Người Cao Tuổi, Người Có Bệnh Nền Lưu ý Gì Khi Tiêm Vắc Xin Covid-19?

Các chuyên gia khuyến cáo với người lớn tuổi, người mắc bệnh nền không nên có tâm lý chần chừ, kén chọn hay từ chối tiêm chủng vắc xin Covid-19. Chỉ có chủng ngừa Covid-19 sớm mới giúp bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng người lớn tuổi, người bệnh nền.

tiêm vắc xin covid-19 cho người cao tuổi

Chỉ trong gần 120 phút, chương trình Tư vấn trực tuyến “Tiêm vắc xin Covid-19 an toàn cho người lớn tuổi và người mắc bệnh lý nền” do Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC phối hợp Hệ thống BVĐK Tâm Anh tổ chức ngày 8/9/2021 đã nhận về gần 1000 câu hỏi thắc mắc được về vấn đề tiêm vắc xin Covid-19 cho người lớn tuổi, người mắc các bệnh lý nền như: Người lớn tuổi, người mắc bệnh nên nên tiêm vắc xin phòng Covid-19 loại gì? Những tác dụng phụ sau tiêm có nguy hiểm hơn không? Tiêm vắc xin mũi 2 khác mũi 1 được không? Người mắc bệnh nền đang điều trị bệnh hoặc đang dùng thuốc kháng sinh thì có tiêm vắc xin Covid-19 không? Những trường hợp nào cần phải được chuyển tiêm vắc xin Covid-19 tại cơ sở bệnh viện? Cần lưu ý gì sau khi tiêm vắc xin Covid-19?…. Điều này phản ánh nhu cầu rất lớn của người dân mong muốn được giải đáp thông tin một cách toàn diện, khoa học, kịp thời, thiết thực về tiêm vắc xin Covid-19 an toàn, hiệu quả.

Hơn 80% trường hợp tử vong do COVID-19 xảy ra ở người trên 65 tuổi, thực tế cho thấy những người mắc các bệnh nền: đái tháo đường, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, bệnh cơ xương khớp, bệnh gan, thận, ung thư, phổi tắc nghẽn mạn tính… có nguy cơ trở nặng bệnh khi không may nhiễm Covid-19. Chính vì vậy, họ thuộc nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin càng sớm càng tốt.

Tham khảo: Tăng huyết áp là gì?

Các chuyên gia cũng lưu ý, trong lúc chờ đợi đến lượt tiêm vắc xin Covid-19, trẻ nhỏ và người lớn tuổi cần chủ động tiêm chủng các loại vắc xin cần thiết khác như: cúm, phế cầu khuẩn, ho gà,… để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, triệu chứng, biến chứng nặng, tử vong nếu “đồng nhiễm” Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác trong cùng một thời điểm.

Hãy cùng VNVC ghi nhớ những lưu ý quan trọng được các chuyên gia giải đáp dưới đây để người lớn tuổi và người có bệnh nền có sức khỏe toàn diện, hạnh phúc, an lành trong mùa dịch.

1. Người mắc bệnh mãn tính đang ổn định hoặc đã điều trị ổn định cần lưu ý gì khi tiêm vắc xin Covid-19? Nên tiêm loại vắc xin nào?

BS.CKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC giải đáp:

Người có bệnh lý nền và người cao tuổi được gọi là đối tượng dễ bị tổn thương khi bị nhiễm Covid-19, người bình thường khi mắc bệnh, vẫn có khả năng bệnh nặng hay nhập viện, thậm chí là tử vong. Tuy nhiên, những người cao tuổi, mắc bệnh lý nền có hệ miễn dịch suy giảm theo tuổi, chưa kể việc điều trị bằng thuốc có khả năng khiến hệ miễn dịch suy yếu hơn sẽ tiềm ẩn biến chứng cao nếu mắc Covid-19. Do đó, người già, có bệnh lý nền là đối tượng rất cần thiết tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Đối với những bệnh mãn tính đã điều trị ổn định, tại VNVC chúng tôi định nghĩa rằng việc điều trị ổn định trên 3 tháng sẽ được tiêm tại VNVC. Thứ hai, trong trường hợp những bệnh lý nền chưa ổn định, hiện nay tại Hệ thống BVĐK Tâm Anh đã triển khai tiêm chủng cho người cao tuổi, người mắc bệnh lý nền. Đây là điều thuận lợi, vì khi người có bệnh lý mãn tính sẽ cần bác sĩ chuyên khoa khẳng định lại tình trạng hiện tại đã ổn định hay chưa để tiêm ngừa.

Khi tiêm tại bệnh viện, người bệnh sẽ được theo dõi chặt chẽ về bệnh lý nền của mình. Trong trường hợp theo dõi phản ứng sau tiêm, dù là điểm tiêm ngoài bệnh viện hay điểm tiêm trong bệnh viện thì tất cả những phản ứng sau tiêm: từ phản ứng nghiêm trọng như phản vệ, thuyên tắc mạch, viêm cơ tim, viêm ngoài tim… tất cả các đối tượng sẽ được tư vấn và theo dõi như nhau, nên người bệnh hoàn toàn yên tâm về vấn đề này.

Hiện nay, các loại vắc xin Covid-19 như AstraZeneca, Pfizer,… đều cho hiệu quả như nhau trên những người được tiêm ngừa. Trong giai đoạn hiện nay, “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất” do đó, chúng ta không nên chờ đợi, vì trong thời điểm dịch bệnh tại TP.HCM có nhiều gia đình do sự lựa chọn chờ đợi, cứ nghĩ là vắc xin này tốt hơn vắc xin kia, đến khi hậu quả là nhiều người thân ra đi vì chờ đợi loại vắc xin mình mong muốn. Trên những nghiên cứu về tính an toàn, hiệu quả của các vắc xin đều đã được các Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận và được sử dụng trong giai đoạn khẩn cấp.

2. Tiêm mũi 1 Moderna, mũi 2 có thể tiêm loại của Pfizer và Moderna không?

BS Trương Hữu Khanh – Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1, TP.HCM:

Hiện nay, TP.HCM và các tỉnh đang “cạn” nguồn cung vắc xin Moderna, do đó tốt nhất nên tiêm vắc xin Pfizer. Tối 8/9/2021, Bộ Y tế cho phép người tiêm mũi 1 bằng vắc xin Moderna có thể tiêm mũi 2 bằng vắc xin Pfizer và ngược lại, trong trường hợp thiếu nguồn cung.

Thứ nhất, nhiều nước đã áp dụng tiêm trộn các mũi vắc xin Moderna với Pfizer, đến nay không ghi nhận biến cố bất lợi nghiêm trọng nào sau tiêm trộn 2 vắc xin trong cùng một liệu trình. Thứ hai, vắc xin Moderna và Pfizer có cùng công nghệ là mRNA thông tin. Thứ ba, ở những nước tiên tiến cũng thường xảy ra việc trộn, ví dụ trong trường hợp một người bình thường đến tiêm mũi 2 được bác sĩ tiêm hỏi lúc trước tiêm mũi gì nhưng không nhớ, chỉ nhớ được tôi tiêm mRNA thông tin, thì bác sĩ sẽ tiêm Pfizer hoặc Moderna. (1)

Chứng tỏ rằng nếu người tiêm không nhớ đã tiêm Pfizer hay Moderna thì bác sĩ vẫn tiếp tục tiêm vắc xin cùng công nghệ, nên không cần suy nghĩ đến việc trộn Pfizer với Moderna có vấn đề gì không. Do vậy, mọi người hãy giữ lấy cơ hội này để tiêm, tuy rằng có một số nơi còn chần chừ nhưng tôi tin rằng những nơi đó cũng sẽ chọn tiêm vì hiện nay Pfizer còn nhiều trong khi Moderna chưa về thêm.

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ thêm:

Tôi nghĩ nếu trong trường hợp không có vắc xin Pfizer, mũi đầu tiêm Moderna thì mũi thứ 2 vẫn có thể tiêm AstraZeneca. Minh chứng là có một số nước đã cho phép, ví dụ như Cộng hòa Ireland đã cho phép tiêm mũi 2 bằng vắc xin khác. Nếu hỏi tôi rằng bây giờ nếu không có vắc xin nào khác, mũi 2 bắt buộc phải tiêm Vero Cell thì sao? Tôi nghĩ tôi vẫn tiêm, sau này nếu có vắc xin sẽ trở lại tiêm thêm một mũi thứ 3, nếu không có thì khả năng bảo vệ không đủ. Cơ chế thuốc sản xuất hơi khác nhau, nhưng khi chúng ta tiêm cơ thể vẫn sẽ tạo ra kháng thể, dù đó là spike virus hay mRNA. Dĩ nhiên lý tưởng là chúng ta tiêm cùng một loại trước, nếu không có thì tiêm cùng một cơ chế mRNA, nếu không có nữa thì vẫn nên tiêm AstraZeneca hoặc vắc xin khác.

bv tâm anh tiêm vx covid
Mỗi liều vắc xin chính là cơ hội cứu sống 1 người, người lớn tuổi, người có bệnh nền cần được tiêm vắc xin Covid-19 càng sớm càng tốt.

3. Từ chối tiêm vắc xin Covid-19 vì chờ loại mà mình mong muốn, vì cho rằng cứ ở trong nhà thì sẽ không mắc Covid-19, quan điểm này đúng hay sai?

BS Trương Hữu Khanh – Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1, TP.HCM khẳng định:

Nếu không tiêm vắc xin sớm mà cứ chờ đợi là rất nguy hiểm. Có hai đối tượng hiện nay tưởng chừng như an toàn, ít bị nhiễm bệnh là: người lớn tuổi, phụ nữ mang thai vì hầu như ít ra khỏi nhà. Tuy nhiên hãy nhớ rằng, mình không đi ra ngoài nhưng những thành viên sẽ đi và có thể mang mầm bệnh về nhà, đặc biệt phụ nữ mang thai cũng phải đi bệnh viện để khám thai định kỳ, nguy cơ nhiễm bệnh vẫn có.

Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp tương tự, lúc nhiễm bệnh ân hận đã muộn màng. Chúng ta vẫn hay chủ quan rằng người thân mình đã tiêm vắc xin rồi thì không sao, tuy nhiên đối những người được tiêm chủng khi bệnh rất khó nhận biết và thường sẽ lơ là hơn nên dễ mắc bệnh mà không hề hay biết sau đó lây ngược cho những người khác. Cho nên với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay nên đi ngay khi có cơ hội, vì xung quanh chúng ta không biết được ai đang là F0, cũng có thể là người ở ngay cạnh mình.

4. Không tiêm kịp mũi 2 vắc xin Covid-19 theo khuyến cáo, vắc xin có bị mất tác dụng không?

BS.CKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC chia sẻ:

Đối với vắc xin, người ta chỉ quan tâm đến khoảng cách tối thiểu tức không nên tiêm sớm hơn khoảng cách quy định (ví dụ như khi tiêm vắc xin AstraZeneca thì khoảng cách tối thiểu giữa 2 mũi là 4-12 tuần). Đối với trường hợp của người tiêm có thể tiêm sau 4 tuần không sao cả, riêng vắc xin AstraZeneca thì khoảng cách 2 mũi càng xa thì tính sinh miễn dịch càng cao. Cho nên người được tiêm hoàn toàn an tâm rằng có thể tiêm vắc xin mũi 2 muộn một chút cũng được, tiếp cận được loại vắc xin nào tiêm sớm ngay vắc xin đó, quan trọng là hoàn thành đủ mũi để vắc xin có hiệu quả bảo vệ cao nhất giảm tối thiểu tình trạng bệnh nặng, tử vong do Covid-19.

5. Người bệnh có tiền sử huyết khối tĩnh mạch nội soi sau sinh đã ngưng thuốc 1 năm nay thì có thể tiêm vắc xin Covid-19 được không?

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ:

Thứ nhất, trường hợp bạn điều trị huyết khối tĩnh mạch nội soi mà kết quả tốt chúng tôi rất mừng cho bạn. Thứ hai, chúng tôi nghĩ bạn vẫn có thể tiêm vắc xin Covid-19 nhưng nên tiêm loại của Moderna/Pfizer cho người bệnh. Mặc dù chúng ta biết vắc xin AstraZeneca rất tốt, nhưng có từ 10-20/1.000.000 có thể gây hội chứng huyết khối, tĩnh mạch, não. Do vậy, với trường hợp này, bạn nên xin tiêm ngừa loại vắc xin Moderna/Pfizer.

tiêm vacxin covid cho người già

6. Tại sao xuất hiện tình trạng tăng huyết áp tại điểm tiêm chủng? Cần làm gì để được tiêm?

BS Trương Hữu Khanh – Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1, TP.HCM giải đáp:

Thứ nhất, khi đi tiêm chủng, đặc biệt là người lớn tuổi nên theo dõi huyết áp. Phần lớn, mọi người đều ít theo dõi huyết áp. Việc theo dõi huyết áp tại nhà rất được khuyến khích, để có thể điều chỉnh sự cố cho phù hợp.

Thứ hai, đúng là có nhiều trường hợp ở nhà không cao huyết áp, nhưng ra điểm tiêm huyết áp lại tăng. Nguyên nhân do tâm lý người tiêm quá sợ, khiến mạch đập nhanh. Theo tôi, có thể người tiêm đo huyết áp tại nhà trước, nên đi đúng giờ chứ không nên đi quá sớm khiến lúc ngồi đợi sẽ cảm thấy hồi hộp. Đặc biệt, không nhìn người tiêm trước, thay vào đó có thể xem phim hài, tới lượt mình thì mình tiêm. Bởi vì có rất nhiều người cứ hay quan sát những người tiêm khác sẽ khiến bản thân rất hồi hộp. Mình cứ thực hiện những điều đó, chắc chắn sẽ được tiêm.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, huyết áp từ 140mmHg không được tiêm ngừa thì hy vọng sớm sẽ có thay đổi. Theo tôi, 140 hay cao hơn vẫn không ảnh hưởng gì đến. Có một số điểm tiêm chủng thực hiện rất hợp lý, khi người tiêm bị cao huyết áp, các cán bộ y tế sẽ cho người tiêm uống thuốc và mời nghỉ ngơi ổn định mới chích. Cơ hội của người tiêm ngừa thật sự rất quan trọng.

7. Những biện pháp, lưu ý nào để tiêm vắc xin Covid-19 an toàn tại các điểm tiêm công cộng?

BS Trương Hữu Khanh – Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết:

Đúng là có những trường hợp đi tiêm ngừa hoặc lấy mẫu test bị lây Covid-19. Cho nên khi đi chích ngừa, nếu có điều kiện, chờ lúc vắng người rồi hãy đến tiêm, tại vì ra chờ nhưng chưa đến lượt có thể khiến huyết áp tăng, hoặc có thể bị lây nhiễm Covid-19 khi lỡ gặp người quen, sát lại nói chuyện và không chú ý đến bàn tay, miệng khi nói chuyện. Hoặc khi gặp người quen, mở chai nước mời người quen uống, khi tháo khẩu trang, uống chung 1 ly nước có thể lây bệnh. Virus có thể lây qua khuôn mặt của mình.

Vì vậy, khi đi tiêm ngừa, uống nước xong xuôi rồi mang khẩu trang đầy đủ; Bất cứ thứ gì đụng vào tay phải rửa tay nhanh, do vậy, khi đi chích ngừa nhớ mang theo 1 chai nước rửa tay; Mang thêm nón che giọt bắn để khi đưa tay lên mặt hạn chế tiếp xúc. Nếu mỗi người thực hiện đúng, chích ngừa sớm và về nhà nhanh, không ghé chỗ này chỗ kia, gặp người quen thì xác suất bị lây khi đi tiêm ngừa gần như không có.

người cao tuổi tiêm vaccine covid-19
Người đi chủng ngừa cần tuân thủ 5K+5T để hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại các điểm tiêm công cộng.

8. Phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19 ở người lớn tuổi phổ biến và nguy hiểm không? Bà 72 tuổi, có bệnh nền cao huyết áp, hẹp động mạch và tiểu đường, bà sợ phản ứng sau tiêm vắc xin nên người nhà khuyên mãi vẫn chưa chịu tiêm.

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM nhấn mạnh:

Trong trường hợp này, tốt nhất bạn nên dẫn bà đến BVĐK Tâm Anh để được bác sĩ thăm khám và giải thích cho bà. Đối với phản ứng sau tiêm, có người không có phản ứng gì, có người thì sốt lạnh run, có người nhức mỏi, có người đau nhức khớp, đó là các phản ứng chung.

Tầm 30-40 năm trước, túc trẻ tôi chích ngừa thương hàn thì cũng sốt đến 2-3 ngày. Nhưng bây giờ có nhiều người đến khám và tiêm có hỏi bác sĩ là: “Bác sĩ ơi sao con chích thuốc Moderna không thấy phản ứng gì hết, thuốc là thuốc thật hay thuốc giả”. Phản ứng sau tiêm là vấn đề bác sĩ không thể nào nói trước, người phản ứng thế này người kia lại có phản ứng khác, vậy nên tôi có chia sẻ với các bệnh nhân là nếu không sốt đến 38 độ thì cũng không cần uống thuốc làm gì, sốt thì chỉ lau mát thôi, nếu sốt nặng quá thì mới uống 1 viên Paracetamol thôi chứ không cần uống nhiều. Sợ nhất những người uống 1 lần 3-4 viên, như đợt mới chích AstraZeneca có người lo sợ nên uống 1 viên ngừa Panadol trước, điều đó là không đúng.

Vậy nên đầu tiên cứ khuyên bà là tiêm trước, thứ hai nếu người nhà khuyên không nghe thì nên cho bà xem lại các thông tin chia sẻ của bác sĩ. Còn nếu bà thông nghe nữa thì nên đưa đến bệnh viện, các bác sĩ đích thân cắt nghĩa và giải thích cho bà hiểu. Bây giờ quan trọng nhất là vẫn nên cho bà đi tiêm ngừa càng sớm càng tốt.

9. Người lớn từ bao nhiêu tuổi và người mắc bệnh lý nền nào sẽ được đăng ký tiêm vắc xin Covid-19 tại BVĐK Tâm Anh?

PGS.TS.BS Trần Quang Bính –  Giám đốc chuyên môn, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết:

Trong thực tế, có nhiều định nghĩa khác nhau về người cao tuổi. Nhưng hiện nay, người trên 65 tuổi được xem là người cao tuổi. Các bệnh lý phổ biến của người cao tuổi thường gặp là bệnh lý về tim mạch như: tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu (còn gọi là rối loạn chuyển hóa lipid máu), xương khớp, thoái hóa khớp, gai xương, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm…; những bệnh lý về gan mật; bệnh thận, những hội chứng thận hư, suy thận mạn đang điều trị định kỳ… Người mắc những bệnh lý trên đều là đối tượng có rất nhiều nguy cơ mắc Covid-19.

Đời sống của người cao tuổi hiện nay đang tăng cao nên tỷ lệ những người mắc bệnh đái tháo đường cũng là một vấn đề chúng ta cần chú ý. Song song đó, các yếu tố gia đình đi kèm như tỷ lệ béo phì, cũng là bệnh lý nền cần chú ý.

Bệnh nhân ung thư cũng là đối tượng tiềm ẩn nguy cơ cao như: Ung thư vú, ung thư cổ tử cung ở phụ nữ; Ung thư gan, ung thư phổi ở nam giới. Đây là những đối tượng đã mắc bệnh ung thư, và đã điều trị bằng phẫu thuật, hóa trị… và khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 cần phải hết sức chú ý. Ngoài ra, những người ghép tạng như ghép thận, ghép gan, ghép cơ quan,… đều có dùng các loại thuốc để ức chế cho khỏi thải ghép,… cũng là đối tượng cần được lưu ý.

10. Tôi năm nay 55 tuổi, năm 2008 bị ung thư cổ tử cung, đã được điều trị khỏi. Năm 2013, mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Hiện vẫn đang uống thuốc để kiểm soát lượng đường trong máu mỗi ngày. Năm 2016, bị bệnh hở van tim 1/4 lá và mỡ trong máu, hiện vẫn đang uống thuốc mỡ trong máu theo toa của bác sĩ. Hôm nay, tôi có ra phường tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1, thì được tiêm loại AstraZeneca, như vậy có ổn không? Tôi nghe nói vắc xin AstraZeneca cần thận trọng với người có bệnh nền. Bây giờ tôi nên lưu ý những gì. Nếu tiêm mũi 2, tôi sẽ được phép tiêm những loại vắc xin nào?

BS.CKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC giải đáp:

Về mặt tiêm chủng, bạn chưa được định nghĩa là người cao tuổi. Tuy nhiên, bạn có bệnh lý tiểu đường, hở van tim và vẫn đang uống thuốc điều trị thì bạn thuộc nhóm bệnh lý nền. Đối với những bệnh lý trên như có tiền sử về ung thư cổ tử cung, đã điều trị khỏi thì có thể tiêm vắc xin Covid-19 bình thường ở các đơn vị ngoài bệnh viện. Sau khi tiêm, bạn vẫn có thể tiếp tục uống những thuốc điều trị về tiểu đường, và tim mạch như bình thường.

Mũi 1, bạn tiêm vaccine AstraZeneca, không phải là loại vắc xin này mạnh hơn hay yếu hơn một loại vắc xin nào khác, vì tỉ lệ phản ứng xuất hiện phản ứng phụ sau tiêm của những người bình thường không bệnh lý, hay người có bệnh lý đều giống như nhau. Do đó, khi bạn đến tiêm mũi 2, bạn có thể tiêm vắc xin Astrazeneca hoặc Pfizer, nghĩa là tất cả những vắc xin hiện có Bộ Y tế đã cho phép thì bạn đều có thể tiêm được.

11. Mẹ em 62 tuổi,  bị huyết áp vô căn, đái tháo đường loại 2, rối loạn chuyển hóa lipid, bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính đã và đang điều trị uống thuốc theo toa hằng năm thì liệu có thể đăng kí BV Tâm Anh HCM tiêm vắc xin Pfizer hay Moderna được không? Những điều cần chuẩn bị và kiêng cữ trước và sau khi tiêm mũi 1 là gì?

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM giải đáp.

Trường hợp của mẹ bạn, chúng tôi nghĩ là ưu tiên chủng ngừa sớm. Mẹ bạn 62 tuổi, có 4 bệnh lý nền thì lại càng cần phải chủng ngừa thật sớm. Trong ngày chủng ngừa, vẫn uống thuốc bác sĩ kê toa như thường lệ. Trước khi tiêm nên đo huyết áp ở nhà để không lo lắng.

Bạn đến chủng ngừa tại BVĐK Tâm Anh, nếu huyết áp cao, các bác sĩ sẽ có biện pháp giúp huyết áp của mẹ bạn ổn định và tiến hành chủng ngừa. Thường những trường hợp như vậy, dù có bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh tiểu đường hay các bệnh nền khác thì vẫn rất cần chủng ngừa để bảo vệ cho sức khỏe bản thân và gia đình.

12. Người bị chứng máu khó đông, giảm tiểu cầu thì có thể đăng ký tiêm chủng tại bệnh viện không hay vẫn trì hoãn tiêm chủng?

PGS.TS.BS Trần Quang Bính –  Giám đốc chuyên môn, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ:

Bệnh lý giảm tiểu cầu gây ra tình trạng dễ chảy máu hoặc xuất huyết. Về cơ bản, trước khi tiêm vắc xin, cần điều trị bệnh lý này đến giai đoạn ổn định, theo mô tả của bạn thì tôi nghĩ bạn đã và đang điều trị bệnh ổn định, như thế bạn vẫn có thể tiêm vắc xin Covid-19, và nên tiêm càng sớm thì càng tốt, kịp thời bảo vệ bản thân trước mầm bệnh.

Tại Hệ thống BVĐK Tâm Anh, đặc biệt là BVĐK Tâm Anh TP.HCM, chúng tôi có tiếp nhận những trường hợp như bạn để có thể tiêm vắc xin và theo dõi phù hợp. Hiện tại có 2 loại vắc xin Covid-19 là AstraZeneca và Pfizer. Đối với trường hợp của bạn, thì vắc xin AstraZeneca có liên quan đến vấn đề đông máu và có lẽ sẽ không phù hợp với tình trạng của bạn trong giai đoạn hiện tại. Chúng tôi khuyên bạn nên tiêm vắc xin Covid-19 loại Pfizer.

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM giải đáp thêm.

Chiều hôm qua, chúng tôi cũng có gặp một trường hợp giống như của bạn, bệnh nhân bị giảm tiểu cầu. Nếu người bệnh đến, chúng tôi sẽ nhờ thử máu, đếm lại số tiểu cầu lúc đó. Trong tư liệu về chủng ngừa Covid-19 đã nói rõ, nếu tiểu cầu giảm dưới 20.000, chúng tôi sẽ không tiêm vắc xin Covid-19. Tiểu cầu bình thường sẽ từ 250.000 đến 400.000 tiểu cầu/1ml. Nếu tiểu cầu dưới 20.000, người bệnh cần tạm hoãn không tiêm. Và nếu muốn tiêm, BVĐK Tâm Anh sẽ truyền tiểu cầu và sau đó mới thực hiện tiêm.

Vấn đề ở đây không phải là tại tiểu cầu, nếu bệnh nhân bị tiểu cầu giảm, nguy cơ chỉ là chảy máu chỗ tiêm. Trong tài liệu có nói rõ, nếu tiểu cầu từ 20.000 – 50.000/1ml, thì khi tiêm xong người bệnh nhân sẽ được khuyên lấy tay ấn chỗ tiêm 5 phút để khỏi chảy máu, rồi sau đó băng lại, ngồi theo dõi sức khỏe sau tiêm và đi về. Do đó, bạn nên đến bệnh viện ngay và đương nhiên, bạn sẽ được các bác sĩ chăm sóc.

người già tiêm vacxin covid
Người có bệnh lý nền nên tiêm vắc xin Covid-19 sớm để bảo vệ sức khỏe người thân, cộng đồng.

13. Liệu vắc xin Covid-19 ở BVĐK Tâm Anh có đủ để tiêm cho tất cả những người đã đăng ký không? Làm thế nào để đảm bảo công bằng vắc xin cho mọi người khi đăng ký tiêm tại đây?

PGS.TS.BS Trần Quang Bính – Giám đốc chuyên môn, BVĐK Tâm Anh TP.HCM giải đáp:

Những vắc xin Covid-19 Bộ Y tế đã cấp phép và triển khai tiêm hiện nay gồm: vắc xin AstraZeneca, Pfizer, Sinovac Vero Cell, Sputnik. Đối với những vắc xin hiện có, Chính phủ đã bằng mọi biện pháp cũng như chính sách ngoại giao để có được một số lượng tương đối lớn. Nhưng khi nhìn tổng thể trên số toàn dân, hiện chỉ mới tiêm được cho khoảng 1/5 dân số ở mũi 1.

TPHCM có hơn 10 triệu dân, chúng ta mới chỉ có khoảng 6 triệu đến 6 triệu rưỡi người dân được tiêm mũi thứ nhất, khoảng hơn 500.000 dân được tiêm mũi thứ 2. Yêu cầu đặt ra TPHCM tỷ lệ tiêm chủng ít nhất phải từ 70-80% trở lên để tạo miễn dịch cộng đồng. Nhu cầu còn rất lớn, BVĐK Tâm Anh cũng là những đơn vị được phân phối vắc xin từ hệ thống của nhà nước. Để đảm bảo công bằng và theo yêu cầu của nhà nước cố gắng phấn đấu phủ nhanh cho toàn thể người dân được tiêm mũi 1, những người tiêm mũi 2 nếu không quá khẩn cấp thì có thể kéo giãn thời gian tiêm mũi 2 ra thêm một chút, sẽ không ảnh hưởng đến tình trạng sinh miễn dịch, kháng thể sau khi tiêm.

Để đảm bảo công bằng, rõ ràng chúng ta phải chọn đúng đối tượng. Tại BVĐK Tâm Anh đã có hệ thống đăng ký theo danh sách và dựa theo đó sẽ chọn lựa loại vắc xin phù hợp, đánh giá bệnh lý nền của người đến tiêm xem có cần thiết phải tiêm ngay hay có thể trì hoãn trong điều kiện cho phép. Để đảm bảo công bằng, sẽ có sự đăng ký trước và có kiểm soát chặt chẽ.

BVĐK Tâm Anh có hệ thống có thể “double check” “triple check”, có tổ chức những đơn vị độc lập để kiểm tra việc đăng ký và giám sát việc thực hiện tiêm vắc xin, đảm bảo sự công bằng cho người tiêm. Trong những ngày vừa qua, ở vị trí giám đốc chuyên môn của Bệnh viện, tôi chưa phát hiện trường hợp nào không nghiêm túc trong vấn đề đăng ký cũng như đến tiêm không đúng đối tượng. Mục tiêu sau cùng của chúng ta là cố gắng phủ vắc xin càng sớm càng tốt để đạt được tỷ lệ người tiêm mũi 1 lớn trong cộng đồng để đạt miễn dịch cộng đồng.

14. Người mắc hội chứng động kinh thì có phải mắc bệnh nền và thuộc đối tượng được đăng ký tiêm vắc xin Covid-19 tại BVĐK Tâm Anh không? Trước và sau tiêm cần lưu ý gì?

PGS.TS.BS Trần Quang Bính – Giám đốc chuyên môn, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết:

Bệnh nền có thể hiểu là các bệnh lý mãn tính mà người bệnh mắc phải. Đối với hội chứng động kinh có thể là thứ phát người bệnh mắc phải sau một tai nạn nào đó làm chấn thương não bộ, những sang chấn sau sinh hoặc tổn thương sau khi nhiễm các loại virus như: viêm màng não để lại các di chứng. Tuy nhiên bệnh lý động kinh hoàn toàn có thể kiểm soát được bằng thuốc, do đó bệnh cũng tương tự như các bệnh lý khác.

Người bệnh cần kiểm soát cơn động kinh bằng thuốc để tình trạng sức khỏe. Với tình hình dịch bệnh phức tạp, nên tiêm vắc xin càng sớm càng tốt. Những người bị hội chứng động kinh cần lưu ý các phản ứng có thể xảy ra khi tiêm vắc xin như sốt, đau đầu… nếu sốt cao quá có thể làm tái phát cơn động kinh. Trước khi tiêm vắc xin cần khai báo tiền sử bệnh lý của mình để các bác sĩ tư vấn các biện pháp theo dõi, xử trí sau tiêm và đưa ra chỉ định chính xác nhất.

15. Người nước ngoài có bệnh lỗ thủng tim đã phẫu thuật thì có được tiêm vắc xin Covid-19 tại BVĐK Tâm Anh không?

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết:

Riêng với người mắc bệnh tim đã phẫu thuật rồi thì hoàn toàn có thể tiêm vắc xin Covid-19 bình thường, ngay cả những bệnh nhân sau khi thay van tim, bị tim bẩm sinh… thì cũng nên tiêm sớm để bảo vệ sức khỏe người bệnh. Đối với trường hợp đã đăng ký thông tin tiêm tại BVĐK Tâm Anh, bạn có thể phải chờ bệnh viện nhắn lịch tiêm để có thể đến bệnh viện tiêm vắc xin, nếu chờ quá lâu thì có thể liên hệ bệnh viện nhắc hỏi lại.

người già tiêm vaccine covid
Người lớn tuổi, người bệnh nền sẽ được sàng lọc, test Covid-19… trước khi được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM.

16. Sau khi tiêm vắc xin Astrazeneca dùng kháng sinh có ảnh hưởng gì không? Nếu không được dùng thì sau bao lâu có thể dùng được?

BS Trương Hữu Khanh – Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1, TP.HCM

Chúng ta nên lưu ý rằng tất cả những người sau tiêm vắc xin Covid-19 kể cả F0 thì vẫn nên duy trì sử dụng các loại thuốc đang điều trị bệnh nền của mình. Tất cả các thuốc thông thường gần như đa số sẽ không gây ảnh hưởng gì đến việc tạo miễn dịch hay làm sai lệch mức độ miễn dịch nên cứ an tâm sử dụng.

17. Người đang điều trị bệnh thalassemia tại bệnh viện, 2 năm nay không có chỉ định truyền máu, được điều trị bằng thuốc, tim không ứ sắc, gan ứ sắc trung bình.  Với tình trạng này có được tiêm vắc xin Covid-19 không?

PGS.TS.BS Trần Quang Bính –  Giám đốc chuyên môn, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết

Bệnh thalassemia là bệnh mang tính chất di truyền và cần phải điều trị, theo dõi hầu như là suốt đời. Ở giai đoạn cấp, bạn đã được điều trị tại bệnh viện và đã được truyền máu. Khoảng 2 năm trở lại đây, bạn không phải điều trị và chuyển sang uống thuốc và tầm soát, kiểm tra định kỳ. Thực ra, đối với tình trạng của bạn mang bệnh lý về máu thì không thuộc đối tượng chống chỉ định tiêm phòng vắc xin Covid-19.

Tuy nhiên, những người mắc bệnh lý này nên tiến hành tiêm chủng tại BV hoặc các cơ sở y tế có đủ các điều kiện theo dõi sức khỏe, cũng như năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu. Trước khi tiêm, các bác sĩ chắc chắn sẽ cần thiết kiểm tra lại chức năng gan, thận của bạn để bảo đảm được rằng tình trạng sức khỏe phù hợp với điều kiện tiêm vắc xin và phải được theo dõi sau khi tiêm để tránh các phản ứng phụ, phản ứng bất lợi mà vắc xin gây ra.

Với trường hợp mà bạn mô tả, bạn có thể yên tâm tiêm vắc xin Covid-19 trong điều kiện hiện nay, và vắc xin Covid-19 an toàn và không gây vấn đề sức khỏe gì cho bạn.

18. Người bệnh 25 tuổi, bị sỏi thận, nang lạc nội mạc và đa bướu vú đã mổ, có được xem là đối tượng trên 18 tuổi, mắc bệnh nền để tiêm vắc xin Covid-19 ưu tiên hay không?

BS.CKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC cho biết:

Các bệnh lý nền là bệnh lý cần phải được điều trị lâu dài, giống như những trường hợp bệnh sẽ đi theo suốt cuộc đời. Trong những trường hợp bệnh lý cấp tính hay mãn tính, thì mỗi người đều có thể tiêm phòng vắc xin Covid-19, chứ không phân biệt bệnh này, bệnh kia, mức độ thế nào. Bệnh ổn định thì chúng ta tiêm, hiện nay có vắc xin gì thì người bệnh hãy đăng ký tiêm vắc xin đó.

Trong trường hợp mắc các bệnh lý nêu trên, bạn cần tái khám để bác sĩ kiểm tra lại xem sức khỏe của bạn có ổn định hay chưa. Khi tiêm chủng tại bệnh viện, bạn sẽ được khám sàng lọc và theo dõi chặt chẽ sau tiêm, bởi các phản ứng sau tiêm có thể xảy ra ở người mắc bệnh lý hoặc không mắc bệnh lý. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp do bệnh lý mà người bệnh đang mắc phải trùng lặp với các phản ứng sau tiêm, chỉ có những bác sĩ điều trị, bác sĩ chuyên khoa mới có thể nhận định được đây là những biểu hiện của bệnh lý hay là những biểu hiện của phản ứng phụ sau tiêm vắc xin Covid-19.

Hiện nay, việc tiêm chủng vắc xin Covid-19 là vấn đề cần thiết, bạn có thể đăng ký tiêm chủng tại BVĐK Tâm Anh để được hướng dẫn và tiêm ngừa vắc xin Covid-19 sớm nhất.

19. Người bệnh 59 tuổi, đang uống thuốc điều trị các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, lao hạch. Hiện bệnh tiểu đường, tăng huyết áp ở ngưỡng ổn định, tuy nhiên uống thuốc điều trị lao hạch thì có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn và men gan tăng do tác dụng phụ của thuốc. Nếu tiêm vắc xin Covid-19 có an toàn hay không? Nên tiêm vắc xin nào và ở đâu?

PGS.TS.BS Trần Quang Bính – Giám đốc chuyên môn, BVĐK Tâm Anh TP.HCM giải đáp:

Đây là một câu hỏi rất thực tế. Khi trả lời câu hỏi này, có 3 vấn đề:

Đầu tiên, huyết áp và tiểu đường là 2 bệnh mãn tính và đòi hỏi phải được điều trị lâu dài. Còn bệnh lao hạch là bệnh nhiễm có thể điều trị trong một khoảng thời gian nhất định. Đối với bệnh tiểu đường, huyết áp bắt buộc phải uống thuốc, điều này đòi hỏi bản thân phải kiểm soát tốt tình trạng, nếu không sẽ gây những biến chứng. Trong khi đó, tiểu đường cần phải kiểm soát lượng đường huyết, chế độ ăn và thuốc uống đều đặn, vì nếu không kiểm soát tốt tiểu đường thì bệnh lao không thể nào điều trị ổn định được.

Ở trường hợp của mẹ bạn phải điều trị 3 bệnh cùng 1 lúc, trong đó, điều trị lao cần phối hợp nhiều loại thuốc, ít nhất phải 4 thuốc, như vậy, tác hại của thuốc khiến nhiều người dè dặt nhất là ảnh hưởng đến tình trạng gan, sau đó có thể ảnh hưởng đến chức năng thận, nhưng mà chức năng gan nếu men gan tăng ở ngưỡng cao, gấp 2-3 lần đối với giá trị bình thường, thì tạm thời chúng ta trì hoãn không thể tiêm vắc xin Covid-19 trong giai đoạn này và chờ điều trị đến lúc men gan ổn định, rồi mới tiếp tục uống thuốc lao và tiêm vắc xin Covid-19 được.

Tuy nhiên, cần phải đặt ra đánh giá những nguy cơ nào trước mắt, nguy cơ của lao hạch tiềm tần và nguy hiểm ở những vùng vì chúng ta biết rằng hạch vẫn cứ âm thầm và tiến triển, bắt buộc điều trị lao vẫn phải dùng thuốc nhưng mà nếu men gan tăng quá cao thì nên tạm thời ngưng sử dụng 1 số thuốc lao đang dùng để điều trị tình trạng gan ổn định, còn không sẽ gây ảnh hưởng đến tính mạng vì những tổn thương gan cấp quá nặng nề.

Ở thời điểm dịch Covid-19 đang lan rộng, yếu tố nguy cơ dễ nhiễm Covid-19 vẫn là đều rất dễ xảy ra đối với mẹ bạn. Do vậy, mẹ bạn cần cố gắng hạn chế nguy cơ tiếp xúc đối với môi trường bên ngoài để tránh lây nhiễm bằng tuân thủ thông điệp 5K, rửa tay, khẩu trang, sát khuẩn,… tránh xa những nguồn mà chúng ta nghi ngờ lây nhiễm.

Còn vấn đề tiêm vắc xin Covid-19, theo tôi nên trì hoãn để tình trạng gan ổn định thì chúng ta nên tiêm. Nên đến bệnh viện để tiêm và theo dõi các phản ứng sau tiêm chu đáo.

20. Người bị tắc tĩnh mạch, người bị đột quỵ, người bị cục máu đông,… có nên tiêm vắc xin phòng Covid-19 hay không?

BS Trương Hữu Khanh – Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1, TP.HCM giải đáp:

Những người bị cục máu đông và nguy cơ cục máu đông sẽ có khả năng 15-20% xuất hiện cục máu đông khi mắc Covid-19. Do đó nếu đang có cục máu đông thì càng nên tiêm ngừa, vì nguy cơ làm Covid-19 nặng hơn chỉ có 2 trường hợp. Một là virus tấn công vào phổi qua phản ứng viêm hoặc bệnh nặng khiến cơ thể không chịu nổi, hai là có phản ứng gây tắc mạch do có nhiều cục máu đông. Nên khi có nguy cơ bị cục máu đông thì càng phải đi tiêm ngừa, vì khi mắc Covid-19 tỷ lệ tạo ra cục máu đông cao rất nhiều hơn so với khi tiêm ngừa vắc xin.

Nếu có điều kiện bạn có thể chọn vắc xin Covid-19 của Pfizer hay Moderna thì tỷ lệ cục máu đông sẽ thấp hơn. Cục máu đông khi tiêm ngừa là một triệu chứng mà chúng ta rất dễ phát hiện sớm, chứ không phải xuất hiện ngay lập tức, nhưng nếu do Covid-19 thì đúng là sẽ có những cục máu đông bất ngờ. Nên hãy cố gắng tạo điều kiện cho những người này đi tiêm ngừa càng sớm càng tốt.

21. Bị gan nhiễm mỡ, men gan và hội chứng thừa sắt trong máu thì có thể đăng ký tiêm tại BVĐK Tâm Anh được không?

PGS.TS.BS Trần Quang Bính –  Giám đốc chuyên môn, BVĐK Tâm Anh TP.HCM giải đáp:

Gan nhiễm mỡ là bệnh gặp rất nhiều trong khi xã hội, nhất là ở những nơi có điều kiện kinh tế tốt. Ngoài gan nhiễm mỡ thì bạn có thêm 1 bệnh lý nữa là gan thừa sắt. Theo tôi, tiêm phòng Covid-19 là khuyến cáo để phòng chống bệnh, nhưng bạn đã có bệnh lý về gan, đặc biệt là thừa sắt ở gan và có tăng men gan thì nên đến bệnh viện để kiểm tra trước khi tiêm.

Trong trường hợp sắt thừa quá nhiều thì cần dùng thuốc để thải bớt sắt ra và điều trị cho tình trạng men gan ổn định thì tiêm mới an toàn. Bạn có thể đến kiểm tra tại hệ thống BVĐK Tâm Anh, hiện bệnh viện có đủ điều kiện để làm các xét nghiệm này.

22. Bị zona thần kinh, bị rối loạn tiền đình thì có nên tiêm vắc xin Covid-19 không?

BS.CKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC

Zona thần kinh chỉ là hậu quả của thủy đậu, khi nào cơ thể mỗi người suy giảm miễn dịch thì zona thần kinh sẽ phát triển. Bên cạnh đó, những người lớn tuổi cũng thường hay có các biểu hiện của rối loạn tiền đình. Bạn nên kiểm tra về bệnh lý về rối loạn tiền đình trước. Trong trường hợp nếu ở TPHCM thì có thể đến BVĐK Tâm Anh để các bác sĩ về chuyên khoa hướng dẫn và tư vấn về bệnh lý. Các bác sĩ luôn luôn mong mỏi cộng đồng hãy đi tiêm ngừa càng sớm càng tốt để trách được dịch bệnh nguy hiểm cho tất cả mọi người.

23. Có thông tin rằng, nếu như chưa có cơ hội tiêm vắc xin Covid-19 thì có thể tiêm những loại vắc xin khác như: cúm, phế cầu khuẩn, sởi,… để có miễn dịch chéo phòng Covid-19 phần nào đó. Thậm chí, sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19, vẫn nên tiêm các vắc xin khác để được tăng khả năng bảo vệ với Covid-19. Thông tin này có đúng không và người lớn có cần tiêm những loại này không?

BS.CKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC giải đáp:

Hiện nay đối với những bệnh có lây truyền qua đường hô hấp thì khi một người bị nhiễm bệnh, ví dụ như bệnh cúm, viêm phổi do phế cầu khuẩn mà trên những người lớn tuổi đã được tiêm phòng cúm thì sẽ giảm đi nguy cơ nhập viện, tử vong cho người lớn tuổi.

Thứ hai, những bệnh có vắc xin như là cúm, phế cầu thì các loại vi khuẩn như phế cầu khuẩn có tới hàng trăm loại khác nhau, và loại vi khuẩn này thường trú ở vùng hầu họng. Các loại virus như SARS-CoV-2, phế cầu, cúm, ho gà thì những bệnh đó đều lây nhiễm qua đường hô hấp, khi phòng được 1 bệnh thì vẫn có khả năng mắc bệnh khác. Chính vì vậy, trong giai đoạn như hiện nay nếu chưa có điều kiện tiêm vắc xin Covid-19 thì có thể tiêm các loại vắc xin lây truyền qua đường hô hấp như là phế cầu, cúm, ho gà.

Trong trường hợp người lớn chưa từng mắc bệnh thì cũng có thể tiêm được. Ví dụ như tình trạng viêm gan siêu vi B, nếu mắc bệnh có nguy cơ mang suốt đời vì đây là bệnh mãn tính kéo dài. Nếu chưa tiếp cận được vắc xin Covid-19 thì mỗi người hãy tiếp cận trước những vắc xin phòng bệnh. Hiện nay, vấn đề an toàn và khả năng bảo vệ của vắc xin đã được bảo vệ và chứng minh và có rất nhiều quốc gia trên toàn thế giới đã thực hiện việc tiêm chủng đó.

Thực tế do Covid-19 là bệnh mới, ai cũng phải quan tâm đến nó mà quên mất những bệnh đã từng “đại dịch” trong quá khứ. Hằng năm cũng có nhiều trường hợp tử vong vì cúm, vì bệnh phế cầu xâm lấn nhưng không phải là đại dịch nên thành ra chúng ta nghĩ rằng các bệnh này không quan trọng, nhưng sự thật là rất quan trọng. Mỗi vắc xin hiện nay đều là lá chắn để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân, tránh những trường hợp trùng lặp 1 lúc mà chúng ta nhiễm nhiều bệnh gây nguy hiểm hơn. Rất mong là mỗi người hãy hiểu và tự bảo vệ mình bằng cách tiêm phòng bệnh khi chúng ta tiếp cận được những nguồn vắc xin đang có.

bác sĩ tư vấn tiêm vx covid
BS.CKI Bạch Thị Chính nhấn mạnh, bên cạnh vắc xin Covid-19, người dân cần chủ động tiêm các loại vắc xin phòng bệnh truyền khác để bảo vệ sức khỏe toàn diện nhất.

24. Hiện nay trẻ em chưa có vắc xin phòng Covid-19 và cũng chưa được tiêm kể cả nhóm 12-18 tuổi ở Việt Nam. Vậy thì có cần cho trẻ tiêm những loại như cúm, phế cầu,… không?

BS Trương Hữu Khanh – Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1, TP.HCM chia sẻ:

Tình trạng tiêm vắc xin ở trẻ em hiện nay có rất nhiều vấn đề để lo. Vấn đề thứ nhất là quá nhiều trễ bị trễ mũi tiêm cơ bản. Sau khi hết dịch trẻ không kịp tiêm thì sẽ ra rất nhiều bệnh: ho gà, sởi, thủy đậu,…

Do vậy, trước khi lo tới Covid-19 thì gia đình nên cố gắng làm sao để cho các cháu tiêm ngừa đầy đủ các mũi quan trọng và cần thiết, bởi vì trễ tiêm vắc xin rất nguy hiểm. Những mũi tiêm đầu đời như: 6 trong 1, thủy đậu, viêm não nhật bản, lao, viêm gan B… bắt buộc là phải tiêm đầy đủ, tình hình này kéo dài hơn thì rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Nhóm thứ hai là nhóm từ 12-18 tuổi, đối với nhóm trẻ lớn này thì 2 loại vắc xin phế cầu với cúm thì cũng rất quan trọng.

Cúm sẽ diễn ra quanh năm, và đặc biệt là đối với những trẻ béo phì mà bị nhiễm Covid-19 thì đa số sẽ bị bội nhiễm do các virus, đặc biệt là virus phế cầu. Vì bội nhiễm nên bệnh mới nặng chứ bản chất của virus không gây nhiều hại đến trẻ em. Bên cạnh đó, nếu như Covid-19 làm cho trẻ bị cúm nặng thêm thì càng phiền phức hơn. Vì vậy, hiện nay nếu như chúng ta chưa chích ngừa Covid-19 thì vẫn phải cố gắng cho trẻ chích ngừa những vắc xin cơ bản trước để vừa bảo vệ lâu dài và vừa bảo vệ định kỳ theo năm.

25. Hiện đang có đề nghị chính quyền cho những người tiêm đủ 2 mũi được đi làm thoải mái. Con đã tiêm 1 mũi, đã bị nhiễm Covid và điều trị khỏi, bây giờ chưa được chỉ định tiêm mũi 2. Vậy trường hợp của con làm sao xác nhận tiêm đủ 2 mũi để được đi làm?

BS Trương Hữu Khanh – Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1, TP.HCM giải đáp:

Chiến lược đóng cửa, giãn cách xã hội cần thực hiện từ từ. Ban đầu công bố các ngành nào phải đóng trước, ngành nào đóng sau, rồi sau đó mới đóng tất cả, phong tỏa và không được ra ngoài sau 18h và cuối cùng là “ai ở đâu thì ở yên đấy”. Vậy khi chúng ta mở cửa thì cũng phải từ từ như vậy. Cho nên khi bàn đến việc mở cửa ra thì có lẽ chính quyền họ sẽ nghĩ đến việc: ai là người được làm gì, ai được đi đâu.

Trong trường hợp mở cửa từ từ thì cũng cho những người nằm trong vùng an toàn lưu thông trước. Đó là những người đã tiêm ngừa và những người đã từng bệnh rồi. Những người đã tiêm 2 mũi thì có khả năng bị bệnh thấp hơn và nếu bệnh thì cũng khó bệnh nặng, không tử vong. Nếu bạn là F0 đã tự điều trị bệnh thì bây giờ có 2 khả năng xảy ra:

Thứ nhất hiện nay, chúng ta có rất nhiều F0 mà tự điều trị tại nhà, tự điều trị tại nhà thì không tự chứng minh đã từng là F0 đã khỏi bệnh để được chính quyền cho hòa nhập cộng đồng. Cho nên nếu là F0 phải đăng ký ở trạm y tế, ở phường, hay là đăng ký trên các trang chính thức để được nhận diện.

Trong trường hợp F0 tự điều trị tại nhà không khai báo, phải cố gắng khai báo để được công nhận tình trạng. Có rất nhiều cơ quan không biết người bệnh đã tiêm mũi 1 và từng mắc Covid-19 nên sẽ cho tiêm mũi 2 để được đi làm. Tuy nhiên. những người đã mắc Covid-19 thì 6 tháng sau mới nên tiêm mũi tiếp theo. Trong trường hợp nhiều nơi vẫn có thể tiêm nhưng sẽ bị phí vắc xin, nên dùng vắc xin cho những người cần hơn.

Hiện tại, Bộ Y tế đang tiến hành tiêm vắc xin cho toàn dân, vì vậy hãy cố gắng đăng ký để biết được mình F0 cho các cơ quan chức năng xác nhận để sớm hòa nhập với cộng đồng. Trong thời gian bắt đầu mở cửa thì chính quyền sẽ có nhiều cách khác nhau để giúp người đó hòa nhập lại với cộng đồng, cống hiến cho xã hội và sản xuất.

26. Bệnh dị dạng mạch máu não đã được xạ phẫu bằng dao Gamma 1 lần thì có cơ hội được tiêm vắc xin tại bệnh viện Đa khoa Tâm Anh không? Người bị bệnh lý nền hẹp mạch cảnh, viêm gan B có cần phải ngưng thuốc hàng ngày để tiêm vắc xin không, nếu có thì thời gian ngưng bao lâu trước khi tiêm vắc xin covid-19?

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ:

Thứ nhất, nếu bị dị dạng mạch máu não và đã được điều trị thì phải cần theo dõi lâu dài. Tuy nhiên trường hợp đó cũng cần thiết tiêm vắc xin Covid-19

Thứ hai, nếu xơ vữa hẹp động mạch cảnh và bị viêm gan siêu vi thì vẫn phải chủng ngừa covid. Hiện chưa rõ là người bệnh đang điều trị đang điều trị bằng loại thuốc nào để điều trị viêm gan siêu vi, nhưng đối với những thuốc viêm gan siêu vi B và siêu vi C hiện nay thì nên đến hỏi bác sĩ điều trị, nếu ngưng sẽ ngưng bao lâu. Hiện nay, một số loại thuốc điều trị Covid-19 được lấy từ các loại thuốc điều trị cúm. Vì vậy, bạn nên hỏi các chuyên viên về truyền nhiễm để biết được nên ngưng loại thuốc gì, nó có tương tác và ảnh hưởng đến chủng ngừa không rồi sau đó hãy tiêm phòng chủng ngừa.

PGS.TS.BS Trần Quang Bính –  Giám đốc chuyên môn, BVĐK Tâm Anh TP.HCM:

Về khía cạnh viêm gan siêu vi này, nếu mình đang kiểm soát tốt được tải lượng virus và đang điều trị viêm gan B bằng các loại thuốc như Tenofovir, Entecavir,….  thì không nhất thiết phải ngưng những loại thuốc này khi tiêm vắc xin Covid-19.

Chỉ cân nhắc nếu mà tải lượng virus đang quá cao và men gan tăng thì mới nên tính toán đến chuyện trì hoãn chuyện tiêm vắc xin Covid-19 hay tạm thời ngưng thuốc điều trị gan. Còn không thì vẫn sử dụng cả hai bình thường, sử dụng thuốc điều trị viêm gan như bình thường và đồng thời vẫn tiêm vắc xin Covid-19. Nhưng nên khuyến cáo là những trường hợp bệnh nền và mãn tính cần theo dõi thì nên tiêm tại bệnh viện, không nên tiêm mà không có chế độ theo dõi và kiểm tra xét nghiệm trước khi tiêm.

27. Trong mùa dịch, việc thăm khám các chuyên khoa khác tại BVĐK Tâm Anh TPHCM vẫn diễn ra bình thường phải không? Đăng ký khám bệnh lý và tiêm vắc xin Covid-19 cùng 1 buổi được không?

PGS.TS.BS Trần Quang Bính –  Giám đốc chuyên môn, BVĐK Tâm Anh TP.HCM:

Hiện nay, hoạt động thăm khám của BVĐK Tâm Anh vẫn diễn ra bình thường. Tất cả các chuyên khoa đều được hoạt động bình thường không có gì trở ngại. Song song với chiến dịch tiêm chủng cho cộng đồng, hiện tại BVĐK Tâm Anh cũng đang khẩn trương tiến hành tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại bệnh viện. Hàng ngày bệnh viện đón nhận cũng từ 500-700 khách đến tiêm, trong đó có 1 nửa là đến khám bệnh.

Chưa kể đến các hoạt động của khoa cấp cứu hay khoa điều trị nội trú. Tất cả các hoạt động của BVĐK Tâm Anh đều đang diễn ra bình thường, bạn cứ đưa thân nhân đến khám. Khi đến khám, điều kiện để có thể tiêm vắc xin đó là cần sàng lọc Covid-19 trước khi vào bệnh viện. Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám bệnh lý chuyên khoa, bạn vẫn có thể đăng ký tiêm vắc xin cho người nhà như bình thường. Vì vậy bạn cứ đưa thân nhân đến, bệnh viện luôn sẵn sàng phục vụ bạn chu đáo.

28. Người bị dị ứng hoặc có tiền sử sốc phản vệ với paracetamol, ibuprofen ở dạng nước hoặc dạng viên có được tiêm vắc xin Covid-19 không? Ngoài ra, người từng bị sốc phản vệ độ 3 khi tiêm ciprofloxacin khi mổ túi mật, còn bị dị ứng với hải sản và bia rượu,… thì có được tiêm vắc xin Covid-19 không?

BS.CKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC giải đáp:

Hiện nay theo quyết định 3802 của Bộ Y Tế, nếu phản vệ độ 2 với 1 loại vắc xin đã từng tiêm trước đó hoặc là những thành phần trong vắc xin thì sẽ không tiêm loại vắc xin đó.

Lúc trước chúng ta chỉ có 1 loại vắc xin của AstraZeneca, hiện giờ thì đã có thêm những loại vắc xin khác. Vì vậy, nếu người được tiêm phản vệ độ 2 với vắc xin của AstraZeneca thì vẫn có thể tiêm vắc xin của Pfizer, hoặc sốc phản vệ độ 2 của Pfizer thì có thể tiêm được của Astrazeneca. Lúc mới ban đầu vắc xin về Việt Nam thì chúng ta cũng rất là thận trọng, trường hợp dị ứng nào cũng hoãn tiêm, nhưng trải qua 1 quá trình sử dụng vắc xin thì người ta thấy rằng: những trường hợp dị ứng mà không liên quan đến thành phần của vắc xin thì vẫn tiêm được bình thường. Vì vậy, nếu không phải phản vệ độ 2 thì được tiêm cùng loại vắc xin, còn phản vệ độ 3 thì nên tiêm tại bệnh viện.

Quay lại trường hợp, sốc phản vệ độ 3 đối với kháng sinh thì tốt nhất nên tiêm tại bệnh viện. Hiện tại, BVĐK Tâm Anh đã triển khai tiêm chủng cho cả đối tượng dị ứng, ngoại trừ dị ứng các thành phần có trong vắc xin. Bạn có thể liên hệ với bệnh viện để được hỗ trợ đăng ký tiêm.

tiêm vx covid cho người già tại tâm anh
Với chủ trương vắc xin được phân bổ bao nhiêu, BVĐK Tâm Anh triển khai tiêm ngay cho người dân đến đó, BVĐK Tâm Anh nỗ lực hết mình vì sức khỏe cộng đồng.

29. Nên chờ vắc xin Moderna để tiêm mũi 2 hay là đồng ý tiêm trộn vắc xin Pfizer hay là AstraZeneca?

BS Trương Hữu Khanh – Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1, TP.HCM nhấn mạnh:

Với tình hình hiện giờ thì tiêm được 1 mũi vắc xin Covid-19, nhưng hoàn thành đủ 2 mũi thì càng an toàn hơn, đặc biệt là những người lớn tuổi và những người có bệnh nền. Ở trên thế giới đã tiêm trộn rồi, Việt Nam cũng đã cho phép tiêm trộn.

Hiện tại, TPHCM cũng đã có hướng dẫn tiêm trộn giữa Mordena và Pfizer, chúng ta không nên lăn tăn về việc tiêm trộn. Nếu chưa xác định được Moderna bao giờ về thì tốt nhất là nên đi tiêm đủ 2 mũi. Bởi vì chúng ta sẽ không đoán được dịch bệnh khi nào tấn công mình và gia đình mình. Đặc biệt những người trẻ trong gia đình hãy giúp người lớn an tâm đi tiêm chủng vì những người lớn là những đối tượng có nguy cơ cao.

Là điểm nóng của dịch Covid-19, TP.HCM đang gấp rút tiến hành tiêm vắc xin cho cộng đồng. Chung tay cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh, từ ngày 6/9/2021, BVĐK Tâm Anh TP.HCM triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 65 tuổi trở lên, người có bệnh nền (đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch, bệnh thận mạn tính, ung thư, tăng huyết áp…). Với kinh nghiệm trong tiêm chủng vắc xin, sự phối hợp đa chuyên khoa, chuyên gia giàu kinh nghiệm, khám sàng lọc kỹ càng,… BVĐK Tâm Anh TP.HCM là địa chỉ tiêm chủng an toàn, chất lượng cho đối tượng người lớn tuổi và người có bệnh nền.

Từ khóa » đã Tiêm 2 Mũi Vero Cell Thì Bao Lâu Tiêm Mũi 3