Người Dân đóng Cọc Tre Chống Sạt Lở Bờ Biển - VnExpress

Những ngày này, ông Nguyễn Tiến Hồng, 68 tuổi, thôn Hà Lộc (xã Tam Tiến) bận rộn với việc đóng cọc tre xuống bờ biển. Dãy cọc được ông đóng san sát xuống nền cát, rồi trải bạt lên trên và đổ đất đá tạo thành bức tường chống sạt lở.

Ông Nguyễn Tiến Hồng đang chặt tre đóng cọc chống sạt lở. Ảnh: Đắc Thành.

Ông Nguyễn Tiến Hồng đang chặt tre đóng cọc chống sạt lở. Ảnh: Đắc Thành.

Gia đình ông Hồng sinh sống nhiều đời bên bãi biển Hà Lộc. Hàng năm, vào mùa mưa bão, ông chứng kiến sóng dâng cao đánh vào bờ gây sạt lở nhưng chỉ vài mét. Tuy nhiên, cuối năm 2020, những trận bão liên tiếp đã khiến 50 m đất dọc bờ biển của gia đình ông Hồng xói lở, nước biển xâm thực gần 10 m và tạo thành hàm ếch cao 3 m. Ngôi nhà của ông nằm chênh vênh bên bờ cát hướng ra biển.

"Tôi mua 250 cây tre, giá mỗi cây 50.000 đồng, rồi thuê người đốn mỗi cây tre thành từng đoạn 3 m, vót nhọn và dùng búa đóng xuống nền cát", ông Hồng nói và cho hay gần một tuần qua ông đóng được 200 cây, tạo thành bờ kè dài 40 m.

Sống trong cảnh "sóng vỗ bờ, sạt lở diễn ra hàng ngày", ông Hồng chia sẻ nếu không dựng tạm bức tường cọc tre thì "chỉ một đợt sóng vỗ vào sẽ đánh bay ngôi nhà cấp bốn, hết nơi sinh sống".

Nhiều ngôi nhà bị sạt lở, cuốn trôi ra biển. Ảnh: Đắc Thành.

Nhiều ngôi nhà bị sạt lở, cuốn trôi ra biển. Ảnh: Đắc Thành.

Cách nhà ông Hồng 50 m, bãi biển trước căn nhà của bà Bùi Thị Ngọ, 45 tuổi (thôn Hà Lộc) cũng bị nước biển xâm thực 4 m. Trong cơn bão Molave cuối tháng 10/2020, hiên nhà của bà Ngọ đã bị sập đổ, cuốn trôi ra biển, hiện ngôi nhà của gia đình nằm chênh vênh bên bờ cát sâu 4 m.

Những ngày qua, bà Ngọ thuê xe tải chở đất đá về đổ xuống để gia cố bờ cát, nhưng vẫn thấy lo lắng nên 5 người trong gia đình bà đã sơ tán đến ở nhờ người thân

"Ở nhờ trong căn nhà 50 m2 rất chật chội, nhưng chúng tôi không dám về chỗ cũ vì chỉ một đợt sóng cao tấp vào bờ thì ngôi nhà sẽ sập đổ", bà Ngọ nói. Chung cảnh ngộ, nhiều gia đình khác ở thôn Hà Lộc vừa phải lo đóng cọc tre, đổ đất đá đắp tường ngăn sóng biển, vừa tìm kiếm chỗ ở mới để tạm di dời.

Theo bà Ngọ, bãi biển thôn Hà Lộc là chợ cá bãi ngang lớn nhất tỉnh Quảng Nam. Vào mùa hè, hàng trăm tàu thuyền cập bờ chở hải sản vào đây bán, tuy nhiên gần đây những tuyến đường xuống biển bị sóng cuốn trôi nên người dân rất vất vả mỗi khi gánh cá từ bãi biển lên.

Người dân đóng cọc, dựng tấm lợp Fibro xi măng ngăn sóng biển đánh vào. Ảnh: Đắc Thành.

Người dân đóng cọc, dựng tấm lợp Fibro xi măng ngăn sóng biển đánh vào. Ảnh: Đắc Thành.

Ông Nguyễn Xuân Huy, Phó chủ tịch xã Tam Tiến, cho biết mưa bão trong năm 2020 đã gây sạt lở hơn một km bờ biển tại địa phương, cuốn trôi rừng phòng hộ.

"Chúng tôi đang làm một con đường giúp người dân đưa cá lên bờ, song nếu có mưa bão thì con đường này lại bị xoá sổ. Chính quyền xã mong muốn huyện, tỉnh hỗ trợ xây dựng một tuyến kè kiên cố giúp người dân ổn định cuộc sống", ông Huy nói.

Quảng Nam có đường bờ biển 125 km, những đợt mưa bão liên tiếp cuối năm 2020 gây bị sạt lở gần 3 km. Ngoài thôn Hà Lộc, bãi biển TP Hội An cũng bị sạt lở nghiêm trọng.

Bờ biển thôn Hà Lộc sạt lở Bờ biển thôn Hà Lộc sạt lở

Sạt lở bãi biển thôn Lộc Hà. Video: Đắc Thành

Đắc Thành

Từ khóa » đóng Cọc Tre Chống Sạt Lở