Người Bệnh Tiểu đường Nên Tập Thể Dục Thế Nào? - VnExpress

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm, khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, người bệnh tiểu đường duy trì tập thể dục sẽ giúp giảm cân nặng, huyết áp, lượng đường và mỡ máu, tim và hai lá phổi khỏe hơn. Tập thể dục còn giúp xương chắc khỏe, tăng năng lượng, giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ...

Những hoạt động thể chất có lợi cho người tiểu đường

Theo bác sĩ Trâm, trước khi tập luyện thể thao, người bệnh tiểu đường cần tham khảo ý kiến bác sĩ để biết môn thể thao đó có phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân hay không và cường độ tập luyện hợp lý. Trong đó, cường độ tập luyện có thể chia thành 3 mức độ như sau:

Vận động cường độ vừa: Người bệnh đi bộ nhanh, bơi lội... ít nhất 30 phút mỗi ngày, có thể chia làm 2-3 buổi tập. Khi tập, người bệnh chú ý tới hơi thở, nhịp tim và lượng mồ hôi tiết ra. Nếu bạn thở hổn hển và khó khăn nói chuyện trong lúc tập có thể đã vận động quá sức, cần giảm bớt cường độ tập.

Nếu muốn giảm cân, bạn nên tập duy trì trong khoảng 60-90 phút mỗi ngày. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ nội tiết, chuyên viên dinh dưỡng và huấn luyện viên thể thao về vấn đề này.

Vận động thường xuyên và phù hợp thể trạng giúp duy trì sức khỏe ổn định cho người bệnh. Ảnh: Shutterstock

Vận động thường xuyên và phù hợp thể trạng giúp duy trì sức khỏe ổn định cho người bệnh. Ảnh: Shutterstock

Vận động cường độ mạnh: Chạy bộ vừa, chạy nhanh, tập thể dục nhịp điệu, làm vườn (cuốc đất, trồng cây)... mỗi tuần 3 buổi, mỗi buổi 20 phút.

Luyện tập thể lực đối kháng: Người bệnh có thể kết hợp cả vận động mức độ vừa và mạnh, với tần suất 2-3 buổi một tuần, thực hiện 8-10 vận động khác nhau cho tất cả nhóm cơ bắp chính. Mỗi động tác thực hiện 8-12 lần và 2 lượt cho mỗi bài tập.

Các bài tập vận động nặng được gợi ý như tập tạ, chống đẩy, tập theo máy... Nếu tập tạ, người bệnh nên chọn loại tạ có thể nhấc được 8-12 lần và cảm thấy khó nâng hơn sau đó. Người bệnh cũng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ nếu không chắc môn tập thể lực nào phù hợp và an toàn cho bản thân.

Những lưu ý khi tập luyện thể thao

Người bệnh cần vạch ra mục tiêu luyện tập cụ thể và quyết tâm đạt được. Trong những buổi tập đầu, bạn nên xét nghiệm mức đường trong máu vào thời điểm trước, trong và sau khi tập. Người đang dùng insulin hay thuốc viên trị tiểu đường cũng luôn mang theo kẹo ngọt bên mình phòng khi mức đường trong máu xuống quá thấp có thể sử dụng; mang giày, vớ vừa vặn.

Bác sĩ Trâm chia sẻ thêm, người bệnh nên bắt đầu tập luyện theo cách chậm rãi và tăng dần mức độ và thời gian tập. Người bệnh nên duy trì thời gian và ngày tập cố định, ngừng tập nếu cơ thể không khỏe, uống đủ nước để tránh mất nước (cơ thể cần nhiều nước hơn bình thường trong khi tập), nên có khoảng nghỉ ngắn nếu buổi tập kéo dài.

Trước buổi tập

- Chuẩn bị đồ đạc đầy đủ và mang theo những thiết bị phù hợp

- Mặc trang phục, mang giày, vớ phù hợp

- Đem theo chai nước, nón, kem chống nắng, dù...

- Kiểm tra chân

- Kiểm tra đường máu

- Mang theo chút đồ ăn điều trị cơn hạ đường huyết, khởi động đầy đủ và đúng cách

Kiểm tra bàn chân để xem xét các dấu hiệu viêm loét, đau... trước và sau khi tập. Ảnh: Shutterstock

Kiểm tra bàn chân để xem xét các dấu hiệu viêm loét, đau... trước và sau khi tập. Ảnh: Shutterstock

Trong buổi tập

- Người bệnh nên dừng tập khi thấy xuất hiện biểu hiện đau, căng ở ngực, tay, bụng, cổ hoặc cảm thấy khó chịu.

- Nếu xuất hiện tình trạng hụt hơi, xây xẩm, choáng váng hay có những triệu chứng bất thường khác kéo dài khoảng 10 phút, bạn hãy yêu cầu sự trợ giúp y tế khẩn cấp. Trường hợp các triệu chứng ổn định trong vòng 10 phút, sau buổi tập, bạn cũng cần đến bác sĩ càng sớm càng tốt để kiểm tra trước khi tiếp tục các buổi tập tiếp theo.

- Nếu cảm thấy đau chân, hãy dừng tập cho đến khi hết đau rồi tiếp tục. Người bệnh có thể tăng dần thời gian tập luyện nếu không còn cảm thấy đau nhưng việc điều trị vẫn cần thiết.

- Nếu xuất hiện triệu chứng hạ đường huyết, hãy ngừng việc tập luyện, kiểm tra mức đường trong máu và khắc phục triệu chứng này. Người bệnh đợi 10-15 phút, sau đó đo lại mức đường huyết và ăn thực phẩm chứa carbohydrate (đường hoặc tinh bột) như bánh mì sandwich, uống sữa hoặc hai bánh quy. Không nên tiếp tục vận động cho đến khi các triệu chứng hết hẳn.

Sau buổi tập

- Kiểm tra bàn chân sau khi tập luyện hoặc ít nhất mỗi ngày một lần để xem xét các dấu hiệu như mẩn đỏ, da mọng nước, nứt nẻ hay có vết chai cứng.

- Kiểm tra mức đường huyết sau khi tập

- Bổ sung nước

Theo bác sĩ Trâm, vì cơ thể mỗi người phản ứng khác nhau nên cần nắm được tình trạng lượng đường trong máu khi tập luyện hay tham gia các hoạt động. Nếu thấy xuất hiện những triệu chứng của hạ đường huyết như ra mồ hôi, ngất xỉu, yếu mệt... xảy ra trong khi tập, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc điều chỉnh đơn thuốc, insulin hay kế hoạch ăn uống cho phù hợp. Bạn nên thông báo cho bác sĩ các vấn đề gặp phải khi tập thể dục như các triệu chứng bất thường, cơn hạ đường huyết, vết thương bàn chân...

Nhã Trang

Từ khóa » Không Luyện Tập Khi đường Máu