Người ăn Xin Không đeo Khẩu Trang, Lê La Khắp Nơi

ĐẾN HẸN LẠI... ĂN XIN

Từ những ngày trước Tết đến nay, tại giao lộ Nguyễn Ảnh Thủ - Tô Ký (Q12) xuất hiện 2 - 3 người trông bộ dạng lem luốc đứng, ngồi bên vệ đường rồi chìa chiếc mũ hoặc cái ca nhựa ra trước mặt, miệng lẩm bẩm xin tiền người đi đường. Có hôm, tại ngã tư trên còn có nhiều đứa trẻ gầy gò, đen đúa luồn lách giữa dòng xe nườm nượp xin tiền, gây mất an toàn giao thông.

Cách đó không xa, tại các ngã tư Nguyễn Ảnh Thủ - Nguyễn Thị Búp, Nguyễn Ảnh Thủ - Quốc lộ 22 (H.Hóc Môn) thường xuyên có người già, trẻ nhỏ, người tàn tật trông bộ dạng khắc khổ hành nghề xin ăn. Có người chuyên đi xin tiền, nhưng cũng có không ít người bán tăm bông, vé số, hát rong kiêm luôn việc ăn xin. Nhiều người ngồi chễm chệ trên vỉa hè rồi chìa cái ca, chiếc nón, chiếc rổ nhựa cầu xin sự bố thí của người qua lại, nhưng có không ít người ngồi chình ình giữa lề đường khiến việc đi lại của xe cộ gặp không ít khó khăn.

Bất chấp thời tiết nắng nóng, những ngày này, tại giao lộ Phan Văn Hớn - Quốc lộ 1A (H.Hóc Môn) cũng thường xuyên xuất hiện từ 3 - 5 cháu bé với bộ dạng gầy gò, nheo nhóc xuất hiện xung quanh các trụ đèn giao thông hành nghề ăn xin. Khi được kha khá, đám trẻ gom những đồng tiền lẻ xin được rồi chạy mất hút vào con hẻm cạnh đó giao cho một người phụ nữ cất giữ. Chị Đặng Thùy Linh (ngụ H.Hóc Môn) xót xa: "Nhìn bọn trẻ con mới biết đi, biết chạy, thậm chí có cháu mới biết bò, biết lật, èo uột nhưng đã bị biến thành công cụ kiếm tiền của nhiều người vô lương tâm, thấy mà đau lòng".

Khu vực phà Cát Lái luôn có người hành nghề ăn xinĂn xin ở chân cầu vượt Cây Gõ 

Mỗi lần qua khu vực trước cổng KCN Vĩnh Lộc giao với Quốc lộ 1A (Q.Bình Tân), người đi đường không khỏi xót xa trước cảnh những đứa trẻ đầu trần, chân đất, gầy gò xơ xác bồng bế, dắt díu nhau luồn lách giữa dòng xe nườm nượp dưới cái nắng như đổ lửa rồi ngửa tay xin tiền. Không chỉ luồn lách giữa "rừng" xe máy, nhiều đứa trẻ còn mạo hiểm tính mạng lạng qua, lạng lại trước mũi nhiều "hung thần" container, xe "hổ vồ" hay gõ cửa các xe hơi để xin tiền, bất chấp tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào. Tại giao lộ Quốc lộ 1A - Hồ Ngọc Lãm (Q.Bình Tân) cũng thường xuyên có 2 - 3 người hành nghề ăn xin. Những đứa trẻ lấm lem, đen nhẻm, nhếch nhác khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng.

Tầm trưa trở đi, ở khu vực đèn đỏ gần chân cầu vượt Cát Lái (Q2), mỗi khi đèn đỏ bật lên lập tức có 2-3 đứa trẻ người nước ngoài cầm những chiếc mũ hoặc chiếc ca nhựa chạy lăng xăng quanh các xe cộ để xin tiền. Vào buổi tối, cũng tại khu vực trên còn có một người đàn ông trung niên dáng vẻ khắc khổ tay cầm chiếc mũ bảo hiểm đợi đến lúc đèn đỏ, xe cộ dừng lại là ông ta len lỏi giữa "rừng" xe xin bố thí. Khu vực chân cầu vượt Cát Lái có một lượng lớn xe container, xe ben, xe tải "siêu trường, siêu trọng" qua lại. Việc xuất hiện những người ăn xin ở đây không chỉ mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Anh Đỗ Thanh Bình, một tài xế xe tải cho biết: "Nhiều lần dừng đèn đỏ ở chân cầu vượt Cát Lái, tôi không khỏi toát mồ hôi vì bỗng dưng ở đâu lù lù xuất hiện một đứa trẻ nhỏ xíu ngửa tay xin tiền ngay đầu xe. Mỗi lần qua đây, tôi phải căng mắt ra ngó bên trái bên phải, nhìn trước nhìn sau. Chỉ cần bất cẩn nhấn ga một chút là có thể xảy ra tai nạn chết người như chơi". Tương tự, buổi tối trên đường Phạm Văn Đồng thường xuất hiện một cụ bà ngồi trên con lươn cạnh đèn đỏ chìa chiếc rổ nhựa ra đường để xin tiền.

Từ mùng 3 Tết đến nay, tại khu chợ "chồm hổm" trước cổng KCN Tân Tạo (Q.Bình Tân) xuất hiện nhiều người ăn xin, trong đó có một người đàn ông tật nguyền nằm trên chiếc xe lăn tự chế, phía trước đặt chiếc loa mi ni và cái xô nhựa rồi luồn lách khắp các quầy hàng xin sự bố thí của người qua đường. Thấy người đàn khắc khổ di chuyển khó khăn, nhiều người không ngần ngại móc tiền ra cho.

Đa số người ăn xin không đeo khẩu trang khiến công tác chống dịch Covid-19 càng thêm khó khăn

CẦN SỚM CÓ GIẢI PHÁP

Từ trưa, dưới chân cầu vượt Cây Gõ (Q6) thường xuất hiện 3-4 đứa trẻ hành nghề ăn xin. Đi cạnh đám trẻ còn có cả người lớn, họ thường dùng hình ảnh trẻ con để đánh vào lòng thương hại, lòng trắc ẩn của người khác. Khi đèn đỏ bật lên, các đôi chân bé tí thoăn thoắt tay cầm chiếc ca nhựa hay chiếc nón cũ kỹ phóng ngay ra đường luồn lách giữa "rừng" xe kẹt cứng, đầu gật gù, ngửa tay xin tiền từ người trên ô tô cho đến người đi xe máy. Có đứa còn gõ cửa ôtô, taxi với hy vọng người ngồi bên trong động lòng bố thí.

Vào buổi tối, dưới chân cầu vượt này còn có một số cụ già hom hem trông bộ dạng cơ hàn khắc khổ cùng đi xin với đám trẻ. Mỗi khi có người đi ngang qua, họ vội vã ngửa tay, chìa cái ca, chiếc nón, mặt mày nhăn nhó, miệng liên tục rên rỉ van nài làm ra vẻ tội nghiệp để xin tiền.

Không chỉ nổi tiếng là "thiên đường" của những người lượm ve chai, bán vé số dạo, đường Ba Tháng Hai đi qua hai quận 10 và 11 còn là "thủ phủ” của những người ăn xin. Trước Tết đến nay, tuyến đường này và các tuyến lân cận có hàng chục người già, trẻ, gái, trai, người trong nước lẫn nước ngoài đổ xô về hành nghề.

Từ hôm mùng 3 Tết đến nay, tại giao lộ Ba Tháng Hai - Lý Thường Kiệt (Q11) luôn xuất hiện từ 4 - 6 đứa trẻ trông bộ dạng đen đúa, áo quần lem luốc, xộc xệch lăng xăng chạy tới chạy lui ngửa tay xin tiền. Có cháu còn bồng bế hoặc địu những đứa trẻ nhỏ hơn dặt dẹo, èo uột, mặt mày uể oải luồn lách giữa "rừng xe" xung quanh giao lộ xin bố thí. Cảm thương trước hoàn cảnh của những đứa trẻ, nhiều người không ngần ngại móc tiền ra cho. Xin được kha khá tiền lẻ, đám trẻ lại lóc cóc cầm tiền đưa cho những người lớn đi cùng đang ngồi lẩn khuất tại một góc gần đó cất giữ, sau đó chúng trở lại giao lộ tiếp tục ngửa tay xin tiền.

Người ăn xin ở khu chợ "chồm hổm" gần KCN Tân Tạo

Những ngày đầu năm, trước cổng các KCX Linh Trung I, Linh Trung II, KCN Bình Chiểu (Q.Thủ Đức) và các khu "chợ cóc" xung quanh các khu chế xuất, khu công nghiệp này, người ta không khó để bắt gặp nhiều đứa trẻ lem luốc, nhiều người giả danh nhà sư, nhiều cụ ông, cụ bà với thân hình khẳng khiu, mặc bộ quần áo nhàu nát, cắp chiếc nón lá cũ kỹ lê lết dưới đất, rướn về phía trước rồi chìa tay xin tiền mỗi khi có người đi qua, trông rất bát nháo.

Đáng nói, trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường thì hầu hết người ăn xin không mang khẩu trang, không tuân thủ quy định của thành phố. Chị Nguyễn Thùy Linh, một công chức ở quận 6 cho biết: "Để mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, mới đây, Bộ Y tế đưa ra thông điệp "5K" gồm: đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tụ tập đông người, giữ khoảng cách, khai báo y tế. Tuy nhiên, việc nhiều người ăn xin không thực hiện nghiêm chỉnh thông điệp "5K", không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm mà việc di chuyển, đi lại của họ khá phức tạp khiến công tác chống dịch trở nên gian nan".

Để giảm bớt tình trạng ăn xin, từ cuối năm 2014, chính quyền TPHCM đã có hai giải pháp: thu gom, tập trung người ăn xin, lang thang đưa vào các cơ sở xã hội và vận động người dân không cho tiền người ăn xin. Tuy nhiên, ăn xin có vẻ là nghề "hái" ra tiền nên mới đầu năm đã có nhiều "cái bang" xuất hiện tại nhiều nẻo đường, chợ búa. Cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra và đưa người ăn xin vào chăm sóc ở các cơ sở xã hội chứ không nên làm theo phong trào; đồng thời xử lý nghiêm những kẻ bảo kê, chăn dắt, lạm dụng người ăn xin để kiếm tiền.

Người ăn xin tại phố biển

Tới TP.Quy Nhơn (Bình Định) ngày 22-2, nhiều du khách ngán ngại bởi bị làm phiền vì đội quân "cái bang". Khu vực họ tập trung đông nhất là các quán cà phê dọc đường Nguyễn Tất Thành (P.Lý Thường Kiệt).

Khác với "cái bang" nhí trước đây thường là người đồng bào thiểu số, hiện nay người ăn xin tại phố biển đang "già hóa". Độ tuổi của họ dao động 50 - 65 tuổi (ảnh), bao gồm cả đàn ông và phụ nữ. Một phụ nữ lớn tuổi luôn miệng nhận mình là bệnh nhân chạy thận, đi bán kẹo cao su và kiêm luôn việc ngửa tay xin tiền. Mỗi lần xin là mười nghìn đồng. Có cụ ông thì đẩy xe lăn có người nhà bị đau dặt dẹo, lân la vào quán xá để xin tiền. Nếu không cho tiền thì họ chèo kéo, đứng rất lâu. Điều này gây nhiều bất tiện cho người dân phố biển lẫn lữ khách xa gần.

THÀNH LONG

Hải Văn

Từ khóa » đồ Nghề ăn Xin Mùa Dịch