Người Có 'mắt Xanh' Chiêu Hiền đãi Sĩ - Tuổi Trẻ Online

Người có mắt xanh chiêu hiền đãi sĩ - Ảnh 1.

Nụ cười của Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris năm 1969 - Nụ cười Xuân Thủy nổi tiếng - Ảnh tư liệu

Bà Nguyễn Ánh Tuyết mở đầu câu chuyện về người cha - nhà hoạt động chính trị, nhà ngoại giao, nhà báo, nhà thơ Xuân Thủy (1912- 1985). Bà chia sẻ với Tuổi Trẻ Online những chuyện lần đầu công bố về việc dùng người của ông Xuân Thủy thuở đương chức. Hôm nay là kỷ niệm 105 năm ngày sinh của ông (2-9-1912 - 2-9-2017).

Người "di tản ngược chiều"

Tại Hội nghị Paris năm 1969, ông Xuân Thủy với cương vị Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã có những ý kiến chỉ đạo liên quan đến việc triển khai một chủ trương lớn của Đảng ta lúc bấy giờ là vận động trí thức Việt kiều yêu nước hồi hương.

Một nữ trí thức Việt kiều tham gia dịch tài liệu cho đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là bà Tôn Nữ Thị Ninh, một phụ nữ có dòng dõi tôn thất tại Huế.

Bà Ninh đã rời Paris hoa lệ về Sài Gòn với cha mẹ và trở thành giáo viên ĐH sư phạm từ trước 1975 và sau giải phóng là chủ nhiệm khoa Anh văn của trường.

Cuộc gặp tình cờ mùa hè năm 1978 với ông Xuân Thủy trên chuyến bay sang Cuba dự Festival Thanh niên và sinh viên thế giới đã dẫn đến một bước ngoặt bất ngờ trong cuộc đời bà.

"Lúc đó, cha tôi đang là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, được Chủ tịch Phidel Castro mời đích danh đi dự liên hoan này", bà Tuyết kể.

Ông Xuân Thủy không những còn nhớ những đóng góp tích cực của bà Ninh cho phái đoàn ta tại Paris mấy năm trước, mà còn nhìn thấy ở bà những phẩm chất phù hợp với hoạt động đối ngoại.

Vì thế, sau chuyến đi đó ít lâu, ông chủ động tìm gặp bà Ninh khuyên nhủ: "Cháu đang làm việc trong ngành giáo dục cũng rất cần thiết. Nhưng bác nghĩ cháu ra cơ quan đối ngoại Trung ương Đảng làm việc lúc này sẽ giúp ích được nhiều!"

Sự chân tình đó của một nhà ngoại giao lớn đã khiến bà Ninh chấp nhận xa cha mẹ già, một mình ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Đó là năm 1979, thời điểm đất nước gặp nhiều khó khăn, nhiều người di tản ra nước ngoài. Bởi vậy mà bác sĩ Nguyễn Khắc Viện khi biết chuyện đã dí dỏm bảo bà Ninh là đã "di tản ngược chiều".

Ông Xuân Thủy chọn bà Ninh không chỉ vì cần người biên tập các tài liệu tiếng Anh, Pháp, cũng như dạy ngoại ngữ cho cán bộ Ban Đối ngoại Trung ương, mà sâu xa hơn, ông muốn bồi dưỡng nữ cán bộ trẻ có năng lực ấy thành một cán bộ ngoại giao giỏi.

Trước đó, ông từng nhiều lần nói với con gái rằng phụ nữ làm ngoại giao rất có lợi thế, dễ thành công.

Người có mắt xanh chiêu hiền đãi sĩ - Ảnh 2.

Ông Xuân Thủy (giữa) tại đám cưới của bà Tôn Nữ Thị Ninh năm 1982 - Ảnh tư liệu

Ưu tiên người có biệt thự ở Sài Gòn, một mình ra công tác

Bà Tuyết đến bây giờ vẫn nhớ rõ câu chuyện của hai cha con trong một ngày mùa đông cách đây gần 40 năm: "Thầy mới điều chuyển một cô giáo dạy Anh văn ở ĐH sư phạm Sài Gòn ra Ban đối ngoại công tác. Trước cô ấy ở Paris. Thầy muốn cô ấy yên tâm công tác ở Hà Nội nên đã nói với chú Trạm (thư ký của ông Xuân Thủy) xếp cho cô ấy một căn hộ tốt nhất có thể!"

Ông còn chu đáo tính đến mức lương "đủ tiêu chuẩn khám bệnh ở Việt - Xô" và "đủ tiêu chuẩn mua hàng ở nơi cung cấp cho cán bộ cấp vụ".

Ban đầu bà Ninh được bố trí ở một căn phòng 12m2 tại khu tập thể cơ quan trên phố Quán Thánh (Hà Nội), dù công trình phụ dùng chung thì được ở riêng thời đó cũng là ưu tiên lắm. Thế mà khi nghe báo cáo, ông Xuân Thủy vẫn nói: "Đó là ưu tiên với cán bộ ngoài này, không phải với một người đang có công việc ổn định, nhà biệt thự ở Sài Gòn, một mình ra đây công tác..."

Sau đó bà Ninh được chuyển về căn hộ thoáng mát, riêng biệt tại khu Giảng Võ. Ông Xuân Thủy đến thăm, hỏi có thiếu gì không. Bà Ninh nói là thiếu giá đựng sách, cái giá sau đó đã được bổ sung.

Ông Xuân Thủy cũng quan tâm thăm hỏi sức khỏe hai cụ thân sinh của bà Ninh. Khi cụ ông ra Hà Nội thăm con gái, vợ chồng ông Xuân Thủy hai cha con đến nhà ăn cơm và trò chuyện thân tình. Sau buổi đó, ông cụ yên tâm tạm biệt con gái về Nam.

Ông Xuân Thủy còn nghĩ đến cả việc bà Ninh yên ổn lâu dài với hạnh phúc gia đình trọn vẹn. Ông đem cả nỗi băn khoăn ấy chia sẻ với con gái.

Thế nên ông Xuân Thủy rất đỗi vui mừng khi đám cưới - một tiệc trà giản dị - của nhà ngoại giao trẻ Tôn Nữ Thị Ninh được tổ chức ngay tại cơ quan đầu năm 1982. Ông đến dự và chụp ảnh lưu niệm cùng cặp vợ chồng mới. Bức ảnh vẫn được bà Tuyết cất giữ cẩn thận.

Sau 35 năm, bút tích đề tặng của cô dâu Tôn Nữ Thị Ninh vẫn chưa phai màu mực: "Chúng cháu kính tặng Bác tấm ảnh này với tất cả lòng biết ơn và tình cảm của chúng cháu. 10/1/1982. Liêm - Ninh".

"Sau những năm tháng khó khăn ban đầu của cô Ninh trên đất Bắc, chứng kiến hạnh phúc gia đình mà anh chị ấy vun đắp, tình cảm giữa tôi và anh chị ấy càng thêm gắn bó như anh chị em ruột thịt", bà Tuyết tâm sự.

"Ở nơi chín suối chắc cha tôi cũng vui mừng vì đã tạo dựng thành công cho những tài năng ngoại giao như cô Ninh!"

Người có mắt xanh chiêu hiền đãi sĩ - Ảnh 3.

Bút tích đề tặng của cô dâu Tôn Nữ Thị Ninh - Ảnh tư liệu

Quả thật, sự tận tụy trong công việc chuyên môn, cũng như những ứng xử tốt trong giao tiếp ngoại giao của bà Ninh ở Ban đối ngoại rất được đồng nghiệp quý trọng và đánh giá cao.

Ông Xuân Thủy khi chuyển sang làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Tổng thư ký và Phó Chủ tịch Quốc hội, đã phân công bà Tôn Nữ Thị Ninh làm ngoại giao. Công chúng trong và ngoài nước có cơ hội biết đến một nhà ngoại giao xuất sắc Tôn Nữ Thị Ninh.

"Madame Bình" ở Hội nghị Paris

Những năm 1968-1972, tại các cuộc họp báo hội nghị bốn bên ở Paris, một phụ nữ Việt Nam đã chính thức bước vào lịch sử ngoại giao quốc tế với phong cách lịch lãm và duyên dáng, được giới truyền thông đặt biệt hiệu là "Madame Bình", đại diện của Cộng hòa miền Nam Việt Nam - một trong bốn bên tham gia Hội nghị và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định.

Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Xuân Thủy và trưởng đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình tại Hội nghị Paris - Ảnh tư liệu

Ông Xuân Thủy đã có một số lần gặp gỡ, làm việc với bà khi bà công tác tại Hội Liên hiệp phụ nữ Trung ương. "Cha tôi đã nhận ra những tố chất ngoại giao và bản lĩnh chính trị ở bà Bình", con gái nhà ngoại giao Xuân Thủy nhớ lại.

Trong cuốn sách "Chân dung năm cố bộ trưởng ngoại giao" (NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2006), nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình viết: "Thoạt đầu, tôi chưa hiểu vì sao mình được chọn làm trưởng đoàn trù bị của mặt trận đi dự Hội nghị bốn bên tại Paris, sau đó là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời. Sau này, tôi mới biết là do sáng kiến của đồng chí Xuân Thủy, người có nhiều kinh nghiệm đấu tranh trong hoạt động đối ngoại, với sự đồng tình của vị lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Giải phóng, Bộ Chính trị và được chấp thuận.

Trong cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt giữa một dân tộc nhỏ chống một đế quốc lớn mà dẫn đầu phái đoàn đàm phán là mọt nữ đại biểu thì vừa gây sự chú ý, vừa tranh thủ được thiện cảm của dư luận thế giới, tạo thêm thuận lợi cho hoạt động đối ngoại".

Thư ký riêng của Chủ nhiệm báo Cứu Quốc

Ca khúc nổi tiếng vẫn vang lên mỗi dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 mang tên "Mười chín tháng Tám" gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Xuân Oanh.

Ít ai biết nhạc sĩ Xuân Oanh không những có tài thơ, ca, nhạc, họa mà còn có khả năng thiên bẩm về ngoại ngữ - ông chỉ tự học mà thông thạo tới 7 ngoại ngữ. Nhờ thế mà chàng thanh niên đa tài Xuân Oanh đã "lọt mắt" chủ nhiệm báo Cứu quốc Xuân Thủy và được ông chọn về làm thư ký riêng.

Suốt những năm kháng chiến chống Pháp, Xuân Oanh không những là một thư ký giỏi mà còn được ông Xuân Thủy hết lòng động viên, bồi dưỡng thành một nhà báo có uy tín. Ông cũng là thành viên Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà ông Xuân Thủy là Trưởng đoàn tại Hội nghị Paris.

"Thời trẻ ông Xuân Oanh là một thanh niên trông rất ‘fanh-tê-ri’ với phong cách tự do phương Tây, nghệ sĩ phóng khoáng, nhưng cha tôi đã sớm nhìn thấy ở ông những phẩm chất nổi trội như thông minh, tháo vát, tận tâm, đã tin tưởng giao cho ông ấy chủ động trong nhiều việc", bà Tuyết kể.

Từ khóa » Tôn Nữ Thị Ninh Nói Tiếng Anh