Ngôi Trường đầu Tiên đóng Cửa Cách Ly Vì Covid-19 - Báo Nhân Dân

Báo Nhân DânBáo Nhân Dân TwitterFacebook

Cô Lê Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Phương, Hà Nội

Cô Lê Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Phương, Hà Nội

Vào tháng 1, Trường tiểu học Xuân Phương, Hà Nội là trường đầu tiên phải đóng cửa, trở thành điểm cách ly của 80 thầy trò khi có một học sinh lớp 3 mắc Covid-19. Trường đã vượt qua được khó khăn của một đợt dịch đầy thử thách để chào đón học sinh quay lại, nhưng không ngờ chỉ hai tháng sau đó, một lần nữa lại phải đóng cửa để học, thi, bế giảng trực tuyến, và giờ đây đang chuẩn bị cho một lễ khai giảng trực tuyến.

1. Tám tháng trước, thầy trò chúng tôi bước vào một trận chiến vô cùng căng thẳng. Một học sinh có phụ huynh mắc Covid-19, nhà trường bật báo động đỏ. Tối 30/1/2021, như một dự cảm về khó khăn trước mắt, tôi thu xếp vài đồ dùng cá nhân nói với chồng “Em phải vào trường xử lý các công việc và làm báo cáo, chắc không về ngay được”. Thế rồi cuối cùng, chuyến đi đó của tôi kéo dài tới 21 ngày.

Tối 31/1/2021, một học sinh lớp 3E trở thành F0. Vậy là Covid-19 đã chính thức tấn công vào trường, 14 giáo viên thành F1 và có khoảng gần 70 người liên quan. Covid-19 trở thành nguy cơ sát sườn.

Ngay lập tức, tôi yêu cầu các giáo viên liên lạc với hơn 1.200 phụ huynh, đề nghị không ra khỏi nơi cư trú. Phía trong nhà trường, một chiến dịch xét nghiệm diễn ra cấp tốc để nhanh chóng phân loại các nhóm nguy cơ.

Đêm ngày 31/1/2021, chúng tôi chính thức đón các em vào cách ly tập trung. “Các con ban đầu vô cùng háo hức vì tưởng được đi dã ngoại. Nhưng khi biết đến đây không phải để chơi, các con ngơ ngác và khóc”. Các cô thương các con đứt ruột. Nhưng lòng các cô cũng ngổn ngang không kém khi dịch Covid-19 lúc bấy giờ còn quá mới mẻ trong suy nghĩ. Nửa đêm, chúng tôi bắt đầu dọn lớp học để trở thành một ngôi nhà nhỏ cho các em, cố gắng đáp ứng đầy đủ nhất có thể về cơ sở vật chất.

Hà Nội cuối đông chớm xuân, cái giá ban đêm thấu xương. 2 giờ sáng ngày 1/2/2021, các con được lấy mẫu xét nghiệm. Khoảng 12 bạn không có bố mẹ đi cùng nên có phần hoảng loạn. Tôi phân công các cô giáo chăm nom sát sao để tạo tâm lý yên tâm cho các con. 4 giờ sáng, việc lấy mẫu kết thúc. Cả trường có một đêm gần như thức trắng vì ai cũng lo, nếu có thêm một cháu nào thành F0 thì nguy cơ dịch lan rộng toàn trường hiển hiện.

Phải tới cuối chiều ngày 1/2/2021 khi toàn trường được xét nghiệm và âm tính, chúng tôi mới trút đi phần nào gánh nặng. Giờ phải tập trung lo cho khoảng 80 cháu và phụ huynh học sinh tại trường là nhiệm vụ quan trọng nhất. Tất cả mọi người nhìn nhau trấn an “Cố gắng 21 ngày nhé. Mùng 3 Tết (ngày 14/2/2021) chúng ta sẽ được về nhà”.

Chỉ thương những đứa trẻ vốn hiếu động, nói chuyện, cười đùa nay bị hạn chế giao tiếp, chỉ được đọc truyện, vẽ tranh… May mắn là mọi nguồn ủng hộ thực phẩm, sách vở khá đầy đủ để các cô giúp con quên đi cảm giác mình phải cách ly gia đình.

Gần 10 ngày sau, các phụ huynh mừng rỡ khi biết tin thời gian cách ly rút xuống 14 ngày. Nhưng thật ngạc nhiên, có không ít bác phụ huynh có tiêu chuẩn được về nhưng họ quyết xin ở lại: “Nếu có về sớm, ở nhà cũng căng biển cách ly y tế, đón Tết còn buồn hơn. Đón Tết năm nay không vui nhưng nếu khỏe mạnh thì năm sau sẽ đón vui hơn”.

Một nửa ở lại đón Tết ở trường – một cái Tết thật đặc biệt và chẳng ai có mong ước gì hơn ngoài sức khỏe và bình an.

Tháng 3, sau khi được trở lại trường vào học kỳ mới, chúng tôi đã tổ chức ngày hội tựu trường vô cùng đặc biệt, to hơn bất kỳ ngày lễ khai giảng nào. Chúng tôi tay bắt mặt mừng nói với nhau, may mắn lúc em học sinh tại trường nhiễm Covid-19 là biến thể cũ, nếu là biến thể Delta thì sự việc có thể sẽ đi rất xa.

2. Trường bước vào học tập với một khí thế mới, thầy trò tăng tốc để bù đắp phần kiến thức phải học online một tháng sau tết. Năm học cứ thế trôi đi, cho tới ngày 2/5, trường lại có lệnh đóng cửa vì dịch Covid-19 xâm nhập Hà Nội.

Trường lại bước vào cuộc học trực tuyến trường kỳ lần thứ 2 tới cuối tháng 5. Dịch dai dẳng, không tổ chức thi được, các con nghỉ hè sớm, nhưng đó là kỳ nghỉ hè không vui và trọn vẹn. Cô vất vả giao bài, trò cũng không dám mải chơi.

Ai cũng nghĩ, có lẽ đây là kỳ học, kỳ thi trực tuyến vất vả nhất. Nhưng không phải… Năm học 2021-2022 mới đầy rẫy thách thức. Ổn định tâm lý là một việc khó khăn nhất lúc này.

Việc dạy học trực tuyến không còn là phương án tạm thời, đối phó như trước, chắc chắn sẽ phải có những đổi mới.

Nhiều cô giáo tại trường tuổi đời cũng không còn trẻ nhưng không có cách nào khác, tất cả đều phải tự học, tự đào tạo, cập nhật kiến thức mới, sách giáo khoa mới, mày mò tìm hiểu các phần mềm mới.

Dù trường mới đi vào hoạt động 4 năm nhưng tôi thấy mình may mắn vì có những cộng sự tận tâm và cộng hưởng tinh thần dạy và học rất tốt.

Ngay khi chia các nhóm soạn tài liệu, các tổ chuyên môn bắt tay ngay vào soạn giáo án online cho từng môn để giúp các em nắm kiến thức cơ bản. Một nhóm chuyên soạn các trò chơi online… để tạo động lực, sự hưng phấn trong quá trình học tập cho các em.

Riêng với khối lớp 1, tôi biết các cô giáo nhận lớp cũng khá quan ngại vì chưa được nhận mặt các con, phải dạy trong tình thế trực tuyến sẽ không thể sát sao việc nắm bắt được tâm lý, khả năng theo lớp của con.

Các cô vô cùng áp lực nếu giữ được sự nghiêm nghị vốn có trên lớp để rèn nề nếp cho các con. Nhưng nếu không rắn về phương pháp, các con sẽ không thể có được ý thức tuân thủ nội quy học tập.

Làm sao dung hòa trong tình thế khó đó, cũng là cả một bài toán. Xen kẽ các tiết học, mỗi lớp sẽ có những sáng tạo riêng trong việc có thêm những trò chơi, hoạt động vận động cho các con tăng cường sự tương tác.

Tôi cố gắng tạo tâm lý thoải mái nhất cho các cô để dạy học trực tuyến, tôn trọng phương pháp kỷ luật của các cô nhưng cũng mong sự thấu hiểu của các gia đình.

Khi việc tương tác với các con hạn chế, nhà trường yêu cầu các cô cố gắng tranh thủ thời gian trao đổi với từng phụ huynh để nắm bắt tâm lý các con.

Giáo dục trực tuyến, nếu không có sự đồng hành từ hai phía thì mọi công sức sẽ bị trôi tuột.

3. Năm nay, các con sẽ bước vào năm học mới với lễ khai giảng đặc biệt – khai giảng online trên toàn thành phố do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Chúng tôi đang gấp rút bàn giao sách giáo khoa, dụng cụ học tập cho các khối lớp để các con kịp học tập vào ngày 5/9.

Đã từng có 2 năm dạy học online, không còn bỡ ngỡ nhưng khai giảng online và đón chào các con từ mầm non lên, chúng tôi phải lên một kế hoạch rất chi tiết. Chuẩn bị kế hoạch học tập trực tuyến tạo hứng khởi cho các em là tiêu chí chúng tôi đặt ra và đương nhiên, sẽ phải có những điểm rất riêng mang tên “Tiểu học Xuân Phương”.

Với tinh thần không ngừng học hỏi, chúng tôi cũng đã tham khảo kinh nghiệm một trường tiểu học tư thục trên địa bàn đã triển khai kế hoạch đầu năm rất hiệu quả.

Mặc dù điều kiện của trường chúng tôi còn nhiều khó khăn, nhiều phụ huynh không có khả năng dành riêng cho các thiết bị học tập như máy tính, máy tính bảng nhưng chúng tôi đặt ra quyết tâm cố gắng áp dụng 60-70% những kinh nghiệm của họ.

Nắm bắt tâm tư các phụ huynh, biết nhiều gia đình không có điều kiện có thiết bị cho con học, chúng tôi chỉ đạo giáo viên trong trường, ai có điều kiện cho gia đình các con mượn, quyết tâm cao nhất là không để các con bị đứt gãy trong học tập.

Bằng chiến lược giúp các em nhỏ và phụ huynh làm quen dần với môi trường học tập, các cô được tập huấn để tiến hành 3 buổi gặp mặt phụ huynh online.

Từ việc làm quen với từng con trong lớp, đến tiếp cận phụ huynh để phối hợp đồng hành trong học tập, cho tới chia sẻ nội quy, chương trình học được thiết kế bài bản.

Lộ trình trong 15 ngày, cô và trò khối 1 phải làm quen các thao tác học trực tuyến để các con có được sự sẵn sàng cho năm học mới.

Việc dạy học online là một tình thế cực chẳng đã, nhưng các cô vẫn đang nỗ lực truyền cảm hứng học tập cho các con. Nhiều cô ở trường cũng rất sáng tạo và hồ hởi khoe với tôi các con tiếp thu kiến thức khá ổn.

Một năm học mới xác định sẽ phải học trực tuyến dài hơi với đầy những thách thức nhưng sự đoàn kết, đồng lòng chúng tôi có được, sẽ là sức mạnh để những người chở đò tri thức như chúng tôi tiếp tục đưa những chuyến đò qua sông một cách thuận buồm, xuôi gió.

Tổ chức thực hiện: VIỆT ANHThực hiện: THIÊN LAM - MINH DUYTrình bày: BÔNG MAIHình minh họa: Thiết kế dựa trên chất liệu của Freepik

Trở về nhandan.vn TopShorthand logoBuilt with Shorthand

Từ khóa » Các Em Lớp 3 đi Cách Ly