Người đầu Tiên Dịch "Những Người Khốn Khổ" Ra Tiếng Việt

Người đầu tiên dịch  "Những người khốn khổ" ra tiếng Việt

Đã 86 năm (1936 - 2022) kể từ ngày học giả, nhà báo, nhà văn, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh đi vào cõi vĩnh hằng, song hậu thế vẫn luôn ghi nhớ ông chính là người Việt Nam đầu tiên dịch gần 30 tác phẩm văn học, triết học, khoa học, chính trị học của các tác giả lớn của Pháp và thế giới ra tiếng Việt. Trong đó, có tiểu thuyết nổi tiếng Les Misérables (Những người khốn khổ) của đại văn hào Victor Hugo (1802 - 1885).

Les Misérables - Đỉnh cao của văn học lãng mạn chủ nghĩa

Les Misérables, được xuất bản năm 1862, là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Victor Hugo và cũng là một trong những đại diện đỉnh cao nhất của văn học lãng mạn chủ nghĩa. Chính Victor Hugo cũng đã viết cho người biên tập rằng: “Tôi có niềm tin rằng đây sẽ là một trong những tác phẩm đỉnh cao, nếu không nói là tác phẩm lớn nhất, trong sự nghiệp cầm bút của mình”.

Les Misérables là câu chuyện về xã hội nước Pháp trong khoảng hơn 20 năm đầu thế kỷ 19 kể từ thời điểm Napoléon I lên ngôi và vài thập niên sau đó. Nhân vật chính của tiểu thuyết là Jean Valjean, một cựu tù khổ sai tìm cách chuộc lại những lỗi lầm gây ra thời trai trẻ nhưng lại không thể thoát khỏi quá khứ của mình. Tiểu thuyết nổi tiếng này là tiếng nói nhân đạo sâu sắc trong bức tranh hiện thực mà tác giả dành cho những kiếp người cùng cực dưới đáy xã hội lúc bấy giờ. Độc giả sẽ trải qua những cung bậc cảm xúc khó quên: lúc bi ai, đồng cảm khi thấy cô bé Cosetter bị đối xử quá tệ hại, lúc vui sướng vỡ òa cho số phận của Cosette, của Jean Vanljean sau này hay phẫn nộ trước sự độc ác, thô bạo, toan tính và hám lợi mất nhân tính của gia đình Thénardier...

Les Misérables là tiểu thuyết mang tính hiện thực, sử thi, có tầm bao quát xã hội và cũng là bài ca về tình yêu. Không chỉ miêu tả thế giới của những con người nghèo khổ một cách chân thực, tác phẩm còn khắc họa sinh động những sự kiện lịch sử quan trọng của nước Pháp, lột tả những xung đột lớn lao bên trong tâm hồn con người, giữa cái Thiện và cái Ác, giữa sự tôn trọng luật pháp và tôn trọng đạo lý làm người... Tác phẩm thể hiện rõ nét những tư tưởng, quan điểm của Victor Hugo về sự phục thiện của con người sau những tội lỗi, về sự khao khát tự do, tinh thần dân chủ, mong ước về một cuộc sống công bằng xã hội.

Les Misérables được dịch ra tiếng Việt như thế nào?

Theo Văn thi sĩ tiền chiến của nhà thơ Nguyễn Vỹ (Nhà sách Khai trí, Sài Gòn), sự nghiệp lớn lao nhất của nhà báo, học giả, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh là dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du ra Pháp văn (dịch và chú giải) và dịch tiểu thuyết Les Misérables của Victor Hugo ra Việt văn. Ảnh hưởng và uy tín của Nguyễn Văn Vĩnh mạnh mẽ nhất trong giới trí thức Việt và Pháp thời bấy giờ là nhờ hai bộ sách dịch này.

Nguyễn Văn Vĩnh dịch Les Misérables rất công phu. Ông hãnh diện với công trình này nhiều hơn với bản dịch truyện Kiều. Ông cho rằng, dịch chữ quốc ngữ ra tiếng Pháp dễ hơn dịch tiếng Pháp ra chữ quốc ngữ. Nhiều khi ông mất hằng nửa tiếng đồng hồ để tìm ra một câu Việt diễn tả đúng với câu Pháp văn của Victor Hugo. Những lúc dịch được, ông khoái lắm. Có những lúc ông không thỏa mãn, đành dịch gượng bằng một câu dài thòng hoặc một câu ngắn ngủn.

Les Misérables khi lần đầu tiên được nhà Trung Bắc Tân Văn ở Hà Nội xuất bản năm 1925, in song ngữ dài 10 tập khoảng 3.000 trang, có tên tiếng Việt là Những kẻ khốn nạn. Cái tên này từng khiến Nguyễn Văn Vĩnh không khỏi trăn trở. Nhà thơ Nguyễn Vỹ, trong cuốn Văn thi sĩ tiền chiến, kể lại rằng: Một hôm, ông (Nguyễn Văn Vĩnh - NV) ngồi uống trà với hai thằng trẻ: Nguyễn Nhược Pháp, con ông, và tôi (Nguyễn Vỹ - NV). Trong câu chuyện về sách dịch, tôi nửa muốn học hỏi, nửa muốn bắt bí ông chơi, tôi bảo:

- Thưa cụ, nếu bây giờ phải tái bản bộ sách dịch Les Misérables, cụ có sửa lại cái tên sách không?

- Sao lại phải sửa?

- Thưa cụ, tên sách Những kẻ khốn nạn, sợ có nhiều độc giả hiểu lầm.

Nguyễn Nhược Pháp mím môi cười, và gật đầu đồng ý với tôi. Cụ Vĩnh cũng cười, khôi hài:

- Le misérable, c’est Victor Hugo! (Kẻ khốn nạn chính là Victor Hugo!).

Cụ cười hà hà, rồi nói tiếp, cũng bằng tiếng Pháp:

- Il a inventé ce mot misérable, qui m’a donné de bien gros fils à retordre... Oui...! J’ai été très embêté en cherchant un mot annamite éqnivalent pour le traduire. Enfin, j’ai adopté “Những kẻ khốn nạn”, faute de mieux. (Ông ta đặt ra chữ khốn nạn ấy, làm cho tôi bối rối như tơ vò... Thật thế! Tôi rất bực mình khi tìm một từ tiếng Việt tương đương để dịch chữ Misérables. Sau cùng tôi đành dùng chữ “Những kẻ khốn nạn”, không tìm được chữ nào hay hơn).

Nguyễn Nhược Pháp mím môi bảo:

- Giá thầy (Nguyễn Nhược Pháp gọi cha là thầy - NV) dùng chữ “Những kẻ khốn khổ” thì thầy đỡ bực mình.

Cụ Vĩnh lại cười, ngó đứa con trai:

- Ah, maintenant, le misérable, c’est toi! Tu ne m’as dit ca avant!

(À, bây giờ Kẻ khốn nạn là mày! Sao trước kia mày không nói cái đó với tao?)

Pháp phớt tỉnh trả lời:

- Con được đọc bộ dịch Les Misérables của thầy 3 ngày sau khi xuất bản!

Sau cùng, ông Nguyễn Văn Vĩnh nhìn nhận rằng: nên để “Những kẻ khốn khổ” hay là “Những kẻ khốn cùng” thì đúng hơn. Cụ cũng không hiểu tại sao cụ không dùng chữ “khốn khổ”.

Nhà thơ Nguyễn Vỹ còn cung cấp một thông tin khá thú vị về việc dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh đã “trả công” cho ông và Nguyễn Nhược Pháp vì đã tìm ra từ “khốn khổ” (thay cho “khốn nạn”) như sau: “Cụ muốn lấy rượu đãi cho hai thằng bé con ranh mãnh nhưng chúng tôi không biết uống rượu. Nguyễn Nhược Pháp chìa tay xin “thầy” tiền đủ hai vé xi-nê. Cụ Vĩnh móc túi quần, không có tiền, chạy vào nhà trong, hỏi bà cụ và đem ra cho chúng tôi 20 đồng”.

“Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ quốc ngữ”.

Không chỉ là người đặt nền móng cho ngành dịch thuật và là một dịch giả gạo cội, theo các nhà nghiên cứu, Nguyễn Văn Vĩnh còn có vai trò quan trọng trong công cuộc khai dân trí và truyền bá quốc ngữ. Ông là chủ bút các báo đầu tiên dùng chữ quốc ngữ như tờ Lục tỉnh tân văn, Đăng cổ tùng báo, Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn và tờ Học báo. Cùng với các đồng sự thông thái của mình như Phạm Duy Tốn, Phan Kế Bính, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Đỗ Mục, Dương Bá Trạc... ông tạo ra những cuốn sách in bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở Bắc Kỳ và bằng mọi cách đưa được cái chữ dễ học này đến người dân bằng con đường báo chí và xuất bản. Nguyễn Văn Vĩnh đã nói một câu bất hủ, thường in ở các bìa sách do ông xuất bản: “Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ quốc ngữ”.

Cuối đời, do vỡ nợ, Nguyễn Văn Vĩnh phải đi sang Lào đào vàng và chết vì một cơn sốt rét ác tính, trong một chiếc thuyền độc mộc, trên dòng sông Sêbăngghi, với một chiếc quản bút trong tay, khi đang viết dở thiên ký sự bằng Pháp văn đăng tải trên báo L’Annam nouveau: “Một tháng với những người tìm vàng” (Un mois avec des chercheurs d’or), ở tuổi 54. Quan tài của cụ Nguyễn Văn Vĩnh được đưa xe lửa từ Lào về đến ga Thường Tín, phía Nam Hà Nội. Tất cả các giới sĩ, nông, công, thương ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đều kéo nhau đi đón rước linh cữu của bậc văn hào. Họ sắp hàng tư, hàng năm, có đến mấy chục ngàn người, đi bộ gần cây số. Khi linh cữu đến ga Hàng Cỏ - Hà Nội, cả một biển người im lặng, ai nấy đều cúi đầu, rưng rưng nước mắt. Tang lễ của Nguyễn Văn Vĩnh được cử hành trong 3 ngày, từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 5 năm 1936. Tại buổi lễ tang, đông đảo giới báo chí của cả ba kỳ đã đến tiễn đưa ông dưới dòng chữ: “Kính viếng Ông tổ của nghề báo”.

V.T

Từ khóa » Những Người Khốn Khó