Ngứa Cổ Họng Ho Kéo Dài, Làm Sao Mới Nhanh Khỏi? - Hello Bacsi

Ngứa ở đâu thì gãi ở đó, nhưng ngứa ở họng thì “thua”, không gãi được. Nếu bạn bị ngứa cổ họng kèm theo ho kéo dài, gây ảnh hưởng xấu tới chất lượng cuộc sống thì nên tới “thăm” bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và chữa trị. Mặc dù chuyện “ngứa và ho” có vẻ như không đe dọa sức khỏe nhưng cũng không nên chủ quan vì có thể đằng sau nó thực sự có những bệnh lý cần được điều trị. Khi nguyên nhân được xác định và “cái gốc” của bệnh được giải quyết thì “ngứa và ho” sẽ giảm dần và biến mất.

Trước khi đi tìm nguyên nhân ngứa cổ họng ho kéo dài và giải pháp, chúng ta cần phân biệt rằng ngứa gây nên ho hay là cố ho để giảm ngứa. Thế nhưng dù sao đi nữa thì “ngứa” vẫn có trước “ho”. Ho là phản ứng tự nhiên của cơ thể để tống xuất những tác nhân lạ xâm nhập hoặc tồn đọng “trái phép” trên đường hô hấp. Đôi khi ho do phản xạ thần kinh như khi ngoáy tai gây nên ho. Nếu phản xạ ho không có thì đường thở của chúng ta sẽ bị đe dọa và tất nhiên sinh mạng của chúng ta sẽ gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, nó cứ “ngứa hoài, ho hoài” thì rõ ràng cũng không ổn chút nào. Vậy ngứa cổ họng kèm ho kéo dài, làm sao để nhanh khỏi? Câu trả lời sẽ có ngay trong bài viết này, đừng bỏ lỡ! 

6 nguyên nhân làm ngứa cổ họng gây ho kéo dài thường gặp 

Ngứa là một cảm giác tại chỗ được nhận biết thông qua não bộ. Có nhiều yếu tố như về môi trường, những tác nhân lý hóa và vi sinh… gây nên kích ứng, dị ứng tại niêm mạc họng tạo cảm giác ngứa hoặc cũng có thể do rối loạn cảm giác tại chỗ mà không có bất kỳ tác động ngoại lai nào. Thế nên, chỉ riêng “cái sự ngứa” thôi nó cũng… phức tạp. Ngứa có thể gây nên ho, ho thụ động hoặc ho chủ động. 

Thông thường, cảm giác ngứa trong cổ họng có thể do một số nguyên nhân như:

  1. Hội chứng chảy dịch mũi sauDịch nhầy viêm từ mũi xoang chảy xuống họng gây kích ứng, vướng víu. Viêm mũi xoang có thể do dị ứng, do virus, do vi khuẩn, do vi nấm. Người bệnh có thể tự cảm nhận được hoặc không.
  2. Viêm họng, thanh quản: Có thể do nguyên nhân tại chỗ chỉ ở họng bị tác động bởi các yếu tố lý hóa, vi sinh hoặc do từ xa “tràn” đến như dịch chảy xuống từ mũi xoang, dịch axit trào lên từ dạ dày thực quản.
  3. Hen suyễnBệnh dị ứng cơ địa, gây co thắt các tiểu phế quản. Bệnh này thường đi kèm với viêm mũi dị ứng, đôi khi gây ngứa cổ ho khan.
  4. Các tác nhân gây kích ứng trong môi trường: Như ô nhiễm không khí, khói bụi, phấn hoa, nấm mốc, hóa chất công nghiệp, khói thuốc lá, vảy da lông thú nuôi, thay đổi nhiệt độ – độ ẩm, lạnh hanh khô, biến đổi khí hậu…
  5. Thiếu nước, mất nước: Do uống không đủ nước, do sốt, do tiêu chảy, do bệnh tự miễn…làm khô niêm mạc họng.
  6. Lạm dụng phát âm: Nói quá nhiều, ca hát, la hét, phát âm nổ quá nhiều gây khô cổ họng và tăng chà xát trên bề mặt niêm mạc họng với nhau gây kích ứng.

Vậy nên, những người có những thói quen không tốt như hút thuốc lá, uống rượu bia, dùng các món ăn uống quá lạnh, quá cay hoặc những người làm công việc cần nói nhiều, nói to như giảng dạy, thuyết trình… thường cũng dễ bị ngứa cổ họng và ho nhiều hơn những người khác, thậm chí là ngứa cổ ho khan. 

Ngứa cổ họng kèm ho kéo dài được điều trị như thế nào?

ngứa cổ họng ho kéo dài

Nhiều người thường thắc mắc ngứa cổ họng ho kéo dài hay ngứa họng ho khan là do đâu, điều trị thế nào? Câu trả lời là trước tiên, cần phải được khám xét toàn diện để xác định được nguyên nhân, sau đó mới đề xuất hướng điều trị. Việc đi tìm nguyên nhân gây ngứa cổ họng ho kéo dài không phải lúc nào cũng dễ dàng vì mỗi một cá thể sẽ rất khác nhau về những yếu tố tác động và cách phản ứng lại những tác động đó. Thí dụ như về yếu tố dị ứng thì đa phần là bệnh của toàn thân nhưng biểu hiện thì ở những vị trí cụ thể. Thế nhưng lại có những loại dị ứng chỉ ở ngay tại chỗ đó mà thôi chứ không hề có “vết tích” gì trong máu cả. Cho nên, việc chỉ dựa vào những xét nghiệm về máu mà kết luận bệnh nhân không có dị ứng thì không ổn.

Một số những bệnh thông thường có thể gây ra triệu chứng ngứa họng được liệt kê như sau:

1. Hội chứng chảy dịch mũi sau

Như ở phần trên đã đề cập, dịch nhầy từ mũi xoang được chảy xuống họng và nuốt vào dạ dày. Nếu là dịch tiết sinh lý trong hoạt động thanh thải bình thường của mũi xoang thì nó rất lỏng, rất “lành” và chúng ta hoàn toàn không cảm nhận được nó. Thế nhưng, dịch tiết đó là hậu quả của quá trình viêm nhiễm, có thể do dị ứng, có thể do các yếu tố lý hóa, vi sinh… thì nó sẽ gây khó chịu và chúng ta có thể cảm nhận được. Ở đây chúng ta có bệnh viêm mũi xoang dị ứng, viêm mũi xoang nhiễm khuẩn, nhiễm siêu vi hô hấp, nhiễm nấm xoang…

Bệnh phổ biến nhất gây nên ngứa họng là dị ứng hô hấp vì hệ thống niêm mạc hô hấp cùng tính chất và “liền mạch” từ mũi xuống họng và khí phế quản. Những thứ từ trên chảy xuống đó khác hẳn với cái thứ trào từ dưới lên trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Nếu nguyên nhân gây ra tình trạng ngứa cổ họng kèm ho kéo dài là dị ứng thì chữa dị ứng. Đầu tiên sẽ là tránh tiếp xúc với dị nguyên, sau đó là dùng thuốc chống dị ứng, giải mẫn cảm đặc hiệu và phẫu thuật mũi xoang khi có những bất thường. Điều đáng mừng là hiện nay chúng ta đã có một “công cụ mạnh” tức là thuốc xịt mũi tích hợp cả kháng histamin và corticoid trong điều trị viêm mũi dị ứng.

Nếu nguyên nhân gây ngứa cổ họng ho do kích ứng thì tránh tiếp xúc với các tác nhân đó trong môi trường, cũng như hạn chế các thói quen xấu như đã nêu ở phần trên.

Nếu nguyên nhân do nhiễm trùng mũi xoang như siêu vi, vi khuẩn, vi nấm… thì chữa triệu chứng và dùng thuốc đặc trị tương ứng nếu có. Cũng cần lưu ý rằng, trong đại dịch Covid-19 thì biến chủng Omicron thường gây “ngứa họng”. Tùy theo tình trạng, giai đoạn bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra các quyết định khác nhau. Những biện pháp vệ sinh cá nhân bổ trợ cũng có thể được khuyến khích như bơm rửa mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý, nước biển sâu, thậm chí bằng dung dịch sát khuẩn như Betadine… Thêm vào đó, bạn cũng có thể súc miệng bằng nước muối sinh lý để vệ sinh họng.

2. Viêm họng gây ngứa cổ họng kèm ho kéo dài

Viêm họng, có thể viêm cấp và viêm mạn tính. Viêm cấp tính phần lớn do virus, phần nhỏ còn lại là do vi khuẩn mà đáng quan tâm nhất là liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A vì nó gây nhiều biến chứng. Viêm mạn tính thì có viêm Amidan, viêm họng hạt, viêm họng quá phát, viêm họng teo… Đáng lưu ý là tình trạng loạn cảm họng như ngứa, vướng do rối loạn cảm giác không rõ nguyên nhân. Ngoài ra còn có viêm họng do các bệnh về máu… Bác sĩ của bạn sẽ đưa ra những biện pháp điều trị phù hợp khi đã xác định được nguyên nhân gây ngứa cổ họng kèm ho kéo dài. Những chi tiết quá sâu sẽ không được đề cập trong bài viết này vì vượt ra ngoài khuôn khổ. Phần lớn các tình trạng viêm họng đều không có chỉ định dùng kháng sinh, ngoại trừ viêm họng liên cầu khuẩn.

3. Ngứa cổ họng ho kéo dài do dị ứng

ngứa cổ họng ho kéo dài

Như đã nói ở phần trên, nó nằm trong bệnh cảnh dị ứng đường hô hấp nói chung, bao gồm cả viêm mũi dị ứng và hen phế quản. Để xác định dị ứng, các bác sĩ phải thăm khám, làm các test dị nguyên trên da, làm xét nghiệm máu để định lượng kháng thể IgE đặc hiệu, toàn phần… thậm chí là xét nghiệm dịch ngay tại mũi.

Vậy ngứa cổ họng ho kéo dài do dị ứng được điều trị như thế nào? Nguyên tắc điều trị cũng là tránh tiếp xúc với dị nguyên, dùng thuốc điều trị triệu chứng, giải mẫn cảm và phẫu thuật nếu cần, kết hợp với vệ sinh mũi họng, hoạt động nâng cao thể lực, thiền định, liệu pháp vi lượng đồng căn… Thuốc “phổ thông đại chúng” đầu tay hay được sử dụng là thuốc kháng histamin.

4. Thiếu nước gây khô họng

Đầu tiên là phải uống đủ nước trong ngày để chữa các bệnh gây giảm tiết ở niêm mạc họng, giảm tiết tuyến nước bọt. Đồng thời, bạn cần hạn chế thở miệng khi ngủ, chữa chứng ngủ ngáy, chữa những bất thường cản trở đường thở mũi…

Dùng máy phun sương hoặc máy xông hơi tạo độ ẩm cho môi trường nếu thời tiết hanh khô. Sử dụng những thảo dược dân gian để kích thích tăng tiết nước bọt và làm dịu, làm ẩm niêm mạc họng.

Có thể bạn quan tâm

Mỗi ngày nên uống bao nhiêu nước? 10 lợi ích bất ngờ khi bạn uống đủ nước

5. Ngứa cổ họng ho kéo dài do trào ngược dạ dày thực quản

Khi nằm xuống là ngứa cổ ho do trào ngược dạ dày thực quản cần điều trị như thế nào? Câu trả lời là bạn có thể điều trị chứng trào ngược dạ dày thực quản bằng cách kết hợp uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và điều chỉnh một số thói quen, chẳng hạn như: 

  • Điều chỉnh độ dốc của mặt phẳng nằm, sao cho có độ dốc nhẹ từ phần đầu trở xuống bằng cách kê chân đầu giường cao lên một chút, chuyển tư thế sang nằm nghiêng bên trái…
  • Tránh các món ăn uống như cay, chua, nước có gas, bia rượu.
  • Tránh ăn nhiều, ăn khuya.

Ngoài ra, để điều trị trào ngược dạ dày thực quản thì các bác sĩ phải thăm khám kỹ lưỡng, sau đó dùng thuốc diệt vi khuẩn HP nếu có, thuốc ổn định lại vận động của thực quản, thuốc kháng acid và kháng tiết axit dạ dày, phẫu thuật chỉnh sửa lại van tâm vị… Khi không còn dịch axit trào lên thì độ pH của niêm mạc họng sẽ không còn bị “axit hóa”, không còn kích ứng, không còn cảm giác bỏng rát, không còn gây ngứa và ho nữa.

6. Hen suyễn gây ho ngứa cổ họng

Hen suyễn là một bệnh phổi mạn tính mà đường thở bị viêm và co thắt, gây khó thở, rên rít, co kéo lồng ngực nhất là ở thì thở ra. Bệnh này cũng hay kèm với viêm mũi dị ứng. Ngứa cổ họng và ho húng hắng kéo dài đôi khi là dấu hiệu của bệnh suyễn “giấu mặt”. Bác sĩ sẽ thăm khám và nếu nghi ngờ là suyễn thì sẽ điều trị theo suyễn và đương nhiên là triệu chứng ngứa họng và ho sẽ hết. Lưu ý là bạn phải tuân thủ điều trị, kết hợp với tập thở và hoạt động tăng cường thể lực phù hợp. Tránh những tác nhân có thể làm khởi phát những cơn dị ứng của đường hô hấp.

7. Lạm dụng phát âm

Để giảm thiểu nguy cơ ngứa cổ họng kèm ho kéo dài, bạn cần tránh nói nhiều, ca hát nhiều liên tục mà không ngừng nghỉ, không uống nước nhấp giọng. Tránh lạm dụng những âm nổ, âm cao, la hét…

Ngoài chuyện khô họng, rát họng, ngứa họng gây ho thì “bệnh nói nghề nghiệp” còn gây hại cho dây thanh âm, làm nhược cơ căng dây thanh, tạo hạt dây thanh… dẫn tới nói khàn, nói mệt.

Chăm sóc sức khỏe tại nhà khi bị ngứa họng và ho kéo dài

ngứa cổ họng ho kéo dài

Khi bị ngứa cổ họng ho kéo dài, bên cạnh việc đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bạn cũng cần tự chăm sóc sức khỏe tại nhà để hỗ trợ giảm nhẹ tình trạng này. Một số cách chăm sóc sức khỏe cho niêm mạc họng tại nhà bạn có thể tham khảo là:

  • Uống trà chanh hoặc trà pha mật ong ấm
  • Ăn súp gà ấm
  • Uống trà gừng
  • Dùng kẹo ngậm thảo dược
  • Uống đủ nước
  • Tránh thức uống gây kích ứng như chứa caffeine, cay, chua, bia, rượu
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm khi không khí môi trường quá khô
  • Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc.
  • Hoạt động thể lực, tăng cường sức khỏe…

Tuy nhiên, bạn cần đi khám nếu thấy tình trạng ngứa cổ họng kèm ho có chiều hướng nặng hơn và có các dấu hiệu như:

  • Tình trạng ngứa cổ họng kéo dài hơn 3 tuần
  • Cảm giác ngứa ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ
  • Sốt
  • Gây khó nuốt
  • Thở khò khè hoặc khó thở
  • Tức ngực
  • Ho có máu hoặc đờm
  • Giảm cân
  • Hoặc bất kỳ triệu chứng khác lạ, bất thường nào khác…

Tình trạng ngứa cổ họng kèm ho kéo dài có thể nhanh chóng biến mất nếu xác định được nguyên nhân và chữa trị phù hợp. Khi đó, không những cổ họng của bạn sẽ thoải mái, dễ chịu mà sức khỏe tổng thể của bạn cũng sẽ cải thiện, chất lượng cuộc sống nhờ đó mà tăng lên.

[embed-health-tool-heart-rate]

Từ khóa » điều Trị Ho Khan Ngứa Cổ