Ngữ Pháp Là Gì? Đặc điểm Ngữ Pháp Tiếng Việt

2,2K

Ngữ pháp là gì? Đặc điểm ngữ pháp tiếng Việt.

Mục lục ẩn Ngữ pháp Các đặc điểm của ngữ pháp Những đặc điểm khái quát của tiếng Việt về ngữ pháp Đơn vị cơ sở của ngữ pháp học tiếng Việt Các phương thức ngữ pháp chủ yếu trong tiếng Việt Các phương thức cấu tạo từ chủ yếu trong tiếng Việt

Ngữ pháp

Ngữ pháp của một ngôn ngữ tồn tại một cách khách quan trong ngôn ngữ đó, nó có thể được các nhà nghiên cứu phát hiện ra và miêu tả hoặc giải thích. “Ngữ pháp là toàn bộ các quy luật, quy tắc hoạt động của các yếu tố ngôn ngữ có hai mặt ”. Các yếu tố ngôn ngữ có hai mặt bao gồm hình vị, từ, cụm từ, câu.

Các đặc điểm của ngữ pháp

  • Tính khái quát

Như đã biết, ngôn ngữ có tính khái quát. So với các bộ phận khác của ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng) thì ngữ pháp có tính khái quát cao hơn. Vì ngữ pháp là toàn bộ quy tắc, quy luật biến hình từ, đặc tính ngữ pháp của từ loại và các quy tắc kết hợp từ tạo nên cụm từ và câu.

  • Tính hệ thống

Nói đến hệ thống là nói đến các yếu tố lớn hơn hai và mối quan hệ giữa chúng. Ngữ pháp của mỗi ngôn ngữ là một hệ thống bao gồm các đơn vị, kết cấu và quan hệ ngữ pháp giữa các đơn vị đó. Do đó, ngữ pháp có tính hệ thống.

  • Tính bền vững

So với ngữ âm và từ vựng thì ngữ pháp biến đổi ít hơn và chậm hơn. Trong nhiều thế kỉ, ngữ pháp của một ngôn ngữ dù có ít nhiều biến đổi nhưng vẫn giữ được cái cốt lõi của nó. Chính vì vậy ngữ pháp có tính bền vững.

Những đặc điểm khái quát của tiếng Việt về ngữ pháp

Đơn vị cơ sở của ngữ pháp học tiếng Việt

Về ngữ pháp, tiếng được xem là “đơn vị cơ sở của cấu tạo ngữ pháp tiếng Việt” [1, tr.39]. Tiếng trong tiếng Việt là đơn vị dễ nhận diện vì nó có cấu tạo bằng một âm tiết, mỗi một tiếng (âm tiết) được phát âm tách rời nhau và được thể hiện bằng một chữ viết.

Các phương thức ngữ pháp chủ yếu trong tiếng Việt

Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập. Từ của tiếng Việt không biến đổi hình thái. Các phương thức ngữ pháp bên ngoài từ chủ yếu trong tiếng Việt là: trật tự từ, hư từ và ngữ điệu.

Phương thức trật tự từ là sự sắp xếp các từ theo một trật tự nhất định để biểu thị các quan hệ cú pháp. Trong phần lớn trường hợp, sự thay đổi trật tự từ tiếng Việt kéo theo sự thay đổi vai trò cú pháp của chúng trong cụm từ và câu. Ví dụ:

  • bàn năm ≠ năm bàn
  • sân trước ≠ trước sân
  • Nó đi đến trường ≠ Đến trường nó đi.

Phương thức hư từ cũng là phương thức ngữ pháp chủ yếu của tiếng Việt. Hư từ không có chức năng định danh, không có khả năng độc lập làm thành phần câu, dùng để biểu thị các quan hệ ngữ nghĩa – cú pháp khác nhau giữa các thực từ. Nhờ hư từ mà “anh của em” khác với “anh và em“, “anh vì em”; hay “Bây giờ mới 8 giờ” ≠ “Bây giờ đã 8 giờ”.

Phương thức ngữ điệu giữ vai trò trong việc biểu hiện quan hệ cú pháp của các yếu tố trong câu, nhờ đó nhằm đưa ra nội dung muốn thông báo. Trên văn bản, ngữ điệu thường được biểu hiện bằng dấu câu. Nhờ ngữ điệu mà các câu sau có sự khác nhau trong nội dung thông báo:

“Đêm hôm qua, cầu gãy”

≠ “Đêm hôm, qua cầu gãy”.

Các phương thức cấu tạo từ chủ yếu trong tiếng Việt

Tất cả các từ trong mọi ngôn ngữ đều được tạo ra theo một phương thức nào đấy. Trong tiếng Việt, phương thức cấu tạo từ chủ yếu là phương thức ghép và phương thức láy.

Ghép là phương thức kết hợp các hình vị (tiếng) với nhau theo một trật tự nhất định để tạo ra từ mới – gọi là từ ghép.

Ví dụ: mua + bán = mua bán

toán + học = toán học

Láy là phương thức lặp lại toàn bộ hay một bộ phận từ gốc để tạo ra từ mới – gọi là từ láy.

Ví dụ: lạnh → lành lạnh

buồn → buồn bã

5/5 - (2 bình chọn)Bài viết liên quan:
  1. Đại từ là gì? Chức năng và phân loại đại từ
  2. Chỉ từ là gì? Chức năng và phân loại chỉ từ
  3. Trạng ngữ là gì? Các loại trạng ngữ
  4. Thực hành tạo lập đoạn văn

Từ khóa » Các Chức Năng Ngữ Pháp Là Gì