Ngôi Làng Giao Tiếp Bằng Tiếng Lóng - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

  • Ngôi làng Indonesia cử "thây ma" đi tuần tra chống COVID-19
  • Những ngôi làng “không bé gái” ở Ấn Độ
  • Sởn gai ốc khi bước chân vào “ngôi làng ma quái”

Khách lạ đến đây như lạc vào một vùng đất lạ vì dân làng sử dụng một thứ ngôn ngữ riêng để trao đổi. Nếu không phải là người dân sở tại địa phương thì muốn nghe được phải có người… phiên dịch.

"Ngoại ngữ" của làng

Vừa bước qua cổng ngôi đình làng Đa Chất, ông thủ từ Nguyễn Văn Đoán (sinh năm 1939) cất giọng hỏi chúng tôi: "Mỗ khái, mỗ lõng ngoại?”. Nghe ông Đoán hỏi, tôi đang còn ngơ ngác không hiểu thì ông Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng thôn Đa Chất cười rồi nói lại: "Ông ấy hỏi cậu từ thành phố hay người làng khác đến?”.

Mời tôi vào “bệt cưu” (đình làng) ông Tuyên cho biết tục lệ của làng là thế. Gặp người làng đầu tiên là phải dùng thứ ngôn ngữ này để trao đổi với nhau. Lệ làng quy định tất cả những người sinh ra ở Đa Chất đều phải học thứ tiếng này.

Ngôn ngữ lạ mà người Đa Chất đang dùng này vô cùng phong phú. Thứ tiếng này rất ít vay mượn từ ngữ của nơi khác. Ngoài sự phong phú về vốn từ vựng, thứ ngôn ngữ (nhiều người còn cho là tiếng lóng) này của người Đa Chất rất giàu biểu cảm.

Ngôn ngữ cổ được người làng Đa Chất sử dụng khá thường xuyên khi giao tiếp với nhau.

Trong ý kiến của những người biết và quan tâm đến thứ ngôn ngữ này, có người quả quyết đây là thứ ngôn ngữ thời Văn Lang - Âu Lạc còn lưu giữ lại. Chẳng hạn như để chỉ người bề trên, người quan trọng thì người Đa Chất dùng từ: chóp bu. Từ này ngày nay đã phổ biến với ngôn ngữ phổ thông, chúng ta cũng hay dùng, ví như nhân vật chóp bu…

“Hoặc các phương tiện như xe đạp, ô tô, xe máy nói chung được chúng tôi gọi là “sưỡng mố” hay máy bay thì gọi là “sưỡng thiên”… Cách sử dụng “tiếng lóng” này cũng như nói tiếng Việt bình thường, ghép các từ lại với nhau cũng có chủ - vị ngữ ”, cụ Đoán nói thêm.

Lịch sử làng nghề làm cối tre làng Đa Chất được truyền từ đời này qua đời khác và ngôn ngữ “lạ” của làng cũng vậy. Cuốn "Thần phả" ghi lại cách phát âm được phiên âm của hơn 200 từ "lóng" thông dụng, ông Đoán giải thích rằng "tiếng lóng" được nói theo cách cấu tạo câu tiếng Việt bình thường, ghép các từ lại với nhau cũng có chủ - vị ngữ.

Ví dụ “nhát choáng quá” (cô gái xinh quá) hoặc nói tiếng lóng xen lẫn tiếng Việt. Ví dụ “anh ra tớp cho tôi cái vẫy” (anh ra lấy cho tôi cái quạt). Hay như từ xấn xổ, người Đa Chất dùng để nói đến một hành vi tiến tới dùng sức lực và kể cả bạo lực để làm một cái gì đó mà người khác không muốn hay bị cưỡng ép.

Ngày nay tiếng phổ thông ta cũng dùng từ này để chỉ những hành vi như vậy. Cùng với từ xấn này, người Đa Chất đã ghép nó với các âm khác để hội thoại như: Xấn vụ (đóng cối), xấn đìa (làm ruộng), xấn bệt (làm nhà).

Cổng làng Đa Chất.

Ngay từ “bệt” để chỉ cái nhà thôi cũng rất hay, giàu hình ảnh và có sức liên tưởng. Chúng ta thường dùng từ như đánh bệt, ngồi bệt xuống để chỉ hành động và trạng thái rất thoải mái của con người.

Để chỉ cái đẹp, người Đa Chất dùng từ choáng. Bệt choáng (nhà đẹp), nhát choáng (gái đẹp)… Và nay, người ta vẫn dùng từ này để chỉ những cái đẹp đến sửng sốt như: “Cô ấy trông choáng nhỉ”, “Ông ấy có cái nhà choáng nhỉ”…

Không chỉ hình tượng và tạo sự liên tưởng, hệ số đếm của làng cũng được hình thành với những cách đếm riêng và không phải vay mượn. Nhất (một), nhị (hai), thâm (ba), chớ (bốn), dâu (năm)… mười là lạp. Lái Lạp (hai mươi), thâm lạp (ba mươi)… bích (một trăm), bích rộng (một nghìn)…

Thậm chí một số vật dụng thời hiện đại cũng đã được người dân ở đây chuyển theo ngôn ngữ riêng của mình như: “sưỡn nhật” là đồng hồ, “sưỡn mỗ” (ô tô), “sưỡn trì” (tàu thuỷ), “sưỡn xì thiên” (máy bay).

Nơi còn lại duy nhất ngôn ngữ cổ Văn Lang - Âu Lạc?

Ông Nguyễn Văn Đoán cẩn thận mang ra những cuốn sách trông cũ kĩ và cổ xưa, lật giở từng trang ghi chép lịch sử, tự hào kể cho chúng tôi nghe về những lớp ý nghĩa, cũng như vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt trong thứ ngôn ngữ “có một không hai” này. Ông Đoán còn không quên giới thiệu cho chúng tôi một vài câu nói quen thuộc trong hệ ngôn ngữ cổ của làng: “Con thít đi – Con ăn cơm đi”, “Thít mận? – Uống nước không?”,...

"Thật ra làng còn 4 đến 5 cụ biết hết "tiếng lóng" nhưng do có tuổi nên các cụ không còn minh mẫn nữa”, ông Đoán nói. Ông Đoán là người duy nhất còn giữ cuốn được gọi “Thần phả” của làng, đó chính là cuốn sách ghi lại ngôn ngữ đặc biệt và lịch sử nghề truyền thống đóng cối của nơi này. Cuốn sách có tên “Văn hóa dân gian làng Đa Chất” của tác giả Chu Huy - Nguyễn Dấn.

Ông Nguyễn Văn Đoán (bên phải) kể về ngôn ngữ cổ của làng Đa Chất.

Ông Đoán chia sẻ: “Theo những tài liệu thần phả của làng Đa Chất viết thì đây là nơi thờ Trung Thành Đại Vương, còn gọi là Thổ Lệnh Trường - Tướng chỉ huy thời vua Hùng. Ngài là con thứ 3 của Hào trưởng vùng Hồng Giang (sông Hồng) có tên Đào Công Bột - ông tổ của ngôn ngữ này.

Trong cuộc chiến giữa nhà Thục và vua Hùng, sau khi thắng trận thì về khao quân. Hồi đó, để làm ra hạt gạo tốn nhiều công sức. Thương dân, ngài đau đáu nghĩ cách giúp. Ngài là người đầu tiên phát minh ra cối xay. Nghề làm cối được truyền từ đời này sang đời khác, các thợ làm nghề muốn giữ gìn những bí quyết riêng nên đã sáng tạo ra ngôn ngữ bây giờ.

Hiện nay, giả thiết được coi là phù hợp nhất: Đây là một dòng ngôn ngữ cổ, có thể là ngôn ngữ Văn Lang - Âu Lạc. Hơn thế, người dân ở làng Đa Chất còn truyền tụng một câu nói: “Sinh Bạch Hạc, thác Ba Lương”.

Theo thần phả của làng, đình Đa Chất hay đền Ba Lương chính là nơi thờ tự Trung Thành Đại Vương làm thành hoàng làng. Mà Trung Thành Đại Vương còn được gọi là Thổ Lệnh Trưởng - là Tướng chỉ huy Thuỷ quân thời Vua Hùng.

Ngài là con thứ ba trong một bọc gồm 5 người con của vị Hào trưởng vùng Hồng Giang (sông Hồng) có tên là Đào Công Bột. Câu “Sinh Bạch Hạc” nói về Đào Công Bột còn “Thác Ba Lương” nói về sự hoá của Thổ Lệnh Trưởng con Ngài trong cuộc chiến Hùng - Thục.

Cụ Lê Đình Hiệp (96 tuổi), người nhiều tuổi nhất làng và cũng là người am hiểu về ngôn ngữ riêng biệt này cho biết: “Chỉ có người làng Đa Chất mới sử dụng ngôn ngữ này, những người ngoài làng thì không thể, chỉ khi sống ở đất làng mới có thể thông thạo được ngôn ngữ làng; cứ ra khỏi làng là quên. Các cô gái trong làng đi làm dâu xứ khác cũng chỉ một thời gian là không nói thành thạo được tiếng làng mình nữa”.

Cụ Nguyễn Văn Sớm – cao niên trong làng kể về ngôn ngữ cổ kỳ lạ của làng Đa Chất.

Các cụ bô lão trong làng chia sẻ, lo ngại cho thứ tiếng cổ ấy sẽ bị thất truyền, bởi ngày nay, thế hệ thanh niên, thiếu niên không còn sử dụng ngôn ngữ cổ của làng nữa.

“Đây là một thứ tiếng cổ của làng, nhưng để nói lưu loát được thì chỉ có những người từ 40 tuổi trở lên. Người càng cao tuổi thì nói càng kín và lưu loát. Lớp trẻ hiện nay không còn ai sử dụng ngôn ngữ này nữa, tuy nhiên khi nghe người trong làng nói, họ vẫn hiểu”, cụ bà Lê Thị Nhẫn (87 tuổi) chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Đoán bảo rằng lệ làng khi xưa có quy định rõ ràng rằng, tất cả những người sinh ra ở làng Đa Chất đều phải học thứ ngôn ngữ này. Tuy nhiên, đến nay ngôn ngữ ấy chỉ được truyền miệng từ đời này qua đời khác trong làng. Đó cũng là lý do lý giải cho việc hệ ngôn ngữ cổ ấy ngày càng mai một.

Còn ông Trưởng thôn Đa Chất Nguyễn Văn Tuyên cho hay: “Ngoài tiếng Việt, người làng Đa Chất vẫn lưu giữ được một hệ thống ngôn ngữ riêng từ nhiều đời để lại. Chúng tôi vẫn sử dụng ngôn ngữ đặc biệt này để giao tiếp với nhau hàng ngày.

Tiếng lóng ngày trước chỉ được lưu truyền theo hình thức cha truyền con nối. Nghĩa là những người cùng huyết thống tự dạy nhau. Tuyệt đối không được dạy cho con dâu, con rể. Thế nhưng, để bảo tồn ngôn ngữ cổ của làng, trong thời gian tới địa phương cũng sẽ cố gắng mở các lớp dạy tiếng lóng cho các cháu nhỏ”.

Từ khóa » Cách Nói Lóng