ngôi mộ là bàn thờ cùng di ảnh của người đã khuất. Trên bàn thờ lúc này vẫn còn nghi ngút khói hương, tôi bước tới đốt nén hương cho người nằm dưới mộ. Nhìn trên mặt ngôi mộ được chạm khắc hoa văn rất đẹp tên tuổi của người quá cố là Trần Thị Kim Liên, sinh ngày 28/01/1960, từ trần ngày 10/05/2007.

Đợi gần hết tuần hương, bà Nhạn bắt đầu tâm sự: “Gia đình tui có bốn người con, một gái, ba trai. Liên là người con gái lớn trong gia đình. Sau khi lấy chồng rồi sang định cư ở California (Hoa Kỳ). Cuộc sống ở bên ấy cũng khá ổn định nhờ nghề làm neo (làm móng tay) vì thời đó đang rất chuộng. Ấy vậy mà, chỉ sau ít năm nó bị bệnh rồi đã ra đi”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, gia đình bà Liên cũng có bốn người con gái, con lớn đã lấy chồng, con thứ hai năm nay mới lập gia đình. Sống bên Mỹ nhưng bà Liên không thấy thoải mái, bà có ước nguyện sẽ tích cóp một khoản tiền lớn rồi trở về sống nơi quê cha, đất tổ. “Tội lắm, hai vợ chồng tụi nó chung sức nhau làm, kiếm tiền gởi về đây để xây cất căn nhà này. Nhưng xây chưa xong thì nó đã phát hiện ra mình đang mang một căn bệnh quái ác (bệnh ung thư phổi), bác sĩ bên đó người ta cũng chê rồi!”.

"Xin mẹ chôn con trong nhà" 

Lần đầu trở về Việt Nam, căn biệt thự xây chưa xong càng khiến bà Liên buồn rầu, cứ suốt ngày ra vào thất thần, chạy tìm thầy thuốc nam, thuốc bắc để hòng cơ may khỏi bệnh. Thậm chí có người mách nước, hằng ngày bà Liên phải uống cả máu rắn tốn biết bao nhiêu tiền của nhưng cũng chẳng hết bệnh mà ngày càng nặng thêm. Do biết mình không qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo nên bà Liên đã trăng trối, bày tỏ ý nguyện cùng mẹ già muốn được chôn ngay trong ngôi biệt thự mà mình đã bỏ tiền ra xây ở Việt Nam vì “cả đời chưa bao giờ được sống trong biệt thự, nên nếu nay mai con chết, xin mẹ chôn con ngay trong căn biệt thự này nhé”.

Lần thứ hai khi ở Việt Nam trở về Mỹ thì người con gái bà Nhạn đã không qua khỏi cơn bạo bệnh và mất tại nước Mỹ. Theo di nguyện của bà Liên, gia đình đã quyết định đưa thi hài từ Mỹ trở về Việt Nam chôn cất và để phần mộ của bà Liên ngay trong ngôi căn biệt thự này. “Vì đây là nhà của nó, tiền cũng của nó tạo ra, tôi muốn làm theo ý nguyện của con để nó được vui lòng nơi chín suối”, bà Nhạn rưng rưng.

Ông Trần Tuấn Kha, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thạch cho biết: Căn nhà này được xây dựng hơn hai năm nay, lúc bà Liên mất ở Mỹ, gia đình đưa xác về quê hương để an táng. Dù biết ngôi mộ bà Liên được chôn cất trong nhà, nhưng chính quyền xã không thể can thiệp được vì đó là ý nguyện của người dân. Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ đơn khiếu nại nào về việc ngôi mộ an táng trong nhà làm ô nhiễm môi trường, hay ảnh hưởng đến sức khoẻ của bà con ở khu vực nên cũng không có cơ sở gì xử lý.

Tôi tò mò hỏi: Vậy khi chôn trong nhà thế này có ai ngăn cản, chính quyền địa phương có ý kiến gì không? Bà cụ thản nhiên trả lời, chẳng ai ngăn cản gì, hôm xây dựng người ta còn tới xem đông dữ lắm. Tuy nhiên, theo lời bà Nhạn kể lại thì việc chôn cất không diễn ra bình thường. Tức chỉ đặt áo quan xuống nền nhà rồi xây xi măng, ốp gạch hoa cương kín xung quanh, còn không đào đất, hạ quan xuống lấp, xây như thủ tục chôn cất thông thường.

Quả thật, nếu đúng như lời bà cụ nói thì đây là một dạng chôn nổi. Nghĩa là vị trí của người chết gần như ngang bằng với người sống. Mặc dù không phải là người quá nhát gan, nhưng tôi vẫn có cảm giác rờn rợn khi đứng gần ngôi mộ. Sau khi thắp hương xong, chúng tôi xin phép được chụp vài kiểu ảnh, bà cụ gật đầu đồng ý như chẳng có điều gì phiền hà. Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, hiện bà cụ đang ở cùng với mấy người cháu ngay trong ngôi nhà này. Trước lúc ra về, tôi hỏi thêm: Ở như vậy bà có sợ không, có hay thấy cô con gái Liên về không? Bà Nhạn bảo: “Tui sống vầy quen rồi, không sợ. Nhưng thấy lạ từ ngày nó chết, tôi chưa bao giờ chiêm bao thấy nó về nữa”. “Nếu sau này mất đi, bà có di nguyện được chôn cất luôn trong căn nhà này như cô con gái mình không? Bà Nhạn bảo: “Tui cũng đã có căn nhà mồ ngoài kia rồi, nằm gần ông nhà tui”.

Từ khóa » Ngôi Mộ Chôn Trong Nhà ở Bến Tre