Ngôi Sao Bolywood Khuấy động Thị Trường Thịt Thực Vật ở Ấn Độ

(KTSG Online) -  Ấn Độ từ lâu đã có số lượng lớn người ăn chay vì lý do tôn giáo. Nhưng thị trường các loại thịt thay thế từ thực vật đã thực sự bùng nổ giữa Covid, với làn sóng các ngôi sao Bollywood khuấy động mạng xã hội nhằm quảng bá cho những lợi ích sức khỏe và môi trường của các loại thịt thực vật. Không những thế, các ngôi sao Bollywood cũng là những nhà đầu tư, kinh doanh các sản phẩm mới.

Dịch Covid-19 đã khiến người tiêu dùng Ấn Độ quan tâm các sản phẩm có lợi cho sức khỏe hơn, tạo cú hích đối với các sản phẩm thịt thay thế có nguồn gốc thực vật. Ảnh: Nikkei Asia

Đất nước khổng lồ có 1,4 tỉ dân thuộc các sắc tộc và nguồn gốc tôn giáo khác nhau. Các trường phái thực phẩm chay vì thế cũng đa dạng. Các nhà hàng vì thế thường nói rõ trong thực đơn rằng món ăn này là chay tịnh hay không.

Tăng trưởng ổn định dù giá cao

Khẩu phần ăn chính của người dân Ấn Độ, như bánh mì roti hoặc cơm, vốn giàu carbohydrate. Tình trạng thiếu hụt protein đang phổ biến. Tháng 5-2021, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã công bố một báo cáo gọi Ấn Độ là “thị trường đang phát triển cho các sản phẩm thay thế thịt làm từ thực vật, với dân số ăn chay lớn và nhu cầu thực phẩm lành mạnh lớn hơn”.

“Người Ấn Độ có lịch sử lâu đời trong việc tiêu thụ đậu nành, mít, bơ sữa và đậu để cung cấp protein. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ vì 80% dân số bị thiếu protein và 93% không biết về nhu cầu protein hàng ngày của họ”, báo cáo của USDA viết.

Sanjay Sethi, Giám đốc điều hành của Hiệp hội công nghiệp thực phẩm dựa trên thực vật (PFIA) lưu ý rằng thịt làm từ thực vật có thể giúp đáp ứng nhu cầu ăn thịt ngày càng tăng theo cấp số nhân của Ấn Độ. “Bởi thực phẩm có nguồn gốc thực vật có thể giúp đáp ứng nhu cầu khổng lồ bằng cách làm tăng sản lượng nhưng giảm tiêu thụ tài nguyên, trong khi giải quyết vấn đề an ninh lương thực và tăng gấp đôi thu nhập cho nông dân”, ông Sethi nói.

Theo báo cáo của hãng tư vấn Boston Consulting Group, thị trường toàn cầu các loại đạm thay thế từ thực vật ước đoán đạt giá trị 290 tỉ đô la vào năm 2035. Riêng thị trường Ấn Độ dự báo đạt giá trị 47 triệu đô la trong năm 2026.

Dù giá thành tương đối cao hơn - thường đắt gấp đôi thịt thật và gấp 1,4 lần so với các sản phẩm thịt chế biến, các thương hiệu vẫn báo cáo mức tăng trưởng ổn định. Những người ủng hộ chỉ ra sự phổ biến của thịt thay thế là vì một số lý do: Thứ nhất, để tránh đối xử tàn bạo với động vật. Kế đến, nhiều người mong góp phần vào việc giảm lượng phát thải carbon. Thứ ba, lợi ích sức khỏe vì thịt làm từ thực vật có dư lượng kháng sinh thấp hơn hoặc hoàn toàn không.

"Tôi thích các sản phẩm có nguồn gốc thực vật vì tư tưởng thuần chay của tôi là giảm thiểu sự đau khổ của động vật, giảm thiểu tác động đến môi trường của chúng ta và cũng để có một chế độ ăn uống lành mạnh hơn”, một thanh niên Ấn Độ ở tuổi 30 nói. Anh nói rằng anh sử dụng sữa và bơ thuần chay, thỉnh thoảng ăn thịt thực vật vo viên đông lạnh.

Ngay cả thị trường thuần chay – tức chế độ ăn nghiêm ngặt hoàn toàn không có bất kỳ sản phẩm động vật nào – được dự báo sẽ tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm trong thời gian tới. Các sản phẩm thay thế thịt là một phần quan trọng của xu hướng này.

"Người tiêu dùng rất dễ tiếp nhận các sản phẩm thay thế thịt có nguồn gốc từ thực vật. Giữa dịch Covid-19, các sản phẩm này đã trở nên phổ biến bởi được xem là các sản phẩm tăng cường khả năng miễn dịch", tổ chức cung cấp dữ liệu India Brand Equity Foundation đánh giá.

Ngôi sao bóng gậy Virat Kohli và diễn viên Bollywood Anushka Sharma là những người cổ vũ nhiệt thành, cũng là nhà đầu tư kinh doanh các sản phẩm thịt nhân tạo có nguồn gốc thực vật. Ảnh: Shutterstock

Sao Bollywood nhập cuộc

Các ngôi sao điện ảnh Bollywood có nhiều ảnh hưởng trong việc quảng bá sản phẩm ở thị trường khổng lồ này. Thị trường thịt thay thế đang phát triển với sự quảng bá nhiệt thành của các nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội và những người nổi tiếng.

Nữ diễn viên nổi tiếng Anushka Sharma và chồng cô là ngôi sao cricket Virat Kohli đã công bố khoản đầu tư vào startup về thịt có nguồn gốc từ thực vật Blue Tribe Foods hồi tháng 2. Họ cũng là đại sứ thương hiệu cho công ty khởi nghiệp này.

Imagine Meats, startup do cặp đôi quyền lực Riteish Deshmukh và Genelia của Bollywood thành lập, thông báo rằng đang hợp tác với Tata Group của Ấn Độ để bán các sản phẩm thịt làm từ thực vật thông qua chuỗi cà phê Tata Starbucks. Giám đốc kinh doanh Sohil Wazir của Blue Tribe phát biểu: “Chúng tôi nhận thấy phản hồi tốt từ thị trường kể từ khi chúng tôi bắt đầu cách đây khoảng một năm rưỡi. Lĩnh vực này vẫn còn non trẻ, nhưng chúng tôi nhận ra nhu cầu từ nhóm khách hàng tuổi từ 21 – 44, chủ yếu ở các thành phố lớn. Các chuỗi khách sạn cao cấp và cửa hàng thực phẩm dành cho người sành ăn là những kênh hàng đầu đối với chúng tôi hiện nay ”.

Ngôi sao tăng trưởng mới

Bên cạnh các startup, theo Nikkei Asia, nhiều công ty lâu năm hơn đã có những thành công ban đầu khi đưa “thịt giả” vào các dòng sản phẩm chính của doanh nghiệp. Ahimsa Foods, được thành lập vào năm 2008 bởi nhà hoạt động vì phúc lợi động vật Yasmin Ahmad Jadwani, hiện cung cấp các sản phẩm có nguồn gốc thực vật với thương hiệu “Veggie Champ” trong năm 2020. Hoặc như Evo Foods có trụ sở tại Mumbai đã giới thiệu món trứng thuần chay làm từ đậu gà, đậu xanh và đậu Hà Lan hồi đầu năm nay.

Hãng GoodDot Enterprises có trụ sở tại Udaipur, chuyên cung cấp các món cuốn, bánh mì kebab và suất ăn. Kể từ năm 2017, GoodDot ghi nhận mức tăng trưởng ổn định đối với các sản phẩm thịt thực vật của hãng. “Từ việc bán các sản phẩm của chúng tôi ở thị trường nội địa, bao phủ từ các thị trấn nhỏ và làng mạc, chúng tôi nhận ra rằng nhu cầu tiềm ẩn về thịt thực vật là rất cao ở Ấn Độ. Chúng tôi đã tăng trưởng gần 100% mỗi năm”, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Abhishek Sinha của GoodDot cho biết.

Trên thực tế, Good Food Institute (GFI), một tổ chức phi lợi nhuận chuyên phát triển hệ sinh thái xung quanh protein thông minh trên toàn thế giới, đã làm việc với khoảng 50 startup tại Ấn Độ để tạo nên các loại đạm thay thế cho thịt, trứng và sữa có nguồn gốc động vật thông qua chi nhánh GFI India. CEO Varun Deshpande cho biết họ có tới 80 công ty hỗ trợ với các chuyên gia nghiên cứu và phát triển (R&D), tư vấn kỹ thuật, nhà cung cấp nguyên liệu, nhà sản xuất thiết bị đến cố vấn cấp phép và quy định.

Vị CEO gọi ngành công nghiệp thực phẩm dựa trên thực vật là “mặt trời mới mọc ở Ấn Độ” đang có phát triển ổn định. “Có thể nói năm 2021 là năm đột phá của protein thông minh ở Ấn Độ, với một số công ty khởi nghiệp ra đời, gọi được vốn lớn và và đưa các sản phẩm sáng tạo ra thị trường”, Deshpande nói với South China Morning Post.

Các tập đoàn thực phẩm đa quốc gia cũng để mắt đến tiềm năng tiêu dùng ở Ấn Độ và nỗ lực “xí phần”, chẳng hạn như Tyson Foods, Nestle và Unilever. Trên thực tế, chuỗi Domino’s Pizza đã tung ra “Unthinkable Pizza” trong năm 2020. Loại bánh pizza có thịt gà “giả” làm từ thực vật.

Các công ty Nhật Bản cũng đang nhắm đến Ấn Độ. Hãng Next Meats có trụ sở tại Tokyo sẽ bắt đầu bán các sản phẩm mang thương hiệu Next Yakiniku tại Ấn Độ vào mùa hè này. “Ấn Độ là thị trường tiêu thụ lớn nhất”, Chủ tịch Ryo Shirai của Next Meats nói. Công ty này đang phát triển các sản phẩm mới cho thị trường khổng lồ ở Nam Á.

Từ khóa » Good 19 ở ấn độ