Người Ai Cập Cổ đại- Phần 5 | Nghiên Cứu Lịch Sử
Có thể bạn quan tâm
Charlotte Booth
Trần Quang Nghĩa dịch
Phần 5 Mười Điều Tâm Niệm
Trong phần này . . .
Phần này giúp các bạn tạo ấn tượng với bạn bè và người thân với một lô những sự kiện vô dụng nhưng lý thú về Ai cập học. Bạn có thể thao thao về mười khúc quanh của Ai cập học, cũng như về mườit hành tựu nổi bật nhất của người Ai cập. Bạn không chỉo ó thể tranh luận về 10 nhà Ai cập kiệt xuất, mà còn về 10 nhân vật Ai cập cổ, cứ như thể bạn quen biết họ.
Thế thì tại sao không bay đến Ai cập và gấy ấn tượng với mọi người trong khách sạn của bạn khi giới thiệu 10 điểm tham quan nổi bật.
Các phát hiện khảo cổ và những đột phá học thuật điểm tô cho lịch sử ngành Ai Cập học, khiến ngành học này là ngành học liên tục biến đổi.
Ai Cập học giống như một hình ghép với số mảnh ghép không được biết, không có hình ảnh và phân nửa miếng đã mất, điều sẽ làm bạn thắc mắc tại sao có người băn khoăn với nó! Các nhà Ai Cập học tiếp tục nghiên cứu bởi vì có quá nhiều câu hỏi cần được trả lời. Mỗi phát hiện mới mở ra một lãnh vực nghiên cứu mới hoàn toàn và cung cấp những hiểu biết thấu đáo hơn về cuộc sống của người xưa.
Những đột phá và phát hiện lớn nhất của những nhà Ai Cập học kiên trì __ từ thế kỷ 18 trở đi __ là tâm điểm của chương này.
Giải mã chữ tượng hình
Tất cả những khai quật ở Ai Cập trong đầu thế kỷ 19 không hứng thú đến phân nửa như chúng vốn như vậy, bởi vì các nhà khảo cổ học không thể đọc được ngôn ngữ tượng hình được khắc trên tường và quan tài và do đó không thể nhận diện ai là người đã xây dựng các lăng mộ và đền thờ.
Tình huống đáng thất vọng này đã hoàn toàn thay đổi vào năm 1826 khi Jean_Francois Champollion cho xuất bản cuốn tự điển đầu tiên về chữ tượng hình Ai Cập cổ. Cuối cùng thì ý nghĩa của các văn tự chạm khắc trên công trình kiến trúc và đồ vật có thể được giải mã.
Đột phá đáng kinh ngạc này đến từ việc phát hiện và phiên dịch Đá Rosetta (xem Chương 11), một bia ký được viết bằng ba thứ tiếng: cổ Hy lạp, chữ tượng hình Ai Cập và chữ demonic (một dạng tốc ký của chữ tượng hình).
Hầu hết sử gia có thể đọc được chữ Hy lạp cổ, vì thế sau nhiều công sức và suy luận, họ dần dần giải mã được hai ngôn ngữ kia và thiết lập một bảng chữ cái cơ bản và một danh sách các từ thông dụng. Những công cụ ngôn ngữ học này được áp dụng vô giới hạn đến bất kỳ văn bản Ai Cập nào mà các nhà Ai Cập học có thể tìm được. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu có thể nhận diện được tác giả của các lăng mộ và đền thờ, cũng như nhận diện được các thần linh được miêu tả trên tường.
Chỉ sau này văn phạm mới trở nên tâm điểm quan trọng trong việc nghiên cứu chữ tượng hình. Ngay cả lúc này, sau gần 200 năm, các tự điển, văn phạm, và các văn bản chạm khắc được xử lý lại để cung cấp những bản dịch càng chính xác hơn của ngôn ngữ này. Bạn đọc lại Chương 11 để hiểu rõ hơn về công cuộc dịch thuật chữ tượng hình.
Hệ Thống Niên Lịch của Petrie
William Matthew Finders Petrie là một nhà khảo cổ và Ai Cập học xuất sắc (xem Chương 19) trong thế kỷ 19. Ông không chỉ khai quật một số địa điểm thú vị nhất ở Ai Cập, mà còn phát minh một hệ thống niên lịch tương đối mà đến nay các nhà khảo cổ trên khắp thế giới còn sử dụng.
Niên lịch của Petrie sắp xếp theo thứ tự trước sau dựa trên toàn bộ các đề mục hay địa điểm, hơn là những vật thể riêng lẻ từ một địa điểm đặc biệt.
Petrie sáng chế hệ thống niên lịch trước sau trong khi làm việc tại Diospolis Parva, tại đó ông đã khai quật một số mộ tiền triều mà ông không thể kết nối hoặc khớp với danh sách các vì vua để cung cấp niên lịch biên niên. Petrie muốn biết địa điểm và nội dung theo thứ tự trước sau, vì thế ông viết ra những nội dung của mỗi lăng mộ trên một một mẩu giấy rồi xếp mẩu giấy thành một cột dài. Ông cứ sắp xếp bảng liệt kê cho đến khi ông đạt được một thứ tự trước sau thực sự dựa vào phong cách và cách trang trí của các đồ tạo tác trong mộ.
Mặc dù là một hệ thống đơn giản, sự sắp xếp theo thứ tự trước sau rất hữu dụng vì các nhà khảo cứu có thể tính được niên đại tương đối của lăng mộ bằng cách biết đồ vật an táng này sớm hơn hay muộn hơn một đồ vật khác. Hệ thống hữu dụng đối với việc sắp xếp những địa điểm theo một thứ tự nào đó khi không có văn bản chữ viết hay không tồn tại vật thể xác định được niên đại. Tuy nhiên, vấn đề với sắp xếp theo thứ tự trước sau là ta không luôn luôn hiểu được rõ ràng cách thức chuỗi này gắn vào một biên niên sử rộng lớn hơn của một vùng.
Các đền thờ ở Abu Simbel
Hai đền thờ tọa lạc tại địa điểm Abu Simbel, cách Aswan 250 km về hướng đông nam. Ramses II xây dựng cả hai ngôi đền này __ một để vinh danh thần mặt trời và một để vinh danh bà vợ Nefertari (xem thêm Chương 18).
Nhà du lịch Jean-Louis Burckhardt khám phá các đền thờ vào năm 1813, mặc dù phế tích chỉ còn một đầu khổng lồ của pho tượng đứng ở mặt tiền. Bão cát đã che lấp ba cột còn lại.
Năm 1817, Giavanni Belzoni __ một kỹ sư, đam mê Ai Cập học (xem Chương 19) bắt đầu dọn sạch cát phủ. Không thể tìm đủ số công nhân lực lưỡng hoặc ưa thích loại công việc này, Belzoni, một người cao gần 2.2 m, hầu như một mình đảm đương hết mọi việc. Khổ thay, sau mỗi lần ông dọn sạch cát ở mặt tiền đền thờ, bão cát lại nổi lên che lấp, khiến tiến trình rất vất vả và chậm chạp. Belzoni cuối cùng phải từ bỏ khi chưa định vị được cổng vào đền.
Năm 1871, khi nhà bảo trợ của ông là Henry Salt tài trợ một chuyến đi khác đến Nubia để thu mua cổ vật, Belzoni khai quật một thời gian ngắn ở Thung lũng các Vì Vua và sau đó trở lại Abu Simbel, tại đó ông quyết tâm tìm ta cổng vào. Belzoni là người thời nay đầu tiên bước vào được ngôi đền __ một thành tựu vĩ đại ai cũng mơ ước __ trong đó ông nhìn thấy những hình ảnh sừng sững của Ramses II trên cột chống và những cảnh man rợ trong trận chiến Kadesh (xem hình dưới). Đến bây giờ những hình ảnh này vẫn còn mê hoặc chúng ta, còn lúc đó Belzoni chắc hẳn mê mẩn gấp bội vì cảnh tượng nhuốm một màn bí ẩn bao trùm vì lúc ấy không ai hiểu đọc được chữ tượng hình, do đó Belzoni không thể nhận diện được ai là người xây dựng nên ngôi đền.
Nơi chôn dấu của Hoàng gia 1881
Nếu Nơi Chôn Dấu Xác Ướp Hoàng Gia không được phát hiện, thì xác ướp hoàng gia duy nhất trong thời Vương quốc Mới được phát hiện là xác ướp của Tutankhamun. Các xác ướp trong Nơi Chôn Dấu Hoàng Gia giúp ráp nối các mảnh ghép của Ai Cập học, cho ta biết tường tận về các tập quán an táng, bệnh tật, và tuổi thọ của hoàng gia. Trong tương lai, với sự trợ giúp của DNA, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ làm sáng tỏ mối liên hệ gia đình của những xác ướp.
Các nơi chôn dấu được xây dựng vào vương triều 21 như một cách để che chở các xác ướp hoàng gia không bị trộm mộ. Các thầy tu dời các thi thể từ lăng mộ ở Thung lũng các Vì Vua, bao bọc lại, và đặt chúng chung với nhau trong một nơi bí mật, an toàn.
Sự phát hiện nơi Chôn Dấu Hoàng Gia đầu tiên là một kết hợp giữa may mắn và công tác truy tìm. Ngay từ năm 1874, các tin đồn về một ngôi mộ tuyệt vời đã được phát hiện ở tây Luxor, chứa đầy bảo vật có một không hai. Không ai từng nhìn thấy mộ này, nhưng giấy cói và những đồ tạo tác khác bắt đầu xuất hiện trên thị trường chợ đen, rõ ràng từ một lăng mộ hoàng gia mới. Sau đó, Văn Phòng Cổ Vật Ai Cập, được sự lãnh đạo của người Pháp Gaston Maspero, bắt đầu điều tra. Vào năm 1881, Ahmed Abd erRassul, xuất thân từ một gia đình có ‘truyền thống’ trộm mộ đầy tai tiếng ở Gourna (ngôi làng trên Thung lũng các Quý Tộc), bị bắt thẩm vấn.
Maspero tra hỏi er-Rassul ráo riết, nhưng tên Ai Cập chối là mình không biết gì về lăng mộ; cuối cùng Maspero phải thả hắn ra. Sau đó hắn bị cảnh sát Ai Cập bắt thẩm vấn lần nữa cùng với em trai Hussein. Lần này cảnh sát Ai Cập không tử tế như người Pháp. Nhưng hai anh em er-Rassul vẫn chối phăng và được thả cho về làng. Về đến nhà, gia đình của Rassul bắt đầu xào xáo.
Người anh cả của Rassul, Mohammed, chính là người đã phát hiện ra mộ cổ. Ahmed và Hussein cảm thấy rằng mình phải được thưởng công xứng đáng hơn vì đã không tiết lộ cho giới cầm quyền sự thật về ngôi mộ. Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng gia đình thỏa thuận cho Mohammed đi khai báo sự thật với nhà cầm quyền. Sau khi được bảo đảm không ai bị truy tố, y tiết lộ vị trí của ngôi mộ bí mật trong Thung lũng Deir el Bahri, gần sát đền thờ Hatshepsut.
Trong lăng mộ, nhà cầm quyền phát hiện nhiều xác ướp hoàng gia thời Vương quốc Mới, bao gồm
- Ahmose
- Amenhotep I
- Thutmose III
- Sety I
- Ramses II
- Ramses III
Những vị vua này được mang về Cairo nơi hiện giờ họ đang được trưng bày trong bảo tàng (trừ Ahmose, năm 2004, được dời về Bảo tàng Luxor). Năm 1898, một nôi chôn dấu xác ướp khác được phát hiện trong Thung lũng các Vì Vua, góp thêm mười xác ướp hoàng gia nữa.
Để đủ bộ xác ướp hoàng gia của thời Vương quốc Mới, các nhà Ai Cập học còn cần phải tìm thêm xác ướp của
- Horemheb
- Ramses I
- Sethnakht
- Ramses VII
- Ramses X
- Ramses XI
Có lẽ một nơi chôn dấu xác ướp khác đang đợi để được tìm ra, việc này sẽ vén màn bí mật của các vị pha-ra-ông này và cho cả dòng họ hoàng gia được xum họp một nhà.
KV55: Lăng mộ bị báng bổ
Lăng mộ 55 trong Thung lũng các Vì Vua từng nhiều năm gây nhiều tranh cãi trong nội bộ các nhà Ai Cập học. Edward Ayrton và người bảo trợ Theodore Davis phát hiện ra nó vào năm 1907 trong Thung lũng các Vì Vua.
Một panô từ một điện thờ lớn bằng gỗ trước đây dùng trong lễ an táng của Hoàng hậu Tiye, mẹ của Akhenaten, phong tỏa lối vào hầm mộ. Điều này khiến nhiều nhà Ai Cập học lúc đó ngỡ đây là lăng mộ của Tiye. Nhưng sau đó khi đi vào phòng an táng, họ mới phát hiện một quan tài có chứa một thi hài. Trong khi một số vẫn nghĩ rằng đó là của Tiye, tất cả tên trên quan tài đều được bôi xóa, khiến không thể nhận diện được người chết là ai. Thi hài được gởi đến đến Grafton Elliot-Smith (một chuyên gia về xác ướp Ai Cập) để phân tích. Thay vì là xương cốt của một bà già, thật ra là của một nam thanh niên. Cốt truyện trở nên gay cấn!
Các nhà Ai Cập học bắt đầu tranh luận xem nắm xương tàn này là của Akhenaten hay người kế vị Smenkhkare của ông. Cho đến tận bây giờ người ta vẫn chưa nhất trí, mặc dù xét về sự tương tự của hình dạng sọ đầu, thi hài thường được nhất trí công nhận là của em Tutankhamun, và do đó chắc hẳn là của Smenkhkare. Việc thử DNA có thể khiến việc nhận diện này rõ ràng hơn, nhưng việc thử DNA chỉ được tiến hành khi những kết quả liên quan đến DNA cổ được chính xác hơn.
Lăng mộ 55 được cho là đã cung cấp vị vua còn thiếu của thời kỳ Armana, một thời kỳ đã kích thích giới Ai Cập học trong nhiều năm. Nhiều thi hài còn thiếu từ thời kỳ này (Akhenaten, Nefertiti, và sáu con gái của họ; Smenkhkare; và Ay), vì thế bất kỳ lăng mộ nào của thời kỳ này đều đưa các nhà Ai Cập học tiến thêm một bước gần hơn tới bức tranh hoàn chỉnh.
Lăng mộ Tutankhamun
Lăng mộ tutankhamun là một trong những lăng mộ nổi tiếng và đình đám nhất được tìm thấy trong lịch sử Ai Cập học, vì nó là lăng mộ hoàng gia duy nhất không bị xâm phạm trong thời cổ. Tất cả các lăng mộ hoàng gia khác đều bị trộm trong thời cổ, và thật ra lăng mộ của Tutankhamun cũng vậy. May thay đồ vật bị lấy đi ít, đa số đồ vật của Tutankhamun vẫn còn nguyên vẹn.
Năm 1914, nhà Ai Cập học Howard Carter và người bảo trợ của ông Lord Carnarvon bắt đầu khai quật trong Thung lũng các Vì Vua, chỉ sau khi một người khai quật khác là Theodore Davis, người đã làm việc ở địa điểm ấy một thời gian, tuyên bố rằng ‘Thung lũng các Vì Vua đã cạn kiệt.’
Carter và đội của ông đã phát hiện một số lăng mộ trong Thung lũng, và vào năm 1917 Carter bắt đầu tìm kiếm lăng mộ còn thiếu của Tutankhamun (một số di vật đã được phát hiện cho thấy sự tồn tại của một lăng mộ trong vùng). Tuy nhiên, đến năm 1921, đội vẫn chưa tìm được lăng mộ, và Lord Carnarvon đang cứu xét việc ngưng tài trợ cho dự án. Sau nhiều lần tranh luận, Carter thuyết phục ông ta tài trợ thêm mùa cuối cùng.
Thần may mắn đã mĩm cười với Carter trong mùa cuối cùng này. Vào ngày 4 tháng 11 năm 1922 đội ông đã phát hiện được bậc thang bằng đá đầu tiên dẫn đến lăng mộ Tutankhamun. Ngày hôm sau họ quét sạch các bậc thang và phát hiện ra cửa vào, còn nguyên dấu niêm phong chứng tỏ lăng mộ còn nguyên vẹn. Cửa vào thứ nhất được mở vào ngày 23/11/1922, và cửa thứ hai bên trong lăng mộ được mở vào ngày 26/11. Khi mở cánh cửa này, lần đầu tiên Carter và Carnarvon chứng kiến những vật dụng tuyệt vời đã được cất giấu ba thiên niên kỷ. Đó là những quan tài bằng vàng khối, những điện thờ mạ vàng, hàng đống trang sức bằng vàng, và mặt nạ bằng vàng khối nổi tiếng nhất đắp trên mặt thi hài của ông
Gian phòng thứ nhất được chính thức mở cửa vào ngày 29/11, và phòng an táng vào ngày 17/2/1923. Các chuyên gia bắt đầu phân loại các đồ tạo tác, và vào ngày 28/10/1925 đội cuối cùng mở quan tài và ngắm nhìn gương mặt của vị vua đã sống và chết từ thuở xa xưa. Việc kê khai và phân loại cuối cùng hoàn tất vào ngày 10/10/1930, tám năm sau khi được phát hiện.
KV5: Lăng mộ các con trai của Ramses II
Sự tồn tại của KV5 trong Thung lũng các Vì Vua đã được ghi chép từ đầu thế kỷ 19, nhưng lối vào từ lâu đã bị mất tung tích. Khi các nhà thám hiểm trước đây tiến vào KV5, nó bị lấp đầy bởi cát đá và mảnh vỡ hầu hết rơi từ trần hầm xuống, khiến tiến trình nghiên cứu trở nên khó khăn. Thật ra, lăng mộ bị bổ hoang vì một lý do nào không rõ. Phải chi họ biết được những gì nằm ở bên kia đống đỗ nát.
Năm 1089, Kent Weeks, làm việc cho Dự Án Vẽ Bản Đồ Thebes, bước vào lăng mộ bị bỏ quên này. Thay vì nhìn thấy kho báu vàng ròng như Howard Carter khi bước vào lăng mộ Tutankhamun, Weeks chạm trán với nước thải từ một đường ống bị rò rĩ khiến nước thải bị bơm vào hàng thể kỷ. Cộng với cái nóng khủng khiếp của Thung lũng, thật là một trải nghiệm không dễ chịu chút nào! Sau khi chất thải được dọn sạch, đội thi công bắt đầu xúc bỏ cát đá và đống xà bần và phát hiện lăng mộ ở phía bên kia.
Thật là một lăng mộ kỳ vĩ __ một phức hợp lăng mộ lớn nhất trong Thung lũng các Vì Vua và thật ra là lớn nhất trong toàn Ai Cập. Do Ramses II xây dựng để an táng nhiều con trai của mình, lăng mộ đến giờ bao gồm 120 hành lang và phòng ốc trải rộng trên hai tầng. Số hành lang được kỳ vọng sẽ là 150.
Ít nhất có sáu con trai của Ramses II được chôn trong phức hợp này và phần xương còn lại của họ đã được phát hiện. Họ ban đầu được ướp xác, nhưng qua hàng thế kỷ lũ lụt đã đẩy nhanh quá trình phân hủy nên xác ướp không còn nguyên vẹn (xem hình).
Mỗi bức tường của lăng mộ đều được chạm khắc và vẽ màu, nhưng qua hàng thế kỷ hình trang trí đã bong tróc, làm thành một bài toán khó cho các nhà Ai Cập học muốn ráp những mảnh vỡ lại với nhau. Các hình vẽ trên tường miêu tả hơn 20 con trai, bao gồm các nghi lễ an táng của họ, vì thế chắc chắn lăng mộ phải chứa hơn sáu xác ướp đã được phát hiện. Tại KV5 công việc khai quật vẫn còn tiếp tục và hy vọng sẽ có thêm những phát hiện mới.
Khối đá Talatat của Akhenaten
Trong thời trị vì của Akhenaten, một khối đá xây mới được đưa vào, gọi là talatat. Chữ này đến từ tiếng Ả rập, có nghĩa là ‘ba’, bởi vì các khối này rộng hai bàn tay và cao một bàn tay. Talatat có thể được một người di chuyển khiến việc xây dựng nhanh chóng hơn và dễ dàng hơn.
Akhenaten sử dụng các khối này để xây dựng một số đền thờ ở phức hợp Karnak tại Luxor. Trong thời trị vì của Tutankhamun, Ay, và Horemheb, những đền thờ này được tháo dỡ và các khối talatat được tái sử dụng cho những dự án khác, như một cách để phi tang chứng cứ của Akhenaten (xem lại Chương 4 để hiểu tại sao).
Tuy nhiên Horenheb quyết định sử dụng khối talatat để lấp đầy các khoảng trống của cổng tháp ở Karnak để kiến trúc này được vững chải hơn. Ông hoàn toàn có lý trong quyết định này, và khi ông chất các khối talatat vào lòng tháp, nhiều hình ảnh được vẽ trên đó bị lật ngược. (Horemheb không nghĩ rằng thật ra mình đã bảo tồn, chứ không hủy hoại như mình muốn, các vật gợi nhớ về Akhenaten.)
Kể từ khi các cuộc khai quật đầu tiên các cột tháp vào đầu thế kỷ 20, hơn 35,000 khối talatat đã được tỉm thấy. Chúng được cất giữ trong một số nhà kho trong phức hợp Karnak cho đến khi tái sử dụng.
Tất cả 35,000 khối talatat đều được trang trí, một số trên cả hai mặt, và việc tái thiết sẽ là một công việc nhọc nhằn. Ở Bảo tàng Luxor, một bức tường nhỏ khối talatat đã được tái thiết và các nhà nghiên cứu đang tiếp tục bổ sung thêm khi công việc tiến triển (xem hình dưới).
Từ những tái thiết đã được thực hiện bởi Dự Án Đền Thờ Akhnaten, các nhà Ai Cập học, sử dụng phần mềm vi tính kỹ thuật cao, sắp sửa hình dung được những tòa nhà mà Akhenaten tự tay xây dựng, bao gồm
- Một đền thờ thuộc về Nefertiti, vợ của Akhenaten, có sân trong được đỡ bằng hệ thống lên đến 30 cột, tất cả đều mang hình ảnh của hoàng hậu.
- Một đền thờ thuộc về Akhenaten, chứa những pho tượng bề thế của nhà vua.
- Một cung điện nơi vua và hoàng hậu dừng chân trước khi tiến hành các nghi thức cúng tế trong đền thờ.
Cung điện của Cleopatra
Vào năm 1997, một đội khảo cổ Pháp ở Địa trung hải phát hiện cảng ở Alexandra bị chìm và hai thành phố Herakleion và Canopus ngay bên ngoài bờ biển Alexandria. Phát hiện này mở ra một cuộc khai quật dưới nước thành phố của Cleopatra. Một đợt sóng thần tạo ra sau động đất đã làm nhấn chìm khu vực này cách đây 1,200 năm.
Các cuộc khai quật tiếp theo đã phát hiện hàng trăm đồ tạo tác, bao gồm những pho tượng đồ sộ của các vua và hoàng hậu và của Hapi, thần của lũ lụt sông Nile. Những di vật này, cũng như những pho tượng nhỏ hơn và những mảnh vỡ kiến trúc bao gồm cột và các acsitrap, ám chỉ là cung điện hoàng gia và vườn thượng uyển đều ở gần cảng.
Khi cuộc khai quật tiếp diễn, vị trí của cung điện của Cleopatra, cung điện của Antony, và một đền thờ đã được định vị. Như vậy, khung cảnh của câu chuyện lãng mạn và sự ra đi đầy bi kịch của họ đã được nhận diện.
Vào năm 2006, người ta đề nghị xây dựng một bảo tàng dưới nước để trưng bày thành phố Cleopatra. Nhiều đồ vật tìm được dưới nước vẫn để lại đó để bảo tồn chúng; khi đem lên bờ và làm khô, những vật này có thể tan rã. Bảo tàng được đề nghị gồm một đường hầm bằng thủy tinh plê-xi cho phép du khách đi bộ dưới nước theo bước chân của Cleopatra, Mark Antony, và Julius Caesar. Tương tự như đường hầm hải cẩu hoặc cá mập ở sở thú __ trừ ra không có hải cẩu hoặc cá mập, mà chỉ có di tích lặng lẽ một cách kỳ bí của một thành phố đã mất.
Những di vật nhỏ hơn như đồ trang sức và tiền vàng đã được mang đi đề phòng bị trộm, và chúng sẽ được trưng bày riêng rẻ trong một tòa nhà trên bãi biển.
KV63
Vào ngày 10/2/2006, một đội khảo cổ người Mỹ phát hiện một lăng mộ hoàng gia thời vương triều 18, cách lăng mộ Tutankhamun 5 mét trong Thung lũng các Vì Vua __ rất lâu sau khi Thung lũng được tuyên bố là đã cạn kiệt.
Đội Mỹ đang làm việc tại một lăng mộ gần đó khi các thành viên phát hiện một số lều của các công nhân thời Vương quốc Mới, được xây dựng cho những người xây dựng lăng mộ trong Thung lũng. Bên dưới những lều này, họ tìm thấy lối đi vào bí mật đến mộ đường hầm KV63. Một số nền lều chưa hề bị xâm phạm, chứng tỏ lăng mộ bên dưới cũng chưa bị xâm phạm. Đường hầm sâu chừng 5 mét và dẫn qua một khung cửa cao 1,5 mét đến một phòng an táng 4 x 5 mét. Khối đá phong tỏa lối vào không còn nguyên, gợi ý cửa vào đã được mở và đóng một vài lần trong thời cổ.
Phòng chứa bảy áo quan gỗ chồng lên nhau và 27 chiếc bình lớn. Một số bình đã được mở và chứa một số bình nhỏ, muối natron, những mảnh vải, hạt giống, gỗ, than, trấu, nhựa thông, và chất khoáng __ tất cả những thứ còn để lại sau khi ướp xác. Các nhà nghiên cứu chưa hiểu những xác ướp này là ai, mặc dù chứng cứ đầy đủ cho thấy người quá cố thuộc vương triều 18, vào thời của Tutankhamun.
Vào cuối tháng 5, 2006, áo quan cũng được trút ra và trước sự thất vọng lớn lao của mọi người không có thi hài nào được tìm thấy. Thay vào đấy, các nhà nghiên cứu chỉ nhận được một số vật dụng như những thứ trong bình. Một áo quan đầy gối vải lanh, và một áo quan khác chứa một quan tài nhỏ, có lẽ dành cho việc chôn cất tôi tớ.
Toàn lăng mộ chắc chẵn đã được sử dụng làm xưởng ướp xác nhiều người lui tới. Các xưởng ướp xác rất thông thường, và nhiều nơi an táng hoàng gia cũng dành một nơi che giấu những vật liệu còn dư sau khi ướp xác. Nếu KV63 là một cửa hiệu như thế, ít nhất có hơn một lăng mộ chưa được khám phá. Có lẽ đó là lăng mộ biệt tăm của Akhenaten, Nefertiti, Ankhesenamun vợ của Tutankhamun, hoặc bà nội của ông là Tiye. Ai biết được?
Chương 15
Mười Nhân Vật Ai Cập Cần Biết
Lịch sử tạo nên bởi con người, không phải bởi biến cố. May thay, chứng cứ khảo cổ từ Ai Cập cung cấp nhiều thông tin về những người thời cổ này. Rủi thay, chứng cứ này chỉ liên quan đến giới thượng lưu, bao gồm hoàng gia và thành phần ưu tú, chỉ cấu thành một tỷ lệ nhỏ của xã hội. Đa số dân cư __ những nông dân và thợ thuyền __ hoàn toàn bị thất lạc đối với các sử gia ngày nay.
Mặc dù thành phần ưu tú rất thú vị __ mười gương mặt hấp dẫn nhất là tâm điểm của chương này __ những tầng lớp thấp hơn vô danh chắc hẳn cũng thú vị không kém, góp thêm một kích cỡ mới của lịch sử cổ Ai Cập. Nếu bạn muốn tìm hiểu nhiều hơn các nhân vật cổ Ai Cập, hãy đọc People of Ancient Egypt (Tempus Publishing, 2005), và Ancient Lives của John Romer (Phoenix Press, 2003).
Thutmosis III: Napoleon của Ai Cập
Nhiều vì vua trong vương triều 18, 19 là những vì vua chiến binh, nhưng không ai có thể sánh bằng Thutmosis III. Mặc dù ông không lên kế vị theo cách thông thường, ông may mắn vì có thể làm rạng rỡ danh tiếng của mình trong lịch sử quân sự của Ai Cập.
Thutmosis III là con trai của Thutmosis II và hoàng hậu thứ hai tên Isis. Khi vua cha chết, Thutmosis III chỉ vừa 2 hay 3 tuổi. Vì còn quá nhỏ để cai trị, ông kết hôn với mẹ kế của mình là Hatshepsut, vợ góa và hoàng hậu chính của Thutmosis II. Sau một vài năm, Hatshepsut chiếm ngai vàng làm vua theo ý mình (xem Chương 5 để biết thêm chi tiết), gạt Thutmosis III ra một bên. Khi Hatshepsut mất, Thutmosis III đã 24 hoặc 25 tuổi và nắm quyền cai trị Ai Cập một cách đường hoàng.
Khi vừa mới nắm quyền, Thutmosis III bắt đầu thiết lập lại đường biên giới và quyền kiểm soát vùng Cận Đông, bắt đầu bằng chiến dịch quy mô đến Megiddo (một thành phố ở Israel ngày nay), lãnh địa của người Hittite. Với sự gan dạ phi thường, Thutmosis hành quân đến Megiddo qua con đường gian nan nhất, khiến kẻ thù bị bất ngờ, không phòng bị kịp. Tuy vậy, quân Ai Cập mất thế thượng phong vì bận dừng lại cướp bóc doanh trại Hittite. Người Hittite đủ sức cầm cự với quân Ai Cập trong hơn bảy tháng, và cuối cùng quân Ai Cập rút về nước. Xem Chương 4 để biết thêm về chiến dịch này.
Dù vậy Thutmosis không từ bỏ tham vọng. Trong 50 năm trị vì, ông tổ chức tất cả 17 chiến dịch nữa vào Syria, cũng như vào Nubia xa xôi __ ngay cả khi ông đã trên 80 tuổi. Qua những nỗ lực của mình, ông tái thiết lập quyền lực của Ai Cập một cách vững chắc.
Horemheb: Người Giữ Gìn Trật Tự
Horemheb là một nhân vật đặc biệt hấp dẫn trong lịch sử Ai Cập vì cuộc đời ông là một câu chuyện đích thực từ rách rưới tới rực rỡ. Ông sinh ra trong một thị trấn nhỏ gần Faiyum, trong một gia đình trung lưu. Ông học hành xuất sắc và trở thành một thư ký chiến trường trong thời Akhenaten trị vì vào vương triều 18.
Horemheb chậm rãi và vững vàng tiến lên trong sự nghiệp và được thăng chức trong quân hàm cho đến khi ông trở thành vị tướng __ một vị thế có ảnh hưởng và có quyền hạn. Nhưng câu chuyện còn tiếp diễn tốt hơn: Trong thời gian Tutankamun ngồi trên ngai vàng, Horemheb là một nhân vật rất có tầm cỡ trong triều đình. Ông được ghi nhận như là người duy nhất có thể làm nguôi giận vị vua trẻ tuổi khi ông này nổi cơn thịnh nộ, và có thể ông đã từng dạy nhà vua về nghệ thuật quân sự. Tutankhamun tưởng thưởng cho vị tướng chức phó vương, có nghĩa là Horenheb được ủy quyền nhà vua trong một số trách vụ và nghi thức.
Khi Tutankamun mất, Horenheb không lợi dụng vai trò phó vương của mình để chiếm ngôi báu. Thay vào đó ông cho phép vị tể tướng già Ay lên nối ngôi. Bốn năm sau, Ay chết và Horemheb trở thành vua. Một giấc mơ cho các gia đình trung lưu!
Khi lên ngôi, ông bắt đầu một chương trình phục hưng toàn diện Ai Cập vì vinh quang của thời trị vì của Amenhotep III, trước Akhenaten và cuộc cách mạng tôn giáo của mình. Việc này đặt ra tiêu chuẩn cho vương triều 19 tiếp theo bắt đầu bởi vị tướng quân đội Ramses I của Horemheb. Vương triều 19 là thời kỳ xây dựng đế chế, quân phiệt, kỹ luật sắt vậy mà cũng sùng đạo trong lịch sử Ai Cập.
Ramses II còn xây một điện thờ tại lăng mộ Horemheb ở Saqqara để nhân dân tôn thờ ông như một vị thần. Từ rách rưới đến rạng rỡ đến thần linh __ còn ai kỳ vọng điều gì hơn nữa?
Nefertiti: Người đẹp đã đến
Nefertiti, vợ của Akhenaten, là một trong những hoàng hậu lừng danh nhất thời cổ Ai Cập, điều hơi kỳ lạ dù rất ít thông tin về bà. Mặc dù bà được đề cập rất thường trong thời trị vì của Akhenaten, không thấy có ghi chép về cha mẹ, gia đình, hoặc gia thế của bà tồn tại.
Một số nhà Ai Cập học cho rằng Nefertiti là công chúa xứ Mittani (một đế quốc trải dài từ tây Iran đến Địa trung hải) về làm dâu Ai Cập trong một hôn nhân ngoại giao. Tên bà có nghĩa là ‘người đẹp đã đến’, điều đó có thể chứng tỏ bà đi đến Ai Cập và sau đó được đặt cho biệt danh ấy. Tuy nhiên, vợ của Ay giữ tước vị ‘vú nuôi’ của Nefertiti, cho thấy Nefertiti đã ở Ai Cập từ nhỏ và do đó không chắc bà là một công chúa ngoại bang được gả về Ai Cập. Các nhà Ai Cập giờ đây phần lớn công nhận Nefertiti là con gái của Ay, và vợ ông ta là mẹ kế của bà, cho thấy có thể mẹ ruột của bà đã mất.
Nefertiti sống ở Armana và theo tôn giáo của chồng; bà thường được miêu tả thờ cúng đĩa mặt trời ngay bên cạnh chồng. Hình ảnh nổi tiếng nhất của Nefertiti là tượng bán thân bằng đá vôi có tô màu (xem hình dưới). Tuy nhiên, pho tượng không có ghi khắc nào giúp nhận diện; việc nhận diện Nefertiti chỉ dựa trên vương miện mà pho tượng đang đội, một thiết kế mà bà thường xuất hiện trong các hình vẽ của mình.
Nefertiti và Akhenaten có tất cả sáu con gái nhưng không có con trai, nếu chỉ dựa vào ghi chép, và một con gái của bà kết hôn với Tutankhamun. Nefertiti biệt tăm từ các tư liệu vào năm trị vì 13 của chồng mình khi đó bà ở độ tuổi 30. Nguyên do là bà qua đời hoặc bị thất sũng và bị đuổi khỏi hoàng cung vì bị một bà phi khác thay thế, người ta vẫn chưa được rõ.
Mặc dù cuộc sống và cái chết của Nefertiti bao trùm một màn bí ẩn, người ta vẫn bị bà mê hoặc, chắc hẳn vì pho tượng bán thân đáng yêu của bà trong Bảo tàng Berlin, và vì bà gắn liền với một trong những nhà vua được viết đến nhiều nhất trong lịch sử Ai Cập. Tuy nhiên, chúng ta hiểu rất ít, và chỉ khi nào một xác ướp của bà được khẳng định chúng ta mới thực sự hiểu được bà là ai.
Ramose: Người thư lại lương thiện
Ramose là một thư lại ở Deir el Medina, ngôi làng dành cho công nhân xây dựng Thung lũng các Vì Vua (xem Chương 2). Ông chuyển đến sống ở làng với vai trò thư lại (người ghi chép) trong thời trị vì của Sety I thuộc vương triều 19 và làm việc ở đấy hơn 40 năm. Ramose là một trong những người dân thường giàu có nhất trong làng. Là người rất sùng đạo, ông bỏ ra một phần lớn tài sản để xây điện thờ và đền thờ.
Không như một số nhân vật khác sống trong làng, Ramose rất lương thiện. Các ghi chép tồn tại không thấy ông bị kết tội tham nhũng, hối lộ, hoặc tật xấu.
Buồn thay, điều mà Ramose khao khát nhất là có được một đứa con, ông và vợ Mutemweia đã cố gắng nhiều năm trời mà không thành công. Một bi ký được tìm thấy ở Deir el Medina ghi lời khẩn cầu nữ thần Hathor ban cho họ một người con như phần thưởng cho lòng thành kính của họ. Nhưng việc này vẫn không mang lại kết quả, và Ramose cùng Mutemwia buộc lòng nhận một người mới đến làng làm con nuôi, một thư lại có tên Kenhirkhshef.
Kenhirkhshef: Một sử gia thời cổ
Kenhirkhshef cũng là một thư lại ở Deir el Medina trong thập niên thứ tư thời Ramses II trị vì, và ông giữ cương vị đó trong hơn 50 năm. Nhiều đơn cáo buộc tham nhũng chống lại ông, như vậy ông không được lương thiện như cha nuôi mình là Ramose.
Kenhirkhshef bị kết tội nhận hối lộ để che đậy việc làm bất chính của người khác và cưỡng bách một số công nhân làm việc cho ông mà không được trả lương.
Không kể tham nhũng, Kenhirkhshef cũng có những mặt tích cực. Ông sở hữu một thư viện phong phú với văn bản giấy cói đề cập đến nhiều vấn đề như y học, bùa chú và bài hát tôn giáo, thư từ, thi ca, những mẹo vặt trong nhà, và tài liệu đoán mộng.
Kenhirkhshef là một sử gia trong bình minh của lịch sử và có mối quan tâm đặc biệt đến lịch sử các vua chúa Ai Cập. Ông thích liệt kê các đời vua, nhất là các đời vua trong vương triều 18, 19 theo thứ tự biên niên sử. Kenhirkhshef cũng có một bản sao về bản báo cáo Trận Chiến Kadesh, trận chiến lừng danh của vua Ramses II, cho thấy Kenhirkhshef cũng quan tâm đến thời sự.
Kenhirkhshef, một trưởng lão của làng, rất nghiêm túc trong những tín ngưỡng của mình và không tiếc công giảng đạo. Ông đặc biệt chống tệ say xỉn.
Naunakhte: Người sở hữu tài sản
Naunakhte sống ở Deir el Medina trong thời trị vì Ramses II, và bà kết hôn với Kenhirkhepshef, người thư lại. Khi mới kết hôn, bà chỉ mới 12 tuổi còn ông đã luống tuổi (khoảng 54 đến 70 tuổi). Naunakhte và Kenhirkhepshef sống với nhau khoảng 8 đến 10 năm, cho dù họ không có đứa con nào. Ông có tư cách của một người cha hơn là người chồng. Ông chắc hẳn cưới Naunakhte là để săn sóc cho bà và bảo đảm bà được thừa kế tài sản của ông. Bà đã là góa phụ không con khi mới trên dưới 20. Naunakhte sau đó cưới một công nhân tên Khaemmum ở Deir el Medina, và họ sống với nhau 30 năm. Bà có tám đứa con với người chồng sau __ bốn trai và bốn gái.
Mặc dù ít có tư liệu còn sót lại về cuộc đời bà Naunakhte, nhưng bà để lại bốn chúc thư viết trên giấy cói trong đó bà hủy quyền thừa kế bốn đứa con. Việc này có nghĩa chúng chỉ nhận được phần thừa kế từ cha chúng chứ không thừa kế phần tài sản của bà. Lý do bà truất quyền thừa kế là tật biếng nhác:
Về phần tôi tôi là một phụ nữ tự do trên miền đất của Pha-ra-ông. Tôi nuôi nấng tám tôi tớ của người, và cung cấp cho chúng tất cả vật dụng cần thiết như một người mẹ vẫn làm. Nhưng khi tôi già yếu, chúng không hề chăm sóc tôi. Đối với những đứa con có công phụng dưỡng tôi, tôi sẽ chia một phần tài sản còn những ai bỏ bê tôi, tôi sẽ không cho một thứ gì.
Hai trong danh sách viết trên giấy cói, bà liệt kệ từng thứ tất cả những vật dụng bà sở hữu và đứa con nào được thừa hưởng. Những tư liệu này cho thấy phụ nữ có quyền kiểm soát tài sản riêng của mình; nhưng họ cũng cho thấy bản chất mô phạm và hơi nhỏ nhen của mình, bởi vì mỗi cái chén, từng cái dĩa cũng được liệt kê.
Paneb: Tên đểu đáng yêu
Paneb là một trong những nhân vật đầy màu sắc nhất ở Deir el Medina. Y sống ở đó trong thời trị vì của Ramses II và chắc hẳn quen biết Kenhirkhepshef khi luống tuổi. Kenhirkhepshef thì chống rượu còn Paneb là hủ chìm nên giữa hai người chắc phải có xung đột. Dù vậy, Kenhirkhepshef vẫn đứng ra bảo vệ cho Paneb và che dấu một vài việc xấu của y.
Trong suốt thời gian ở Deir el Medina, Paneb bị nhiều lời cáo buộc về hình tội và tội ngoại tình (và đã bị trừng phạt). Tất cả mọi cáo buộc đều được ghi lại trên một tư liệu có tên Văn bản Salt (vì nhà khảo cổ Henry Salt đã mua lại nó) bởi một người có tên Amenakht, vì ông này bất mãn trước vị thế mà Paneb đang nắm giữ. Cáo buộc có nhiều và đủ loại, bao gồm
- Hối lộ quan để được lên chức đốc công
- Cưỡng bách nhiều công nhân và vợ của họ làm việc cho mình mà không trả lương, trong đó có việc bắt một người bà con của Amenakht nuôi bò cho mình.
- Dùng vật liệu nhà nước để xây dựng phần mộ của mình
- Ăn cắp đá từ lăng mộ của Meranptah và sử dụng để xây mộ cho mình
- Hăm giết cha mình, Neferhotep, khi ông này say xỉn
- Hăm giết một người đốc công khác ở Deir el Medina, tên Hay
- Mưu sát một số người đem tin cho nhà vua
Mặc dù mức độ phạm tội được liệt kê tăng dần, nhưng không có bằng chứng nên Paneb được tha bổng. Lời cáo buộc sát nhân thật ra là vô căn cứ vì chính Amenakht còn không đưa ra được tên các nạn nhân.
Tuy nhiên, một số cáo buộc tội trộm cắp có đủ bằng chứng và có thể Paneb đã bị trừng phạt:
- Tội trộm lăng mộ 1: Một danh sách các món đồ ăn cắp ở lăng mộ Sety II, bao gồm cửa vào lăng, đệm phủ chiến mã xa, dầu thơm, rượu, và tượng. Vụ án được đem ra xét sử, và Paneb dõng dạc thề ‘Nếu tòa có nghe đến tên tôi một lần nữa tôi sẽ bị tống cổ khỏi sở làm và xuống làm một tên thợ nề một lần nữa’. Lời thể này đủ để tha bổng y khỏi tội.
- Tội trộm lăng mộ 2: Theo cáo trạng, Paneb ‘đi vào phần mộ của công nhân Nakhmin và ăn cắp chiếc giường hiện giờ y đang sử dụng. Y cuỗm những vật dụng mà người ta cúng cho người quá cố.’ Không có án phạt cho vụ án này, có lẽ lời cáo buộc là vô căn cứ.
- Tội trộm lăng mộ 3: Paneb bị cáo buộc lấy một tượng ngỗng trong lăng mộ một bà vợ của Ramses II, Henutmire. Paneb thề là y không lấy tượng ngỗng, nhưng giới chức có thẩm quyền tìm thấy tượng ngỗng trong nhà y. Sau cáo buộc này không thấy Paneb xuất hiện trong hồ sơ, vì thế có thể y đã bị kết tội và bị tống vào ngục.
Nhớ rằng y mất khi đã vào lục tuần, Paneb đã sống một cuộc sống năng động và hứng thú. Ngay cả vào tuổi 60 y rõ ràng vẫn là gã lông bông, lặn hụp và trốn tránh cho đến ngày bị tóm __ hoặc ngủm.
Mereruka: Phò mã
Mereruka là một viên chức rất nổi tiếng trong thời trị vì của Vua Teti trong vương triều thứ năm. Mẹ của Mereruka là ‘chổ quen biết hoàng gia’, Nedjetempet, có nghĩa là Mereruka đến từ một gia đình vọng tộc trước khi được thăng chức. Mereruka giữ một số chức tước quan trọng bao gồm
- Quan giám sát kho vũ khí
- Quan giám sát hậu cung của nhà vua
- Tể tướng
- Trưởng tế thần Re
Những chức vị quan trọng này chứng tỏ Teti rất coi trọng Mereruka và củng cố thêm lòng tin yêu này, nhà vua gã con gái Sesheshat của mình cho Mereruka. Ngoài vai trò phò mã, Mereruka còn được làm ‘con nuôi của nhà vua’, cho thấy nhà vua rất vừa lòng với chàng rễ của mình. NHiều sự kiện cho thấy Mereruka thay thế con trai trưởng của nhà vua, đứng ra chủ tế trong lễ an táng nhà vua.
Mereruka có ba người con với Sesheshat, và cũng có đủ đặc quyền lấy thêm bà vợ hai có thêm năm con trai với mình. Mereruka có một cuộc sống năng động và phong phú, và là một tể tướng ông gánh vác nhiều trọng trách trong việc điều hành đất nước (Chương 1). Ông cũng giám sát việc xây dựng phức hợp kim tự tháp Teti ở Saqqara, và bản thân ông cũng có lăng mộ mastaba bề thế cho riêng mình (xem Chương 13) với 31 phòng rất gần kim tự tháp của cha vợ mình. Phần mộ của Mereruka là lớn nhất trong nghĩa trang và được trang trí công phu và hình chạm khắc tinh xảo, phản ảnh một con người quyền thế, giàu có, được vua sủng ái.
Asru: Người xướng ca cho thần Amun
Asru là người xướng ca của thần Amun tại đền Karnak ở Luxor thời kỳ trung gian thứ ba. Bà thuộc dòng dõi quý tộc và thừa hưởng vị trí xướng ca, một tước vị thuộc tôn giáo, từ mẹ mình. Xác ướp của bà nằm trong hai quan tài được tô điểm tỉ mỉ, và di vật của bà nói cho chúng ta nhiều điều về cuộc đời bà.
Những dấu tay và dấu chân lấy ra từ xác ướp cho biết bà không phải là vũ công lẫn nhạc công, đúng ra là một người xướng những lời cầu khẩn và bùa chú trong lễ tế thần Amun. Trong những năm cuối đời, Asru chắc hẳn hát không được tốt vì có vấn đề về hô hấp.
Asru mắc phải bệnh ký sinh trùng đường ruột, khiến bà nôn mửa, chóng mặt và suy dinh dưỡng. Chắc hẳn trong phân bà có máu và giun sán. Phổi bà cho thấy triệu chứng bệnh ho dị ứng vì hít phải cát bụi và dẫn đến những vấn đề về hô hấp. Bà cũng có khối u dài 20 cm trên phổi khi qua đời, gây bởi giun sán.
Khi mất, Asru khoảng 60-70 tuổi __ coi như thọ so với người cổ Ai Cập. Bà bị bệnh viêm khớp mãn tính, làm các khớp xương ngón tay thoái hóa. Tại một thời điểm trong đời, bà bị té nặng khiến sống lưng bên dưới bị tổn thương, khiến chân trái bị các cơn đau thần kinh tọa hành hạ. Những năm cuối đời bà sống trong đau đớn, đi lại khó khăn.
Nesperenub: Thầy tu ở Khonsu
Nesperenub là một thầy tu ở đền Khonsu ở Karnak vào thời trung gian thứ ba. Đền thờ trong thời kỳ này rất giàu có vì các trưởng tế của Amun đã chiếm lấy ngai vàng và đang trị vì vùng Thebes. Điều này có nghĩa các thầy tu ở Karnak được trả lương rất hậu và được chu cấp đầy đủ. Nhưng Nesperenub không phải lúc nào cũng có cuộc sống dư dả như thế. Thân thể ông cho thấy khi còn trẻ ông đã trải qua giai đoạn ngừng tăng trưởng, có lẽ do nghèo đói hoặc bệnh tật.
Theo truyền thống, ông thừa kế vị thế từ cha mình; đúng ra những thế hệ trong gia đình ông đều có cùng vị thế. Ông cũng giữ tước vị người cầm quạt, và chắc hẳn ông đã quạt cho thần để thần không bị nóng nực dưới cái nóng sa mạc trong những lễ rước. Nespernub là ‘người cầm quạt đứng bên phải nhà vua’, cho thấy ông có trách nhiệm giữ cho long thể luôn mát mẻ __ một vị thế rất có đặc quyền.
Nepsenub xấp xỉ 40 khi qua đời, và kỹ thuật chụp CT cho thấy có thể ông chết vì u não. Một lỗ nhỏ bên trong hộp sọ có thể là kết quả của tràn dịch từ khối u ăn vào trong hộp sọ. Tưởng tượng những cơn đau đầu như búa bổ __ mà không có thuốc ibuprofen làm giảm đau. Ngoài ra còn có cơn đau do ung mủ áp xe trong miệng và hàm răng bị mòn có nghĩa là Nesperenub chắc hẳn là người rất ọp ẹp.
Chụp CT xác ướp của Nesperenub cũng phát hiện một vật thể lạ đằng sau ót __ một cái chén bằng đất sét mà thợ ướp xác sử dụng để hứng nhựa thừa khi dán vải băng. Rõ ràng người thợ ướp xác đã quên cái chén và chất nhựa đông cứng bám chặt vào sau đầu. Vết thương quanh chén cho thấy người thợ cố đục chén ra khỏi đầu, nhưng không được, nên buộc lòng phải để nguyên chén tại chỗ. Chắc hẳn họ nghĩ rằng sau khi bao bọc vải ướp xác lên, sẽ không có ai phát hiện ra được. Tội nghiệp Neperenub, ông phải lang thang vào cõi vĩnh hằng với cái chén sau đầu.
Chương 17
Mười Thành Tựu của Cổ Ai Cập
Cổ Ai Cập là một quốc gia rất văn minh và đạt được nhiều thành tựu, bao gồm những tòa nhà bề thế và mạng lưới giao thương rộng khắp. Xã hội của họ hoạt động nhộn nhịp __ liên tục cách tân và phát triển trong phong cách sống và kỹ thuật.
Trong khi người Hy lạp nổi danh với những thành tựu học thuật, khoa học, và triết lý, chứng cứ cho thấy người Ai Cập không kém về những mặt này; họ chỉ tiếp cận theo một hướng khác. Mọi việc người Ai Cập làm đều có mục đích thực tiển. Họ không nghiên cứu chỉ để nghiên cứu hoặc chiêm nghiệm những lý thuyết viễn vông. Xã hội của họ là xã hội thực dụng chứ không hàn lâm. Chương này sẽ đề cập mười thành tựu vĩ đại nhất của họ.
Phương pháp khoa học
Là một dân tộc thực tế, người cổ Ai Cập thích giải quyết những vấn đề ít ồn ào nhất và ít lý thuyết tổng quát nhất. Do đó khoa học như một học thuật không tồn tại, vì người cổ Ai Cập không nghi ngờ gì nữa tin rằng mình chỉ làm những gì cần thiết để công việc của mình tiến triển. Nghiên cứu chỉ để nghiên cứu hình như không tồn tại.
Tuy vậy, Văn bản Y học Edwin Smith và Văn bản Ebers cho thấy người Ai Cập cũng xử sự theo những quy luật khoa học __ họ muốn thực nghiệm trong khuôn khổ của công việc thường nhật.
Chẳng hạn, khi khám bệnh (xem Chương 8 để biết thêm chi tiết), một phương pháp khoa học được áp dụng nghiêm nhặt theo các bước
- Hỏi thăm bệnh nhân
- Xem xét các chất thải của cơ thể
- Nghiên cứu các phản xạ
- Chẩn đoán bệnh
Các bác sĩ sau đó chữa bệnh và ghi chép kết quả để tham khảo về sau.
Một phương pháp khoa học tương tự được áp dụng cho việc xây dựng đài tưởng niệm, với nhiều phép tính toán học được xem xét trước khi khởi công. Buồn thay, có rất ít tiến trình này còn sót lại, nhưng từ các chứng cứ còn để lại, người Ai Cập rõ ràng dựa vào nhiều ngành học __ như toán học, thiên văn học, địa lý, và đo đạc __ khi thiết kế và trù tính các kim tự tháp, đền thờ, và lăng mộ.
Toán học
Một ít tư liệu giấy cói về toán học đã được phát hiện, cho ta hình dung được các kiến thức toán học cao cấp mà người Ai Cập có được.
Trong khi người Hy lạp nổi tiếng vì đưa ra được những công thức toán học tổng quát, người Ai Cập thực sự không thấy được điểm cốt lõi. Thay vào đó họ tìm được một tập hợp thực tiễn những phép tính nhỏ nhưng cũng cho ra cùng những kết quả.
Các sử dụng thực tiễn những phép tính toán học có thể được nhận ra trong cách xây dựng các tòa nhà của người Ai Cập __ đặc biệt là các kim tự tháp. Nhà khảo cổ William Matthew Finders Petrie là người đầu tiên ghi chép và đo đạc các kim tự tháp một cách có hệ thống. Công trình của Petrie và những người khác rõ ràng cho thấy những kiến trúc này được trù bị chu đáo một cách rất toán học.
Người Ai Cập là một trong số những người đầu tiên kết hợp một cách nhất quán và đúng đắn những phép tính này:
- Sử dụng phân số (1/2, ¼, 1/3 và tương tự)
- Tính diện tích hình chữ nhật bằng cách nhân chiều dai và chiều rộng
- Tính diện tích tam giác bằng cách quy nó thành nửa hình chữ nhật
- Tính diện tích hình tròn bằng cách dùng đường kính và giá trị xấp xỉ của pi (3.16)
- Tìm thể tích của hình trụ và hình chóp dựa vào kiến thức về diện tích.
Người Ai Cập thực ra tiến bộ về kiến thức toán học hơn chúng ta tưởng. Nguyên do sự đánh giá thấp này hình như là do mối quan tâm của người Ai Cập thiên về thực tiễn hơn là lý thuyết tổng quát.
Thiên văn học
Người Ai Cập rất am hiểu các vì sao và chòm sao. Từ thời Vương quốc Giữa, các chòm sao thường được miêu tả trện các quan tài, cho thấy khoảng thời gian các sao xuất hiện và biến mất. Từ thời Tân Vương quốc các trần lăng mộ và đền thờ thường trưng bày các chòm sao. Những chòm sao này cũng giống như các chòm sao chúng ta nhìn thấy hiện giờ, nhưng biểu thị theo cách khác. Chẳng hạn:
- Chòm sao Orion được biểu thị hình một người đàn ông quay đầu.
- Chòm sao Đại hùng (Ursa Major) được biểu thị hình chân trước của bò mộng.
Như toán học, thiên văn học được người Ai Cập sử dụng cho các mục đích thực tiển khác nhau bao gồm
- Định thời khóa cho các nghi lễ xây dựng đền thờ, dựa vào sự xuất hiện của chòm sao mà ngày nay chúng ta gọi là chòm Đại hùng hay Gấu lớn.
- Định vị điểm chủ để định hướng kim tự tháp bằng cách quan sát Sao phương Bắc.
- Định Năm Mới luôn trùng với sự mọc lên của sao Sirius vào giữa tháng bảy và mùa lũ hàng năm của sông Nile.
Từ thời Trung Vương quốc, người Ai Cập có thể nhận biết năm hành tinh, được biết là những vì sao không hề đứng yên, thường được gắn liền với Horus, thần bầu trời của người Ai Cập:
- Sao Mộc, được ví là Horus, vị thần giới hạn hai vùng đất
- Sao Hỏa, được ví là Horus đỏ
- Sao Thủy, được ví là Sebegu (một vị thần gắn liền với Seth)
- Sao Thổ, được ví là Horus, bò mộng của bầu trời
- Sao Kim, được ví là thần buổi sáng
Những vì sao không được sử dụng để tiên đoán vận số của con người ở Ai Cập cho đến thời Ptolemy khi người Hy lạp đưa vào thuật chiêm tinh.
Hiểu được cơ thể người
Người cổ Ai Cập có một kiến thức đáng kể về cơ thể người, chủ yếu qua sự quan sát trong tiến trình ướp xác. Họ chắc hẳn không giải phẫu nội tạng sống, nhưng những thành tựu về giải phẫu học vĩ đại nhất của họ là gần như khám phá được sự tuần hoàn.
Người Hy lạp được vinh danh vì khám phá được sự tuần hoàn vào thế kỷ thứ năm BC, nhưng người Ai Cập rõ ràng hiểu được khá nhiều sự hoạt động của cơ thể người hơn chúng ta tưởng.
Văn bản Y học Edwin Smith (trên giấy cói), có niên đại xấp xỉ 1550 BC, luận bàn về sự tuần hoàn qua sự quan sát các mạch máu, làm rõ mối liên kết giữa hai khái niệm này. Các quan sát liên hệ đến mạch máu bao gồm:
- ‘Đó là nơi trái tim lên tiếng.’
- Đó là nơi mà mỗi thầy thuốc và mỗi thầy tu của Sekhmet đặt ngón tay lên . . . ông ta cảm nhận được điều gì đó từ trái tim.’
Thêm nữa, văn bản này chỉ ra rằng người Ai Cập hiểu được sự cung cấp máu chạy từ trái tim đến mọi cơ quan:
- ‘Có những mạch máu cho mọi bộ phận của cơ thể.’
- ‘Nó nói ra trong những mạch máu của mỗi bộ phận của cơ thể.’
Từ câu chuyện sáng thế của thần đầu dê, Khnum, người nặn ra hình tượng người trên bánh xe thợ làm gốm, đọc y như các ghi chép về giải phẫu học. Chẳng hạn:
- Định hướng dòng máu chảy qua các xương và nối da với khung xương
- Thiết lập hệ hô hấp, xương sống để nâng đỡ nó, và hệ tiêu hóa
- Thiết kế cơ quan sinh dục để sử dụng thuận tiện trong việc giao hợp
- Tổ chức sự thụ thai trong tử cung và các giai đoạn sinh nở
Không chỉ Khnum tạo ra người Ai Cập theo cách này, mà sự sáng tạo của ông ta còn lan rộng đến người ngoại bang, cũng như thú vật, chim, cá, và loài bò sát. Ông ta thực sự là một đấng sáng tạo toàn năng __ một nhà làm đồ gốm rất tài tình.
Tưới tiêu
Ai Cập nằm giữa sa mạc với sông Nile là nguồn cung cấp nước duy nhất. Sử dụng một hệ thống kinh đào và đê điều tưới tiêu phức tạp, người Ai Cập có thể xử lý nguồn nước một cách tối ưu. Các kênh đào hướng đến các vùng khô cằn và đủ sâu để chúng vẫn còn đầy nước khi nước lũ rút đi.
Chứng cứ cho thấy trong thời Trung Vương quốc các hồ thiên nhiên ở Faiyum được sử dụng để tích trữ nước. Nước trữ đầy hồ trong mùa lũ hàng năm và được sử dụng trong mùa khô.
Để tưới tiêu vùng đất một cách nhân tạo, các kênh rạch được đào để dẫn nước đến các vùng đất có nhu cầu khẩn thiết. Để mang nước vào các kênh rạch:
- Trong thời Vương quốc Cổ và Trung, nước được vận chuyển bằng tay trong những bình lớn và rồi đổ vào các kênh tưới tiêu.
- Trong thời Tân Vương quốc, các shaduf được đưa vào sử dụng. Shaduf là những cột gỗ một đầu gắn bình nước và đầu kia là khối đối trọng, nhờ đó có thể dễ dàng nâng và đỗ nước.
- Trong thời Ptolemy, sakkia được đưa vào. Sakkia là bánh xe nước do bò kéo di chuyển nước nhiều và nhanh hơn __ có nghĩa là nhiều đất được tưới tiêu hơn, và kết quả là sản lượng lương thực nhiều hơn.
Sự tưới tiêu nhân tạo là một nhu cầu khẩn thiết và là một thành tựu chính yếu: Cho đến tận ngày nay, với chỉ một nguồn nước và vẫn sống trong sa mạc, dân Ai Cập không bao giờ thiếu nước!
Các công trình đá
Vua Djoser thược vương triều thứ ba được vinh danh vì đã cho xây dựng công trình đá đầu tiên trên thế giới. Đó là phức hợp kim tự tháp của ông ở Saqqara, chế ngự bởi kim tự tháp bậc thang hiện này còn sừng sững giữa trời.
Kim tự tháp bậc thang bắt đầu từ những xuất xứ khiêm nhượng hơn __ như một huyệt mộ và hầm mộ mastaba (xem Chương 13), che phủ tất cả mười một mộ đường hầm. Kiến trúc của Djoser dần dần mở rộng ra ngoài và lên trên cho đến khi các bậc thang được tạo ra, đứng cao 60 mét và gồm sáu bậc.
Ấn tượng nhất là kim tự tháp bậc thang được xây bằng đá thay vì gạch bùn như thường thấy tại thời kỳ này. Để có vẻ ngoài truyền thống, các khối đá cũng có cùng kích cỡ như đá bùn. Sau đó bên ngoài được bọc hoàn toàn bằng khối đá vôi để kim tự tháp cuối cùng được trơn láng.
Sử dụng đá là một thành tựu lớn, đặc biệt nếu xét về mặt tuổi thọ của công trình. Phức hợp kim tự tháp này được thiết kế để trường tồn với thời gian. Sau vương triều thứ ba, các công trình xây dựng bằng đá được thực hiện thường xuyên hơn. Tuy nhiên, đá chỉ được sử dụng cho những công trình có dự tính tồn tại hàng thế kỷ, như đền thờ và lăng mộ. tất cả những công trình khác (nhà cửa, cung điện, và ngay cả một số điện thờ) chỉ được xây dựng bằng gạch bùn. Chúng ta phải biết ơn Djoser __ nếu ông không xây một công trình ấn tượng như thế, chúng ta có thể không có được nhiều công trình đá như ngày nay.
Kỳ quan còn sót lại
Đại Kim Tự Tháp Giza là kỳ quan thời cổ duy nhất còn sót lại (xem Chương 14). Vua Khufu của vương triều thứ tư xây dựng kim tự tháp này. Nó đứng kiêu hãnh trên bình nguyên đá thiên nhiên và cao sừng sững 146 mét vươn lên bầu trời, đứng cách xa hàng dặm vẫn còn trông thấy được.
Mặt ngoài kim tự tháp được bao phủ bằng đá vôi để vẻ ngoài trắng đẹp, sáng bóng. Kim tự tháp liên kết hai phòng an táng, một chứa áo quan bắng đá granit đỏ được thiết kế cho nhà vua. Tuy nhiên, không có lễ an táng nào được tiến hành trong kim tự tháp này; chắc hẳn Khufu được chôn cất nơi khác.
Đại Kim Tự Tháp từ thời xa xưa đã là một điểm du lịch hấp dẫn, trong đó Cleopatra VII và Julius Cesar là hai trong số những du khách đầu tiên và nổi tiếng nhất. Ngay cả Tutankamun, Ramses II, và Ramses III chắc hẳn đã đến Giza để chiêm ngưỡng các đài tưởng niệm này, lúc đó đã là di tích cổ xưa rồi.
Sản xuất ra thủy tinh
Thủy tinh chỉ được đưa vào Ai Cập ở thời đầu Tân Vương quốc, chắc hẳn do Thutmosis III mang về từ Syria. Người Ai Cập dần dần thiện nghệ trong
- Việc chế tạo thủy tinh từ các chất liệu thô (như silica, alkali, và đá vôi)
- Chế biến thủy tinh từ những khối thủy tinh làm sẵn được nhập khẩu
Thủy tinh được sử dụng dưới dạng trong suốt hoặc nhuộm màu từ thời Hatshepsut. Người Ai Cập còn chế tác các bình thủy tinh bằng cách làm những khuôn đất sét theo hình dáng mong muốn, sau đó đổ thủy tinh lỏng vào.
Những phương pháp chế tác khác bao gồm
- Đúc: Thủy tinh lỏng được rót vào các khuôn bằng đất sét.
- Chạm lạnh: Thủy tinh đã đúc khuôn được chạm khắc bằng các công cụ bằng đá, đồng.
- Đúc lõi: Một lõi đất sét có hình dáng một bình rỗng được nhúng vào thủy tinh lỏng và tráng đều cho đến khi nó hoàn toàn được che phủ. Khi thủy tinh đã lạnh, lõi đất sét được cạo ra.
Nhà khảo cổ William Matthew Finders Petrie phát hiện nhiều chất thải từ việc sản xuất kính tại Armana, thành phố của Akhenaten. Những địa điểm sản xuất khác ở cung điện của Amenhotep III ở Malkata ở Luxor và el-Lisht ở bắc Ai Cập.
Một phát hiện có liên hệ đến thủy tinh gần đây là ở Pi-Rameses, thành phố của Ramses II trong miền châu Thổ. Vào năm 2005, các cuộc khai quật phát hiện một xưởng làm thủy tinh, cho thấy thủy tinh được sản xuất với khối lượng lớn tại địa điểm này. Những trang bị được khai quật đủ để tái thiết tiến trình sản xuất:
- Các vật liệu thô được đun nóng trong những vại đựng bia đã sử dụng lên đến 7500 và rồi trong những nồi nấu kim loại lên đến 1,0000.
- Thủy tinh được pha màu dùng phẩm màu thiên nhiên pha vào chất liệu thô. Đôi khi một cuộn thủy tinh màu được đắp quanh mặt bình đã hoàn thiện khi còn mềm và sau đó được trộn lẫn để tạo ra sóng, hiệu ứng cẩm thạch, vòng hoa, và những vòng cung trang trí kiểu lông vũ.
Thủy tinh là một chất liệu cao cấp, đòi hỏi kỹ thuật cao mới cho ra được sản phẩm chất lượng, do đó nó được nhà vua quản lý, và thường dành làm quà tặng cho các sứ thần ngoại bang. Trong lăng mộ Tutankhamun có chứa một số đồ tạo tác bằng thủy tinh.
Nữ quyền
Nữ vương Hatshepsut nổi tiếng vì nhiều lý do, và nhiều thành tựu điểm tô cho thời trị vì của bà. Thành tựu ngoạn mục nhất của bà trong cương vị phụ nữ là chiếm lấy ngôi vị hoàng đế, đẩy Thutmosis III (vừa là chồng, là con ghẻ, và đồng cai trị) sang một bên. Đây là lần đầu tiên mà một phụ nữ cai trị Ai Cập như một vì vua chứ không như một hoàng hậu hoặc người đồng nhiếp chính.
Hatshepsut cai trị trong hòa bình và trải qua 20 năm lẻ xây dựng các đài tưởng niệm. Đền thờ an táng bà ở Deir el Bahri (hình dưới) có ghi lại chuyến vận chuyển hai cột tưởng niệm khổng lồ bằng đá granit đỏ bằng xà lan trên sông Nile và việc dựng cột ở Karnak. Những cột này được lát kín bằng vàng.
Những ghi chép khác trên tường ở Deir el Bahri còn vẽ chi tiết chuyến đi của Hatshepsut đến Punt. Không ai biết được Punt là nơi đâu, và nhiều nhà Ai Cập học không nhất trí về địa điểm này. Ngay cả Hatshepsut cũng không chắc, và bà đã cầu xin thần Amun ban sấm truyền chỉ dẫn đường đến ‘thánh địa này’. Khổ thay bà không cho vẽ bản đồ của địa điểm này.
Chú thích: Muốn biết thêm chi tiết về bà, bạn hãy vào trang Nghiên Cứu Lịch Sử tìm đọc Hatchepsut, Nữ Pha-ra-ông Ai Cập.
Duy trì nền văn minh
Thành tựu ngoạn mục nhất của người cổ Ai Cập là duy trì nền văn minh của mình trong hơn 3,000 năm. Đế quốc La mã chỉ kéo dài 500 năm và văn minh Hy lạp lên đến đỉnh cao của nó trong khoảng 400 năm. Xã hội cổ Ai Cập phát triển đầy đủ vào 3100 BC khi Vua Narmer thống nhất Thượng và Hạ Ai Cập lần đầu tiên. Từ thời điểm này cho đến cái chết của Cleopatra vào 30 BC, văn hóa, tôn giáo, tập quán, và lối sống không thay đổi nhiều, khiến cho Ai Cập thành một nền văn minh đáng được trân trọng.
Ngay cả sau khi Cleopatra qua đời, người La mã không phá hủy hoàn toàn nền văn hóa Ai Cập ngay tức khắc. Thật ra, tập quán thờ cúng vẫn tiếp tục tại đền thờ Philae cho đến thế kỷ thứ tư AD.
Mặc dù văn hóa Ai Cập có vẻ tĩnh trong khoảng 3,000 năm, thật ra nó luôn thay đổi, và đây là bí quyết cho sự thành công này. Người Ai Cập luôn luôn dung nạp. Họ sung sướng khi tiếp thu những nét đẹp của nền văn hóa và tôn giáo ngoại bang vào văn hóa và tôn giáo của mình, khiến những cộng đồng di dân tăng trưởng ở Ai Cập. Tôn giáo và văn hóa của họ có đặc tính mỗi người đều có phần; nếu có gì đó còn thiếu, họ chỉ đơn giản bổ sung.
Nhiều vấn đề xảy ra khi làn sóng người nước ngoài đổ vào quá lớn đến nổi văn hóa Ai Cập không thể dễ dàng điều chỉnh để thích nghi văn hóa mới. Đó là lý do tại sao văn hóa Ai Cập chết dần với sự xâm nhập của người Hy lạp từ khi Alexander Đại Đế xâm lược Ai Cập, tiếp theo là người La mã vào 30 BC.
Những người mới đến này không sẵn sàng để công nhận văn hóa Ai Cập hoàn toàn, và một xã hội thuộc văn hóa Hy lạp hóa dần dần hình thành. Sau Alexander Đại Đế và người La mã, đến người Cơ đốc và người Hồi giáo, và cuối cùng kết quả là một tổn thất hoàn toàn của những truyền thống cổ __ cho đến khi các nhà khảo cổ bắt đầu tái thiết chân dung một nền văn minh vĩ đại.
Chương 18
Mười Điểm Đến Đỉnh ở Ai Cập
Bình nguyên Giza, Cairo
Với các kim tự tháp lừng danh chế ngự đường chân trời, bình nguyên Giza ở Cairo vẫn nhộn nhịp những điểm tham quan. Tua trung bình bỏ ra khoảng một giờ ở đây, nhưng muốn xem mọi thứ bạn cần ít nhất ba giờ.
Ba kim tự tháp chính được xây dựng bởi Khufu, Khafra, và Menkaure, mỗi kim tự tháp đều đồng hành với những kim tự tháp vệ tinh của bà vợ vua __ tổng cộng tất cả chín kim tự tháp. Ít nhất có ba kim tự tháp mở cửa cho công chúng xem.
Chỉ có khoảng 200 vé được bán mỗi ngày cho Đại Kim Tự Tháp. Sau khi mua vé, bạn phải đợi một ít giờ trước khi bước được vào kim tự tháp. Kim tự tháp xứng đáng cho bạn đợi chờ.
Saqqara, Cairo
Saqqara là địa điểm của công trình đá cổ nhất thế giới __ kim tự tháp bậc thang. Địa điểm này cũng có một số kim tự tháp khác, bao gồm kim tự tháp Unas, chỉ còn là một đống gạch vụn.
Bảo tàng Imhotep cũng đã mở cửa trưng bày các đồ tạo tác tìm thấy trong vùng Saqqara.
Bảo tàng viện Cổ vật Ai Cập
Bảo tàng viện Cổ vật Ai Cập (hay Bảo tàng Cairo) chuẩn bị thay thế bằng Đại Bảo Tàng Ai Cập và tọa lạc gần Giza từ năm 2010. Bảo tàng rất ngoạn mục và đầy ắp các cổ vật từ 3,000 năm lịch sử Ai Cập. Các cổ vật bất thường được đặt trong mỗi góc phòng, từ áo quan của Akhenaten (trong khu vườn ở bên trái bảo tàng) đến quan tài bằng gỗ xinh xắn của Ramses (nhìn người đi lại trên tầng 1). Cạnh đó là vải liệm hình người duy nhất ở Ai Cập.
Kinh ngạc trước sức nặng của món trang sức bằng vàng mà nhà vua thưởng cho các quan chức được sủng ái và nhìn chằm chằm vào mắt các xác ướp động vật. Hãy nhớ ghé thăm phòng trưng bày Tutankhamun và ngắm nhìn gương mặt của vị vua trẻ tuổi. Nếu muốn biết nhiều hơn, hãy vào trang web www.egyptianmuseum.gov.eg
Tell el Amarna, Al Minya
Tell el Amarna là thành phố Akhematen thành lập cho việc thờ cúng đĩa mặt trời Aten. Thành phố tọa lạc tại Al Minya ở Trung tâm Ai Cập, gần như ỡ giữa khoảng đường từ Cairo đến Luxor. Thành phố thực sự đã đổ nát nhiều nhưng các nhà khảo cổ Anh đã tái thiết một số công trình. Những kiến trúc này bao gồm đền thờ nhỏ thờ thần Aten, cung điện phía bắc nơi Nefertiti và Tutankhamun sống, một ngôi nhà điển hình trong khu vực, và chiếc cầu nối hai đền thờ bắc ngang cái gọi là Con đường của Vua, nơi có thể các đám rước của Akhenaten, Nefertiti và các con cái họ đi qua mỗi ngày trên những mã xa rực rỡ.
Mục đích chính khi đi thăm Armana là tham quan hai nhóm lăng mộ (phía bắc và phía nam) và lăng mộ hoàng gia. Nhiều lăng mộ này mở cửa cho công chúng. Hầu hết lăng mộ đều chứa các hình vẽ Akhenaten và Nefertiti cùng các con cỡi xe ngựa hoặc thờ cúng thần Aten.
Beni Hasan, Al Minya
Gần Al Minya là nơi an táng thời Trung Vương quốc có tên là Beni Hasan. Địa điểm này bao gồm 39 phần mộ đục trong đá do các tổng trấn vùng xây dựng.
Trong số 39 phần mộ, có 5 cái được mở cửa cho công chúng. Hình trang trí trong mộ miêu tả một số hoạt động, như:
- Các hoạt động huấn luyện quân sự, như đô vật, đánh côn, và nâng bao cát.
- Chiến tranh vây hãm, bao gồm hình ảnh xưa nhất về bánh xe ở Ai Cập và hình ảnh các phái đoàn ngoại giao đi đến Ai Cập để giao thương.
- Những cảnh đánh cá săn bắn chim.
Karnak Temple, Luxor
Đền Karnak là ngôi đền lớn nhất từng được xây dựng. Vì mất hơn 2,000 năm xây dựng nên đền Karnak bao gồm một số các điện thờ, đền thờ, tượng thần, và nhà nguyện khác nhau thờ cúng nhiều vị vua và thần linh khác nhau. Đền rộng 247 mẩu và phải mất nhiều giờ đi bộ quanh các bia tưởng niệm.
Đền chính có 10 tháp môn (cột ở cổng vào), mỗi tháp môn trang trí bằng hình khắc và văn bản rất công phu. Một hành lang rộng nhất có tất cả 134 cột, mỗi cột cao đến 26 mét, tạo thành một cảnh tượng vô cùng hoành tráng.
Phức hợp Karnak cũng có hai hồ thiêng __ một hồ hình chữ nhật do Thutmosis III xây dựng và một hồ hình móng ngựa do Amenhotep III xây dựng. Trong khuôn viên là một số đền nhỏ đáng xem, bao gồm đền Ptah (với pho tượng đẹp của Sekhmet), đền Khonsu, và Nhà nguyện của các bà Vợ Thần Amun
Medinet Habu, Luxor
Khi ở Luxor, bạn phải đến thăm đền thờ cúng rất ngoạn mục của Ramses III tại Medinet Habu trên bờ tây sông Nile.
Các tháp môn ở Medinet Habu miêu tả nhiều trận đánh của Ramses III. Bên trái tháp môn là một lâu đài có cửa sổ nhìn vào sân trong đầu tiên của đền thờ. Chắc chắn nhà vua đã từng đứng tại đây. Vậy tại sao không đứng lên dấu chân của các pha-ra-ông.
Deir el Medina, Luxor
Đây là ngôi làng dành cho các công nhân xây dựng các kim tự tháp trong Thung Lũng các Vì Vua. Toàn bộ ngôi làng chỉ còn lại nền móng cao một mét, cho ta cái nhìn về cách bố trí của ngôi làng. Mỗi nhà gồm bốn hay năm phòng, và nhiều nhà có cầu thang (một số bậc trên nền vẫn còn thấy được) dẫn đến mái nhà bằng phẳng.
Một số vật dụng như giường hộp, băng dài, còn thấy được trong nhiều nhà, cũng như những bình đựng đồ, ngay cả lò nướng bánh mì vẫn còn sót lại trong một số nhà bếp. Một vài nhà bàn thờ cúng vẫn còn đứng tại chỗ, và bạn có thể mường tượng cảnh các người Ai cập đang cầu nguyện trong khói hương lan tỏa.
Bảo tàng viện Luxor
Mặc dù là một bảo tàng nhỏ, ở đây có nhiều thứ để nhìn, và cường độ chiếu sáng thấp tạo không khí khi nhìn ngắm các cổ vật bên trong.
Những tâm điểm của bảo tàng là bia ký Kamose mô tả việc đánh đuổi người Hyksos, và xác ướp của Ahmpose, em của Kamose, người cuối cùng đã đánh đuổi được quân Hyksos. Chiêm ngưỡng gương mặt được điêu khắc đẹp đẽ của Thutmosis III và tự hỏi tại sao Senworset III trông hạnh phúc đến thế. Đi theo bước chân của Tutankhamun, bắt đầu từ cửa bảo tàng với một pho tượng của Tutankhamun.
Hãy xem các vũ khí, một chiến mã xa, và một bia đá chạm hình Amenhotep I đứng trong chiến mã xa, giương cung bắn tấm bia đồng.
Cánh trái viện bảo tàng chứa nhiều pho tượng hoàng gia được phát hiện ở sân đền Luxor, trong đó có tượng Horemheb quỳ gối trước thần sáng tạo Atum, một pho tượng đỏ đáng yêu của Amenhotep III và một pho tượng lớn của Amun và Mut do Ramses II xây dựng
Abu Simbel, Aswan
Ramses II xây dựng các đền thờ ở Abu Simbel, Aswan ở mốc biên giới phía nam của Ai cập. Ramses xây dựng hai đền thờ đúc trong mặt triền đá, quay về hướng đông chào đón mặt trời mọc __ một đền thờ thần mặt trời Re-Horakhty và đền kia thờ Hathor và Nefertiti. Mặt tiền của đền Re-Horakhty được xây dựng bằng bốn pho tượng khổng lồ của Ramses đang ngồi, cao 21 mét, đục trực tiếp từ mặt đá.
Bước vào đền, đón tiếp bạn là một hành lang với các cột đá chạm khắc hình xác ướp của nhà vua. Ở phía sau đền là phòng trưng bày các pho tượng Ramses, Re-Horakhty, Ptah, và Amun-Ra tạo tâm điểm của việc thờ cúng trong đền. Vào tháng 2 và 10, ánh mặt trời chiếu vào đền và nhuộm sáng gương mặt các vị thần.
Hình ảnh trang trí của đền miêu tả trận chiến Kasesh của Ramses II chống lại người Hittite, cũng như các trận chiến với người Lybia, Syria, và Nubia. Cảnh tượng rất sống động, tàn bạo, và đầy màu sắc, với lớp màu sơn nguyên gốc còn rực rỡ.
Đền nhỏ thờ Hathor và Nefertiti có tượng bề thế của Ramses II và Nefertiti ở mặt tiền, cao 10 mét. Chỉ có hai tượng của hoàng hậu và bốn tượng của vua. Nefertiti được miêu tả khắp nơi trong đền đang tiến hành các nghi thức cúng tế thần linh, một sự kiện bất thường, vì các hoàng hậu thường đóng một vai trò thụ động hơn.
Cả hai đền đều được dời đến một nền đất cao hơn vào thập niên 1960 khi con đập Aswan được xây dựng và Hồ Nasser nhấn chìm nhiều ngôi đền ở Nubia.
Chương 19
Mười nhà Ai cập học kiệt xuất
Trong hơn 200 năm của ngành khảo cổ Ai cập, hàng trăm nhà khảo cổ, học giả, và sử gia đã đóng góp bằng cách này hay cách khác vào ngành Ai cập học. Chương này nhìn lại mười nhân vật đã xây dựng cho ngành Ai cập học những gì có được hôm nay, mặc dù nhiều người khác cũng có những phát hiện và đóng góp quan trọng không kém.
Giovanni Belzoni (1778-1823)
Giovanni Belzoni là một người Ý dóc váng cao ráo _ hơn 2 mét, xuất thân là một nghệ sĩ biểu diễn cơ bắp trong gánh xiếc, lưu diễn khắp châu Âu, trước khi quan tâm đến Ai cập.
Lúc đầu Belzoni du lịch đến Ai cập để chào bán một loại bánh xe nước mới (không dính dấp gì nghề biểu diễn xiếc). Khi việc làm ăn này không thành công, ông quay sang một ngành nghề kiếm ra tiền nhiều hơn là khai quật và chuyên chở những đồ tưởng niệm cổ. Vào năm 1816, ông bắt đầu làm việc cho Henry Salt; một trong những việc làm đầu tiên của ông là chở phân nửa phần trên của pho tượng khổng lồ từ Ramesseum, gần Luxor. Ngày nay pho tượng là một phần trong bộ sưu tập Ai cập của Bảo tàng Anh.
Belzoni đã tiến hành nhiều cuộc khai quật quy mô và một trong những phát hiện của ông là lăng mộ Sety I và đền thờ Ramses II ở Abu Simbel tại Nubia. Mặc dù kỹ thuật khai quật của ông theo tiêu chuẩn ngày nay có thể coi là khủng khiếp vì ông thường dùng thuốc nổ trong khi một cái bay là quá đủ, và ông có thói quen khắc tên mình vào di vật __ Belzonni đã có nhiều thành tựu nhằm nâng cao vị trí của ngành Ai cập học qua những cuộc trưng bày những di vật tìm thấy của mình.
Ông khai quật trong suốt tám năm. Ông mất vì bệnh lỵ năm 1823 trong một chuyến đi tìm nguồn cội sông Niger.
Jean-Francois Champollion (1790-1832)
Các nhà Ai cập học sẽ mãi mãi mang ơn Champollion như một nhà ngôn ngữ học đã thực hiện một đột phá cuối cùng nhằm giải mã chữ tượng hình. Khám phá của ông đã làm thay đổi ngành Ai Cập học và giúp thế giới cuối cùng đọc được ngôn ngữ Ai cập cổ xưa. Ông được mệnh danh là Người Làm Cho Đá Biết Nói.
Champollion lúc nào cũng đam mê ngôn ngữ, và vào năm 1807 (khi ông 17 tuổi) ông đã công bố bài viết đầu tiên của mình về ngôn ngữ của cổ Ai cập tại giảng đường đại học. Ông biết nói nhiều thứ tiếng, bao gồm Hebrew, Coptic, Ả rập, Syria, và Chaldean, vào thời điểm ông tập trung vào việc giải mã Bia đá Rosetta, một bia đá tìm được ở Rosetta trong vùng Châu thổ viết bằng ba thứ tiếng: tượng hình, demonic, và cổ Hy lạp (xem Chương 11).
Champollion tư vấn với nhà vật lý người Anh là Thomas Young và đối chiếu các lời chú giải cho đến khi Young mất vào 1817, sau đó Champollion tiếp tục công trình một mình. Vào năm 1822, ông đã tìm ra chìa khóa hiểu được chữ tượng hình, mặc dù mãi đến năm 1832 sau khi hoàn thiện cuốn sách văn phạm của mình ông mới có thể đọc được chữ tượng hình một cách tự tin.
Giữa những năm 1828 và 1829, Champollion và Ippolito Rosellini đi đến Ai cập để ghi chép và tra cứu sâu hơn các đài tưởng niệm, và mang về các bản sao chi tiết để giải mã. Champollion mất sau một cơn đột quỵ vào năm 1831; trước khi tác phẩm của ông là cuốn Văn Phạm Ai cập và sau đó Tự Điển Ai Cập được xuất bản không lâu sau đó, vì thế ông không thể chứng kiến những gì mình đã làm được cho Ai cập học.
Karl Lepsius (1819-84)
Karl Lepsius, một nhà Ai cập học người Đức, nhận bằng tiến sĩ vào năm 1833 và sau đó sử dụng cuốn Văn Phạm Ai Cập của Champollion vừa xuất bản để học cách đọc chữ tượng hình. Ông thực hiện chuyến đi đầu tiên đến Ai cập vào năm 1842 với mục đích ghi chép các bia tưởng niệm và sưu tập đồ cổ, vốn là phong trào vào thời đó. Trong sự nghiệp của mình ông sưu tầm được hơn 15,000 đồ tạo tác, hình thành phần căn bản cho Bảo tàng Ai cập ở Berlin.
Giữa những năm 1842 và 1845, Lepsius dẫn đầu một đoàn khảo cổ người Phổ đến Ai cập và Nubia và ghi chép công trình này trong một bộ sách 12 cuốn nhan đề Denkmaeter aus Aegypten und Aethiopien. Các tác phẩm này vẫn còn bổ ích đối với các nhà Ai cập học ngày nay vì nhiều bia tưởng niệm được ghi chép giờ đã hư hỏng, và bộ sách này cung cấp những hình ảnh và các ghi chép về sự có mặt của chúng cách nay hơn 150 năm.
Lepsius thành lập một chương trình học về ngành Ai cập tại Đại học Berlin và được chỉ định là người quản lý bộ sưu tập Ai cập tại Bảo tàng Berlin, nơi cất giữ bộ sưu tập ngày càng phong phú dần sau những chuyến khảo cổ của ông. Bảo tảng Berlin ngày này vẫn không ngừng phát triển và chứa một số những cổ vật lừng danh nhất thế giới, trong đó có pho tượng bán thân có tô màu của Nefertiti.
Amelia Edwards (1831-92)
Amelia Edwards, một nhà khảo cổ, phóng viên, tiểu thuyết gia người Anh, đến Ai cập vào năm 1873 và ở luôn tại đó. Chuyến đi này tạo cảm hứng cho bà viết nên tác phẩm Một Ngàn Dặm Ngược Dòng Sông Nile, ký sự du lịch của bà.
Tuy nhiên, viết không có gì mới mẻ đối với Edwards: Bài thơ đầu tay của bà được in khi bà vừa 7 tuổi, truyện ngắn đầu tiên khi lên 12. Bà được giáo dục tại nhà và rõ ràng là một sinh viên đầy hứa hẹn. Bà đã viết một số ký sự du lịch trước chuyến đi đến Ai cập.
Trong chuyến đi đầu tiên của mình đến Ai cập, bà bỏ ra sáu tuần khai quật tại Abu Simbel. Năm 1880, bà thành lập một nhóm không chính thức để giải quyết những biệc pháp khai quật và bảo tồn ở Ai cập. Năm 1882, tổ chức này được chính thức có tên Quỹ Thám Hiểm Ai cập (giờ là Hội Thám Hiểm Ai Cập). Mục đích của hội, lúc đó và hiện giờ, là khai quật và ghi chép những đài tưởng niệm của Ai cập. bạn có thể thăm địa chỉ trang web của hội này tại www.ees.ac.uk .
Trước khi qua đời, Edwards tặng lại một số đồ tạo tác, tác phẩm, hình ảnh, và những tư liệu khác liên quan đến Ai cập cho University College, Luân đôn, dùng để làm tài liệu giảng dạy cho các sinh viên Ai cập học. Là một người ủng hộ quyền đi bầu của phụ nữ, bà chọn University College vì đây là ngôi trường đầu tiên nhận nữ sinh viên. Bà cũng hiến tặng một số tiền đủ để thành lập chức danh giáo sư đầu tiên mang tên bà của Vương quốc Anh cho ngành khảo cổ và triết học Ai cập tại University College, và người được phong đầu tiên là W.M. Flinders Petrie.
W.M. Flinders Petrie (1853-1942)
Flinders Petrie là nhà khảo cổ trong hơn 70 năm. Ông bắt đầu sự nghiệp Ai Cập học vào thập niên 1880 khi đến đo đạc Đại Kim Tự Tháp ở Giza. Sau đó ông chỉ đạo các cuộc khai quật tại một số địa điểm quan trọng quanh Ai Cập tại một thời điểm còn nhiều thứ cần phát hiện.
Petrie không chỉ là một nhà Ai cập học nổi tiếng nhưng cũng là một nhà khảo cổ lớn. Kỹ thuật xác định niên đại theo thứ tự trước sau của ông vẫn còn được sử dụng rộng rãi. Kỹ thuật này tạo ra những niên đại tương đối của bất kỳ di tích nào qua việc sắp xếp các di vật vào trong một chuỗi tiến hóa. Pertrie cũng quan tâm nhiều đến khía cạnh ít hào nhoáng hơn của khảo cổ học qua việc nhặt nhạnh tất cả thứ vụn vặt__ phần nhiều là hằng trăm mảnh gốm vỡ vụn __ mà các nhà khảo cổ bỏ lại vì chúng không lấp lánh và không phải là vàng.
Qua nhiều năm khai quật, Petrie gom góp được hàng ngàn đồ tạo tác Ai cập, một số rất thú vị, và ông bán cho University College, Luân đôn, vào năm 1913, tạo nên Bảo tàng Petrie về Khảo cổ Ai cập. Petrie hồi hưu từ vị trí Giáo sư Edwards tại University College vào năm 1933. Sau đó ông khai quật thêm vài năm nữa gần Gaza trước khi qua đời ở Jerusalem vào năm 1942.
Howard Carter (1874-1939)
Là một nhà Ai cập học người Anh, Howard Carter sinh tại Kensington ở Luân đôn và gặt hái tiếng tăm qua việc phát hiện lăng mộ của Tutankhamun vào năm 1922.
Tuy nhiên, Carter đã tạo được sự nghiệp trước việc phát hiện này. Ông bắt đầu vào đời như một nghệ sỹ và được phái đến Ai cập để sao chép các trang trí trong lăng mộ ở Beni Hasan (xem Chương 18). Sau đó ông ra sức góp phần vào việc khảo cổ bên cạnh Petrie ở Amarna, mặc dù Petrie không nghĩ Carter là một nhà khảo cổ lớn. Chỉ đi để xem một phát hiện ấn tượng sẽ như thế nào.
Carter được chỉ định là tổng thanh tra của Thượng Ai cập vào năm 1899 và có trách nhiệm lắp đặt đèn điện trong Thung lũng các Vì Vua. Ông từ chức vào năm 1903 sau một trận tranh cãi với một số khách du lịch say xỉn vô trật tự người Pháp. Ông làm việc như một nhà vẽ đồ án và buôn đồ cổ cho đến khi Ngài Carnarvon đầu tư tài chính vào công việc khai quật, thuê Carter làm giám đốc. Họ cùng làm việc nhiều năm quanh quẩn Luxor và Thung Lũng các Vì Vua, thực hiện nhiều khám phá cho đến tình cờ vào năm cuối cùng của hợp đồng khai quật họ phát hiện KV62, lăng mộ của Tutankhamun.
Phần đời còn lại của Carter dùng để ghi chép và phân tích các đồ tạo tác của Tutankhamun, cũng như viết những báo cáo về khai quật và đi diễn thuyết vòng quanh thế giới.
Alan Gardiner (1879-1963)
Sir Alan Gardiner là một nhà ngôn ngữ tuyệt vời và tạo ra nhiều tiến bộ lớn lao liên quan đến ngôn ngữ của người cổ Ai cập. Ông là chuyên gia về hieratic, một dạng viết tháu của chữ tượng hình mà người Ai cập sử dụng để viết mỗi ngày. Các sinh viên Ai cập học trên thế giới đều quen thuộc với cuốn Văn Phạm Ai Cập của Gardiner, một sách hướng dẫn tổng hợp cho chữ tượng hình với một tự điển ngày nay còn được sử dụng đều đặn. Trong sự nghiệp của mình, Gardiner đi lại Paris và Turin để sao chép những bản thảo bằng tiếng hieratic; nhiều bản dịch được sử dụng ngày nay là kết quả của công trình này.
Gardiner sinh tại Eltham và quan tâm đến Ai cập ngay từ khi còn trẻ, và được gởi đến học ở Gaston Maspero ở Paris một năm. Sau đó ông trở về The Queen’s College, Oxford. Xuất thân từ một gia đình giàu có, ông không phải làm việc để kiếm sống, nên dành hết thời gian tự học mọi thứ về Ai cập và Ai cập học và theo đuổi những ước mơ của mình. Từ 1912 đến 1914 ông giữ chức phó giáo sự tại Đại học Manchester, sau đó ông tiếp tục làm việc về ngành ngôn ngữ học của mình.
Jac Janssen (sinh năm 1922)
Giáo sự Jac Janssen, một nhà Ai cập học người Hà lan giờ đã hơn tám mươi, từng là nòng cốt trong công trình ở Deir el Medina. Ông đã giữ chức giáo sư danh dự ngành Ai cập học, Đại học Leiden, Hà lan, trong nhiều năm và giờ hiện sống ở Vương quốc Anh nơi đó ông vẫn nghiên cứu nhằm đào sâu thêm kiến thức cho các sinh viên và sử gia về ngôi làng của công nhân ở Deir el Median.
Là một chuyên gia về tiếng hieratic ở Vương quốc Anh, Janssen đã nghiên cứu nhiều bia ký ở Deir el medina, cung cấp nhiều thông tin liên quan đến cuộc sống thường nhật của người Ai cập bình thường.
Janssen nghiên cứu chủ yếu mặt kinh tế của lịch sử, cho xuất bản nhiều tác phẩm quan trọng như Giá Sinh Hoạt thời Ramses: Một Khảo Cứu về Kinh tế ở Làng Công Nhân Necropolis tại Thebes. Năm 2006, ông xuất bản một quyển sách về cách sử dụng kinh tế của lừa tại Deir el Medina trong cuốn Những Con Lừa tại Deir el Medina.
Kent Weeks (sinh năm 1941)
Tiến sỹ Kent Weeks, một nhà Ai cập học người Mỹ, được biết đến nhiều nhất qua công việc hiện thời của ông về Dự Án Vẽ Bản Đồ Thebes trong Thung Lũng các Vì Vua, kết quả là việc phát hiện lại KV5, lăng mộ các con trai của Ramses II. Phát hiện của KV5 là một thành tựu chủ yếu. Dự Án Vẽ Bản Đồ Thebes bắt đầu vào năm 1978 có mục đích ghi chép các vị trí của lăng mộ, đền thờ, và những địa điểm cùng những công trình khảo cổ khác trên bờ tây Thebes. Đây là một công trình đồ sộ phải mất nhiều năm nữa mới hoàn tất.
Weeks làm việc trong ngành Ai cập học từ thập niên 1960, và từ 1972 dạy tại American University ở Cairo. Giữa những năm 1977 và 1988 ông trở lại Mỹ làm trợ giàng rồi phó giáo sư trong môn Khảo cổ Ai cập tại Đại học California, Berkeley, trước khi trở về American University ở Cairo với chức danh giáo sự ngành Ai cập học cho đến hiện giờ.
Rosalie David (sinh năm 1947)
Giáo sư Rosalie David giữ nhiều chức vị, trong đó có Giám đốc Dự án Xác Ướp Manchester, nghiên cứu 24 xác ướp người và 34 xác ướp thú trong bộ sưu tập của Bảo tàng Manschester.
Manchester cũng là nơi có ngân hàng mô, bao gồm một bộ sưu tập các mô trong xác ướp Ai cập lấy từ các xác ướp được lưu trữ trong các bảo tàng quốc tế khác nhau. Ngân hàng mô là một tài nguyên hiện đại chứa DNA của người Ai cập cổ xưa giúp ta biết được thông tin về họ, và đây quả là một dư án tiên phong thực sự.
Giáo sư David là nữ giáo sư Ai cập học đầu tiên trong Liên hiệp Anh và đã giảng dạy môn này hơn 25 năm. Bà nhận được huy chương cao quý nhất của Nữ hoàng ghi nhận sự đóng góp lớn lao của mình cho Ai cập học nhân dịp Năm Mới 2003.
(Hết)
Chia sẻ:
- Thêm
Có liên quan
Bình luận về bài viết này Hủy trả lời
Điều hướng bài viết « Lịch Sử Việt Nam Thời Tự Chủ- Bài 50 Giải mã bí ẩn văn hóa Gò Ba Sao » Chuyên mục- Kho tàng văn hóa (879)
- Lịch sử phương Đông (359)
- Lịch sử thế giới phương Tây (845)
- Lịch sử Việt Nam (1 503)
- Thế giới ngày nay (908)
Nghiên Cứu Lịch SửBài viết mới
- PHÁO ĐÀI MÙA ĐÔNG- Sứ Mệnh Anh Hùng Ca Phá Hủy Bom Nguyên Tử của Hitler (Bài 3)
- Chiến tranh Nga- Ukraine (Bài 4)
- Phan Thanh Giản Và Trương Vĩnh Ký – hai đại trí thức Nam Kỳ cùng chung số phận
- Hư cấu lịch sử ở Phú Lương, Hà Nội: Nhà thờ Nguyễn Thiếp, bài thơ “Bình Thanh Tự Sự” và chuông chùa Chúc Thánh
- Lịch Sử Việt Nam Thời Tự Chủ- Lê Hy Tông [2]
- PHÁO ĐÀI MÙA ĐÔNG- Sứ Mệnh Anh Hùng Ca Phá Hủy Bom Nguyên Tử của Hitler (Bài 2)
- Chiến tranh Nga- Ukraine (Bài 3)
- PHÁO ĐÀI MÙA ĐÔNG- Sứ Mệnh Anh Hùng Ca Phá Hủy Bom Nguyên Tử của Hitler (Bài 1)
- Chiến tranh Nga- Ukraine (Bài 2)
- Sử thi Énéide (Bài 9)
- Chiến tranh Nga- Ukraine (Bài 1)
- Sách về Đại Việt and Champa bằng tiếng Anh
- Chernobyl- Lịch sử một Thảm họa- Bài Cuối
- Lịch Sử Việt Nam Thời Tự Chủ- Lê Hy Tông [1676-1704]
- Elon Musk- Tổng thống ngầm đằng sau
- Chernobyl- Lịch sử một Thảm họa- Bài 10
- “Tiếng Việt từ TK 17: số đếm và thanh điệu” (phần 48A)
- Chernobyl- Lịch sử một Thảm họa- Bài 9
- Phật Thầy Tây An và giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương
- Tiểu thuyết Kim Bình Mai
Danh sách các Sách hay (nhiều kỳ)
Ủng hộ Nghiên Cứu Lịch Sử qua PaypalThư viện Thư viện Thời gian Tháng Mười Hai 2024 (9) Tháng Mười Một 2024 (23) Tháng Mười 2024 (18) Tháng Chín 2024 (23) Tháng Tám 2024 (29) Tháng Bảy 2024 (21) Tháng Sáu 2024 (22) Tháng Năm 2024 (25) Tháng Tư 2024 (22) Tháng Ba 2024 (20) Tháng Hai 2024 (17) Tháng Một 2024 (28) Tháng Mười Hai 2023 (32) Tháng Mười Một 2023 (30) Tháng Mười 2023 (44) Tháng Chín 2023 (32) Tháng Tám 2023 (21) Tháng Bảy 2023 (29) Tháng Sáu 2023 (32) Tháng Năm 2023 (48) Tháng Tư 2023 (28) Tháng Ba 2023 (26) Tháng Hai 2023 (37) Tháng Một 2023 (27) Tháng Mười Hai 2022 (34) Tháng Mười Một 2022 (32) Tháng Mười 2022 (61) Tháng Chín 2022 (55) Tháng Tám 2022 (51) Tháng Bảy 2022 (48) Tháng Sáu 2022 (60) Tháng Năm 2022 (48) Tháng Tư 2022 (68) Tháng Ba 2022 (127) Tháng Hai 2022 (158) Tháng Một 2022 (43) Tháng Mười Hai 2021 (59) Tháng Mười Một 2021 (21) Tháng Mười 2021 (15) Tháng Chín 2021 (22) Tháng Tám 2021 (27) Tháng Bảy 2021 (16) Tháng Sáu 2021 (29) Tháng Năm 2021 (26) Tháng Tư 2021 (34) Tháng Ba 2021 (31) Tháng Hai 2021 (18) Tháng Một 2021 (31) Tháng Mười Hai 2020 (31) Tháng Mười Một 2020 (35) Tháng Mười 2020 (55) Tháng Chín 2020 (44) Tháng Tám 2020 (43) Tháng Bảy 2020 (36) Tháng Sáu 2020 (25) Tháng Năm 2020 (31) Tháng Tư 2020 (14) Tháng Ba 2020 (21) Tháng Hai 2020 (21) Tháng Một 2020 (10) Tháng Mười Hai 2019 (17) Tháng Mười Một 2019 (19) Tháng Mười 2019 (22) Tháng Chín 2019 (22) Tháng Tám 2019 (26) Tháng Bảy 2019 (26) Tháng Sáu 2019 (29) Tháng Năm 2019 (27) Tháng Tư 2019 (32) Tháng Ba 2019 (27) Tháng Hai 2019 (19) Tháng Một 2019 (36) Tháng Mười Hai 2018 (48) Tháng Mười Một 2018 (29) Tháng Mười 2018 (11) Tháng Chín 2018 (15) Tháng Tám 2018 (21) Tháng Bảy 2018 (22) Tháng Sáu 2018 (21) Tháng Năm 2018 (14) Tháng Tư 2018 (15) Tháng Ba 2018 (14) Tháng Hai 2018 (16) Tháng Một 2018 (19) Tháng Mười Hai 2017 (22) Tháng Mười Một 2017 (51) Tháng Mười 2017 (29) Tháng Chín 2017 (29) Tháng Tám 2017 (14) Tháng Bảy 2017 (13) Tháng Sáu 2017 (26) Tháng Năm 2017 (20) Tháng Tư 2017 (37) Tháng Ba 2017 (65) Tháng Hai 2017 (25) Tháng Một 2017 (13) Tháng Mười Hai 2016 (57) Tháng Mười Một 2016 (41) Tháng Mười 2016 (37) Tháng Chín 2016 (21) Tháng Tám 2016 (42) Tháng Bảy 2016 (41) Tháng Sáu 2016 (33) Tháng Năm 2016 (40) Tháng Tư 2016 (34) Tháng Ba 2016 (22) Tháng Hai 2016 (11) Tháng Một 2016 (7) Tháng Mười Hai 2015 (34) Tháng Mười Một 2015 (19) Tháng Mười 2015 (15) Tháng Chín 2015 (23) Tháng Tám 2015 (20) Tháng Bảy 2015 (36) Tháng Sáu 2015 (32) Tháng Năm 2015 (20) Tháng Tư 2015 (20) Tháng Ba 2015 (7) Tháng Hai 2015 (3) Tháng Một 2015 (12) Tháng Mười Hai 2014 (13) Tháng Mười Một 2014 (22) Tháng Mười 2014 (15) Tháng Chín 2014 (12) Tháng Tám 2014 (17) Tháng Bảy 2014 (18) Tháng Sáu 2014 (28) Tháng Năm 2014 (23) Tháng Tư 2014 (35) Tháng Ba 2014 (14) Tháng Hai 2014 (7) Tháng Một 2014 (8) Tháng Mười Hai 2013 (21) Tháng Mười Một 2013 (23) Tháng Mười 2013 (26) Tháng Chín 2013 (9) Tháng Tám 2013 (41) Tháng Bảy 2013 (18) Tháng Sáu 2013 (18) Tháng Năm 2013 (59) Tháng Tư 2013 (4) Tháng Ba 2013 (32) Tháng Hai 2013 (31) Tháng Một 2013 (97) Tháng Mười Hai 2012 (7) Tháng Mười Một 2012 (3) Tháng Mười 2012 (42) Tháng Chín 2012 (48) Tìm Theo dõi trangnhập vào email để nhận thông báo bài viết mới nhất từ trang
Địa chỉ email:
Theo dõi
Tham gia cùng 224K người đăng ký khác- Bình luận
- Đăng lại
- Theo dõi Đã theo dõi
- Nghiên Cứu Lịch Sử Đã có 2 848 người theo dõi Theo dõi ngay
- Đã có tài khoản WordPress.com? Đăng nhập.
-
- Nghiên Cứu Lịch Sử
- Tùy biến
- Theo dõi Đã theo dõi
- Đăng ký
- Đăng nhập
- URL rút gọn
- Báo cáo nội dung
- Xem toàn bộ bài viết
- Quản lý theo dõi
- Ẩn menu
Từ khóa » Bài Viết Của Người Ai Cập Cổ đại
-
Ai Cập Cổ đại – Wikipedia Tiếng Việt
-
Chữ Tượng Hình Ai Cập – Wikipedia Tiếng Việt
-
Chữ Tượng Hình Của Người Ai Cập Cổ đại - Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia
-
Chữ Viết Của Người Ai Cập Cổ đại Là Gì
-
Chữ Tượng Hình Ai Cập Cổ đại - LichSu.Org
-
Người Ai Cập Cổ đại | Nghiên Cứu Lịch Sử
-
Dưới đây Là Những Hình ảnh Mô Tả Chữ Viết Của Người Ai Cập Và ...
-
12 Minh Chứng Về Cuộc Sống Hiện đại Của Người Ai Cập Cổ đại
-
Khám Phá 10 Phát Minh Thú Vị Của Người Ai Cập Cổ đại - Dân Trí
-
Văn Minh Ai Cập - Những ảnh Hưởng Xuyên Không Gian Và Thời Gian
-
[Sách Giải] Bài 7: Ai Cập Và Lưỡng Hà Cổ đại
-
Thành Tựu Toán Học Ai Cập Cổ đại - Hànộimới
-
Tín Ngưỡng Của Người Ai Cập Cổ đại - Dịch Thuật Lightway
-
Ở Ai Cập Cổ đại điều Nào Không Là Một đặc Quyền Của Người Ghi ...