Ngôn Ngữ Thơ Thanh Thảo Trong Tapạ Khối Vuông Rubic | Xemtailieu

logo xemtailieu Xemtailieu Tải về Ngôn ngữ thơ thanh thảo trong tapạ khối vuông rubic
  • doc
  • 107 trang
MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 1.1. Nghiên cứu ngôn ngữ nghệ thuật nói chung, ngôn ngữ thơ ca nói riêng là một trong những hướng nghiên cứu ngôn ngữ trong hoạt động – một lĩnh vực hoạt động đặc thù: hoạt động nghệ thuật. Việc nghiên cứu ngôn ngữ thơ ca, trong đó có việc tìm hiểu đặc điểm ngôn ngữ tác giả là một trong những hướng đi cần thiết của việc nghiên cứu ngôn ngữ với tư cách là phương tiện của nghệ thuật. Trong nền thơ ca Việt Nam đương đại, Thanh Thảo được biết đến như một nhà thơ có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách tân thơ Việt. Bằng những cách tổ chức ngôn từ đầy sáng tạo, Thanh Thảo đã thực sự tạo nên dấu ấn phong cách nghệ thuật của mình trên thi đàn. Được nhà xuất bản Tác phẩm mới ấn hành năm 1985, tập thơ Khối vuông rubic được coi là tập thơ ghi lại rõ nhất dấu ấn phong cách nghệ thuật của Thanh Thảo trên phương diện ngôn ngữ. Tuy nhiên, từ trước đến nay, vấn đề ngôn ngữ thơ Thanh Thảo nói chung và đặc biệt là ngôn ngữ trong tập thơ Khối vuông rubic nói riêng chưa được quan tâm nghiên cứu. Đó chính là một trong những lí do cơ bản của việc lựa chọn đề tài này. 1.2. Từ sau 1975, văn học Việt Nam nói chung, thơ Việt nói riêng có sự vận động và phát triển mạnh mẽ. Sự vận động ấy trước hết được đánh dấu bằng sự thay đổi tư duy nghệ thuật của người cầm bút. Sau nữa, nó thể hiện qua việc thay đổi của hình thức nghệ thuật, trong đó có ngôn ngữ. Thơ Thanh Thảo cũng không nằm ngoài quy luật vận động ấy. Tìm hiểu ngôn ngữ của tập thơ Khối vuông rubic trong tương quan với các tập thơ khác của Thanh Thảo, chúng tôi mong muốn có một cái nhìn toàn diện hơn về quá trình vận động của thơ Thanh Thảo. Đồng thời, qua đó có thể nhìn nhận thấu đáo hơn về sự vận động của thơ Việt Nam đương đại. 1.3. Trong những năm gần đây, tác phẩm của Thanh Thảo đã được lựa chọn và đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông. Tìm hiểu những đặc sắc nghệ 1 thuật của Khối vuông rubic, chúng tôi hi vọng sẽ góp thêm một cách nhìn về thơ Thanh Thảo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảng dạy thơ Thanh Thảo trong nhà trường. 2. Lịch sử vấn đề Thanh Thảo tên thật là Hồ Thành Công, sinh năm 1946 ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Cùng với Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, …, Thanh Thảo là nhà thơ tiêu biểu cho thế hệ những nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Ngay trong những tập thơ đầu tiên, Thanh Thảo đã sớm tìm cho mình một hướng đi riêng, một giọng thơ riêng cũng như khẳng định một phong cách nghệ thuật riêng. Và cho đến nay, Thanh Thảo vẫn không ngừng cách tân thơ với những hình thức tổ chức ngôn từ vô cùng phóng túng, linh hoạt. Và chính vì vậy, thơ Thanh Thảo nói chung, tập thơ Khối vuông rubic nói riêng đã nhận được không ít sự quan tâm của độc giả và các nhà nghiên cứu phê bình văn học. Qua bao quát tài liệu, chúng tôi thấy, thơ Thanh Thảo được nghiên cứu trên nhiều phương diện: những chủ đề tư tưởng nổi bật, quan niệm nghệ thuật của Thanh Thảo, những đặc sắc về phương diện nội dung, những nét cách tân trong hình thức thể hiện, trong đó có ngôn ngữ. Ngay khi tập thơ Dấu chân qua trảng cỏ vừa xuất hiện, chân dung nghệ thuật thơ Thanh Thảo đã được phác họa trong nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Tiêu biểu là các bài viết Thanh Thảo – thơ và trường ca của tác giả Thiếu Mai (tạp chí Văn học, số 2, năm 1980), “Thanh Thảo – một gương mặt tiêu biểu trong thơ từ sau 1975” của tác giả Bích Thu (tạp chí Văn học, số 5 + 6, 1985), “Một tiếng thơ quý” của Phong Lan (Văn nghệ quân đội, số 8, 1980), “Chất trẻ trong thơ chống Mĩ” của Nguyễn Trọng Tạo (Văn chương và cảm luận, NXB Văn hóa thông tin, 1998). Thiếu Mai trong bài viết Thơ và trường ca đã nhận định: “thơ Thanh Thảo có khả năng gọi dậy những suy nghĩ của người đọc, bởi vì thơ ấy là thơ của một tâm hồn giàu suy tưởng, giàu trí tuệ”; “thơ Thanh Thảo có chiều sâu. 2 Có lẽ ai đã đọc thơ anh đều chấp nhận ý kiến đó. Có nhiều nguyên nhân, nhưng phải chăng một nguyên nhân khá quan trọng là ở chỗ bao giờ anh cũng muốn vượt qua những hiện tượng bên ngoài, để tìn đến cái bản chất đích thực, cái lõi của sự vật” [dẫn theo 25, tr.6]. Nguyễn Trọng Tạo nhân đọc lại thơ Phạm Tiến Duật, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh cũng nhấn mạnh đến “điệu thơ thâm trầm” và “cái hay ở toàn bài” của trường ca Thanh Thảo, đồng thời, đưa ra một so sánh khá độc đáo về thơ Thanh Thảo. Tác giả cho rằng: “thơ Thanh Thảo giống như giọt cồn ở nồng độ cao” [dẫn theo 25, tr.7], bề ngoài thì lạnh mà bên trong thì nóng bỏng. Bên cạnh những nhận xét mang tính khái quát về chân dung nghệ thuật, thơ Thanh Thảo còn được các nhà nghiên cứu phê bình nhìn nhận ở các phương diện khác. Ở phương diện quan niệm nghệ thuật của Thanh Thảo, có thể kể đến những bài viết, công trình của các tác giả Vũ Quần Phương (“Thơ hôm nay”, tạp chí Văn nghệ quân đội, số 6, 1982), Nguyễn Văn Long (Văn học Việt Nam trong thời đại mới, Nxb Giáo dục, 2003), Trần Đăng Suyền (“Thế hệ các nhà thơ trẻ thời kì chống Mĩ”, Lịch sử văn học Việt Nam, tập 3, Nxb Đại học sư phạm, 2002). Trong những bài viết và công trình này, mặc dù đứng ở những góc độ khác nhau nhưng hầu hết, các tác giả đều khẳng định: Bài ca ống cóng là tuyên ngôn của Thanh Thảo và cũng chính là tuyên ngôn của một lớp nhà thơ trẻ bấy giờ. “Khi Thanh Thảo viết Bài ca ống cóng cũng chính là lúc thơ của lớp trẻ phát hiện ra mình” [dẫn theo 24, tr.7]. Gần đây nhất, tác giả Đặng Thị Hương Lý trong công trình Tìm hiểu quan niệm nghệ thuật của Thanh Thảo (luận văn thạc sĩ Ngữ Văn, ĐHSP Hà Nội, 2006) cũng đã đi sâu nghiên cứu quan niệm nghệ thuật của Thanh Thảo về bản chất thơ, hình thức thơ, nhà thơ và công việc làm thơ. Qua đó, tác giả khẳng định: “Quan niệm nghệ thuật của Thanh Thảo được biểu hiện sinh động và nhất quán trong sáng tác của ông. Nó cũng cho thấy quá trình vận động, đổi mới của thơ Việt Nam từ sau 1975 trên nhiều phương diện” [25, tr.26-27]. 3 Ở phương diện nội dung, một số bài viết của các nhà phê bình, nghiên cứu đã tập trung vào việc khẳng định chiều sâu của thơ Thanh Thảo khi nói về thế hệ những người lính trong chiến trường, về nhân dân, Tổ quốc. Tiêu biểu là các bài viết: “Suy nghĩ về tính nhân dân trong Những ngọn sóng mặt trời của Thanh Thảo (Sử Hồng, Trần Đăng Suyền, Báo văn nghệ, tháng 6, 1983), “Dấu chân người lính trẻ trong thơ Thanh Thảo” (Lại Nguyên Ân, Văn nghệ Nghĩa Bình, 1980), tập tiểu luận phê bình Những vẻ đẹp thơ của Nguyễn Đức Quyền (Nxb Nghĩa Bình, 1980). Trong những vẻ đẹp thơ, Nguyễn Đức Quyền nhận định: “Thơ chống Mĩ đến Thanh Thảo đã lắng vào chiều sâu. Cái xô bồ của chiến tranh, cái tàn bạo của giặc mĩ, cái gian khổ của người lính được Thanh Thảo nhìn với cái nhìn trầm tĩnh lạ thường” [dẫn theo 25, tr.5]. Suy nghĩ về người lính trong thơ Thanh Thảo, Lại Nguyên Ân cũng có ý kiến tương tự: “có thể nói, Thanh Thảo đã tìm được nhiều cung bậc, nhiều sắc thái để tô đậm nét vô danh, bình thường của người lính cùng thế hệ” [dẫn theo 25, tr.6]. Bên cạnh những bài viết và công trình của các nhà nghiên cứu, còn có một số công trình luận văn, khóa luận tốt nghiệp của sinh viên, học viên cao học cũng đã tìm hiểu về nội dung này như Một số trường ca tiêu biểu về cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước (Nguyễn Thị Thu Hương, Luận văn thạc sĩ Ngữ Văn, ĐHSP Hà Nội, 2002), Hình tượng nhân dân và người chiến sĩ trong thơ Thanh Thảo (, Đặng Thị Thúy Nga, Luận văn thạc sĩ Ngữ Văn, ĐHSP Hà Nội, 2005). Ở phương diện hình thức nghệ thuật, thơ Thanh Thảo nói chung, tập thơ Khối vuông rubic nói riêng cũng nhận được khá nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu phê bình như các tác giả Bích Thu (“Thanh Thảo, một gương mặt tiêu biểu trong thơ từ sau 1975”, tạp chí Văn học, số 5 +6, 1985), Lê Lưu Oanh (Thơ trữ tình Việt Nam 1975 – 1990, Nxb, Nxb ĐHQG Hà Nội), Chu Văn Sơn (“Trường hợp Thanh Thảo”, Văn học Việt Nam sau 1975, những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb ĐHSP Hà Nội), Phan Huy Dũng (“Đàn ghita của Lorca của Thanh Thảo dưới 4 góc nhìn liên văn bản, Văn học Việt Nam trong nhà trường – một góc nhìn, một cách đọc, Nxb Giáo dục, 2009)…. Mặc dù cùng xem xét những nét độc đáo trong hình thức nghệ thuật của thơ Thanh Thảo nhưng trong từng bài viết, mỗi tác giả lại chú ý đến một khía cạnh riêng. Tác giả Lại Nguyên Ân chú ý tới phương diện hình thức thể thơ và đặc biệt quan tâm đến thể trường ca của Thanh Thảo. Chu Văn Sơn sau khi đã đi sâu khám phá những quan niệm đã sinh thành ra thế giới nghệ thuật thơ Thanh Thảo cũng khẳng định: “như một nghệ sĩ chân chính, ngay từ những bước đầu tiên trên thi đàn, Thanh Thảo đã là ngòi bút ham cách tân” [22, tr.415]. Nét cách tân đầu tiên của Thanh Thảo là khi thơ chống Mĩ đang “mạnh về thứ tâm tình ở bên trên”, “thứ nội tâm giản đơn được chuyển động bởi một chủ nghĩa lạc quan ít nhiều dễ dãi, rập khuôn, nhiều giáo điều, hô hào, ca tụng” [22, tr.416] thì Thanh Thảo đã đem đến một tiếng thơ đầy những bận tâm, toàn những chuyện day dứt nhân bản sâu kín về chuyện được – mất, sống – chết, vinh – nhục, họa – phúc, chung – riêng, cá nhân – cộng đồng, gia đình – tổ quốc,…, toàn những trải nghiệm rớm máu và kiên tâm” [22, tr.416]. Tuy nhiên, theo Chu Văn Sơn, “hướng cách tân đó chưa phải là điều đáng nói của Thanh Thảo. Thanh Thảo được xem là tay cách tân chủ yếu ở chuyện khác: chuyện hình thức” [22, tr.416]. Lê Lưu Oanh trong Thơ trữ tình Việt Nam 1975 – 1990 khi xem xét sự vận động của cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam hiện đại cũng có những nhận định tương đối toàn diện về tập thơ Khối vuông rubic. Tác giả khẳng định: “Khối vuông rubic là một sự chuyển giọng, chuyển cách nhìn vốn có mầm mống từ thơ viết trước 1975 khi anh vẽ chân dung thế hệ mình với cái nhìn gai góc, lí lẽ nhiều khi phức tạp. Anh nhận thấy sự đổi giọng của chính mình, từ những lời thơ chiến tranh rất đỗi mượt mà êm ái… đến những câu thơ trần trụi đầy suy nghĩ và lí sự, tỉnh táo và rạch ròi” [30, tr.148 – 149]; “chuyển cách nói uyển chuyển nhuần nhị sang thơ văn xuôi (có lúc chẳng ra thơ), Thanh Thảo đã thể nghiệm khả năng lí sự, biện luận, 5 tranh cãi, tăng phần trí tuệ, cố gắng hạ nhiệt độ cảm xúc để đưa cái tỉnh táo của lí trí lên cao” [29, tr.149]. Đó là về giọng thơ và thể loại, còn về câu thơ, tác giả nhận xét: “câu thơ của Thanh Thảo mang nhiều định nghĩa, nhiều tuyên bố: Thời chiến tranh là thời quá ít nhu cầu và quá nhiều khát vọng; thế hệ chúng tôi không thể sống bằng kỉ niệm, không dựa dẫm những hào quang có sẵn. Nhiều khi lí sự với các lập luận: làm sao… nói cho cùng; coi chừng… nghĩa là; nói vậy… có lẽ, vậy mà… nhưng, phải nói, có lẽ, như thế, thì ra.... Nhiều đối thoại, đặc biệt đối thoại với các giọng khác nhau trong ý thức mình…”.[30, tr.148]. Không đi sâu vào việc đánh giá thơ Thanh Thảo nói chung và tập thơ Khối vuông rubic nói riêng nhưng tác giả Phan Huy Dũng đã dành một sự quan tâm đặc biệt cho bài thơ Đàn gita của Lorca – bài thơ tiêu biểu trong Khối vuông rubic đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông. Trong bài viết “Đàn ghita của Lorca của Thanh Thảo dưới góc nhìn liên văn bản”, tác giả viết: “đọc Đàn ghita của Lorca, có thể thấy, mỗi từ, mỗi chi tiết, mỗi hình ảnh và hình tượng trung tâm trong đó đều là đầu mỗi của một quan hệ giao tiếp rộng lớn, mà nếu thiếu tri thức về các văn bản (hiểu theo nghĩa rộng) có trước đó thì độc giả không thể cảm nhận được, hiểu được ý nghĩa của chúng” [6, tr.207]. Bên cạnh những bài viết của các nhà nghiên cứu, phê bình về những đặc sắc trong hình thức thể hiện của thơ Thanh Thảo nói chung và tập thơ Khối vuông rubic nói riêng, còn có một số công trình khóa luận và luận văn của sinh viên, học viên cao học đề cập về vấn đề này. Trong công trình luận văn Tìm hiểu quan niệm nghệ thuật của Thanh Thảo, tác giả Đặng Thị Hương Lý đã khái quát quan niệm của Thanh Thảo về ngôn ngữ, hình ảnh và nhịp điệu thơ, qua đó, tác giả khẳng định “ngôn ngữ thơ Thanh Thảo là ngôn ngữ giàu tính khẩu ngữ, gần với văn xuôi” [25, tr.68]. Đặc biệt, trong công trình Đặc điểm ngôn ngữ thơ Thanh Thảo (Luận văn thạc sĩ Ngữ Văn, ĐH Vinh, 2008), tác giả Lê Thị Ngân đã có những nhận xét tương đối khái quát về đặc điểm ngôn ngữ thơ Thanh Thảo, trong đó có tập thơ Khối 6 vuông rubic. Tác giả luận văn viết: “về ngôn ngữ, thơ Thanh Thảo sử dụng hệ thống ngôn ngữ phong phú, giản dị nhưng vẫn đảm bảo tính hàm súc, truyền cảm… Nét nổi bật trong thơ Thanh Thảo là tác giả sử dụng nhiều định ngữ nghệ thuật, nhiều biện pháp tu từ so sánh và điệp ngữ. Kết cấu bài thơ tự nhiên, thể hiện được suy nghĩ, cảm xúc và những rung động bất ngờ. Nhờ vậy mà tô đậm được ấn tượng trong tâm hồn người đọc” [26, tr.99]. Nhìn một cách tổng quát, có thể thấy rằng, có rất nhiều bài viết và công trình nghiên cứu về thơ Thanh Thảo. Nhìn chung, các ý kiến đều khẳng định tính độc đáo và chiều sâu của thơ Thanh Thảo. Tuy nhiên, phần lớn các công trình và bài viết này đều đi vào tìm hiểu những đặc sắc về chủ đề, tư tưởng, quan niệm nghệ thuật và phác họa chân dung nghệ thuật thơ Thanh Thảo. Những ý kiến bàn về ngôn ngữ thơ Thanh Thảo, đặc biệt là ngôn ngữ trong tập thơ Khối vuông rubic chưa nhiều và nằm rải rác trong các bài viết trong những bài viết về nội dung, về quan niệm nghệ thuật thơ Thanh Thảo. Có công trình luận văn đã đi vào nghiên cứu ngôn ngữ thơ Thanh Thảo nhưng do phạm vi của đề tài, luận văn mới chỉ tìm hiểu khái quát một số đặc điểm ngôn ngữ thơ Thanh Thảo nói chung chứ chưa có điều kiện đi sâu nghiên cứu ngôn ngữ tập thơ Khối vuông rubic. Như vậy, ngôn ngữ thơ Thanh Thảo trong tập thơ này vẫn đang là một vấn đề còn bỏ ngỏ. Và đó chính là cơ sở để chúng tôi mạnh dạn tìm hiểu đề tài này. 3. Đối tượng nghiên cứu Trong khóa luận này, chúng tôi sẽ tìm hiểu tập thơ Khối vuông rubic của Thanh Thảo trên các phương diện đặc điểm từ ngữ, một số biện pháp tu từ nghệ thuật và tổ chức bài thơ. Do yêu cầu đối sánh để làm nổi bật những nét riêng của phong cách ngôn ngữ thơ Thanh Thảo trong Khối vuông rubic, khóa luận sẽ khảo sát một số phương diện trong các tập thơ khác của Thanh Thảo và một số nhà thơ khác trong cùng một bới cảnh văn học. 4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 7 4.1. Mục đích nghiên cứu Tìm hiểu ngôn ngữ thơ Thanh Thảo trong tập Khối vuông rubic, khóa luận hướng đến hai mục đích sau. Thứ nhất, tìm hiểu đề tài này, chúng tôi mong muốn nêu bật được những nét đặc sắc nhất của ngôn ngữ thơ Thanh Thảo trong tập Khối vuông rubic để thấy được đặc điểm phong cách nghệ thuật thơ Thanh Thảo. Thứ hai, trong tương quan với các tác phẩm khác của Thanh Thảo và một số nhà thơ khác cùng thời, chúng tôi hy vọng sẽ có được một cái nhìn tổng quan về sự vận động của ngôn ngữ thơ Thanh Thảo, qua đó, có thể hình dung phần nào những quy luật vận động của ngôn ngữ thơ Việt Nam đương đại. 4.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để thực hiện được hai mục đích nêu trên, chúng tôi đặt ra cho khóa luận nhiệm vụ nhận diện, mô tả, đánh giá một cách có hệ thống những đặc sắc ngôn ngữ thơ Thanh Thảo trong tập Khối vuông rubic qua so sánh với những tác phẩm khác. 5. Phương pháp nghiên cứu Trong khóa luận này, chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu: phương pháp thống kê ngôn ngữ học; phương pháp so sánh, đối chiếu; phương pháp loại hình. 6. Cấu trúc của khóa luận Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, khóa luận sẽ được triển khai thành 3 chương. Chương 1: Khối vuông rubic với việc đổi mới ngôn ngữ thơ Thanh Thảo. Chương 2: Từ ngữ và một số biện pháp tu từ trong Khối vuông rubic. Chương 3: Tổ chức bài thơ trong Khối vuông rubic. Sau cùng là danh mục Tài liệu tham khảo. 8 Chương 1 KHỐI VUÔNG RUBIC VỚI VIỆC ĐỔI MỚI NGÔN NGỮ THƠ THANH THẢO 1.1. Ngôn ngữ thơ Việt Nam đương đại 1.1.1. Một số luận điểm cơ bản về ngôn ngữ thơ Văn học là nghệ thuật ngôn từ. Đó là điều hiển nhiên, bất tất phải bàn cãi. Đối với chủ thể sáng tạo, khi sáng tác văn học, nhà văn bắt buộc phải sử dụng ngôn ngữ như chất liệu sáng tác duy nhất. Thông qua lăng kính ngôn ngữ, nhà văn bộc lộ cảm xúc, tư tưởng, tài năng và sức sáng tạo của mình. “Ngôn ngữ văn học thể hiện đặc điểm tư duy nghệ thuật và phong cách nghệ thuật của nhà văn, vừa có tính trực giác, tính cá thể, vì vậy M.Gorki (1868-1936) đã gọi ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học” [35, tr.49]. Đối với khách thể tiếp nhận, muốn hiểu được ý nghĩa nghệ thuật của tác phẩm, họ không thể không chú ý đến văn bản ngôn từ, cũng tức là cách tổ chức ngôn ngữ của tác phẩm. Thơ ca là loại hình văn học sớm nhất của nhân loại. Nó “ra đời hầu như cùng một lúc với nhạc, họa, múa nhảy trong các cuộc tế lễ thần linh, ma thuật thời nguyên thủy” [35, tr.254]. So với loại hình tác phẩm tự sự, “thơ ca là hiện tượng độc đáo của văn học ở cơ chế vận hành bộ máy ngôn ngữ của nó” [7, tr.5]. Ngôn ngữ thơ vì thế trở thành đối tượng quan tâm của nhiều ngành khoa học, không chỉ đối với nhà ngôn ngữ học. Tuy nhiên, ở mỗi ngành, ngôn ngữ thơ lại được nghiên cứu với một mục đích riêng, một phương pháp tiếp cận riêng nên kết quả thu được cũng khác nhau. Cho đến nay, vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm về ngôn ngữ thơ. Trong giới hạn nghiên cứu của đề tài, ở đây, khóa luận chỉ trình bày một số luận điểm cơ bản của một số nhà nghiên cứu mà chúng tôi cho là tiêu biểu để có một cái nhìn khái quát về vấn đề ngôn ngữ thơ. 9 Từ góc độ thi pháp học, Roman Jakobson trong bài “Thơ là gì?” đã định nghĩa thơ bằng cách “đối lập nó với cái không phải là thơ” [dẫn theo 8, tr.177]. Tuy nhiên, khi đối lập như vậy, ông cũng khẳng định một thực tế là “biên giới giữa thơ và cái không phải là thơ còn chông chênh hơn cả những địa giới hành chính của nước Trung Hoa” [dẫn theo 8, tr.179]. Chính vì vậy, Jakobson kết luận: “Nếu tính thơ, chức năng thơ hiện ra trong một tác phẩm văn học với một tầm quan trọng thống trị thì chúng ta gọi tác phẩm đó là thơ” [dẫn theo 8, tr.184]. Và cái mà ông gọi là tính thơ, chức năng thơ được thể hiện ra trong tác phẩm “theo cái cách từ ngữ được cảm nhận như là từ ngữ chứ không phải thay thế đơn giản của đối tượng được chỉ định, theo cách những từ, những cú pháp, những ngữ nghĩa của chúng, hình thức bên trong và bên ngoài của chúng không phải là các dấu hiệu vô hồn của hiện thực mà có trọng lượng riêng, giá trị riêng của chúng” [8, tr.184]. Trong một bài viết khác, tác giả so sánh “nếu hội họa là cách tạo hình bằng những chất liệu của trực quan có giá trị tự tại, nếu âm nhạc là cách tạo âm bằng chất liệu thuộc thính quan có giá trị tự tại, nếu vũ điệu tạo hình bằng chất liệu cử động của thân thể có giá trị tự tại, thì thơ là cách tạo hình với từ ngữ có giá trị tự tại. Thơ là ngôn ngữ trong chức năng thẩm mĩ của nó” [dẫn theo 39, tr.13]. Ngoài ra Jakobson còn khẳng định “ngôn ngữ nói chung và văn xuôi nói riêng nhằm phục vụ một đối tượng trong đời sống hàng ngày. Thơ trái lại là một ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượng” [dẫn theo 39, 16]. Quan điểm của Roman Jakobson về ngôn ngữ thơ thực chất đã làm rõ tương quan giữa âm và nghĩa, giữa cái biểu hiện và cái được biểu hiện trong thơ. Nếu F.de.Saussure trong Giáo trình ngôn ngữ học đại cương (1913) cho rằng tương quan giữa cái biểu hiện và cái được biểu hiện trong ngôn ngữ (nói chung) là võ đoán thì quan điểm của Roman Jakobson đã phản biện lại lí thuyết đó, theo tác giả, tương quan giữa cái biểu hiện và cái được biểu hiện (ít nhất là trong lĩnh vực ngôn ngữ thơ) là không võ đoán. 10 Cùng quan điểm với Roman Jakobson, tác giả Đặng Tiến trong bài viết Thơ la gì? (in trong công trình Thơ – thi pháp – chân dung, Nxb Phụ nữ) khi xem xét nội dung và hình thức ngôn ngữ thơ cũng khẳng định: “Thơ là ngôn ngữ vậy nó cũng truyền đạt một tình, một ý. Nhưng đặc tính không nằm trong thông điệp truyền đi, mà nằm trong vỏ âm thanh của từ ngữ được sử dụng. Ngôn ngữ thơ không chỉ là dụng cụ, mà còn là thể chất. Nó vừa là nội dung, vừa là hình thức: Nội dung đôi khi chính là hình thức của nó” [39, tr.11-12]. Trong bài viết Mấy ý nghĩ về thơ, Nguyễn Đình Thi dường như cũng có sự gặp gỡ với quan điểm của Jakobson và Đặng Tiến khi ông cho rằng: “Chữ và tiếng trong thơ phải còn có một giá trị khác, ngoài giá trị ý niệm. Người làm thơ chọn chữ và tiếng không phải vì ý nghĩa của nó, cái nghĩa thế nào là thế ấy đóng lại trong một khung sắt. Điều kì diệu của thơ là mỗi tiếng, mỗi chữ, ngoài cái ý nghĩa của nó, ngoài công dụng gọi tên sự vật, bỗng tự phá tung mở rộng ra, gọi đến chung quanh nó những cảm xúc, những hình ảnh không ngờ, tỏa ra chung quanh nó một vùng ánh sáng động đậy” [38, tr.55]. Như vậy, mặc dù cách diễn đạt có khác nhau nhưng cả ba tác giả trên đều có chung một quan điểm, đó là: ngôn ngữ thơ không chỉ là một hệ thống kí hiệu thuần túy dùng để biểu đạt một thông tin\ một nội dung ý nghĩa nhất định mà còn có giá trị thẩm mĩ tự tại . Bên cạnh việc nhìn nhận ngôn ngữ thơ trong chức năng thẩm mĩ của nó, nhiều nhà nghiên cứu còn tìm bản chất của ngôn ngữ thơ bằng cách đối lập nó với ngôn thông thường và ngôn ngữ trong tác phẩm ngôn ngữ tự sự. Jan Makarovsy – một thành viên của “Nhóm ngôn ngữ Phara ”, trong công trình Ngôn ngữ chuẩn và ngôn ngữ thơ (Standard language and potic language, 1948) đã viết: “Ngôn ngữ thơ, vì thế không phải là ngôn ngữ chuẩn. Nói vậy không phải để phủ nhận mối quan hệ mật thiết giữa hai thứ ngôn ngữ, trong đó, đối với thơ, ngôn ngữ chuẩn là cái nền phản ánh sự bóp méo có dụng ý thẩm mĩ của các thành tố ngôn ngữ của tác 11 phẩm; nói cách khác, sự phá hoại cố ý vi phạm của ngôn ngữ chuẩn” [dẫn theo 20, tr.52-53]. Trong tiểu luận “Thơ là gì?” cũng đem đối lập ngôn ngữ thơ với các hình thức ngôn ngữ khác như ngôn ngữ văn xuôi, ngôn ngữ giao tiếp và đi đến kết luận: “Thơ là cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc, phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức ngôn ngữ này. Nói rằng hình thức tổ chức của ngôn ngữ thơ hết sức quái đản là bởi trong ngôn ngữ giao tiếp không ai tổ chức như thế” [28, tr.23]. Trong Thơ thi pháp chân dung, Đặng Tiến cũng có ý kiến tương tự: “Thơ là ngôn ngữ nghịch với lẽ thường” [39, tr.18]. Việc đối lập nói trên có cơ sở thực tế từ chính sự khác biệt giữa hình thức tổ chức của ngôn ngữ thơ với hình thức tổ chức ngôn ngữ nói thông thường và ngôn ngữ của tác phẩm tự sự. Mặc dù vậy, quan niệm này đã bị rất nhiều học giả bác bỏ. Chẳng hạn, tác giả Marry Louise Pratt, nhà lí luận Hoa Kì, trong cuốn Towarda Speech Act Theory of Literary Discourse (1977) đã dành hẳn chương đầu tiên có nhan đề The “Poetic Language” Fallacy ( Ngụy biện về ngôn ngữ thi ca) để bác bỏ định nghĩa thơ dựa trên sự đối lập giữa ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ giao tiếp. Bà viết: “Điều khiến học thuyết về ngôn ngữ thơ đáng ngờ nhất là ở chỗ mặc dù các môn đồ của nó luôn khẳng định cơ sở thực chứng cho sự đối lập ngôn ngữ thơ/ không thơ, thật ra họ chư bao giờ kiểm chứng giả định của họ về diễn ngôn phi văn học so với các dữ liệu ngôn ngữ thực tế, “thông thường”, và trên thực tế họ cũng không có nhu cầu kiểm chứng…. Nếu một sự kiểm chứng như thế được tiến hành , những giả định đó sẽ sụp đổ hoàn toàn và cùng với chúng sẽ sụp đổ luôn hai ý niệm nòng cốt đối với thi pháp học cấu trúc: niềm tin rằng văn học khác hẳn với các phát ngôn khác về mặt chức năng và hình thức” [dẫn theo 20, 54-55]. Ở đây, do trình độ còn hạn hẹp, chúng tôi không dám đi vào bình ý kiến này. Song, như chúng tôi đã khẳng định ở trên, sự khác biệt giữa hình thức tổ chức của ngôn ngữ thơ với hình thức tổ chức của tác phẩm tự sự và ngôn ngữ nói thông thường là có cơ sở thực tế. 12 Quả thật, ngôn ngữ trong hoạt động hành chức của nó có rất nhiều cách tổ chức. Mô hình kết hợp và kiều kết cấu ngữ pháp của nó vì thế cũng rất đa dạng. Tuy nhiên, trong sự đa dạng ấy, ở bất kì ngôn ngữ nào chúng ta cũng có thể tìm thấy những hình thức tổ chức phổ biến, quen thuộc và những hình thức tổ chức không phổ biến, có phần mới lạ, độc đáo. Trong đó, ngôn ngữ giao tiếp thông thường và ngôn ngữ trong tác phẩm tự sự thường sử dụng những mô hình tổ chức thông dụng phổ biến còn ngôn ngữ thơ lại thường khai thác những kết hợp độc đáo, bất ngờ, những cách tổ chức ngôn từ mới lạ. Mặc dù trong văn học nghệ thuật, khi lấy ngôn ngữ làm chất liệu để sáng tác, người cầm bút bao giờ cũng cố gắng tạo ra tính thẩm mĩ, giá trị nghệ thuật cho ngôn từ nhưng so với tác phẩm tự sự, tác phẩm thơ bao giờ cũng là lĩnh vực dung chứa nhiều hơn cả những kết hợp lạ, những hình thức cú pháp độc đáo. Sở dĩ có hiện tượng này là vì trong tác phẩm tự sự, dù nhà văn luôn hướng đến “viết câu chuyện” chứ không phải là “kể câu chuyện” nhưng họ không lấy ngôn từ làm cứu cánh. Nếu không tạo được nét độc đáo trong cách sử dụng ngôn từ thì nhà vẫn có thể tạo ấn tượng thẩm mĩ cho người đọc bằng cách tạo nên sự hấp dẫn trong cách tổ chức câu chuyện, tình huống truyện, các chi tiết nghệ thuật…Trong khi đó, thơ là loại hình lấy ngôn ngữ làm phương tiện và cũng là cứu cánh nên nhà thơ thường chú ý sử dụng các cách tổ chức ngôn từ độc đáo để khai thác tối đa giá trị thẩm mĩ của ngôn từ khiến cho người đọc không bị “trượt” qua câu thơ, bài thơ một cách “hờ hững”. Do đó, theo chúng tôi, việc nhấn mạnh chức năng thảm mĩ của ngôn ngữ thơ và đi tìm đặc điểm của ngôn ngữ thơ qua việc đối lập nó với ngôn ngữ văn xuôi và ngôn ngữ thông thường vẫn là một quan điểm có tính khoa học. Tuy nhiên, cũng không phải vì thế mà tuyệt đối hóa quan điểm này. Nhà thơ là người luôn có ý thức làm “lạ hóa” ngôn từ nhưng không phải ngôn ngữ thơ lúc nào cũng “quái đản” (chữ dùng của Phan Ngọc). Có những câu thơ, bài thơ có ngôn từ vô cùng giản dị, gần gũi với đời sống hàng ngày nhưng vẫn đậm chất thơ. Ngược lại, có những tác phẩm văn xuôi của một số tác giả (chẳng hạn như 13 truyện và kí Nguyễn Tuân), lại có cách tổ chức ngôn ngữ hết sức độc đáo nhưng vẫn là văn xuôi tự sự. Cũng đối lập ngôn ngữ thơ với ngôn ngữ thông thường và ngôn ngữ văn xuôi nhưng tác giả Nguyễn Phan Cảnh trong cuốn Ngôn ngữ thơ (Nxb Văn hóa thông tin, 2000) lại tìm đặc điểm của ngôn ngữ thơ trước hết ở cách nhà thơ tư duy trên chất liệu ngôn ngữ: “Nhà thơ tư duy trên chất liệu ngôn ngữ một cách khá đặc thù: hình thành các hệ hình…, từ hệ hình xây dựng các phương trình…, rồi biến phương trình thành các triết đoạn’ [1, tr.55]. Do cách tư duy đặc biệt ấy nên ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ văn xuôi có sự khác biệt. Tác giả viết: “Để có thể giao tế, chúng ta không được để xuất hiện ở những thời điểm sát nhau những định vị trong cùng một hệ hình…. Đấy chính là nguyên lí làm việc của văn xuôi” [1, tr.51], tức là trong văn xuôi, lặp lại là điều tối kị và phương trình không được dùng để xây dựng các thông báo”. Nhưng “chính cái điều mà văn xuôi rất kị ấy lại là thủ pháp làm việc của thơ: trong thơ, tính tương đương của các đơn vị ngôn ngữ lại được dùng để xây dựng các thông báo [1, tr.52]. Theo tác giả, thơ là một ngôn ngữ đã được loại trừ nét dư đến mức tối đa để chỉ còn giữ lại nét khu biệt nữa mà thôi” [1, tr.61]. Quan điểm này thực chất đã nhấn mạnh đến nguyên lí song song và tính hàm súc, hai đắc điểm quan trọng của ngôn ngữ thơ. Ở góc độ lí luận văn học, PGS Nguyễn Xuân Nam trong giáo trình Lí luận văn học, tập 2, Tác phẩm và thể loại văn học, khi đi vào phân tích đặc trưng của thơ cũng đã chỉ ra một số đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ thơ. Theo đó, tác giả này khẳng định: “Ngôn từ thơ là ngôn từ được cấu tạo một cách đặc biệt” [35, tr.267]. Cấu tạo đặc biệt của ngôn ngữ thơ theo Nguyễn Xuân Nam được thể hiện ở những điểm cơ bản sau: - Đó là ngôn từ có nhịp điệu 14 - Ngôn từ thơ không có tính liên tục và tính phân tích như ngôn từ văn xuôi, ngược lai, nó có tính nhảy vọt, gián đoạn, tạo thành những khoảng lặng đầy ý nghĩa. Ngôn từ thơ không phải là ngôn từ tuyến tính mà là ngôn tù phức hợp. - Ngôn ngữ thơ giàu nhạc tính với những âm thanh luyến láy, những tứ trùng điệp, sự phối hợp bằng trắc và những cách ngắt nhịp có giá trị gợi cảm. Quan điểm này mặc dù chưa khái quát được hết những đặc điểm của ngôn ngữ thơ nhưng đã chỉ ra cho chúng ta những đặc điểm quan trọng để nhận diện loại ngôn từ đặc biệt này. Tóm lại, có thể thấy, có rất nhiều quan điểm về ngôn ngữ thơ. Trên đây chỉ là một số luận điểm cơ bản tiêu biểu cho một số quan điểm ấy. Những luận điểm này mặc dù có những hạn chế riêng nhưng phần nào đã cho ta thấy sự đa diện của ngôn ngữ thơ và tính phức tạp của vấn đề. Về cơ bản, chính những luận điểm này đã góp phần làm cho chúng ta thấy rõ hơn đặc điểm của ngôn ngữ thơ. Có thể xem những luận điểm này là những tiền đề lý thuyết mà khi soi chiếu vào thơ Việt đương đại, chúng ta sẽ có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về đặc điểm của ngôn ngữ thơ Việt Nam giai đoạn này nói chung, ngôn ngữ thơ Thanh Thảo trong tập Khối vuông Rubic nói riêng. 1.1.2. Đặc điểm ngôn ngữ thơ Việt Nam đương đại Sau 1975, hoàn cảnh lịch sử và xã hội nước ta có nhiều biến động lớn. Nếu trước đó, vốn gắn bó chặt chẽ với vận mệnh lịch sử của dân tộc nên trong những năm tháng máu lửa chiến tranh, văn học nhiều khi đã phải “hy sinh” tính nghệ thuật của mình để hướng về phục vụ cho chính trị thì giờ đây, khi đất nước trở về với cuộc sống hòa bình, văn học Việt Nam trong đó có thơ ca lại có điều kiện tìm về với bản thể của chính mình để chuyển sang một thời kì mới với những đặc điểm và quy luật vận động khác trước. Hơn ba mươi năm qua, văn học Việt Nam nói chung, thơ ca Việt Nam nói riêng bước vào thời kì đổi mới sôi nổi, mạnh mẽ, tạo nên diện mạo mới mẻ của văn học Việt Nam đương đại. Sự đổi mới này bắt đầu trước hết từ 15 từ sự đổi mới tư duy nghệ thuật và quan niệm nghệ thuật thơ, sau đó, nó thể hiện ở những cách tân mới mẻ trong hình thức thể hiện, trong đó có phương diện ngôn ngữ. Trong thời kì này, khi tinh thần dân chủ trở thành một đặc điểm chính của văn học và tác động mạnh mẽ đến tư duy nghệ thuật của nhà văn, khi cái tôi trữ tình trong thơ từ cái tôi công dân trở về với cái tôi cá nhân mang tính bản thể thì nhiều nhà thơ đã tìm đến với những lối viết mới, các hình thức thể hiện mới. Tác giả Trần Ngọc Hiếu trong bài viết Tìm hiểu một quan niệm nghệ thuật về ngôn từ trong thơ Việt Nam đương đại đã nhận định: “Có lẽ cũng không khó khăn lắm để nhận ra nhiều cây bút thơ hiện nay đã không còn thỏa mãn với lối viết, hệ thi pháp đã định hình và dường như đã biến thành lối mòn. Khao khát bứt phá, đổi mới đã khiến nhiều nhà thơ hoài nghi, muốn xem xét lại những định nghĩa tưởng chừng như đã xong xuôi, ổn định. Đâu là yếu tính của thơ? Câu hỏi mang tính bản thể ấy đã không dẫn đến những câu trả lời thống nhất và thực tế cho thấy những tìm tòi thể nghiệm cách tân thơ hiện nay đang đi theo nhiều ngả khác nhau” [22, tr.368]. Nguyễn Đình Thi trong Mấy ý nghĩ về thơ cũng có ý kiến tương tự. Ông khẳng định: “Thơ chúng ta ngày nay đang ở tuổi trẻ nhất của thời đại mới. Nhịp sống của chúng ta từ sau cách mạng đập lên nhiều phen dữ dội đến bàng hoàng, đồng thời mở rộng ào ạt. Chúng ta không sống khoan thai như một thời nào trước. Nhịp điệu cũ, theo tôi, không còn đủ cho chúng ta. Nhiều nhà thơ đang đập vỡ để xây dựng, thơ tìm tòi trăm nghìn phía nhưng lúc nào cũng là một sức sống đang lên” [38, tr.55]. Những nhận định này phần nào đã cho ta thấy sự vận động mạnh mẽ và phức tạp của thơ Việt Nam đương đại. Có thể nói, sau 1975, văn học Việt Nam nói chung và thơ Việt Nam nói riêng vẫn đang trong thời kì “tìm đường”, thể nghiệm. Xác định những động hình mới của ngôn ngữ thơ trong một giai đoạn văn học đầy biến động như vậy, quả thực không phải là chuyện đơn giản. Nguyễn Đăng Điệp trong bài viết Thơ Việt Nam sau 1975- diện mạo và khuynh hướng phát triển sau khi nêu 16 ra một số khuynh hướng nổi bật của thơ ca đương đại cũng đã chỉ ra một số loại hình ngôn ngữ nổi bật của thơ ca giai đoạn này, cụ thể là: - Ngôn ngữ đậm chất đời thường. - Ngôn ngữ giàu chất tượng trưng. - Những “trò chơi” ngữ nghĩa trong thơ. Có thể thấy ba loại hình ngôn ngữ này chưa khái quát được hết diện mạo của ngôn ngữ thơ đương đại song cũng là những loại hình ngôn ngữ nổi bật của thơ Việt Nam từ 1975 đến nay. Trên cơ sở ý kiến của Nguyễn Đăng Điệp, chúng tôi cũng xác định một số đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ thơ Việt Nam đương đại, đó là: ngôn ngữ thơ đậm chất đời thường; ngôn ngữ thơ lược bớt các dấu hiệu liên kết, tăng cường tính hàm súc, đa nghĩa; sự gia tăng chất văn xuôi trong ngôn ngữ thơ và sự xuất hiện những “trò chơi ngữ nghĩa” trong thơ. 1.1.2.1. Ngôn ngữ thơ đậm chất đời thường Như chúng tôi đã khẳng định, sau 1975, thơ ca Việt Nam dần chuyển mình sang một thời kì mới với những đặc điểm và quy luật vận động khác trước. Điều đó thể hiện qua nhiều phương diện, trong đó có phương diện ngôn ngữ. Có thể nói, sau 1975, ngôn ngữ thơ thực sự đã vận động, thay đổi. Ngôn ngữ trong thơ Việt đương đại giờ đây không chỉ là những ngôn từ đậm tính hoa mĩ đã được gọt giũa, chắt lọc công phu mà còn là thứ ngôn từ thô tháp, trần trụi, đậm chất đời thường. Nhiều nhà thơ sử dụng những cách nói dân gian, những cách tổ chức ngôn từ mang phong cách sinh hoạt, khẩu ngữ, làm cho thơ vừa trở nên gần gũi với người đọc, vừa hóm hỉnh, hài hước. Nguyễn Đăng Điệp đã nhận xét: Thơ ca Việt Nam trước đây có phần quá nghiêm trang và đậm chất giáo huấn. Việc tạo nên những cách nói “xẩm giọng” và giọng điệu “bụi bậm” đã khiến cho thơ trở nên “tếu táo” hơn và cũng gần gũi với người đọc hơn [22, tr.385]. Sở dĩ có hiện tượng này là do hai nguyên nhân chính sau đây: 17 Thứ nhất, có thể thấy, trong thơ Việt Nam đương đại, các nhà thơ có xu hướng trở về với cái tôi cá nhân, với những lo toan của đời sống thường nhật. Họ nói nhiều hơn về nỗi buồn nhân sinh, về những cảm nhận của cái tôi trước một thực tại khắc nghiệt. Nhưng để tái hiện những nỗi buồn, sự lo âu ấy, các nhà thơ không nói bằng giọng điệu thâm trầm, đau đớn mà thể hiện bằng một giọng điệu đầy chua chát, mỉa mai. Và để có được giọng điệu ấy, không có phương thức nào tốt hơn bằng việc sử dụng những hình thức tổ chức ngôn ngữ mang đậm phong cách khẩu ngữ, sinh hoạt. Có lúc, đó là thứ ngôn ngữ đầy “tếu táo” kiểu Nguyễn Duy: Tạnh men là tạnh la đà Tạnh cơn một bóng ảo ra chính mình Phàm trần bớt chút lung linh Các em bớt xỉnh xình xinh mấy phần. Có lúc, đó là thứ ngôn ngữ đầy “táo tợn” kiểu Bùi Chí Vinh: Các em thất tiết nhiều hơn trước Bộ ngực nào cũng nhuộm phong sương Thứ hai, việc sử dụng ngôn ngữ đậm chất đời thường có nguyên nhân từ việc “giải thiêng” quan niệm về ngôn ngữ thơ. Nếu trước đây, người ta quan niệm ngôn ngữ thơ là thứ ngôn ngữ được chắt lọc từ “hàng tấn quặng ngôn từ” thì giờ đây bằng cái nhìn đầy dân chủ, các nhà thơ đương đại đã đưa vào trong thơ tất cả những ngôn từ mà người ta vẫn kiên kị, né tránh. Trong các tác phẩm của mình, bằng cách đưa vào trong thơ những ngôn từ đậm chất đời thường, một số nhà thơ đương đại đã bắt đầu thể hiện ý thức đối thoại với quan niệm thơ trước đó. Thu Bồn khẳng định: tôi lột hết ngữ ngôn bóng bảy Những xống áo triệu thần trong những tụng ca Nguyễn Hữu Hồng Minh có bài thơ Đề cao hiện thực miêu tả cái bồn cầu. Trần Tiến Dũng có Bầu trời lông gà lông vịt, hoặc táo bạo hơn, nhóm Mở miệng 18 gọi thẳng tên bộ phận sinh dục và hành vi tính giao bằng các từ ngữ thông tục mà người ta vẫn sử dụng hàng ngày. Xuất phát từ ý tưởng không thể làm ra cái mới, họ tuyên bố làm thơ là một hành động phá phách: “Thơ nhiều khi chỉ là chuyện gây hấn, một chút hài hước, một cú sốc nhận thức, thậm chí là một trò đùa vui nơi bàn nhậu, chẳng kém phần nhảm nhí” [dẫn theo 12, tr.44]. Việc đưa những từ ngữ thô tục vào trong thơ một cách phổ biến đã thể hiện hành động “gây hấn” với dư luận của họ. Nó làm ta nhớ đến nhóm Sáng tạo ở Sài Gòn những năm 60, trường phái Dada đầu thế kỉ ở phương Tây…Dù sao, đây cũng là “một hiện tượng còn đang vận động và lời phán quyết thuộc về tương lai” [12, tr.44]. Thực ra, việc sử dụng ngôn ngữ đậm chất đời thường không phải là một hiện tượng cá biệt trong thơ mà là một hiện tượng có tính phổ quát của văn học Việt Nam giai đoạn này. Ở truyện ngắn và tiểu thuyết, hình thức tổ chức ngôn ngữ này được thể hiện qua sự xuất hiện những lời chửi và lời văn giễu nhại trong nhiều tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà….Và trên thực tế, kiểu ngôn ngữ này đã góp phần làm nên không ít thành công cho các nhà thơ, nhà văn đương đại. 1.1.2.2. Ngôn ngữ thơ tỉnh lược tối đa các dấu hiệu liên kết, gia tăng độ nhòe ngữ So với ngôn ngữ văn xuôi, ngôn ngữ thơ có một đặc điểm khác hẳn đó là sự ngắn gọn, súc tích. Nếu ngôn ngữ văn xuôi được nhà văn tổ chức một cách đầy đặn để diễn đạt đúng nội dung mà họ hướng tới thì ngôn ngữ thơ lại được nhà thơ tổ chức một cách ngắn gọn để đạt được độ hàm súc, gợi mở cao. Việc các nhà thơ sử dụng dày đặc các hình thái tu từ như ẩn dụ, hoán dụ, tượng trưng, ước lệ… trong tác phẩm của mình đã “chứng tỏ một cố gắng đầy ý thức của các nhà thơ nhằm uốn vặn ngôn ngữ thông thường tạo nên hiện tượng “lệch chuẩn” có giá trị, hướng tới việc biểu đạt những rung động thơ đầy phong phú, phức tạp trong một hình thức súc tích, kiệm lời và mang tính gián tiếp” [5, tr.48]. Ở bất cứ giai đoạn nào của lịch 19 sử văn học, các nhà thơ cũng luôn cố gắng để tăng cường sức chứa, sức biểu đạt, biểu cảm cho ngon từ. trong thơ Việt Nam đương đại, tình hình cũng diễn ra tương tự như vậy. Tuy nhiên, nếu trước đây các nhà thơ sử dụng những hình thức ngôn từ mang tính tượng trưng, ước lệ, các biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ… để tăng cường tính hàm súc, tỉnh lược chủ ngữ để tạo ra tính phiếm chỉ thì trong văn học đương đại, ngoài những hình thức này, một số nhà thơ có xu hướng tỉnh lược tối đa các dấu hiệu liên kết ngôn từ, dồn nén từ ngữ để tạo cho câu thơ độ mở về nghĩa, từ đó, gia tăng tính hàm súc cho ngôn ngữ thơ. Sở dĩ có hiện tượng này là vì trong thời gian gần đây, một số tác giả có xu hướng trở về với cái tôi bản thể, cố gắng phát hiện chiều sâu bí ẩn của tâm linh con người, đặc biệt là những phần bản năng, vô thức nên họ muốn khước từ và loại bỏ áp lực của lí trí, của tư duy logic trong thơ, ngôn ngữ thơ vì thế mà không còn tuân theo logic trật tự thông thường mà biến hóa theo sự vận động của cảm xúc và dòng ý thức. Hơn nữa, nhiều nhà thơ còn muốn đưa thơ trở về với bản thể tự nhiên, phản ứng lại quan niệm ngôn từ chỉ là phương tiện chuyển tải, họ xem ngôn ngữ như một đối tượng sáng tạo và khai thác tối đa tính đa nghĩa trong từ vựng, chủ trương làm thơ tạo sinh. Quan hệ giữa dòng thơ, câu thơ, đoạn thơ trong bài vì thế cũng bị gián đoạn, thậm chí có lúc rời rạc, lỏng lẻo. Tuy nhiên, giữa cái bê ngoài lỏng lẻo ấy, ngôn ngữ thơ vẫn có một mạch liên kết riêng, đó là mạch liên kết của cảm xúc. Trên thực tế, cách tổ chức ngôn từ này là một hướng thể nghiệm của không ít nhà thơ và đã trở thành một đặc điểm nổi bật của ngôn ngữ thơ Việt Nam đương đại. 1.1.2.3. Sự gia tăng chất văn xuôi trong ngôn ngữ thơ Song song với xu hướng tỉnh lược tối đa các dấu hiệu liên kết và dồn nén từ ngữ, tạo nên tính đa nghĩa, hàm sức cho ngôn ngữ thơ, trong thơ ca đương đại, nhiều nhà thơ còn chủ trương cách tân ngôn ngữ thơ bằng cách thể nghiệm một hình thức mới, đó là gia tăng chất văn xuôi trong ngôn ngữ thơ. Theo đó, các nhà thơ đưa vào trong tác phẩm của mình nhiều mẩu đối thoại, các hình thức tự sự…, 20 Tải về bản full

Từ khóa » Khối Vuông Rubic Thanh Thảo