Người Bị Tai Biến Có Khả Năng Phục Hồi Như Bình Thường Tới 90%
Có thể bạn quan tâm
Buổi tư vấn trực tuyến "Phục hồi chức năng vận động cho người sau tai biến" diễn ra trên VnExpress lúc 14h-16h ngày 26/7 thu hút sự quan tâm của độc giả ở các lứa tuổi. Làm sao để không bị tai biến, các dấu hiệu nhận biết và có thể phục hồi hoàn toàn như trước khi mắc bệnh... là vấn đề được nhiều người quan tâm nhất.
Dưới đây là phần tư vấn của Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam - Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP HCM đến độc giả.
- Chào bác sĩ, tôi muốn hỏi người trẻ có khả năng bị tai biến không? Nguyên nhân vì sao lại dẫn đến tai biến ạ? (Trần Hoàng Trung, 35 tuổi, HCM)
Chào bạn,
Tai biến không chỉ xảy ra ở người lớn tuổi mà còn xảy ra ở cả những người trẻ tuổi. Hiện nay, tỷ lệ tai biến xảy ra ở người trẻ càng ngày càng gia tăng, do vữa giãn mạch máu não. Còn ở người lớn tuổi thường do xơ vữa động mạch hoặc vỡ mạch máu trên não. Tai biến mạch máu não ở người trẻ thường nặng hơn, để lại nhiều di chứng nặng nề, thậm chí dẫn đến tử vong.
- Xin cho em hỏi bắt đầu từ độ tuổi nào thì có nguy cơ đột quỵ tăng cao? Xin cảm ơn ạ. (Nhã Ngân)
Chào bạn,
Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, ngay cả ở những người còn rất trẻ. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới, số người mắc bệnh đột quỵ thường ở tuổi trên 50, khi mà nguy cơ xơ vữa động mạch và rối loạn chuyển hóa lipid tăng cao kết hợp với cao huyết áp.
Ở những người trẻ tuổi, nguy cơ đột quỵ thường do vỡ dị dạng mạch máu não, những dị dạng này thường mang tính bẩm sinh có sẵn trong cơ thể bệnh nhân.
- Chào bác sĩ, tôi muốn hỏi bệnh tai biến có di truyền hay không? Người nhà tôi có nhiều người bị sơ vữa động mạch thì có dễ dẫn đến tai biến hay không? (Võ Minh Thông, 25 tuổi, HCM)
Chào bạn,
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh tai biến mạch máu não có yếu tố gia đình cao. Những dị dạng mạch máu não thường xảy ra ở những người trẻ có tính di truyền rõ rệt. Ngay cả bệnh cao huyết áp xơ vữa động mạch cũng xảy ra ở những nhóm người có tính chất gia đình, từ cha mẹ sang con cái. Vấn đề di truyền có thể từ gen hoặc di truyền yếu tố cơ may qua lối sống, chế độ ăn uống...
- Tôi được nghe nhiều về bệnh tai biến mạch máu não và mức độ nguy hiểm của bệnh. Tôi thắc mắc liệu bệnh tai biến mạch máu não có chữa được không? Mong bác sĩ giải đáp giúp tôi. Cảm ơn bác sĩ! (Hải tâm)
Chào bạn,
Bệnh tai biến mạch máu não là bệnh nặng, để lại nhiều di chứng khó phục hồi. Vì vậy, tùy mức độ của bệnh, khả năng điều trị mới có thể thành công. Nếu bệnh nhân bị nhẹ, chỉ yếu liệt một nửa cơ thể và bệnh nhân còn trẻ thì khả năng phục hồi cao. Trường hợp bệnh nhân bị vỡ mạch máu não, tuổi càng lớn, tình trạng nặng ngay từ đầu thì khả năng sống sót rất thấp và khó phục hồi dù có điều trị tốt hoặc có tập vật lý trị liệu cũng khó cải thiện được tình trạng của bệnh.
- Mẹ tôi năm nay 62 tuổi, cách đây hai năm mẹ bị tai biến mạch máu não, giật méo miệng, liệt nửa người bên trái. Vì đang sống vui khỏe rồi đột nhiên bị suy giảm chức năng vận động, mẹ tôi trở nên buồn bã, ít nói, hạn chế giao tiếp, cũng không đồng ý tập vật lý trị liệu để phục hồi dù tình trạng không quá nặng. Tôi phải làm sao thưa bác sĩ? (Ngô Cát Tiên, 35 tuổi, Phú Nhuận, TPHCM)
Chào bạn,
Đây là vấn đề rối loạn tâm lý thường hay xảy ra ở những người lớn tuổi bị bệnh nặng mà dân gian thường gọi là nan y. Sau tai biến, bệnh nhân bị stress nặng, bệnh nhân cảm thấy mình vô dụng, phụ thuộc nhiều vào con cháu nên thường có tâm lý mặc cảm, thậm chí bất cần đời.
Để giảm bớt tình trạng này, người thân trong gia đình có vai trò quan trọng. Bạn cần phải động viên bệnh nhân, luôn khiến bệnh nhân cảm thấy gia đình là mái ấm, hỗ trợ người bệnh tự chủ trong chăm sóc bản thân, sử dụng những dụng cụ hỗ trợ để tự ăn uống, tự vệ sinh và được người nhà giúp đỡ khi cần thiết.
Việc chăm sóc này khiến bệnh nhân cảm thấy lạc quan, bớt cảm giác phụ thuộc vào sự chăm sóc của con cái va tự mình có thể đáp ứng nhu cầu tối thiểu của bản thân. Đây là quan niệm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của người Nhật.
- Tôi thỉnh thoảng trong lúc thoáng qua như tia chớp bị mất tín hiệu từ não, đây là hiện tượng báo trước của bệnh tai biến đúng không? Xin bác sĩ tư vấn, trân trọng cảm ơn. (Khánh Chi, 51 tuổi, Xo Viet Nghe Tinh, Bình Thạnh)
Chào bạn,
Nếu triệu chứng này xảy ra thường xuyên, là dấu hiệu báo trước khả năng có thể xảy ra tai biến. Bệnh nhân cần đi khám tại một bác sĩ chuyên khoa thần kinh và tim mạch để được siêu âm xem động mạch cảnh của mình có bị hẹp hay tắc dẫn đến nguy cơ nhồi máu não hay không. Ngoài ra, bệnh nhân nên khám kiểm tra tổng quát về huyết áp, mỡ trong máu và đường huyết vì cao huyết áp, rối loạn chuyến hóa mỡ và tiểu đường là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ cao nhất.
- Thưa bác sĩ, người bị tai biến liệt nửa người có thể hồi phục 100% như người bình thường không ạ? (Trần Hào, 40 tuổi, Hà Nội)
Chào bạn,
Khả năng phục hồi 100% đối với người tai biến mạch máu não là ước mơ của hầu hết bệnh nhân và thân nhân. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm và những tài liệu y văn mà chúng tôi có được, khả năng phục hồi 100% rất khó xảy ra, được 90-95% là tốt lắm rồi.
Đột quỵ cũng giống như chúng ta có một cái chén bị bể. Người thầy thuốc hay người thợ giỏi lắm có thể hàn gắn nó nhưng không thể hoàn thiện nó như lúc đầu, dù sao cũng là một chiếc bát đã vỡ. Bệnh tai biến cũng tương tự vậy, trừ những trường hợp tai biến mạch máu não nhẹ do thiếu máu thoáng qua có nguyên nhân là co thắt mạch máu não.
- Người bị tai biến dẫn đến đột quỵ hiện nay rất nhiều, gây ra nhiều biến chứng hệ lụy ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Có cách nào để nhận biết và phòng tránh không bác sĩ. Hiện nhà tôi có khá nhiều người lớn tuổi và cũng đang suy yếu sức khoẻ nhiều. Điều này khiến tôi khá lo lắng. (Hồng Hạnh)
Chào bạn,
Các triệu chứng báo trước của tai biến mạch máu não không nhiều, chỉ có một vài triệu chứng điển hình như tê nửa người, chóng mặt hay đau đầu, nhưng nói chung cũng không đặc hiệu cho tai biến mạch máu não. Chính vì vậy, cách phòng ngừa tốt nhất là đi khám sức khỏe định kỳ với bác sĩ nội thần kinh hoặc tim mạch để xác định bệnh nhân có thuộc nhóm nguy cơ cao hay không. Những bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao bao gồm tiền sử gia đình có người bị tai biến mạch máu não, cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid, hút thuốc lá, béo phì...
Với những nhóm người trên cần đưa vào chế độ kiểm soát đặc biệt, nên kiểm tra huyết áp, mỡ, lipid trong máu, đường huyết, siêu âm động mạch cảnh định kỳ mỗi sáu tháng.
Cách phòng tránh tốt nhất là điều trị các bệnh lý nền như cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, đái tháo đường, bỏ hút thuốc lá, vận động thể lực thường xuyên và có chê độ ăn hơi phần đạm bạc (tránh thịt, mỡ hoặc ngọt nhiều quá).
- Bác sĩ có thể tư vấn giúp tôi cách dự phòng khi chưa xảy ra tai biến được không ạ? Cám ơn bác sĩ. (Khánh Anh)
Chào bạn,
Điều này dễ nhưng cũng khó để tư vấn bởi có đến hai loại nguyên nhân gây tai biến: tai biến do vỡ dị dạng mạch máu não hay gặp ở người trẻ và thuyên tắc mạch máu hoặc vỡ mạch máu nào trong xơ vữa động mạch ở người lớn tuổi.
Với người trẻ, việc dự phòng dị dạng mạch máu não hầu như không thể, chỉ có một số trường hợp phát hiện tình cờ có thể can thiệp kịp thời.
Tình trạng thuyên tắc mạch máu hoặc vỡ mạch máu nào thường gặp trong xơ vữa động mạch ở người lớn tuổi có thể phòng ngừa bằng cách điều trị tốt các bệnh lý nền như: xơ vữa động mạch, rối loạn chuyển hóa lipid, đái tháo đường, thừa cân, hút thuốc lá...
Những bệnh nhân có nguy cơ thuyên tắc mạch máu não có thể sử dụng thuốc chống đông đơn giản, ngày uống một viên.
- Chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng rất nhiều trong việc chăm sóc. Bác sĩ chia sẻ chế độ ăn uống để luôn đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh giúp em nhé. (Hoàng Hải)
Chào bạn,
Đối với bệnh nhân đã bị tai biến mạch máu não, ngoài việc chăm sóc hàng ngày, cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng hợp lý để giúp bệnh nhân mau lành bệnh và không bị tái phát tai biến mạch máu não. Nếu có thể nên mời một bác sĩ chuyên gia dinh dưỡng đến khám và tính tới nhu cầu dinh dưỡng bệnh nhân mỗi ngày, từ đó quy ra khẩu phần ăn thích hợp, vừa bảo đảm đủ năng lượng cho bệnh nhân, vừa dễ tiêu và không ảnh hưởng đến bệnh tật.
Nếu không có điều kiện, nên cho bệnh nhân ăn theo chế độ dinh dưỡng vừa đủ, bao gồm ba bữa sáng - trưa - chiều, thức ăn nhẹ, số lượng calo vừa đủ 1.000-1.500 calo một ngày, thức ăn đầy đủ cả rau, cá, thịt cùng trái cây có vitamin. Nên cho bệnh nhân ăn vừa đủ no, không ép bệnh nhân ăn no quá, thay đổi món ăn mỗi ngày cho hợp khẩu vị.
- Thưa chuyên gia, Em thấy trên mạng hướng dẫn là không nên đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay mà dùng kim để chích vào đầu ngón tay khi sơ cứu người bị tai biến mạch máu não. Em có nên áp dụng không? Tư vấn giúp em. (Đỗ Hữu Hưng, Quảng Trị)
Chào bạn,
Cách sơ cứu như trên là một quan niệm sai lầm vì sẽ làm bệnh nặng thêm, mât đi thời gian vàng quý báu (theo quy ước thường từ ba đến 6 giờ). Tốt nhất, khi bị tai biến, bạn nên cho bệnh nhân nằm xuống, nghiêng đầu qua một bênh cho dễ thở, lấy tay hoặc dùng miệng hút hết đàm nhớt làm cho thông thoáng đường thở. Sau đó, nhanh chóng chuyển bệnh nhân vào cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu theo đúng bài bản.
- Thưa bác sĩ, sau cơn tai biến hơn một năm trước, bố tôi bị méo miệng và bị co rút các cơ nên đi lại khó khăn. Sau một thời gian tập luyện, khả năng vận động của ông phục hồi được 60%. Hiện tại ông có thể đi lại khi được người thân hỗ trợ nhưng vẫn chưa thể thực hiện các động tác đơn giản như cầm nắm, cúi người… Bác sĩ có thể tư vấn các bài tập phù hợp để ông phục hồi vận động, không cần hỗ trợ được không ạ? Cảm ơn bác sĩ. (Phạm Viết Long, 38 tuổi, Hồ Tùng Mậu, Đà Lạt)
Chào bạn,
Sau tai biến một năm bố bạn phục hồi được 60% đó là tín hiệu đáng mừng, thể hiện nghị lực của bệnh nhân và sự chăm sóc của gia đình rất tốt. Tuy nhiên, có một số lưu ý bạn cần nắm để bệnh nhân hướng tới khả năng vận động độc lập không cần trợ giúp, trước hết cần phải tập cho bệnh nhân giữ thăng bằng trong tư thế đứng.
Để phục hồi chức năng cầm nắm, cần áp dụng bài tập bàn tay và cánh tay. Để cúi gập người đơn giản, nên áp dụng bài tập đầu gối vì ngoài việc phục hồi, đi lại độc lập, các bài tập này còn giúp bệnh nhân chủ động trong việc tự thay quần áo và làm vệ sinh.
Bài tập đầu gối có thể thực hiện như sau: đứng thẳng người, rồi từ từ khuỵu đầu gối. Sau đó quay lại tư thế đứng thẳng như ban đầu rồi khuỵu đầu gối sâu hơn nữa. Mỗi lần tập thực hiện động tác năm lần.
Chúng ta có thể tham khảo trên trang web về các bài tập vận động sau tai biến.
- Mẹ tôi bị tai biến liệt nửa người và phải nằm một chỗ, sau một thời gian chăm sóc, da mẹ tôi có hiện tượng ngứa ngáy, phồng đỏ kéo dài. Hiện tượng này là như thế nào, có cách nào khắc phục không thưa bác sĩ? (Thái Thùy Trâm, 42 tuổi, Quận 5, TPHCM)
Chào bạn,
Hiện tượng ngứa ngáy, phồng đỏ kéo dài rất hay gặp ở những bệnh nhân bị tai biến và phải nằm một chỗ trong thời gian dài. Da bị phồng, đỏ kéo dài, mọng nước là dấu hiệu của tì đè. Nguyên nhân loét tì đè là do sự đè ép liên tục dẫn đến thiếu máu nuôi, hoại tử mô. Yếu tố thuận lợi gây loét: da ẩm ướt, đại tiểu tiện không tự chủ, đổ mồ hôi nhiều, rỉ dịch vết thương, nhiễm trùng, suy dinh dưỡng, béo phì, giảm vận động, tuổi cao… Vấn đề phòng tránh loét xảy ra quan trọng hơn là để loét rồi mới điều trị.
Để cải thiện tình trạng hiện tại, người bệnh nên giữ da luôn khô thoáng, sạch sẽ nhằm giảm loét, giảm nguy cơ nhiễm trùng vết loét và nhiễm trùng hô hấp. Ngoài ra, người nhà nên thường xuyên xoa bóp và di chuyển bệnh nhân để đảm bảo máu được lưu thông tới các vùng bị tì đè, chế độ dinh dưỡng…
Nếu người bệnh nằm liệt giường, tiêu tiểu không tự chủ thì cần dùng miếng tã dán có màng đáy thoáng khí, giúp thoát hơi ẩm ra ngoài, giữ phần da khô thoáng. Đây cũng là yếu tố hỗ trợ quan trọng để hạn chế loét tì đè tiến triển sang giai đoạn nặng hơn. Khi sử dụng tã giấy, để đảm bảo chất thải không bị tràn ra bên ngoài gây cảm giác khó chịu cho bệnh nhân và gây khó khăn trong công tác vệ sinh, nên sử dụng song song sản phẩm bổ trợ là tấm đệm lót để đảm bảo chống trào tối đa.
Nếu thực hiện tốt các cách chăm sóc trên, bệnh nhân sẽ chóng hồi phục, ít biến chứng trên da do tì loét.
- Tôi nghe nói bệnh tai biến dễ tái phát khi thay đổi thời tiết hoặc là khi tắm. Xin bác sĩ tư vấn cho tôi biết chi tiết, khi tắm như thế nào là phù hợp? (Khánh Lâm, Q7)
Chào bạn,
Bệnh nhân bị tai biến thường nhạy cảm với sự thay đổi với sự thay đổi thời tiết: nắng nóng, mưa dầm đều không tốt cho bệnh nhân, làm tăng khả năng tái phát tai biến. Do đó, việc tắm rửa và vệ sinh cá nhân với người tai biến rất quan trọng. Bạn nên tắm trong phòng ấm, kín gió, sàn nhà tắm nhám, ít bị trơn trượt, tránh bị té ngã khi đang tắm.
Bên cạnh đó, nên tắm bằng nước ấm, nhiệt độ từ 37 đến 45 độ. Thời gian tắm từ năm đến bảy phút, không nên kéo dài và nên tắm vào buổi sáng, tránh tắm buổi tối. Chỉ tắm khi cảm thấy sức khỏe tốt.
- Bác sĩ cho tôi hỏi: những điều không nên làm khi sơ cứu người bị tai biến mạch máu não là gì ạ? (Nguyen Minh Man, Hà tây)
Chào bạn,
Theo dân gian, khi bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, rất nhiều người có những động tác tưởng có thể cứu giúp bệnh nhân thoát khỏi cơn tai biến nhưng thực tế lại nguy hiểm với tính mạng bệnh nhân.
Khi bị tai biến mạch máu não tuyệt đối không được cạo gió; không được chích lễ; không nên cho bệnh nhân uống thuốc hạ huyết áp khi chưa biết rõ huyết áp của họ là bao nhiêu; không nên sử dụng các loại thuốc làm tan cục máu đông lan truyền trong dân gian khi chưa biết nguyên nhân gây tai biến là do thuyên tắc mạch máu hay vỡ mạch máu náo là gì...
Bạn nên cho bệnh nhân nằm nghiêng đầu, giữ thông thoáng đường thở và chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
- Bố tôi đang trong quá trình tập vật lý trị liệu, tập đi để phục hồi chức năng vận động, dù vẫn chưa kiểm soát được vấn đề vệ sinh nhưng ông kiên quyết từ chối sử dụng tã dán loại vẫn dùng cho người lớn vì tã dễ xô lệch trong lúc đi lại, khiến ông không tự tin vận động. Lâu dần, cảm giác buồn bực khó chịu này khiến ông không còn ý chí tập luyện nữa. Bác sĩ có lời khuyên nào cho trường hợp của bố tôi không ạ? (Nguyễn Sĩ Lâm, Củ Chi, TPHCM)
Chào bạn,
Người lớn tuổi, ngay cả khi không bị bệnh tai biến mạch máu não thường có biểu hiện về tâm lý giống trẻ con, thích được nuông chiều, ngọt ngào, mềm mỏng. Chắc các bạn đã đọc tiểu thuyết Những năm tháng thu tàn của một nhà văn Nhật Bản, viết rất rõ tâm lý của một người lớn tuổi, đặc biệt là những người tai biến mạch máu não.
Cách điều trị về tâm lý và sử dụng những sản phẩm y khoa phù hợp sẽ giúp cho người lớn tuổi bị tai biến mạch máu não cảm thấy dễ chịu hơn và giữ được lòng tự tôn của người lớn tuổi, từ đó họ tuân thủ cách điều trị của thầy thuốc, giúp nhanh chóng phục hồi. Cụ thể, cách đây vài năm, khi sản phẩm tã giấy người lớn vừa ra đời, chỉ có một loại tã dán dành cho mọi bệnh nhân với khả năng vận động khác nhau. Theo nghiên cứu, việc sử dụng tã giấy cũng ảnh hưởng đến khả năng phục hồi vận động, do đó, người Nhật đã đề xuất mô hình chăm sóc toàn diện: lựa chọn tã giấy phù hợp với khả năng vận động của người bệnh.
Với trường hợp của ông cụ là người đang tập đi, tã quần là lựa chọn phù hợp bởi được thiết kế dễ dàng kéo lên xuống, giúp bố của bạn có thể chủ động mặc hoặc thay tã. Ngoài ra, thun hông ôm vừa vặn cơ thể của tã quần sẽ giữ miếng tã không bị trượt xuống trong suốt quá trình vận động.
Tôi tin với sự động viên và cách sử dụng sản phẩm chăm sóc vệ sinh phù hợp sẽ giúp bố của bạn thoải mái vui vẻ, nâng cao ý chí tập luyện để mau chóng hồi phục bệnh.
- Bệnh nhồi máu cơ tim và bệnh đột quỵ có nguyên nhân giống nhau hay không? Triệu chứng và cách sơ cứu khi người nhà gặp phải những loại bệnh này là gì ạ? (KhANH VAN, Sài Gòn)
Chào bạn,
Nguyên nhân của bệnh nhồi máu cơ tim và đột quỵ có một phần giống nhau ở chỗ: nhồi máu cơ tim là hiện tượng thuyên tắc động mạch vành là do cột máu đông hoặc mạch xơ vữa động mạch. Tai biến mạch máu não cũng có cơ chế bệnh sử giống như vậy. Tuy nhiên, tai biến mạch máu não còn có nguyên nhân khác là vỡ mạch máu não trên nền xơ vữa động mạch có cơ chế bệnh sử hoàn toàn khác.
Triệu chứng đối với nhồi máu cơ tim thường là đau thắt ngực, đau dữ dội vùng ngực bên trái, khó thở, có thể ngất. Triệu chứng tai biến mạch máu não là hôn mê, mất tri giác và yếu liệt nửa người.
Cách sơ cứu tốt nhất là cho bệnh nhân nằm nghiêng đầu sang một bên, giữ thông đường thở... và chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.
- Chào bác sĩ, em bị liệt dây thần kinh số bảy bên trái từ năm 20 tuổi. Bây giờ em có thể châm cứu hay chạy con chíp để phục hồi được không? (Đặng Thị Thu Hương, 41 tuổi, 3/48 Lê Chân Hải Phòng)
Chào bạn,
Liệt dây thần kinh số bảy được chia làm hai loại: liệt ngoại biên và liệt trung ương. Liệt dây thần kinh số bảy ngoại biên thường có nguyên nhân là virus hoặc do chèn ép bên ngoài. Liệt dây thần kinh số bảy trung ương thường có nguyên nhân là tai biến mạch máu não hoặc do u não. Phải chẩn đoán rõ nguyên nhân mới có hướng điều trị phù hợp.
Với căn bệnh của chị, thời gian đã quá lâu, trên 20 năm, khả năng phục hồi kém dủ điều trị bằng phương pháp nào đi chăng nữa. Để hiểu rõ hơn, chị có thể khám tại bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh để được tư vấn rõ ràng.
- Thưa bác sĩ, tôi nghe nói rằng quá trình vận chuyển người bị tai biến mạch máu não có thể làm cho các mạch máu não của bệnh nhân bị vỡ, đứt. Xin hỏi bác sĩ như vậy là đúng hay sai? (Trần Anh Phi)
Chào bạn,
Với bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, ngoài sơ cứu thì vấn đề vận chuyển cũng rất quan trọng, tránh làm cho bệnh nặng thêm. Vì vậy, nguyên tắc chuyển đến cơ sở y tế gần nhất là vấn đề tiên quyết, cần ưu tiên trong vận chuyển bệnh nhân. Nên sử dụng các loại xe cứu thương chuyên dụng, ít sốc và chọn đường đi ngắn nhất. Trên xe nên có bác sĩ và điều dưỡng để tiến hành sơ cứu ngay trên xe, tránh nguy cơ làm cho bệnh nặng thêm trong quá trình di chuyển.
- Bố tôi bị tai biến nằm liệt giường đã 4 năm nay. Ông còn bị rối loạn đại tiểu tiện nên việc chăm sóc vệ sinh gặp nhiều khó khăn. Có cách nào cải thiện tình trạng này giúp bố tôi cảm thấy thoải mái hơn không thưa bác sĩ? (Lý Phương Uyên, 36 tuổi, Ba Đình, Hà Nội)
Chào bạn,
Việc chăm sóc bệnh nhân bị tai biến nằm liệt giường trong thời gian lâu là một vấn đề rất quan trọng và là mối bất hòa của nhiều thành viên trong gia đình, khi được phân công chăm sóc người thân. Chính vì vậy, việc sử dụng những phương tiện hỗ trợ và tư vấn tâm lý cho bệnh nhân để cảm thấy thoải mái hơn là vấn đề rất quan trọng. Trong đó, người bệnh cần được chăm sóc đúng cách để tránh các biến chứng do nằm liệt giường và rối loạn tiểu tiện (loét tì đè, nhiễm trùng da hay đường hô hấp…).
Ngoài ra, cách giúp bố của bạn thoải mái hơn trong công tác vệ sinh cá nhân cụ thể là: nếu ông chủ yếu nằm trên giường thì nên sử dụng tã dán người lớn, cần thay thường xuyên ngay sau khi tiêu tiểu để tránh ấm ướt. Nguyên tắc là giữ khô, sạch vùng mông lưng. Bạn có thể lựa chọn sản phẩm có thêm kháng khuẩn giúp ngăn mùi để giảm bớt mùi chất thải hoặc nên sử dụng thêm sản phẩm phụ trợ như tấm đệm lót để chất thải không trào ra nệm chiếu.
Nếu có thể nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa hặc bác sĩ vật lý trị liệu để sử dụng các sản phẩm hỗ trợ tiện dụng và hữu ích cho bệnh nhân.
- Mẹ tôi bị tai biến cách đây bảy năm, bị liệt nửa người. Dù tập luyện nhiều, khả năng phục hồi vẫn chậm. Nhờ bác sĩ tư vấn phương pháp tập luyện để đạt kết quả tốt nhất. (Nguyễn Tấn Trường Thọ)
Chào bạn,
Việc điều trị sau tai biến mạch máu não nhằm giúp giảm thiểu các di chứng về vận động cũng như tâm lý có vai trò quan trọng. Nó bao gồm sự giúp đỡ của người thân, ý chí nghị lực của người bệnh và sự tận tâm của bác sĩ chuyên khoa vật lý trị liệu...
Kết quả điều trị và tập luyện còn phụ thuộc nhiều vào thể loại tai biến, vị trí tổn thương trên não và thời gian thiếu máu não, tuổi của bệnh nhân... Hiện nay có nhiều bài tập giúp bệnh nhân tự tập để nhanh chóng phục hồi. Tuy nhiên, muốn đạt kết quả tốt trong tập luyện cần có sự khám và tư vấn của bác sĩ tư vấn vật lý trị liệu để chọn ra bài tập phù hợp với từng trường hợp.
Niềm tin vào kết quả luyện tập cũng rất quan trọng đối với mỗi người bởi niềm tin mới truyền cho người ta nghị lực để tập luyện đều đặn và đúng kỹ thuật.
- Sau tai biến tôi không thể ngồi và sinh hoạt bình thường, tôi phải tập luyện như thế nào để phục hồi như trước? Tình trạng nhai yếu, tay phải và trái khó cầm nắm, đứng lên ngồi xuống khó khăn, tôi có thể tập luyện để phục hồi như bình thường hay không? (khuyen nguyen, 58 tuổi, 631/86 Xa Lộ Hà Nội, KP1, P. Long Bình,)
Chào bạn,
Có khá nhiều người sau khi bị tai biến, từ dạng nhẹ đến trung bình như của bạn đều có khả năng phục hồi và đi lại được dù có một vài khó khăn. Việc luyện tập kiên trì cần diễn ra hàng ngày, ít nhất hai lần tập mỗi ngày, sáng hoặc chiều.
Phương pháp luyện tập cần tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ vật lý trị liệu và có sự theo dõi trong thời gian tập luyện ban đầu. Ngoài ra, bạn cũng nên có niềm tin vào kết quả của việc tập luyện vì yếu tố tinh thần rất quan trọng trong kết quả điều trị của bệnh nhân tai biến mạch máu não.
-
Mẹ tôi năm nay 70 tuổi, bà bị tai biến cách đây hơn một năm. Đến nay bà chỉ có thể đứng dậy, đi lại chậm và còn hơi run nhưng bà vẫn muốn đi vệ sinh trong toilet. Bác sĩ cho biết với tình trạng này, mẹ tôi có thể sử dụng toilet được không ạ?
(Phùng Thị Thanh Hòa, 45 tuổi, Liên Chiểu, Đà Nẵng)
Chào bạn,
Mẹ bạn vẫn có thể sử dụng toilet bình thường. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro té ngã và phục hồi dần chức năng vận động, bạn nên hướng dẫn và động viên mẹ tập các bài tập để có thể ngồi vững trên bồn vệ sinh.
Bên cạnh đó, người nhà nên sử dụng nền nhà nhám để tránh trơn trượt trong nhà vệ sinh. Trong phòng nên có các thanh để cầm nắm khi đi vệ sinh và tránh té ngã, gây hậu quả nghiêm trọng.
- Bà tôi năm nay ngoài 70 tuổi và vừa trải qua cơn tai biến nhẹ. Hiện bà đã có thể đi lại từng bước chậm và nhỏ nhưng vẫn cần có người dìu. Vì tôi còn khá trẻ nên chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc người già, bác sĩ có thể hướng dẫn tôi cách chăm sóc vệ sinh cho bà vừa hiệu quả lại tiết kiệm thời gian được hay không? (Bùi Thị Thanh Hà, 25 tuổi, Buôn Ma Thuột, Daklak)
Chào bạn,
Việc chăm sóc cho người bị tai biến nhẹ tốt nhất vẫn là người bệnh tự chăm sóc. Ngoài ra có thể sử dụng thêm các phương tiện hỗ trợ cho việc vệ sinh cơ thể. Cần làm tốt việc giải tỏa tâm lý cho bệnh nhân, tránh cho bệnh nhân nghĩ mình là người thừa hay người không làm được việc gì khác cả, ngay cả việc chăm sóc bản thân.
Trường hợp bà của bạn là tai biến nhẹ và đang trong giai đoạn phục hồi chức năng vận động, chỉ cần lựa chọn đúng sản phẩm chăm sóc, việc vệ sinh sẽ không gặp nhiều khó khăn. Vì bà vẫn có thể đi lại nên sản phẩm vệ sinh phù hợp là tã quần.
Tùy vào khả năng đi lại trong suốt quá trình phục hồi, hãy chọn cho bà loại tã quần phù hợp. Cụ thể, khi vẫn cần đến người dìu, bạn nên lựa chọn cho bà loại tã quần loại có khả năng thấm hút cao, chống trào hiệu quả, giúp an tâm tập luyện đi lại. Đến khi bà đã có thể tự đi lại mà không cần hỗ trợ, cần sử dụng cho bà loại tã quần mỏng nhẹ để mang đến sự tự tin thoải mái trong từng bước đi, loại tã này cũng được xem như "người trợ giúp" phòng trường hợp đi lại còn chậm, không đến kịp nhà vệ sinh.
Nhưng điều quan trọng nhất chính là hãy động viên để bà cố gắng tự chủ trong vệ sinh hàng ngày, đi vệ sinh trong toilet nhằm bảo vệ lòng tự tôn và rút ngắn thời gian phục hồi.
- Xin bác sĩ tư vấn về cách phục hồi để có thể đi lại sau tai biến? (Trần Thị Thanh Hương, 34 tuổi)
Chào bạn,
Tai biến mạch máu não là bệnh thường hay gặp trong xã hội hiện đại. Bệnh xảy ra ngay cả ở những người còn rất trẻ. Có nguyên nhân do dị dạng mạch máu não và thuyên tắc hoặc vỡ các mạch máu trên não do xơ vỡ động mạch. Việc sơ cứu bệnh nhân rất quan trọng, cần cho bệnh nhân nằm nghiêng đầu sang một bên và giữ thông thoáng đường thở; cần chuyển bệnh nhận đến cơ sở gần nhất trong thời gian ngắn, tránh sử dụng các phương pháp truyền miệng chưa được kiểm chứng như cạo gió, cắt lễ...
Sau tai biến, bệnh nhân nếu sống sót thường có những biến chứng nặng nề như yếu, liệt, thậm chí hôn mê. Do đó, việc điều trị giúp phục hồi chức năng vận động sau tai biến là rất quan trọng, cần phải có sự giúp đỡ của các bác sĩ chuyên khoa, sự cố gắng của chính bản thân bệnh nhân trong tập luyện và sự tự chủ trong sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, sự khuyến khích động viên, thấu hiểu tâm lý của thân nhân người bệnh cũng như sử dụng các phương pháp và sản phẩm hỗ trợ có thể đảm bảo duy trì sự tự tôn, tinh thần lạc quan, từ đó nâng cao kết quả điều trị, đưa bệnh nhân trở về cuộc sống bình thường hàng ngày.
Phát Đạt
Từ khóa » Người Bị Tai Biến Nhẹ Nên Làm Gì
-
Tai Biến Mạch Máu Não Nhẹ: Đừng Chủ Quan | Vinmec
-
10 Dấu Hiệu Tai Biến Ai Cũng Cần Biết để Xử Lý Kịp Thời | Vinmec
-
Tai Biến Nhẹ Hoặc Thiếu Máu Não Thoáng Qua | BvNTP
-
5 điều Cần Làm Ngay Khi Gặp Người Tai Biến Mạch Máu Não
-
Bệnh Nhân Tai Biến Có Phục Hồi được Hay Không?
-
Dấu Hiệu Và Cách điều Trị Bệnh Tai Biến Nhẹ Không Nên Bỏ Qua
-
Hướng Dẫn Chăm Sóc Bệnh Nhân Sau Tai Biến Tại Nhà - Vinamilk
-
Đột Quỵ: Nguyên Nhân, Chẩn đoán Và Cách Phòng Ngừa
-
Phục Hồi Chức Năng Cho Người Bệnh Sau Tai Biến Mạch Máu Não
-
Cần Làm Gì Khi Người Thân Bị Tai Biến Mạch Máu Não ... - Medinet
-
Tai Biến Mạch Máu Não Nhẹ - Bệnh Lý Nguy Hiểm Không Thể Chủ Quan
-
5 Bài Thuốc Chữa Tai Biến Mạch Máu Não Đông Y Ngay Tại Nhà
-
Tai Biến Nhẹ ở Người Già Và Cách điều Trị Tai Biến Hiệu Quả Nhất Hiện ...
-
Cách điều Trị Tai Biến Nhẹ, Phòng Ngừa Tai Biến Nặng – Bạn đã Biết ...