Người 68 Năm đi Tìm Mộ Tổng Bí Thư Trần Phú - Báo Công Lý

Qua trò chuyện với anh Lê Doãn Thắng, cán bộ Ban quản lý di tích Trần Phú, chúng tôi được biết: ở Tp. Hồ Chí Minh hiện có người cháu gọi cố Tổng bí thư Trần Phú là chú ruột, ông còn sống và là người đã tìm ra mộ của Trần Phú vào ngày 4-1-1999, sau 68 năm. Chúng tôi cất công “săn tìm”. Và rồi, trong một ngôi nhà nhỏ ở đường Tô Hiến Thành, P.15, Quận 10, Tp. Hồ Chí Minh, chúng tôi đã gặp ông Trần Văn Thược, người cháu gọi Tổng bí thư (TBT) Trần Phú là chú ruột.

Ông Trần Văn Thược sinh năm 1935 (Ất Hợi), là người cao tuổi nhất của dòng họ Trần còn sống. Ông Thược có khuôn mặt gầy xương, hao hao khuôn mặt TBT Trần Phú. Ông Thược đưa cho chúng tôi xem cuốn “Trần tộc phổ ký”, trong đó phần về cố TBT Trần Phú được ghi như sau: “Đời thứ 18. Trần Phú, sinh ngày 1- 5- 1004. Ông học ở Huế, đậu đầu trong kỳ thi thành chung, được bổ làm giáo học ở Vinh, dạy tại trường Cao Xuân Dục. Sau ông thoát ly hoạt động cách mạng, xuất dương du học ở nước ngoài, về lãnh đạo cao trào cách mạng 1930- 1931. Sau đó, ông bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà lao Sài Gòn, bị tra tấn cực hình, thành bệnh nặng, mất ngày 6- 9- 1931 tại nhà thương Chợ Quán. Lúc đó ông mới 27 tuổi, làm Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương”.

Tác giả bên mộ của cố Tổng Bí thư Trần Phú tại Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Theo gia phả, gia đình TBT Trần Phú có 6 anh em: hai chị gái đầu là Trần Thị Quang, Trần Thị Lang; thứ ba là Trần Kim Tương (bố của Trần Văn Thược); thứ tư là Trần Đường; thứ năm là Trần Phú và người em út là Trần Ngọc Dân. Cha của TBT Trần Phú là ông Trần Văn Phổ, làm tri huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). Vào năm 1914 ông Phổ đã tự vẫn để chống lại sưu cao, thuế nặng của bè lũ thực dân. Tiếp đó, bà Hoàng Thị Cát, mẹ của Trần Phú cũng qua đời. Sau biến cố đau thương của gia đình, các anh chị em dắt díu nhau ra Quảng Trị, nơi người chị cả là Trần Thị Quang đang lấy chồng, sinh sống ở đó. Lúc này, Trần Phú đi học ở Quảng Trị và sau đó học ở Huế.

Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Công lý đến thăm và dâng hương ở khu mộ phần cố TBT Trần Phú (ngày 13- 2- 2012)

Ông Thược cho biết: cha mẹ ông, lúc sinh thời thường kể cho ông nghe nhiều chuyện về chú Trần Phú. Trong đó có câu chuyện: vào năm 1922, ông Trần Phú lúc này 18 tuổi, đến giã từ anh chị (bố mẹ ông Thược) để đi làm cách mạng. Trần Phú nói: “Em đi tìm “mỏ vàng”, anh chị đừng đi tìm, khi nào tìm được “vàng” thì em trở lại thăm anh chị và các cháu”. Trước khi giã từ, Trần Phú đưa cho chị dâu 60 đồng bạc Đông Dương với nguyện vọng phụ giúp anh chị nuôi các cháu và cho cháu Trần Xuân Mai (anh ruột của Trần Văn Thược) một chiếc kiềng bạc. Không ngờ, từ đó Trần Phú đi, không còn dịp nào trở lại thăm anh chị và các cháu. Bố mẹ của ông Thược còn kể lại: lúc Trần Phú ở Quảng Trị, có nhiều người mai mối, có nhà giàu muốn gả con gái nhưng Trần Phú đều từ chối với lý do “muốn phụ giúp cho anh chị lo cho các cháu”.

Tổng Bí thư Trần Phú mất ngày 6-9- 931. Ông Thược kể: “Khi nghe tin chú Phú mất thì ba tôi cùng chú Trần Đường và chồng cô Lang liền vào Sài Gòn, lén thuê người giữ nhà xác và quản trang họ đạo, chôn cất chú Phú tại nghĩa trang Chợ Quán Sài Gòn (nay là khu vực công viên Lê Thị Riêng). Khi tôi lớn lên, mẹ tôi luôn nhắc nhở địa điểm chôn cất chú Phú và mong mỏi tôi cố gắng tìm được mộ của chú. Có dịp vào Sài Gòn, tôi đều tìm đến nghĩa trang này, tìm kiếm dấu tích và hỏi thăm những người quản trang. Nhưng do thời gian đã lâu, mộ không còn nấm, chỉ biết ở góc nghĩa trang, nên chưa xác định được mộ cụ thể. Hơn nữa, chiến tranh kéo dài, khó có điều kiện tìm mộ của một cán bộ cấp cao của cách mạng giữa trung tâm đầu não chính quyền Mỹ ngụy”.

Ông Trần Văn Thược - người cháu gọi TBT Trần Phú là chú ruột.

Sau năm 1975, gia đình ông Thược chuyển vào sinh sống ở Sài Gòn. Từ đây, ông lên một kế hoạch tìm mộ gia đình. Trước tiên, ông tìm mộ của bố ông và mộ bà nội. Thành công mỹ mãn. Từ đó, ông Thược nung nấu quyết tâm tìm mộ của chú ruột là Trần Phú. Thêm vào đó, thời gian này, tại khu mộ tù chính trị ở nghĩa trang Chợ Quán, chính quyền đã tìm được mộ của các nhà cách mạng Lý Chính Thắng, Trần Quốc Thảo…Năm 1998, khi chuẩn bị nghỉ hưu, ông Thược đã xúc tiến việc tìm mộ chú Trần Phú. Để tìm mộ của TBT Trần Phú, ông Thược phải ra Hà Nội xin phép Bộ Chính trị. Bộ Chính trị giới thiệu ông qua Văn phòng Trung ương Đảng. Sau khi làm đơn, khoảng một tháng sau thì có giấy phép gửi vào.

Ông Trần Văn Thược tâm sự: “Tôi là một Đảng viên, tôi không mê tín nhưng có những điều về tâm linh, mình chưa lý giải được”. Ngày 4- 1- 1999, ông Thược đã tìm được mộ của cố TBT Trần Phú, người chú ruột của mình. Ông Thược cho biết: quá trình tìm mộ Trần Phú, Văn phòng Trung ương Đảng luôn theo suốt. Di hài của cố TBT Trần Phú được quàn hơn một tuần ở Tp. Hồ Chí Minh, đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đến viếng. Ngày 12- 1- 1999, di hài của cố TBT Trần Phú được đưa về an táng tại quê nhà ở Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh- nằm bên dưới mộ của hai cụ thân sinh của cố TBT. Như vậy là sau 68 năm từ ngày TBT Trần Phú hy sinh (năm 1931), di hài của cố TBT đã được tìm ra và quy cố hương.

Ông Trần Văn Thược giãi bày: chi phí trong quá trình đi tìm mộ của cố TBT Trần Phú đều do một mình ông lo. Văn phòng Trung ương Đảng có xuất kinh phí nhưng ông và gia đình không nhận. Ông nói: “Đây là công việc tâm nguyện của tôi, gia đình tôi và dòng họ”. Trên bàn thờ nhà ông Thược có lư hương và di ảnh của cố TBT Trần Phú. Khi chia tay ông, chúng tôi xin phép được thắp một nén hương tưởng niệm người Tổng bí thư đầu tiên của Đảng, một trong những người học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Linh Giang

Hà Tĩnh - TP.HCM, 16-2-2012.

Từ khóa » Tổng Bí Thư Trần Phú Là Người Công Giáo