Ngôi Cổ Tự Thờ Trúc Lâm Tam Tổ - Chi Tiết Điểm Tham Quan

Chùa Bảo An được xây dựng từ thời Lê, năm 1710 đã được tu sửa. Văn tự trên bia đá “Hậu Phật bi ký” niên hiệu Cảnh Hưng thứ 46 (1785) cho biết: Năm Canh Dần (1710), nhà sư hưng công xây dựng Tiền đường, Thượng điện, cùng tạo dựng tượng A Di Đà toàn kim lộng lẫy, xây lại Tam quan, Nghi môn tề chỉnh. Năm Bính Thân (1776) sư 70 tuổi nhưng luôn quan tâm tới sự hưng thịnh của bản tự. Năm Ất Tỵ (1785) tháng 3, ngày 15 đạo tràng xây dựng bảo tháp cạnh chùa…

Trải qua hơn ba trăm năm, công trình đã qua nhiều lần sửa chữa, tôn tạo. Và hiện nay cơ bản mang nét kiến trúc thời Nguyễn thế kỷ XIX, một số pho tượng Phật, đồ thờ mang phong cách thời Lê thế kỷ XVIII. Là một trong những ngôi chùa cổ thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, chùa Bảo An thờ Tam Tổ Trúc Lâm: Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang.

Ba pho tượng Tổ Trúc Lâm, chùa Bảo An (hàng trên cùng)

Ba pho tượng Tổ Trúc Lâm, chùa Bảo An (hàng trên cùng)

Sử sách chép rằng, sau khi rời bỏ ngai vàng, vua Trần Nhân Tông lập ra thiền phái Trúc Lâm. Khi đó, Trần Nhân Tông đã chủ trương chuyển đạo Phật về gần dân, với quan niệm “Phật tức Tâm - Tâm tức Phật”. Ngoài những mùa kết hạ, vua Trần Nhân Tông còn về nhiều nơi để truyền đạo và đi vân du hoàng đạo. Cùng với việc khẳng định vị trí vai trò của Thiền phái Trúc Lâm, thời Trần và các giai đoạn sau này trên các đỉnh núi cao thuộc địa phận Bắc Giang đã xuất hiện nhiều ngôi chùa cổ như: Am Vãi, Bình Long, Hồ Bấc, Mã Yên… Chùa Bảo An tuy xuất hiện muộn hơn (thời Lê) nhưng lại là sự tiếp nối liên tục cho sự hưng thịnh và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm ở Bắc Giang.

Là chùa cổ có cảnh đẹp, phía trước chùa, hai ngọn tháp gạch cổ, nơi yên nghỉ của sư tổ được tán lá của hai cây đại cổ thụ tỏa bóng mát. Vườn chùa phủ màu xanh của lá, mùi hương hoa cỏ toả ngát bốn mùa. Nhiều cây cổ thụ trong khuôn viên chùa là minh chứng cho sự tồn tại và phát triển lâu đời của ngôi cổ tự này. Chùa Bảo An hiện có các hạng mục công trình: Toà Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách và 2 ngọn tháp gạch cổ, tất cả toạ lạc trên khuôn viên rộng 10.700m2, quanh chùa được bao bọc bởi tường đá rêu phong cổ kính.

Toà Tiền đường và Phật điện có kết cấu liên hoàn theo kiểu chữ đinh. Tiền đường 5 gian xây bít đốc, kết cấu kiến trúc vì mái gỗ lim, liên kết theo kiểu thượng con chồng, hạ kẻ đón, các cấu kiện chạm khắc hình hoa lá mang phong cách thời Nguyễn thế kỷ XIX. Toà Thượng điện 3 gian, khung liên kết gỗ đã ngả màu thời gian, trong bài trí đầy đủ hệ thống tượng Phật.

Nhà Tổ phía sau toà Tam bảo, đây là nơi bài trí tượng thờ Tam Tổ Trúc Lâm. Cả ba pho tượng được tạo tác đẹp quy chuẩn, tượng Trần Nhân Tông ngồi toạ thiền trên bệ gỗ ở giữa, hai gối mở rộng, tượng được sơn thếp phấn hồng. Tượng Pháp Loa ngồi trợ thủ bên trái, tượng Huyền Quang ngồi bên phải. Ngoài hệ thống tượng Phật đẹp, kiến trúc cổ kính, chùa Bảo An còn lưu giữ được một số đồ thờ và di sản Hán- Nôm đã tồn tại hàng trăm năm như: Lư hương, chuông đồng “Minh Kính tự chung”, bia đá “Hậu Phật bi ký”, tháp cổ….

Hằng năm, hội chùa được tổ chức ngày 18, 19, 20 tháng 3 Âm lịch với nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Cùng với nhiều điểm di tích khác bên sườn Tây Yên Tử ở Bắc Giang, chùa Bảo An sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách gần xa.

Theo baobacgiang.com.vn

Từ khóa » Trúc Lâm Tam Tổ Gồm Những Ai