Người Chứt ở Quảng Bình: Dân Tộc Thiểu Số Rất ít Người
Có thể bạn quan tâm
(QBĐT) - Ngày 31-10-2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025. Đối tượng, phạm vi hưởng lợi đề án này là 16 dân tộc rất ít người khác nhau (mỗi dân tộc có không quá 10.000 người) sinh sống tại 194 thôn, bản thuộc 12 tỉnh trên cả nước, trong đó có dân tộc Chứt ở tỉnh Quảng Bình (1).
Với thời gian thực hiện 10 năm (2016 - 2025), Đề án có mục tiêu: duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của các dân tộc thiểu số rất ít người; xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào một cách bền vững nhằm giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các thôn, bản nơi sinh sống tập trung của các đồng bào dân tộc ít người, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc (2).
Để tiếp nhận dự án một cách hiệu quả, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình và các cấp, các ngành liên quan đang xây dựng một kịch bản hoàn chỉnh với mục tiêu hấp thụ tốt nhất một cơ hội mới khá rõ ràng cho dân tộc Chứt, một dân tộc thiểu số ít người nhất ở tỉnh ta thoát đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần một cách bền vững.
Bên cạnh các chương trình kế hoạch chuyên môn được xây dựng chu đáo, thiển nghĩ, chúng ta không thể không chú ý và thấu hiểu văn hóa tộc người của dân tộc Chứt, một tài sản tinh thần truyền thống do chính đồng bào xây dựng nên từ hàng trăm năm nay. Các giá trị tinh thần truyền thống quý giá đó, đến lượt mình đã trở thành “môi trường” sống thân thuộc bên cạnh môi trường tự nhiên, cùng bảo bọc, hỗ trợ đời sống của biết bao thế hệ đồng bào người Chứt.
Mặt khác, so với sự thuần nhất tộc người của 16 dân tộc rất ít người trong cả nước được lựa chọn tham gia đề án, chỉ có dân tộc Chứt ở Quảng Bình (cùng với dân tộc La Hủ) là được hình thành từ nhiều nhóm địa phương, và do vậy, việc tìm hiểu, lựa chọn nhiều nhất những mặt tích cực, sự tương đồng tộc người, hạn chế những mặt chưa phù hợp, sự dị biệt từ phong tục tập quán, từ các tri thức bản địa, các giá trị truyền thống như một yếu tố bổ trợ rất cần thiết khi triển khai dự án là cách tiếp cận mềm mại và bền vững đối với đồng bào dân tộc Chứt.
Dân tộc Chứt ở Quảng Bình có 5 nhóm địa phương, còn gọi là 5 tộc người: Sách, Mày, Rục, A rem, Mã Liềng với 1.591 hộ với 6.417 khẩu (chiếm 26% dân số dân tộc thiểu số, tính đến tháng 31-12-2016). Địa bàn cư trú của dân tộc Chứt phân bố ở 29 bản, 9 xã, thuộc 3 huyện: Minh Hoá, Tuyên Hoá và Bố Trạch thuộc các xã miền núi, vùng cao, biên giới, nơi có địa hình chia cắt, hiểm trở. Đây cũng là nơi có thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, ngập lụt về mùa mưa, hạn hán, thiếu nước về mùa khô...
Người Chứt được nhắc đến sớm nhất trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn với tên gọi: Sách, Man, hoang Man. Đầu thế kỷ XX các nhóm người Chứt được các nhà nghiên cứu Cadiere, Gowvinha, Gheđơ... bắt đầu quan tâm.
Tuy nhiên phải đến năm 1960 các nhà khoa học trong, ngoài nước đi sâu nghiên cứu chứng minh mối quan hệ gần gũi về ngôn ngữ giữa các nhóm Sách, Mày, Rục, Arem, Mã Liềng, từ đó xác định thuộc nhóm ngữ hệ Việt- Mường. Mặc dù vậy, trong các số liệu thống kê những năm 60 của thế kỷ XX, các nhóm thuộc tộc người Chứt vẫn được xem là những dân tộc riêng biệt, chưa xuất hiện tộc danh “dân tộc Chứt”.
Đến cuối năm 1973, với những kết quả nghiên cứu liên ngành và ý thức tự giác tộc người của đồng bào, các nhóm Sách, Mày, Rục, Arem, Mã Liềng được các nhà khoa học xác định là một dân tộc với tộc danh chung là Chứt. Trong bản “Dân số chia theo dân tộc toàn miền Bắc đến ngày 1-4-1974” của Tổng cục Thống kê, lần đầu tiên trong văn bản chính thức của Nhà nước, dân tộc Chứt được xác định.
Theo các nhà nghiên cứu, người Sách, người Rục trước đây cư trú ở địa bàn các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch. Thời Hồng Đức (1470-1495), khi người Việt (Kinh) từ Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh di cư vào Quảng Trạch, Bố Trạch đã thấy có người Sách, Rục có mặt ở đây. Về sau, vì giặc dã và nhiều biến cố khác, họ đã phải chạy lên nương náu ở vùng phía tây và chuyển dần vào núi cao.
Một góc bản Dộ của tộc người Mã Liềng (dân tộc Chứt). |
Như vậy, từ xa xưa, do tác động của lịch sử, có một bộ phận của một cộng đồng người sinh sống ổn định trên một địa bàn vùng trung du tỉnh Quảng Bình, lấy nông nghiệp trồng lúa làm nghề sống chủ yếu phải chạy lên vùng rừng núi, phân tán thành những nhóm nhỏ, sống trong các hang động, mái đá, chịu sự chi phối của điều kiện sống mới vô cùng khắc nghiệt đó là dân tộc Chứt ở miền Tây Quảng Bình. Ở vùng núi miền Tây tỉnh Quảng Bình hiện nay có nhiều tộc người khác nhau cùng cộng cư, trong đó người Chứt được coi là một trong những lớp cư dân có mặt sớm nhất.
Dân tộc Chứt ở Quảng Bình được hình thành từ 5 nhóm tộc người có những đặc điểm tương đồng rất lớn về đặc trưng tộc người, tuy nhiên giữa họ cũng tồn tại những dị biệt trên những đặc điểm này.
Những tương đồng rõ rệt nhất đó là các nhóm người Chứt có cùng một ngôn ngữ Việt-Mường. Ngôn ngữ Chứt mà đồng bào bản ngữ đang sử dụng, theo các nhà ngôn ngữ học thuộc nhóm Việt-Mường, nhánh các ngôn ngữ Môn-Khơ me (Tiếng Việt, Mường, Thổ Chứt), hệ ngữ Nam Á.
Trong danh mục thành phần các dân tộc công bố năm 1979, tiếng Chứt của dân tộc Chứt bao gồm những nhóm ngôn ngữ địa phương: Mày, Rục, Sách, Mã Liềng và Arem. Về kinh tế, mặc dù đang ở tình trạng một nền kinh tế thô sơ và phần nào chênh lệch nhau, nhưng các nhóm người Chứt có cùng những biểu hiện về quan hệ sở hữu ruộng đất khá chặt chẽ.
Ngoài chiếm hữu cá nhân các khu đất rẫy, các nhóm người Chứt còn có quan hệ sở hữu tối cao về ruộng đất của người được mệnh danh là chủ núi rừng (Chôblú), một người thay mặt thần linh quản lý đất đai rừng núi. Về tổ chức xã hội, tuy phân tán thành những nhóm nhỏ, nhưng thiết chế xã hội các nhóm người Chứt chặt chẽ và tương đồng, tổ chức xã hội cơ bản là làng, bản.
Người đứng đầu bản, về mặt tâm linh là người được coi là của núi rừng, về mặt hành chính ngoài trưởng bản ra, còn có tổ chức dân chủ là hội đồng già làng. Thiết chế xã hội này phản ánh một thực tế xa xưa của lịch sử: các nhóm Chứt này từng là cư dân nông nghiệp phát triển, trên một địa bàn tương đối thống nhất. Về đặc trưng hôn nhân và gia đình: các nhóm người Chứt có cùng chế độ một vợ một chồng, mang tính chất phụ quyền...
Trong văn học dân gian, các nhóm Chứt có chung một số làn điệu dân ca đối đáp, giao duyên, liên quan đến nguồn gốc nông nghiệp: “Cà tơm, tà lênh” “Kà răng tà nêu”, đặc biệt, chuyện kể “Đàng về” lưu hành phổ biến trong tất cả các nhóm người Chứt, kể lại quê hương xa xưa của họ ở vùng đồng bằng, sau đó bị giặc đánh phải chạy vào rừng sâu, ở hang đá và ăn uống khổ cực như ngày nay. Trong tín ngưỡng, tuy không phong phú, nhưng tất cả các nhóm cùng có những nghi lễ thờ cúng tổ tiên, ma đất, ma bếp, lễ vào mùa, lễ lấp lỗ, lễ cúng cơm mới... khá gần gũi với nghi lễ của cư dân nông nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, có tồn tại các dị biệt đặc trưng tộc người giữa các nhóm người Chứt, tuy không nhiều và sâu sắc, nhưng cũng đủ để chúng ta nhận biết. Các nhóm người Chứt do nhiều nguyên nhân, bị xô đẩy lên núi cao sinh sống biệt lập nhau, vào một hoàn cảnh địa lý khó có điều kiện phát triển trong nhiều thế kỷ, buộc phải chịu sự phân ly tộc người thành các nhóm nhỏ, theo đó họ phải chịu một quá trình thoái hóa rất rõ rệt về nhiều mặt, đặc biệt là về văn hóa vật chất, nên ý thức tộc người của họ theo đó cũng bị suy giảm và thu hẹp.
Các nhóm người Chứt sống tương đối cách biệt nhau về cương vực, địa lý và mối liên hệ giữa họ về các mặt kinh tế-văn hóa- xã hội cũng hết sức mờ nhạt và trình độ phát triển kinh tế- xã hội- văn hóa có những nhóm chênh lệch nhau đáng kể. Mỗi tộc người trong dân tộc Chứt đang sử dụng cho riêng mình một tộc danh khác nhau và nếu nghe qua có cảm giác như giữa họ không có mối liên hệ nào về tộc người. Hiện nay, các nhóm người Chứt đều đã được tổ chức định cư, và phần lớn giữa họ vẫn tồn tại một khoảng cách địa lý đáng kể
Như vậy, do phải chịu sự phân ly tộc người bởi các lý do khách quan, trong điều kiện sống khắc nghiêt, lâu dần các nhóm người Chứt tự thấy cần thiết phải cố kết với nhau thành từng nhóm riêng, với những tộc danh riêng, theo đó từng bước hình thành những nét văn hóa mới, thậm chí cách biệt nhau về trình độ, phù hợp với điều kiện sống biệt lập.
Tuy nhiên, về cơ bản các nhóm địa phương trong dân tộc Chứt vẫn thể hiện tính thống nhất về phương diện văn hóa chung của bộ phận cư dân cũ thời xa xưa trước khi biến cố xảy ra; vẫn có nhiều những mối liên hệ về lịch sử, ngôn ngữ, về sinh hoạt văn hóa. Điều này chúng ta dễ dàng nhận thấy và có thể kiểm chứng được ở tính đại đồng tiểu dị trong đặc trưng tộc người dân tộc Chứt(3)..
Trên cơ sở những nhìn nhận về các đại đồng tiểu dị trong đặc trưng tộc người của dân tộc Chứt, cần thiết phải có những giải pháp để một mặt tôn trọng sự đa dạng tộc người, mặt khác nâng cao hơn nữa nhận thức của đồng bào về sự cố kết cộng đồng, nhằm phát huy tình đoàn kết, nâng cao nội lực và sự chủ động của cộng đồng dân tộc Chứt trong công cuộc xóa đói giảm nghèo cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần bền vững.
Trước hết, đề xuất các cấp thẩm quyền nên nghiên cứu định thêm vào đầu tộc danh hiện dùng của các nhóm địa phương dân tộc Chứt danh xưng dân tộc chung của họ: Chứt Sách, Chứt Rục. Chứt Mày, Chứt Arem, Chứt Mã Liềng. Trên thực tế cộng sinh và giao tiếp hiện nay, mỗi nhóm địa phương trong dân tộc Chứt đang sử dụng cho riêng mình một tộc danh truyền thống khác nhau và nếu nghe qua, có cảm giác như giữa họ không có mối liên hệ nào về tộc người, theo đó, không ít đồng bào các nhóm địa phương chưa ý thức được rằng, tộc người của mình đang thuộc về một dân tộc chung có tên là dân tộc Chứt.
Cách định danh được đề xuất này chẳng những không làm mất đi hoặc sai lạc tính đặc thù của các nhóm địa phương trong tên gọi truyền thống, mà còn có tác dụng thường xuyên củng cố và hỗ trợ ý thức tộc người của cộng đồng dân tộc Chứt một cách từ từ và lâu bền, ngay trong sinh hoạt, trong giao tiếp, khi họ đang phải chịu ảnh hưởng sâu sắc của xu hướng phân ly tộc người từ xa xưa.
Để phối hợp tăng cường tính hiệu quả của sự định danh này, trong các văn bản hành chính của tất cả các cấp, trong các chính sách, dự án, các bài báo, sản phẩm truyền thông viết về dân tộc thiểu số, cũng như trong các giấy tờ tùy thân của đồng bào (Chứng minh nhân dân, hộ khẩu, bằng cấp, thẻ bảo hiểm y tế, sổ đổ...) yêu cầu phải viết đủ, đúng và nhất quán tộc danh của đồng bào theo sự công nhận hiện hành của Nhà nước và phải thẩm định kỹ nội dung này trước khi ban hành, phát hành.(4)
Mặt khác, cần phải tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền và giáo dục đồng bào về ý thức tộc người bằng các hình thức phong phú, phù hợp với phong tục tập quán, trình độ của đồng bào. Chủ động xây dựng, biên soạn các tài liệu phổ thông về lịch sử, văn hóa các tộc người và dân tộc Chứt dùng để cập nhật, giảng dạy trong các trường phổ thông có học sinh đồng bào dân tộc Chứt, bên cạnh các chương trình chính khóa của ngành giáo dục.
Mời các nghệ nhân dân gian ở địa phương đến trường truyền dạy học sinh các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, truyện cổ, giới thiệu các nghề truyền thống của các nhóm địa phương và dân tộc Chứt, tạo điều kiện cho các em tìm hiểu, và trao đổi về các chủ đề thân thuộc và gần gũi này. Đẩy mạnh và tổ chức có hiệu quả công tác vận động nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực cộng đồng đối với đồng bào từng tộc người và dân tộc Chứt, nhằm khơi dậy và phát huy lòng tự hào dân tộc chung của đồng bào.
Các cấp chính quyền có kế hoạch từng bước ổn định, phát triển kinh tế–xã hội vùng đồng bào dân tộc Chứt tỉnh Quảng Bình. Tổ chức thực hiện xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và tạo cơ hội phát triển cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc tiếp nhận, triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế–xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, kết hợp với hướng dẫn, động viên đồng bào tự lực tổ chức cuộc sống.
Đến lượt mình, việc tổ chức có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Chứt, là một trong những bảo đảm bền vững cho việc duy trì sự phát triển về tộc người, sự ổn định, gắn bó tộc người trong cộng đồng dân tộc Chứt.
Trần Hùng
____________ (1) Các tỉnh: Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum. (2) Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 -2025. (3) Tham khảo một số tài liệu: * Dân tộc học đại cương – Đặng Nghiêm Vạn chủ biên- Nxb Giáo dục- HN 2000. * Người Chứt ở Việt Nam – Nguyễn Văn Mạnh- NXB Thuận Hóa -1986. * Hoa trên đá núi- Nhiều tác giả - Nxb Thống kê –HN 2007. (4) Cuộc khảo sát báo chí do Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện (2009) với 500 bài viết về các tộc người thiểu số đăng trên 4 tờ báo đại chúng trong khoảng thời gian 2 năm rưỡi (2004 - nửa đầu 2008) có việc sử dụng tên gọi các tộc người không chính xác. – Dẫn theo “Thiểu số cần tiến kịp đa số”, Nxb Giao thông vận tải, năm 2013, tr 9.
Từ khóa » Dân Tộc Sách Là Gì
-
Dân Tộc Của Sách – Wikipedia Tiếng Việt
-
Người Chứt – Wikipedia Tiếng Việt
-
NGƯỜI CHỨT - Ủy Ban Dân Tộc
-
Vài Nét Khái Quát Về đồng Bào Dân Tộc Thiểu Số Tỉnh Quảng Bình
-
Dân Tộc Là Gì ? Đặc điểm, đặc Trưng Cơ Bản Của Dân Tộc ở Việt Nam
-
Dân Tộc Chứt, Một Trong Mười Sáu Dân Tộc Rất ít Người Tại Việt Nam
-
Bản Sắc Văn Hóa Dân Tộc Là Gì? Khái Niệm, Biểu Hiện Và ý Nghĩa?
-
Dân Tộc Kinh Là Gì? Có Bao Nhiêu Họ? Đặc điểm Dân Tộc Kinh?
-
Dân Tộc Là Gì? Đặc điểm Các Dân Tộc ở Việt Nam Hiện Nay
-
Văn Hoá đọc Và Phát Triển Văn Hoá đọc ở Việt Nam | VĂN HÓA ĐỌC
-
Chính Sách Và Quyền Của Người Dân Tộc Thiểu Số Và Người Bản địa
-
Hướng Dẫn Chi Tiết Chuyên đề “Vấn đề Dân Tộc Và Chính Sách Dân Tộc”