Ngôi Nữ Tỷ Phú Giàu Nhất Châu Á đổi Chủ Sau Cuộc Khủng Hoảng Nhà ...

Bà Yang Huiyan đã không còn là người phụ nữ giàu nhất châu Á khi cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc tác động đến nhiều tập đoàn bất động sản hàng đầu quốc gia, bao gồm cả Country Garden Holdings Co, đơn vị mà bà Yang đang nắm giữ phần lớn cổ phần.

Theo Bloomberg Billionaires Index, tính đến ngày 29/7, nữ tỷ phú Yang Huiyan đã bị vượt qua trên bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg bởi nữ tỷ phú Savitri Jindal của Ấn Độ, người sở hữu khối tài sản ròng trị giá 11,3 tỷ USD nhờ tập đoàn Jindal Group có liên quan đến các ngành công nghiệp bao gồm kim loại và sản xuất điện.

Không chỉ đánh mất ngôi nữ tỷ phú giàu nhất châu Á vào tay bà Savitri Jindal mà Yan Huiyan thậm chí còn mất luôn danh nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc vào tay Fan Hongwei, người cũng sở hữu khối tài sản ròng trị giá 11,3 tỷ USD, tương đương bà Savitri Jindal.

Biến động giá trị tài sản ròng của các nữ tỷ phú hàng đầu châu Á giai đoạn tháng 1 - tháng 7. (Nguồn: Bloomberg Billionares Index).

Đây là một cú trượt dài đối với người từng nắm giữ vị trí nữ tỷ phú giàu nhất châu Á trong thời gian dài. Năm 2005, bà Yang được thừa kế cổ phần của cha mình trong công ty phát triển bất động sản Country Garden, qua đó trở thành một trong những tỷ phú trẻ nhất hành tinh. Trong 5 năm qua, bà là người phụ nữ giàu nhất châu Á, cũng là tấm gương phản ánh tốc độ phát triển nhanh chóng của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc.

Country Garden Holdings là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc xét trên theo doanh số bán hàng. Giá trị cổ phiếu của Country Garden đã giảm hơn một nửa trong năm nay, do lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc phải vật lộn với các vấn đề như giá nhà giảm, nhu cầu người mua suy yếu và cuộc khủng hoảng vỡ nợ đã nhấn chìm một số nhà phát triển lớn nhất kể từ năm ngoái, bao gồm gã khổng lồ China Evergrande.

Chính điều này đã khiến khối tài sản ròng của bà Yang giảm hơn một nửa kể từ đầu năm, xuống còn khoảng 11 tỷ USD. Ngày 27/7, Country Garden thông báo họ sẽ bán cổ phiếu với mức chiết khấu gần 13% để huy động 2,83 tỷ HKD (tương đương 361 triệu USD), so với giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/7.

Một phần trong số tiền thu được từ đợt huy động sẽ được sử dụng để trả nợ các khoản vay từ nước ngoài, theo người đại diện của công ty. Các nhà phân tích tại Capital Economics cho biết trong một báo cáo ngày 27/7: “Việc người mua nhà đe dọa không thanh toán các khoản lãi suất vay thế chấp là một mối đe dọa kép đối với các nhà phát triển bất động sản và thị trường nhà ở Trung Quốc”.

Bà Yang, hiện đã ngoài 40 tuổi, đang sở hữu khoảng 60% cổ phần Country Garden và 43% cổ phần trong đơn vị quản lý dịch vụ của tập đoàn phát triển bất động sản này.  

Trong khi đó, bà Jindal, 72 tuổi, đã trở thành người phụ nữ giàu nhất Ấn Độ và là người giàu thứ 10 tại đất nước có khoảng 1,4 tỷ dân. Bà trở thành chủ tịch của Tập đoàn Jindal ngay sau khi chồng bà, người sáng lập OP Jindal, qua đời trong một vụ tai nạn trực thăng vào năm 2005. Công ty do bà nắm giữ là nhà sản xuất thép lớn thứ ba tại Ấn Độ và cũng hoạt động trong lĩnh vực xi măng, năng lượng và cơ sở hạ tầng.

Giá trị khối tài sản ròng của Jindal đã biến động dữ dội trong những năm gần đây. Thực tế, giá trị khối tài sản ròng của bà từng giảm xuống còn 3,2 tỷ USD vào tháng 4/2020 khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Ấn Độ, sau đó đạt mức cao kỷ lục là 15,6 tỷ USD vào tháng 4/2022 khi cuộc xung đột Nga – Ukraine đã đẩy giá hàng hóa tăng vọt.

Một cái tên đáng chú ý khác là bà Fan Hongwei, 55 tuổi. Bà Fan Hongwei là một doanh nhân kiêm tỷ phú người Trung Quốc. Bà hiện đang giữ chức Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty sợi hóa học Hengli Petrochemical, Phó chủ tịch của công ty mẹ Hengli Group.

Thực tế, giá trị khối tài sản ròng của bà Fan cũng giảm xuống trong năm nay, nhưng bà có một danh mục đầu tư tốt hơn nhiều tỷ phú Trung Quốc khác. Điều này phản ánh sự đa dạng trong đế chế kinh doanh của bà Fan, có nguồn gốc từ một nhà máy dệt thuộc sở hữu nhà nước đã phá sản ở Ngô Giang, thuộc tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc.

Ban đầu là một kế toán, bà Fan thành lập Tập đoàn Hengli vào năm 1994, cùng với chồng là Chen Jianhua, sau đó mở rộng sang lĩnh vực polyester, hóa dầu, lọc dầu và du lịch. Năm ngoái, Tập đoàn Hengli đạt tổng doanh thu khoảng 732,3 tỷ nhân dân tệ (tương đương 109 tỷ USD). Chồng bà Fan, ông Chen Jianhua, sở hữu khối tài sản ròng có trị giá ước tính 6,4 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.

Từ khóa » Tới Cửa Tỷ Phu Nhật Ký