Ngứa Hoài, Coi Chừng Nhiễm Sán Chó - Tuổi Trẻ Online

Ngứa hoài, coi chừng nhiễm sán chó - Ảnh 1.

ThS.BS Trần Thanh Long (Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM) thăm khám bệnh nhân nhiễm giun đũa chó vào sáng 11-9 - Ảnh: XUÂN MAI

Nhiều người bị ngứa không rõ căn nguyên. Những cơn ngứa này ngày một nghiêm trọng đến mức mất ngủ. Với kết quả xét nghiệm dương tính giun sán, nhiều người mắc sán chó, họ bàng hoàng khi biết nguyên nhân chỉ là do ăn rau sống, thực phẩm sống chứ họ không chơi với cả chó lẫn mèo...

Tôi không nuôi chó, nhưng thỉnh thoảng ôm nựng chó của những nhà lân cận. Từ khi biết mình nhiễm sán chó, tôi dần từ bỏ thói quen này.

M. nói

Ngứa không rõ căn nguyên

ThS.BS Trần Thanh Long, trưởng khối điều trị phòng khám bệnh chuyên khoa ký sinh trùng Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM, cho hay các bệnh giun sán như giun đũa chó, sán lá gan... rất phổ biến trong cộng đồng. Bệnh gặp ở mọi đối tượng, độ tuổi và nguy hiểm nếu điều trị không kịp thời.

Cách đây khoảng 4 năm, chị N.T.T. (38 tuổi, ngụ quận 11, TP.HCM) bắt đầu cảm thấy ngứa ở cánh tay, ở đùi nhưng chỉ ngứa khoảng 1-2 ngày rồi hết. Công việc bận rộn nên chị T. cũng không chú ý đến những cơn ngứa này lắm nhưng sau này cơn ngứa đến ngày một nhiều hơn.

Gần đây, cơn ngứa đến với mức độ chị không thể chịu đựng được nữa. Cứ đi làm về, tắm rửa xong, chị phải ngồi gãi liên tục. Những chỗ chị gãi đỏ ửng lên như dị ứng, có nhiều đêm chị phải thức giấc vì ngứa.

Thấy bất thường, chị lên Internet tìm kiếm xem triệu chứng của mình là bệnh gì thì chị nghi mình có thể bị nhiễm ký sinh trùng.

Mới đây, chị đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM khám thì được xét nghiệm tìm ký sinh trùng. Kết quả xét nghiệm chị nhận được là bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó với mức độ nhiễm khá cao. Bác sĩ kê đơn thuốc cho chị uống trong 28 ngày nếu xét nghiệm lại thấy hết sán chó thì sẽ không phải uống thuốc nữa, còn không sẽ phải tiếp tục uống. Chị T. cho biết chị không chơi với chó mèo nhưng chị thường ăn rau sống.

Vào những ngày đầu tháng 8, hai bàn chân của chị M. (25 tuổi, ngụ quận Tân Phú) bỗng ngứa ngáy rất khó chịu. Bên cạnh đó, chị M. luôn có cảm giác nhồn nhột như có con vật gì đó đang "ngự trị" dưới lớp da thịt tại hai bàn chân.

Lo lắng, chị M. đến Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM làm các xét nghiệm cần thiết. Kết quả chị M. dương tính ấu trùng giun đũa chó. Hiện chị M. được điều trị theo phác đồ và dùng thuốc đặc trị giun sán nhưng tình trạng ngứa vẫn còn.

Theo thống kê từ phòng khám bệnh chuyên khoa ký sinh trùng Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM, trong tháng 7 phòng khám tiếp nhận 1.743 ca khám các bệnh giun sán. Tuy nhiên, đến tháng 8 số ca này lên đến 2.150 ca, trong đó có 112 ca dương tính sán lá gan lớn và 640 ca dương tính ấu trùng giun đũa chó (gọi tắt là giun đũa chó, người dân thường gọi là sán chó).

Ngứa hoài, coi chừng nhiễm sán chó - Ảnh 3.

Bàn tay nhiễm giun lươn - Ảnh: Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM cung cấp

Dễ nhầm lẫn với bệnh khác

Chị L.T. (46 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định) cho hay 6 tháng trước chị bỗng nhận ra cơ thể mình ngày càng mệt. Trước đây, chị đi

cầu thang hoài không sao nhưng giờ phải cố gắng lắm mới lên được cầu thang. Ngoài ra, làn da chị ngày càng sậm màu, đặc biệt chị bị ngứa ở bụng và mông. Lúc đầu chị tưởng bị dị ứng nhưng uống thuốc dị ứng vẫn không hết. Đi khám bệnh, các bác sĩ cho chị xét nghiệm và kết quả là chị bị nhiễm nhiều loại ký sinh trùng như giun đũa chó, sán lá gan... trong một thời gian dài dẫn đến tình trạng thiếu máu.

ThS.BS Trần Thanh Long cho hay từ trước đến nay, các bệnh giun sán thường bị người dân lãng quên, thậm chí kể cả bác sĩ. Bên cạnh đó, bệnh còn bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác. Đã có nhiều bệnh nhân nhiễm giun đũa chó mà chẩn đoán mắc bệnh da liễu, hay những bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn thành đau dạ dày.

Tại phòng khám chuyên khoa ký sinh trùng Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM đã từng tiếp nhận các trường hợp nhiễm sán lá gan nặng, cần phải can thiệp ngoại khoa như xuất hiện ổ áp gan kích thước lớn, thậm chí u gan. Thế nhưng các trường hợp này đều diễn tiến âm thầm, tình cờ phát hiện qua thăm khám.

Ngứa hoài, coi chừng nhiễm sán chó - Ảnh 4.

Xâm nhập và tàn phá

BS Trần Thanh Long cho hay giun sán thường đi vào cơ thể thông qua da hay miệng. Người bị nhiễm giun sán có thể từ một loại hay nhiều loại. Theo đó, thói quen ăn rau sống không rửa sạch, thịt tái, nuôi thú cưng... là những tác nhân chính gây nhiễm giun đũa chó, sán lá gan lớn nói riêng và các bệnh giun sán nói chung.

Đối với giun đũa chó, người nhiễm chúng khi nuốt trứng giun từ phân chó đi vào cơ thể. Sau đó, các ấu trùng giun phóng thích, đi xuyên qua thành ruột và theo đường máu di chuyển đến các bộ phận trên cơ thể.

Tại đây, các ấu trùng có thể sống sót trong cơ thể người trong nhiều tháng và sau đó bị phản ứng viêm của cơ thể tiêu diệt các ấu trùng di chuyển hoặc khiến chúng ngưng phát triển, nhưng chỉ sau khi các ấu trùng này đã gây tổn thương tại các mô.

Khi nhiễm giun đũa chó, người bệnh sẽ có triệu chứng đầu tiên là ngứa, nổi mề đay. Ngoài ra, người bệnh có thể biểu hiện những triệu chứng kèm theo như rối loạn tiêu hóa, đau đầu, ăn kém, đau bụng, bạch cầu ái toan tăng...

Đối với sán lá gan lớn, BS Long cho biết khi ăn, uống thức ăn có nhiễm ấu trùng sán thì chúng sẽ vào dạ dày, xuống tá tràng, tự tách vỏ và xuyên qua thành tá tràng vào khoang phúc mạc đến gan, đục thủng bao gan và xâm nhập vào nhu mô gan, gây tổn thương gan.

Trong giai đoạn xâm nhập, sán có thể di chuyển lạc chỗ và gây tổn thương ở các cơ quan khác như thành ruột, thành dạ dày, thành bụng, đôi khi có trong bao khớp...

Về biểu hiện lâm sàng của bệnh do sán lá gan lớn, người bệnh sẽ có triệu chứng mệt mỏi, đau hạ sườn phải, biếng ăn, gầy sút, đau bụng, buồn nôn, sốt, thiếu máu (da xanh, niêm mạc nhợt nhạt)...

Chủ yếu do tập quán ăn cá nước ngọt sống

Theo ông Phạm Ngọc Minh - trưởng bộ môn ký sinh trùng, ĐH Y Hà Nội, từ 10 năm trở về trước sán lá gan là bệnh hay gặp, đặc biệt ở những vùng người dân có tập quán ăn gỏi cá nước ngọt và sau này thêm món lẩu cá nước ngọt nhưng nhúng chưa kịp chín đã ăn.

Điều nguy hiểm ở căn bệnh này, theo ông Minh, là mắt thường không dễ phân biệt cá nhiễm ấu trùng sán và cá sạch, không như heo gạo hay bò nhiễm sán dây bò, vì thế người ăn cá nghĩ là cá sạch, cá nuôi nhưng thực chất có thể đã nhiễm ấu trùng sán.

"Những người đã nhiễm bệnh thì hay ăn và lại ăn nhiều cá do thích món này nên lại nhiễm nhiều sán, bệnh này không dễ chữa và sau khi nhiễm sán, tẩy sán không hiệu quả thì chứng sán lá gan có thể dẫn đến rất nhiều căn bệnh nguy hiểm như xơ gan, viêm nhiễm, ápxe gan, hỏng đường mật" - ông Minh cho biết.

Ngoài con người, ông Minh chia sẻ chó mèo nhà nuôi cũng có thể là vật chủ mang sán lá gan, khi chó mèo ăn cá sống nhiễm ấu trùng sán, rồi nhiễm sán, thải mầm bệnh ra môi trường, lại tiếp tục làm cá nhiễm ấu trùng và nguy cơ lây sang người. "Nếu không ăn cá nước ngọt sống thì không có nguy cơ mắc bệnh"- ông Minh nói. (L.ANH)

Phòng bệnh giun sán như thế nào?

Để phòng tránh bệnh sán lá gan lớn, giun đũa chó nói riêng và các bệnh giun sán nói chung, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần ăn chín, uống nước đun sôi để nguội; rửa tay trước khi ăn hay sau khi nô đùa với chó, mèo; dọn dẹp phân chó, mèo vào túi và vứt vào thùng rác; chích ngừa, tẩy giun định kỳ cho thú nuôi...

​Nguy cơ nhiễm sán chó ở người ​Nguy cơ nhiễm sán chó ở người

Ngày nay số người nhiễm sán chó được phát hiện và điều trị tại các cơ sở y tế ngày càng nhiều và hầu hết đều có nuôi chó trong nhà.

Từ khóa » Hình Con Sán Chó