Người Chăn Núi Khỉ - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
Có thể bạn quan tâm
Sâu trong ngôi làng hẻo lánh Thiết Sơn miền núi Thạch Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) có một người đàn ông bị dân làng nói là “điên” khi chăn giữ động vật hoang dã trong sách đỏ. Anh là Nguyễn Thanh Tú, đã giữ cho loài khỉ của làng không bị tuyệt chủng. Đàn khỉ từ chỗ sợ bóng người vì bị săn bắn thì nay, nhờ có hình dáng người đàn ông “điên” của làng mà chúng bạo dạn xuất hiện mỗi khi nhạc được mở lên.
Thung lũng Thiết Sơn nằm sâu trên thượng nguồn sông Gianh đoạn thác Phú Hội đẹp kỳ lạ. Bên trong cất giấu vô số bí mật về các ngọn núi hình tháp nhọn, hình bát úp nằm trên miền đất cổ xưa Thạch Hóa. Chúng xen lẫn ruộng đồng, làng mạc chẳng khác gì bức tranh thủy mặc. Trong các ngọn núi đầy huyền bí đó, có một loài linh trưởng quý hiếm đang được bảo vệ tránh họa tuyệt chủng bởi một người đàn ông hiền lành như... voọc.
Có những khi chúng lên các mỏm đá cao để nghỉ ngơi
Phúc lành đối mặt tuyệt chủng
Lạc vào thung lũng Thiết Sơn như lạc vào xứ sở chưa bao giờ được gặp. Núi non hùng vĩ, thượng nguồn sông Gianh thủy mặc ân cần ôm ấp xóm làng bé nhỏ nép mình dưới núi. Những ngọn lèn Dàn Vượn, Nước Lặn, Khe Đá, Hung Cùng, Sẩm Mè, Cửa Hung, Cây Gạo, Tang Bồng... sừng sững cao vút cùng hệ thực vật cây xanh lút mắt. Cụ Nguyễn Văn Đồng, 77 tuổi, kể: “Con người nơi đây làm ruộng, làm rẫy, trồng ngô trỉa lạc, gieo lúa bón khoai mà hoang thú không tàn phá. Đặc biệt có loài khỉ đen thấy người lại xuống lân la ăn gần, làm bạn, vào tận nhà dân để chơi. Cha ông bầy tui ở đây truyền miệng, nhiều bầy khỉ đen xuống ruộng ngô, rẫy lạc khi con người thu hoạch chúng ngửa tay xin, không hề lấy cắp bất cứ hoa màu mô. Người cứ cho, chúng chìa tay xin, khi no căng rồi thì lên núi nghỉ ngơi. Rứa nên các họ hàng ở bản quán ni đều thống nhất coi đó là phúc lành cho dân xứ này. Xem con vật đó là bạn thân chí cốt giữa chốn rừng rú hoang vu này”. Riêng anh Tú, mấy năm nay đã xem đó là loài voọc Hà Tĩnh. Bởi anh từng được huấn luyện nhận dạng động vật hoang dã quý hiếm của các tổ chức bảo tồn quốc tế. Và các giao ước rõ ràng trong các dòng họ cam kết thuận hòa với thảo dã núi rừng cũng như loài linh trưởng hiền lành này. Bởi đó là phúc của bậc khai canh dựng làng để lại cho con cháu an cư đến ngày nay.
Nguyễn Thanh Tú đã giữ cho loài khỉ của làng không bị tuyệt chủng
Nhưng không may, loài khỉ đen mà dân làng gọi tên đầy thân thuộc ấy đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong một thời gian dài vào những năm 70 - 80 của thế kỷ trước. Câu chuyện với người chăn voọc quý Nguyễn Thanh Tú hằn lên ký ức đau thương của loài linh trưởng này một thời. Anh lớn lên với những ngọn lèn hùng vĩ, gắn chặt với bao gia đình voọc từ khi chúng mới sinh đến lúc chúng chết đi. Người làng anh, dân Thiết Sơn nghĩa tình với chúng đến diết da. Có nhiều con voọc già qua đời, nếu phát hiện, nó được chôn cất đàng hoàng ở bất cứ đâu.
Có một truyền thuyết ở đây được kể, ngày xưa, khi giặc giã xâm chiếm, người trong vùng bị trúng cung tên rút vô núi, loài voọc đi theo. Chúng cũng bị thương một vài con. Những cá thể khỏe mạnh trong đàn chuyền cành bứt lá đắp vết thương cho con nằm trong hang, chúng được cứu sống. Con người làm theo và có thành quả thoát chết. Từ đó, mối quan hệ giữa loài linh trưởng này với người dân càng khăng khít hơn.
Thế mà những năm Nguyễn Thanh Tú đi bộ đội biên phòng, ở quê nhà xuất hiện không ít kẻ săn trộm vào vùng Thiết Sơn săn bắt. Chỉ lúc nghỉ phép về quê, lang thang hết hẻm núi này đến hẻm núi khác mới có cơ hội giúp chúng phần nào. Lúc đó anh đau đớn nhận ra: “Từ chỗ chúng rất thích gần con người, vì săn trộm mà voọc quý thấy tôi cũng lánh xa. Nhiều lần vào rừng, leo lên các ngọn núi đá vôi, thấy voọc mẹ chết khô, voọc con bấu vào đấy tàn sức, cũng chết luôn. Có những đàn voọc bị bắt bẫy chỉ còn một con cô đơn, bơ vơ bị dính bẫy phanh, cụt chân. Có những đàn tháng trước còn thấy, tháng sau đã biến mất hoàn toàn. Quần thể voọc thời những năm 80 của thế kỷ trước đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng mà không có cách gì cứu nguy.
Voọc đầu đàn nghe tiếng nhạc của Tú liền xuất hiện
“Hãy cứu cho làng”
Những tháng năm đó anh là sĩ quan biên phòng miệt biên giới Việt Lào. Nhiều khi lòng như lửa đốt, phải xin đổi phép sớm để đi thăm đàn voọc ngày mỗi hiếm dần trên núi rừng bản quán. Tiếng hú của chúng ngày một thưa vắng, làng buồn như xứ vô âm. Nhìn cảnh đó, người già trong làng cũng héo hắt. Bố anh mất năm 1982, trước lúc lâm chung, ông truyền lại với Tú: “Làng miềng có cái phúc là ở với khỉ đen, chúng hiền lành, giúp tổ tiên biết đất đai màu mỡ mà định cư, biết cây thuốc trên rú mà chữa bệnh. Chừ chúng bị săn trộm, bị bắt nhiều. Con phải mần răng mà giúp chúng. Cứu chúng là cứu phúc lành cho làng. Giúp chúng là giúp cho núi rừng quê ta có tiếng hú, tiếng hót của chúng để con người làm bạn mà đi rẫy đi nương không bị cô đơn, xa lánh. Từ ngày có chúng, mùa màng tươi tốt, ngày chúng xa dần con người, cái rẫy ngô, rẫy lạc cũng bị khắc nghiệt mà thua thiệt. Con phải cứu cái phúc của làng”.
Nghe lời cha, Nguyễn Thanh Tú tranh thủ những ngày nghỉ phép trong năm, có khi xin nghỉ cuối tuần để về quê vào rừng đi gỡ bẫy phanh. Cứ thấy người lạ vào rừng, Tú lại đẩy đuổi cho bằng được. Có khi xô xát, có khi bị đánh trả, có khi bị đánh hội đồng dằn mặt giữa đường, Tú vẫn không hề chùn bước. Anh vẫn vào rừng gỡ bẫy dây phanh, lấy đinh gắn trên các cành cây cao, chặt phá các quây lưới của bọn bẫy trộm đặt trong hang.
Anh điểm mặt những đối tượng săn trộm trong rừng, lên danh sách tiếp cận. Là người lính biên phòng, anh lấy động viên làm chính, lấy giải thích vận động làm mũi nhọn để thuyết phục, với đối tượng săn trộm anh biết. Có đối tượng phản ứng, có đối tượng sợ mà không dám bén mảng. Nhưng không ít đối tượng vẫn khư khư tính cố hữu, muốn săn cho hết voọc trong khu vực Thiết Sơn, bởi đó là món hời lớn mà kẻ săn trộm quá thèm thuồng. Với đối tượng đó, anh ra tối hậu thư một là sẽ đi tù vì săn loài quý hiếm, hai là ở nhà lo toan ruộng vườn. Đến giờ, chúng chưa dám làm liều trước mặt anh hay dân làng. Nhưng anh vẫn cảnh giác.
Tú hướng dẫn người dân cách canh giữ voọc quý
Người voọc
Mới ở đầu xã bên ngoài quốc lộ 12A hỏi nhà anh Tú đâu, người dân nhiệt tình chỉ tay, nhiệt tình hướng dẫn. Chị Thanh bán quán nói luôn: “Chú đi hết năm cây số, vô đến Thiết Sơn, hỏi nhà anh Tú voọc là ai cũng biết”. Quả nhiên, khi lọt vào thung lũng này, hỏi đến tên anh Tú thôi, ai cũng nói, Tú voọc hay Tú vượn có nhà gần mé núi đó. Anh kể về cuộc đời của anh, mới sinh đã có đàn voọc quý, chúng có mặt từ khi làng chưa hình thành nơi này. Tuổi thơ của Tú lớn lên với những ngọn lèn Tang Bồng, Hung Cù, Đá Trắng... cứ mùa hè thì ngày tắm thác Phú Hội, tối về nghe voọc hót. Tiếng hót của chúng vang vang đến ám ảnh. Thế nên bằng mọi giá anh phải bảo vệ loài này. Nói chuyện với chúng tôi, anh trổ hết các hiểu biết bản địa về voọc Hà Tĩnh, về thức ăn, cách thức sinh con, con mẹ chăm sóc con non như thế nào. “Con đầu đàn thường xuất hiện và canh chừng ở cái cây cao nhất để cả đàn bứt lá ăn. Nếu có động, nó rung lên và hét to rồi chạy nhanh vào các hốc đá để cả đàn đi theo. Ở đây nay có nhiều đàn voọc nên chúng thường hay tranh giành lãnh địa của nhau, lâu lâu vẫn có hai đàn giáp lá cà dọa nhau bằng số lượng cá thể trong đàn, sau đó chúng dọa nhau bằng hú hét, bên nào hét dài hơi, to hơn thì bên đó thắng. Nhưng hai bên đồng đều thì con đầu đàn của hai phía lao vào đánh nhau. Chúng đánh nhau trối chết, con đầu đàn nào thua, trở thành voọc cô đơn. Đàn thắng, thu nạp hết con non, coi cái, con đực chưa trưởng thành vào đàn nó và uy lực được tăng thêm, lãnh thổ được mở rộng”, anh Tú kể. Hiểu đến tập tính như thế nên dân làng gọi anh là người voọc hay người vượn một cách trìu mến.
Năm 2012, Nguyễn Thanh Tú về hưu, toàn tâm toàn ý đi chăn voọc quý. Cứ sáng mắt, trời mưa phùn hay lũ lụt anh đều lội vào cánh rừng quen thuộc, mặc cho sên vắt, mặc cho đá tai mèo sắc nhọn, mặc cho rắn độc rình rập. Vợ anh can ngăn, rằng thú trong rừng, làm răng mà giữ được, họ bắt thì làm răng mà bảo vệ. Trách cứ anh bỏ việc nhà, không quan tâm việc gì. Rồi khi anh được nhà nghiên cứu sinh vật rừng Lê Trong Trãi nể phục, tặng ống nhòm, vợ anh cũng dấu đi khiến anh không yên chuyện. Bỏ nhà vào rừng mấy ngày liền, vợ hiểu ra mới nhờ người đưa ống nhòm vào rừng cho Tú canh voọc.
Ngày nay Voọc Hà Tĩnh được Tú bảo vệ nên sinh nở nhiều
Nguyễn Thanh Tú cùng vợ và hai đứa con tuổi ăn tuổi học trong căn nhà khiêm tốn ở Thiết Sơn dựa hẳn vào lương hưu của anh. Nhưng một nửa đồng lương đó anh phải đổ xăng để chạy khắp nơi trong khu vực có các đàn voọc Hà Tĩnh sinh sống. Bao nhiêu năm ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, tốn kém sức lực và kinh tế, nhưng anh vẫn một mực phải bảo vệ, giữ gìn loài linh trưởng là linh hồn phúc lành của làng. Dù ai nói gì, châm chọc như thế nào là điên, là khùng, anh vẫn cười tươi, bỏ ngoài tai.
Chúng tôi nai nịt gọn gàng để một tuần có mặt trong các ngọn núi bên ruộng lúa, nương rẫy ở Thiết Sơn theo anh đi chăn voọc. Người dân vẫn nói, từ ngày có anh Tú bảo vệ được đàn voọc mà chúng sinh sôi từ vài chục con đến hơn 110 con, tách thành cả mười mấy đàn. Có đàn lớn hai mươi con, có đàn nhỏ gần mươi con, còn trung bình từ 10 - 15 con. Từ công lao của Tú mà đàn voọc Hà Tĩnh nay đã mến người hơn những năm trước, chúng vào sát nhà dân dưới mái núi kiếm ăn và có khi còn xuống cạnh bể nước để giải khát.
Theo chân Tú đi tìm đàn Voọc quý, người dân gọi điện ri rả, khi thì có đàn bên Dàn Vượn, khi thì bên Khe Tang có chục con, lúc thì bên Đá Trắng có hai bầy... Anh Tú dùng ống nhòm, trên cao tít tắp hàng trăm mét, một cá thể hiện ra ở mỏm đá rất oai vệ. Anh nhìn ra con đầu đàn bởi đuôi dài, mình to, cái má trắng hai bên cực kỳ nổi bật và đám lông trên đầu hình chóp nhọn trông oai phong kỳ lạ. Nó ra quan sát con người như chúng tôi phía dưới. Nó nhìn thấy mấy nông dân dùng bò bừa luống lạc, mấy người đàn bà đang bứt cỏ, có người đang vác cày về nhà. Còn anh Tú như thường lệ gặp chúng, lại mở loa ngoài bản nhạc anh thích về núi rừng cho chúng nghe cùng. Anh kể: “Nhiều bữa, mở nhạc, cả đàn kéo xuống cách mình chỉ 5 - 10m thôi. Có bữa mở nhạc mệt quá, thiếp ngủ, chúng xuống mở cái mũ úp trước mặt trêu nữa”.
Khi đã tạo dựng cho đàn voọc có không gian yên tâm, anh Tú tiến thêm một bước nữa là phải bảo vệ nó an toàn hơn. Đầu năm 2015, anh vào Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, báo cáo về đàn voọc quý mà trên thế giới loài này chỉ còn sống phần lớn ở Quảng Bình, một ít ở Quảng Trị và phía Lào. Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, quá bất ngờ, đi thực địa rồi thốt lên: “Tôi không tin vào mắt mình ở đây có vài trăm cá thể voọc Hà Tĩnh quý hiếm. Tận thấy mới biết, Nguyễn Thanh Tú tận tâm tận lực như thế nào. Cả nước e chỉ có một người dám chăn được voọc quý. Một con người vì môi trường, vì động vật hoang dã hết mình mà chúng tôi rất trân trọng”. Ngày nay, anh Nguyễn Thanh Tú không cô đơn để giữ voọc mà còn có người làng như: Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Văn Sử cùng tham gia với anh. Bởi họ biết, chúng như “thần” hộ mệnh của làng. Khi voọc được bảo vệ thì các loài chim, chồn, cáo cũng được bảo vệ theo. Thế nên vào xứ này cứ như đi trong khu vườn cổ tích, tiếng chim đủ loại líu lo vang cả đất trời. Chia tay xứ núi với những cái tên lạ dến da diết: Dàn Vượn, Tang Bồng, Sẩm Mè... mà yên tâm có một người lính rời quân ngũ về làng giữ cho loài quý hiếm sách đỏ cơ hội sống bền vững đến mai sau. Trước thành tích này, anh Tú được đề nghị tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng 3.
Ngày nay, anh Nguyễn Thanh Tú không cô đơn để giữ voọc mà còn có người làng như: Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Văn Sử cùng tham gia với anh. Bởi họ biết, chúng như “thần” hộ mệnh của làng. Khi voọc được bảo vệ thì các loài chim, chồn, cáo cũng được bảo vệ theo. Thế nên vào xứ này cứ như đi trong khu vườn cổ tích, tiếng chim đủ loại líu lo vang cả đất trời.
Từ khóa » Núi Khỉ đen ở đâu
-
Cách đến Núi Khỉ Vàng Siêu Nhanh Trong Gần 2p - YouTube
-
Ngọc Rồng Online | Hướng Dẫn đi Qua Map Núi Khỉ đen,đỏ,fide Nhanh ...
-
Thủ Thuật Lên Núi Khỉ Vàng Cực Nhanh Ngọc Rồng Online
-
Tổng Hợp Danh Sách Nhiệm Vụ Ngọc Rồng Online Từ A-Z Mới Nhất 2022
-
Tổng Hợp Nhiệm Vụ Ngọc Rồng Online
-
Ngọc Rồng Online - Có Bạn Nào Lên đến được đây Chưa Nhỉ
-
Cách Làm Nhiệm Vụ Tiểu đội Sát Thủ(tdst) - Ngọc Rồng ... - Vuongcode
-
Con đường Thợ Săn - Dong Iar Jieng - Yo Dou - Tropical Trekking
-
Cách Làm Nhiệm Vụ Tiểu Đội Sát Thủ Thuật Làm Nv So4, Hướng ...
-
Chú Bé Rồng Online - Ngọc Rồng, Các Map Xuất Hiện Boss N
-
Núi Khỉ - Hang Đá - Monkey Peak - The Rock Tiếng Việt - TruyenQQ
-
Núi Khỉ - Hang Đá [Tới Chapter 9] [Next Chapter 10]
-
Cách Làm Nhiệm Vụ Tiểu đội Sát Thủ(tdst) - Ngọc Rồng ... - Blog Hồng