Ngữ Văn 10 | Phân Tích Chi Tiết Bài Thơ "Tỏ Lòng" (Phạm Ngũ Lão)

Đề bài: Phân tích chi tiết bài "Tỏ lòng" (Phạm Ngũ Lão).

Bài làm

Từ ngàn đời xưa ông bà ta đã có những câu ca dao vừa hóm hình vừa châm biếm:

“Làm trai cho đáng nên trai

Khom lưng chống gối gánh hai hạt vừng”

hay

“Chồng người đánh bắc dẹp nam

Chồng em ngồi bếp giương cung bắn ruồi”.

Ấy là lời chê trách thầm kín, sâu cay của người đời về những kẻ trai tráng mà nhụt chí hèn mọn. Nay cũng vậy, xưa lại càng vậy, những trang nam nhi chuẩn mực chí khí, tài năng luôn là hình mẫu lý tưởng được xã hội hướng tới. Trong “Thuật hoài” (Tỏ lòng) của Phạm Ngũ Lão, ta bắt gặp một người quân tử như thế, sánh ngang với hào khí thời đại mà ông đang sống.

Phạm Ngũ Lão vốn là một vị tướng tài thời nhà Trần, từng tham gia hai lần đánh quân Mông - Nguyên. Ông gắn với giai thoại khi xưa vì vừa đan sọt, vừa mải ngẫm nghĩ binh pháp, không để ý có đoàn người ngựa của Trần Quốc Tuấn đi qua nên bị lính dẹp đường đâm giáo vào đùi vẫn không nhúc nhích. Chủ tướng hỏi đến, thấy người tài nên từ đó vời về và trở thành tướng giỏi dưới trướng ông. Theo Đại Việt sử kí toàn thư, vào tháng 11- 1282, sau khi nghe tin nhà Nguyên sẽ đem năm mươi vạn quân, giả tiếng mượn đường đánh Chiêm Thành, thực ra là nhằm xâm lược nước ta, vua Trần ra Bình Than mở hội nghị vương hầu bách quan. Cuộc hội nghị này có mục đích "bàn kế đánh phòng" và "chia quân giữ nơi hiểm yếu". Ngay sau hội nghị, Phạm Ngũ Lão và các tướng khác được cử đi trấn giữ ở các cửa ải quan trọng, suốt biên giới phía bắc đến Chi Lăng (thuộc Lạng Sơn ngày nay). Tính đến ngày quân Mông – Nguyên tấn công vào biên giới nước ta (27-1-1285) thì thời gian quân triều đình đóng ở các cửa ải khoảng trên hai năm. Do vậy, có thể phỏng đoán : Phạm Ngũ Lão làm bài “Tỏ lòng” vào cuối năm 1284, khi cuộc kháng chiến lần thứ hai đã đến rất gần.

Mặc dù là tướng đánh trận nhưng Phạm Ngũ Lão vẫn rất thích làm bạn với đèn sách, thơ ca. Tính cả “Tỏ lòng”, ông chỉ có hai tác phẩm nhưng đều là những tác phẩm xuất sắc. Hai câu đầu làm hiện lên hình tượng con người và quân đội thời Trần:

“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu,

Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu.”

“Hoành sóc” là tư thế “cầm ngang ngọn giáo” dựng lên hình ảnh người tráng sĩ hiên ngang đang trấn giữ biên ải. Cây trường giáo ấy không chỉ nên được hiểu, được hình dung thông thường mà có thể phóng chiếu lớn lao, có thể đo bằng chiều ngang của đất nước. Con người cấm giáo xuất hiện với ngồn ngộn khí thế, chí lớn đặt trên vũ khí mang tầm vóc sánh ngang với vũ trụ, lấn át cả trời đất bao la. Không gian mở ra theo chiều rộng của núi sông. Thời gian đâu phải là chốc lát mà là mấy năm rồi (kháp kỉ thu). Trong bản dịch, câu thơ được chuyển thành:

“Múa giáo non sông trải mấy thu”

Nếu “múa giáo” gợi lên hình ảnh uyển chuyển, điêu luyện có tính thẩm mĩ cao thì với nguyên bản, Phạm Ngũ Lão lại khắc hoạ tư thế hiên ngang, lẫm liệt, vững chãi của một võ tướng. Bức phông nền thời đại đã làm nổi bật nên tầm vóc lớn lao của con người.

ĐỌC THÊM Ngữ Văn 10 | Cảm nhận chi tiết bài thơ "Nhàn" (Nguyễn Bỉnh Khiêm)

“Tỏ lòng” vốn được viết theo thể thất ngôn bát cú, ngắn gọn, hàm súc nên mỗi câu, mỗi chữ đều có nhiều ý dồn nén bên trong. “Tam quân” là hình ảnh nói về quân đội nhà Trần nhưng đồng thời tượng trưng cho sức mạnh dân tộc. Thủ pháp nghệ thuật so sánh mang đến nhiều nét nghĩa. Có thể là ba quân sức mạnh như hổ báo, khí thế át cả sao Ngưu, cũng có thể là ba quân dũng mãnh như hổ báo, khí thế nuốt trôi trâu. Nhưng dù hiểu theo cách nào thì hình ảnh phóng đại này cũng vừa cụ thể hoá sức mạnh vật chất, vừa thể hiện rõ sức mạnh tinh thần của đội quân nhà Trần, đội quân mang hào khí Đông A, đội quân đã thích lên tay hai chữ “Sát Thát” - giết chết giặc Mông Nguyên. Chính đội quân của Phạm Ngũ Lão còn được ghi lại trong “Đại Việt sử kí toàn thư” là một “đoàn quân phụ tử”, khẳng định khí thế hào hùng, dũng mãnh, hùng tráng, mang khí thế cường địch, vũ bão vô song, quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược. Câu thơ gây ấn tượng mạnh bởi sự kết hợp giữa hình ảnh khách quan và cảm nhận chủ quan, giữa hiện thực và lãng mạn. Hình ảnh người tráng sĩ và quân đội nhà Trần như hòa quyện vào nhau làm tôn lên vẻ đẹp khí thế không gì sánh kịp, thể hiện niềm tin, niềm tự hào, kiêu hãnh về sức mạnh của đội quân cũng như sức mạnh của cả dân tộc.

Tính rằng khi viết “Thuật hoài”, Phạm Ngũ Lão vào khoảng ba mươi. Đây là tuổi các tướng lĩnh có đầy đủ sức mạnh, khí thế và kinh nghiệm cũng như trí tuệ trong những cuộc chinh chiến. Ngay từ nhan về, “thuật” là bày tỏ, “hoài” là tấm lòng, Phạm Ngũ Lão đã muốn khẳng định và bày tỏ chí khí nam nhi của mình:

“Nam nhi vị liễu công danh trái,

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.”

(Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe thuyết Vũ hầu)

“Công danh trái” tức “nợ công danh” hay cụ thể hơn là "chí làm trai". Chí làm trai thể hiện một quan niệm sống tích cực: lập công (để lại sự nghiệp), lập danh (để lại tiếng thơm). Công danh được coi là món nợ đời phải trả của kẻ làm trai, vừa mang tư tưởng tích cực của thời trung đại, vừa mang tinh thần dân tộc: sự nghiệp công danh của cá nhân thống nhất với sự nghiệp chung lớn lao – sự nghiệp cứu nước, cứu dân. Sau này Nguyễn Công Trứ cũng bày tỏ:

“Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông.”

(“Đi thi tự vịnh”)

ĐỌC THÊM Ngữ Văn 10 | Hóa thân nhân vật Tấm kể lại câu chuyện “Tấm Cám”

Hay trong “Chí làm trai” cũng có nhắc tới:

“Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc,

Nợ tang bồng vay giả, giả vay.

Chí làm trai nam bắc đông tây,

Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.”

Cả Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Công Chứ hay mọi trang nam nhi thời kì phong kiến đều giao nhau quan niệm về món nợ công danh cao cả này, coi đây là lý tưởng thống nhất, là bổn phận, trách nhiệm của mình. Nỗi lòng của tác giả còn được thể hiện rõ hơn nữa ở câu thơ cuối:

“Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”

Mọi ý tứ dồn lại ở chữ “thẹn”. Thẹn không phải bởi vì làm điều gì khuất tất, xấu xa mà bởi cái tâm chưa thoả sở nguyện của Phạm Ngũ Lão. Nguyễn Khuyến trong “Thu vịnh” cũng từng nhắc đến nỗi thẹn của mình:

“Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,

Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.”

Nguyễn Khuyến thẹn bởi mình không bằng được sự tao nhã của Đào Tiềm - một danh sĩ nổi tiếng thanh cao đời Tần cũng giống như Phạm Ngũ Lão, đó là nỗi thẹn của người có nhân cách. Phạm Ngũ Lão luôn mong muốn mình có thể càng ngày càng cúc cung tận tụy cho chủ tướng, cho đất nước, “Cúi mình tận tụy, đến chết mới thôi”. Chỉ thẹn rằng không đủ tài trí như những bậc mưu lược như Gia Cát Lượng, thực chất cái thẹn của Phạm Ngũ Lão là một lời bày tỏ hoài bão lớn lao, đồng thời tác giả khẳng định là bề tôi trung quân, ái quốc, hết sức phò tá nước nhà.

Như vậy, chỉ với bốn câu thơ thất ngôn hàm súc, thủ pháp gợi, thiên về ấn tượng bao quát, bút pháp nghệ thuật hoành tráng có tính sử thi với hình tượng thơ lớn lao kì vĩ, bài thơ đã khắc họa được vẻ đẹp của con người có sức mạnh, có lí tưởng, nhân cách cao cả cùng khí thể hào hùng của thời đại. Phạm Ngũ Lão tuy có rất ít tác phẩm nhưng đều là tác phẩm có nội hàm, đưa tên tuổi của ông thuộc vào hàng những tác giả danh tiếng nhất của văn học thời Trần. Từ “Thuật hoài” đã toát lên hào khí Đông A - hào khí thời Trần - một trong những thời đại hào hùng nhất của lịch sử Việt Nam.

Như một món quà gửi lại cho hậu thế, “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão không chỉ có giá trị đặc sắc trong thi viên văn học trung đại mà cho đến hiện tại, tác phẩm vẫn có giá trị như lời kể sử thi sống động về những con người đáng tự hào của dân tộc, về một thời khói lửa anh hùng. Những trang thơ sẽ còn được lật giở lại mãi và dấu son mà Phạm Ngũ Lão để lại cũng có sức sống trường tồn với tâm hồn dân tộc.

Cùng Học Văn Chị Hiên chinh phục 8+ môn Ngữ văn ngay từ lớp 10 qua KHOÁ HỌC VĂN VIP 2k6 em nhé! Link đăng kí khoá học: http://bit.ly/khoahocvan10

Để tham khảo thêm nhiều bài viết hay, và chạy nước rút hiệu quả, hãy đăng ký sở hữu các đầu sách và đăng ký khoá học của HVCH nhé!

Link đặt sách: https://bit.ly/2ZPn5bZ

Link đăng kí khóa VIP lớp 12: http://bit.ly/KHOAHOCVANVIP2K4

Link đăng kí khóa VIP lớp 11: https://bit.ly/KHOAHOC2K5

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage: Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Từ khóa » Bài Thơ Tỏ Lòng Văn 10