“Ngừa Thai” Khi Sự đã Rồi: An Toàn - Tai Biến Chỉ Cách Nhau Gang Tấc

Song mọi nỗ lực của các bác sĩ cũng không kéo bệnh nhân ra khỏi cơn sốc do mất máu không hồi phục. Đây là một trường hợp điển hình trong năm 2014 trong số không hiếm các trường hợp “tai biến” do phá thai nội khoa (PTNK) mà không có chỉ định của bác sĩ.

Trao đổi về trường hợp bệnh nhân trên, BS Nguyễn Thị Bích Ty, Phó khoa KHHGĐ Từ Dũ cho biết, do trước đó, bệnh nhân uống thuốc PTNK ở đâu đó, ngoài BV Từ Dũ, nhưng do không được siêu âm kỹ càng, túi thai trong bụng nằm đúng vết mổ đẻ cũ, khi thuốc phát huy tác dụng, vết mổ cũ bung ra, gây nên việc băng huyết, không thể cầm máu, nên dù cắt tử cung vẫn không cứu được bệnh nhân.

Khoa Kế hoạch hóa gia đình Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh).

BS Bích Ty cho hay, PTNK là biện pháp bệnh nhân được uống thuốc, tạo cơn sẩy thai tự nhiên ở người phụ nữ. Nhưng nó phải được tuân thủ nghiêm ngặt theo phác đồ của Bộ Y tế, với biện pháp bắt buộc là siêu âm, và tuân thủ chỉ định của BS. Ở BV tuyến dưới cho phép áp dụng với thai từ 7 – 8 tuần, BV tuyến Trung ương mới được áp dụng cho thai 9 tuần. Thế nhưng, theo BS Ty, nhiều phụ nữ lựa chọn PTNK đang có quan niệm hết sức sai lầm, cho rằng chỉ cần dùng 1-2 viên thuốc là mọi sự “an toàn, êm đẹp”.

Tại BV Từ Dũ chiều 26/11, chúng tôi cũng đã được tiếp xúc với một trường hợp phải chịu hậu quả khá nặng nề cũng bởi áp dụng PTNK bừa bãi. Bệnh nhân là một sinh viên năm thứ 3 (21 tuổi, đang học ở một trường ĐH tại TP Hồ Chí Minh). Theo lời bà mẹ kể, cô con gái đã có bạn trai. Khi biết chắc mang bầu, nghe bạn mách, cô tìm mua được thuốc PTNK và uống. Thấy đau bụng, ra huyết 2 ngày, nghĩ rằng mình đã “thoát nợ”, cô không tới BV. Sau 1 tháng, cô hốt hoảng khi thấy bụng cứ “phát triển”, nghe con gọi điện, bà mẹ chạy từ quê vào đưa con đi Từ Dũ. Thông báo từ BS chiều cùng ngày cho biết: “Thai đã được 3 tháng, giữ lại cũng không được vì nguy cơ dị tật do đã dùng PTNK, buộc phải dùng thủ thuật”.

Theo bác sĩ Dương Phương Mai, Phó Giám đốc chuyên môn, BV Phụ sản Quốc tế Sài Gòn, bỏ thai ngoài ý muốn bằng cách này hay cách khác đều ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của người phụ nữ. Vấn đề hiện nay nhiều người cho rằng, nếu không muốn có thai nữa uống thuốc “cho ra” là hết sức sai lầm. Thời điểm nào uống, phải do thăm khám, siêu âm, theo chỉ định đầy đủ tại BV chuyên khoa. Sớm quá, như việc cứ thấy có “2 gạch” trên que thử thai mà uống thuốc khi thai chưa nằm trong lòng tử cung, thuốc cũng không có tác dụng. Và hậu quả là thai vẫn phát triển. Tỉ lệ dị dạng là rất cao từ những trường hợp này.

Theo bác sĩ Bích Ty, với biện pháp PTNK, bệnh nhân không phải can thiệp thủ thuật nhưng sau khi uống thuốc còn phải tái khám, kiểm tra. Và tư vấn là “quan trọng số 1”, để cân nhắc với tỉ lệ 5% là thất bại. Nhiều bệnh nhân chủ quan, không tới BV tư vấn, chỉ đi phòng mạch hoặc coi thường tái khám. Từ đây, nhiều sự cố đã xảy ra: thai chết lưu, thai vẫn phát triển dù đã dùng thuốc, thai ngoài tử cung... Khi ấy, bệnh nhân vẫn phải trở lại BV làm thủ thuật nạo, hút, mệt mỏi và đau đớn hơn.

Được biết, trong năm 2013, tại khoa KHHGĐ Từ Dũ, trong số 60.161 ca tới xin bỏ thai, có tới 12.632 trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp PTNK. Trong số đó, có tới 560 trường hợp là PTNK ở tuổi dưới 18 tuổi. Và trong 11.181 trường hợp phải thực hiện thủ thuật “hút thai” do đã mang thai tới tuần thứ 12, thì có không ít trường hợp do áp dụng PTNK mà thiếu hiểu biết, không kiểm soát được dấu hiệu không thành công của biện pháp PTNK.

Theo BS Phương Mai, bệnh nhân tim mạch, huyết áp, rối loạn đông máu… là nghiêm cấm PTNK. Đặc biệt là chống chỉ định với người có vết mổ đẻ cũ. PTNK phải được làm tại BV mới đảm bảo.

Từ khóa » Khám Kế Hoạch Hoá Gia đình ở Từ Dũ