Ngứa Hậu Môn Có Phải Là Triệu Chứng Bệnh Lây Truyền Qua đường ...
Có thể bạn quan tâm
Ngứa hậu môn có thể là một triệu chứng của các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD). Đây là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của một số bệnh như:
- Herpes (mụn rộp) hậu môn
- Bệnh lậu
- Mụn cóc hậu môn
- Rận mu
Nhưng ngứa hậu môn cũng có thể là do nhiều nguyên nhân khác không liên quan đến STD, chẳng hạn như bệnh trĩ, vấn đề về da hoặc chỉ đơn giản là do tiếp xúc với các chất gây kích ứng trong sản phẩm vệ sinh hoặc giấy vệ sinh dùng hàng ngày.
Ngứa hậu môn được chia ra làm hai loại là:
- Ngứa hậu môn nguyên phát (vô căn): không xác định được nguyên nhân cụ thể gây ngứa. Dạng ngứa hậu môn này phổ biến hơn nhiều so với ngứa thứ phát.
- Ngứa hậu môn thứ phát: xác định được nguyên nhân gây ngứa, chẳng hạn như do một STD, bệnh về da hoặc bệnh tự miễn.
Thông thường, khi bị bệnh lây truyền qua đường tình dục thì ngứa hậu môn còn có đi kèm với các triệu chứng khác. Dưới đây là một số dấu hiệu, triệu chứng thường gặp, những nguyên nhân khác cũng có thể gây ngứa ngáy ở hậu môn, biện pháp khắc phục và những gì cần làm khi nghi ngờ mình bị STD.
Các triệu chứng STD
Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như mụn rộp hậu môn, bệnh lậu, mụn cóc hậu môn và rận mu có thể gây ngứa hậu môn kèm với một số triệu chứng khác.
Mụn rộp hậu môn
Mụn rộp hậu môn hay herpes hậu môn là do một loại virus có tên là HSV (herpes simplex virus) gây ra. Có hai chủng HSV gây mụn rộp là HSV-1 và HSV-2. Con đường lây truyền chính là quan hệ tình dục với người mang virus, đặc biệt là khi người đó đang có mụn rộp trên da. Nhưng kể cả khi không có mụn rộp thì virus vẫn có thể lây từ người này sang người khác. Mụn rộp có thể hình thành ở bất cứ vị trí nào bị nhiễm virus, ví dụ như bộ phận sinh dục, bên trong khoang miệng, trên hoặc xung quanh môi và cả ở hậu môn.
Trong những đợt bùng phát triệu chứng mụn rộp, người bệnh bị nổi những mụn nước màu trắng và những mụn nước này sẽ vỡ ra, tạo thành vết loét màu đỏ, gây ngứa ngáy, đau đớn và chảy dịch. Sau một thời gian, những vết loét này đóng vảy rồi lành lại. Ngoài ra, các triệu chứng phổ biến khác của mụn rộp hậu môn còn có:
- Đau ở vùng hậu môn
- Những thay đổi bất thường ở thói quen đại tiện
Bệnh lậu
Bệnh lậu là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do nhiễm vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae (lậu cầu khuẩn) gây ra. Vi khuẩn này có thể lây qua hầu hết các hình thức quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ tình dục đường hậu môn.
Nhiều người bị bệnh lậu không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Khi có thì các triệu chứng ở nam và nữ sẽ có sự khác biệt. Các triệu chứng thường gặp ở nam giới gồm có:
- Đi tiểu nhiều hoặc thường xuyên buồn tiểu gấp
- Dương vật tiết dịch trắng đục, hơi vàng hoặc xanh
- Sưng đỏ ở đầu dương vật
- Sưng đau tinh hoàn
- Đau họng
Các triệu chứng thường gặp ở phụ nữ khi bị bệnh lậu gồm có:
- Đi tiểu thường xuyên
- Dịch tiết âm đạo loãng, màu xanh hoặc trắng
- Cảm giác đau, nóng rát khi đi tiểu
- Kinh nguyệt ra nhiều bất thường hoặc ra máu ngoài kỳ kinh nguyệt
- Đau rát họng
- Đau khi quan hệ tình dục
- Đau bụng dưới dữ dội
- Sốt
Mụn cóc hậu môn
Mụn cóc hậu môn là một loại mụn cóc sinh dục (hay còn gọi là sùi mào gà) có thể xuất hiện ở cả trong và bên ngoài hậu môn. Nguyên nhân là do bị nhiễm HPV (virus u nhú ở người) khi quan hệ tình dục đường miệng, âm đạo hoặc hậu môn với người mang virus.
Ban đầu bệnh này thường không gây đau đớn hay khó chịu gì nhưng mụn cóc có thể to lên và ngày càng ngứa. Chúng cũng có thể lây lan từ hậu môn sang các khu vực lân cận, bao gồm cả bộ phận sinh dục.
Mụn cóc ở hậu môn có thể chỉ xuất hiện đơn lẻ ở một vị trí hoặc có thể lây lan sang các bộ phận khác của bộ phận sinh dục và hậu môn theo thời gian.
Các triệu chứng nặng của mụn cóc hậu môn gồm có:
- Chảy máu
- Chảy dịch từ hậu môn
- Cảm giác cộm vướng như có u cục trong hậu môn
- Nổi mụn cóc mới trên bộ phận sinh dục, đùi hoặc vùng bẹn
Rận mu
Rận mu (pubic lice hay phthirus pubis) là một loại côn trùng có kích cỡ rất nhỏ, có thể lây lan qua đường tình dục và sống ở bộ phận sinh dục hoặc hậu môn, đặc biệt là vùng lông ở những khu vực này.
Rận mu sống nhờ hút máu. Những lỗ, hang nhỏ mà chúng tạo ra để hút máu và sống ký sinh trong da sẽ gây cảm giác ngứa ngáy khó chịu, đặc biệt là vào ban đêm do đây là thời điểm mà rận hoạt động mạnh nhất.
Các dấu hiệu phổ biến khác khi bị rận mu còn có:
- Sốt nhẹ
- Trầy xước, nhiễm trùng ở vùng da có rận
- Mệt mỏi
- Xuất hiện những chấm thâm đen ở những vị trí bị rận mu cắn
Các nguyên nhân khác gây ngứa
Ngoài bệnh lây truyền qua đường tình dục, dưới đây là một số nguyên nhân khác cũng có thể gây ngứa ở hậu môn:
Bệnh trĩ
Bệnh trĩ xảy ra khi các tĩnh mạch trong hoặc xung quanh hậu môn và trực tràng bị phình giãn. Đây là một bệnh phổ biến. Ước tính có khoảng 75% người lớn bị trĩ vào một thời điểm nào đó trong đời. Có hai loại trĩ là trĩ nội và trĩ ngoại.
Trĩ ngoại (búi trì nhô ra bên ngoài hậu môn) là loại thường gặp nhất có biểu hiện là gây ngứa ngáy khó chịu kèm theo đau đớn, đặc biệt là khi ngồi và khi đại tiện.
Các triệu chứng khác của bệnh trĩ còn có:
- Nổi cục hoặc sưng tấy quanh hậu môn
- Rò rỉ phân ra ngoài
- Đau khi đại tiện, đặc biệt là khi phải rặn
- Có máu trên giấy vệ sinh sau khi đi ngoài
Giun kim
Giun kim là loại giun nhỏ sống trong ruột, chúng có thể xâm nhập vào đường tiêu hóa qua đường mũi hoặc miệng. Giun kim có kích thước rất nhỏ, chỉ dài chưa đầy 1cm và là một trong những dạng nhiễm giun sán phổ biến nhất ở người.
Các dấu hiệu nhiễm giun kim thường gặp gồm có:
- Ngứa dữ dội ở hậu môn, đến mức không thể ngủ được
- Mẩn đỏ quanh hậu môn
- Phát hiện thấy giun kim gần hậu môn hoặc trong phân
Nhiễm trùng nấm men
Nhiễm trùng nấm men xảy ra do sự phát triển quá mức của nấm Candida gây ra. Đây là một loại nấm tồn tại tự nhiên trên cơ thể, đặc biệt là trong đường tiêu hóa cũng như là những khu vực ấm, tối và ẩm khác của cơ thể, ví dụ như vùng kín. Bình thường, loại nấm này tồn tại ở số lượng ít và ở thế cân bằng với vi khuẩn, không gây ra bất kỳ vấn đề nào nhưng khi sự cân bằng hệ vi sinh vật trong cơ quan sinh dục hoặc hậu môn bị phá vỡ do một số tác nhân, ví dụ như đang dùng thuốc kháng sinh, sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mang thai hoặc thói quen mặc đồ ẩm thì nấm Candida sẽ phát triển mất kiểm soát và gây kích ứng, ngứa ngáy.
Nhiễm trùng nấm men có thể xảy ra ở bất kỳ ai, bất kể giới tính và sẽ gây ngứa dữ dội cho đến khi tình trạng nhiễm trùng được điều trị dứt điểm.
Vấn đề về da
Nhiều vấn đề về da gây ngứa ngáy, nổi sẩn hoặc vết loét và đôi khi còn gây chảy dịch hoặc mủ ở hậu môn.
Một số trong đó là do các bệnh tự miễn, chẳng hạn như bệnh vảy nến. Nhưng nguyên nhân đôi khi chỉ đơn giản là do tiếp xúc với các chất gây dị ứng, kích ứng trong những sản phẩm dùng hàng ngày, chẳng hạn như xà phòng hay giấy vệ sinh và dẫn đến viêm da tiếp xúc.
Biện pháp điều trị
Biện pháp điều trị tình trạng ngứa hậu môn sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra vấn đề. Dưới đây là phương pháp điều trị một số nguyên nhân phổ biến nhất:
- Mụn rộp hậu môn: điều trị bằng thuốc kháng virus.
- Bệnh lậu: điều trị bằng thuốc kháng sinh, chẳng hạn như azithromycin (Zithromax) và ceftriaxone (Rocephin).
- Mụn cóc hậu môn: điều trị bằng thuốc mỡ bôi da, phương pháp áp lạnh để làm đông cứng và phá hủy mụn cóc, loại bỏ mụn cóc bằng laser hoặc đốt điện.
- Rận mu: dùng dầu gội chuyên dụng, thuốc bôi đặc trị và loại bỏ rận bằng nhíp.
- Trĩ: ngâm trong nước ấm, ăn nhiều chất xơ hoặc thực hiện các thủ thuật như thắt trĩ bằng dây thun, tiêm xơ, quang đông hồng ngoại, đốt bằng laser
- Giun kim: dùng thuốc trị giun sán như Albendazole hoặc Mebendazole
- Nhiễm trùng nấm men: dùng thuốc trị nấm dạng uống hoặc bôi ngoài da kèm bổ sung men vi sinh
Ngoài ra, có thể làm dịu cơn ngứa bằng những cách như:
- Giữ ẩm cho da.
- Không gãi để tránh bị trầy xước da
- Không sử dụng bất kỳ sản phẩm nào có mùi thơm cho vùng kín
- Ngâm thân dưới trong nước ấm có pha một ít muối hoặc baking soda.
- Thử dùng các loại kem trị ngứa
- Uống thuốc kháng histamine để giảm ngứa và các triệu chứng khác.
Khi nào cần đi khám?
Cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt khi bị ngứa ngáy dai dẳng ở hậu môn, đặc biệt là khi còn kèm theo các biểu hiện bất thường khác.
Phải đến bệnh viện khẩn cấp nếu có các triệu chứng như dịch tiết dương vật hoặc âm đạo có màu và mùi không bình thường, chảy máu từ hậu môn hay đau dữ dội ở hậu môn. Trong trường hợp mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, càng điều trị sớm thì các triệu chứng sẽ càng đỡ nghiêm trọng và ít gây tổn hại cho cơ thể.
Tóm tắt bài viết
Mặc dù ngứa hậu môn có thể là một dấu hiệu của các bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng cũng có thể là do nhiều nguyên nhân khác. Trong hầu hết các trường hợp thì những nguyên nhân đều không nghiêm trọng và không cần phải lo lắng.
Tuy nhiên, cần đi khám khi tình trạng ngứa hậu môn:
- dữ dội và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày
- còn đi kèm các triệu chứng khác của bệnh lây truyền qua đường tình dục
- kéo dài dai dẳng và không đỡ dù đã thử các biện pháp tự khắc phục hoặc dùng thuốc không kê đơn
Từ khóa » Hậu Môn Bị Ngứa Sau Khi Quan Hệ
-
Phải Làm Gì Khi Bị Ngứa Vùng Kín Sau Khi Quan Hệ?
-
15 Nguyên Nhân Gây Ngứa Hậu Môn | Vinmec
-
Những điều Cần Biết Về Bệnh Ngứa Hậu Môn | Vinmec
-
Làm Gì Nếu Bị Cả Ngứa Hậu Môn Và Vùng Kín?
-
Ngứa Hậu Môn Biểu Hiện Của Bệnh Gì, Hướng điều Trị Ra Sao?
-
Cảnh Giác Với Bệnh Ngứa Hậu Môn Và Cách Kiểm Soát Tình Trạng Này
-
Ngứa Vùng Kín Và Hậu Môn Những Dấu Hiệu điển Hình
-
Sau Khi Quan Hệ Bị Ngứa Hậu Môn Có Sao Không?
-
Ngứa Hậu Môn (Anal Itching) - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Ngứa Vùng Sinh Dục – Hậu Môn - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
-
Bị Ngứa Vùng Kín Sau Khi Quan Hệ: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
-
Quan Hệ Tình Dục Qua đường Hậu Môn Gây Ra Những Rủi Ro Nào?
-
Ngứa Hậu Môn Là Bệnh Gì? Nguyên Nhân & Điều Trị • Hello Bacsi
-
Bị Ngứa Bao Quy đầu Sau Khi Quan Hệ - Bác Sĩ Lê Phương Tuấn