Người đi Bắt "ma Lai" ở Nhiều Buôn Làng - Công An Nhân Dân

Sau hành trình hơn 80 cây số từ TP Tuy Hòa ngược lên trung tâm xã Sơn Phước, huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, chúng tôi tiếp tục vượt qua những con dốc chênh vênh bên những triền đồi dẫn về buôn Tân Hiên khi ánh ngày vừa tắt.

Ngồi bên bếp lửa bập bùng trên sân đất bên cạnh những ngôi nhà sàn, nghe già làng Ma Tul kể về chuyện Đại úy Lê Văn Dỏn - Đội phó Cảnh sát phụ trách xã của Công an huyện Sơn Hòa vất vả ngày đêm bám buôn làng, đẩy lùi những tập tục lạc hậu khiến cho đồng bào thật sự cảm phục, tin yêu và quý mến.

Cũng như nhiều buôn làng khác ở miền núi Phú Yên, mặc dù kinh tế - xã hội ở buôn Tân Hiên đã có những nét đổi mới và phát triển, nhưng trong đời sống thường nhật của người dân vẫn còn tiềm ẩn một số tập tục lạc hậu như nghi kỵ "ma lai", cầm đồ thuốc độc, cúng tế thần linh để chữa bệnh…

Chính vì vậy khi được phân công đảm nhiệm công tác an ninh trật tự ở xã Sơn Phước, Đại uý Lê Văn Dỏn đã phải đối mặt với không ít khó khăn. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm thực tế sau gần 20 năm công tác ở địa bàn miền núi Sơn Hòa, hơn nữa anh cũng là người con của buôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện miền núi Đồng Xuân, rất thông thạo tiếng và những phong tục tập quán của đồng bào Chăm H'Roi nên rất dễ tiếp cận người dân để nắm bắt kịp thời tâm tư tình cảm và những vụ việc phát sinh trong đời sống ở buôn làng.

Cách đây vài tháng, bà Mí Khóc lâm bệnh nhiều ngày đêm, người thân đã lặn lội vào tận rừng sâu tìm những nắm thuốc lá và rễ cây đưa về nấu, nhưng bệnh trạng của bà không giảm. Nghĩ tới lời đe dọa của Ma Nữ, bà Mí Khóc nghi ngờ Ma Nữ là hiện thân của "ma lai" gây cho bà đau ốm. Ma Nữ và dòng họ của ông phản ứng quyết liệt.

Giữa lúc hai bên dòng họ của Mí Khóc và Ma Nữ đều tỏ thái độ căng thẳng, quyết liệt để loại trừ lẫn nhau chỉ vì nghi kỵ "ma lai", Đại úy Lê Văn Dỏn đi xe máy về buôn Tân Hiên gặp già làng tìm hiểu nguyên nhân vụ việc, rồi trực tiếp trao đổi với ông Nguyễn Văn Tý - Chủ tịch UBND, Ma Phim - Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc và Trưởng Công an xã Sơn Phước Sô Quốc Hùng, tìm giải pháp đấu tranh mềm dẻo để ngăn chặn hậu quả xấu có thể xảy ra.

Sau nhiều giờ nghe thuyết phục giải thích... già làng Ma Tul mới thuận tình gọi người đưa Mi Khóc theo Đại úy Dỏn xuống Bệnh viện huyện Sơn Hòa. Một tuần sau khi được các y, bác sĩ cứu chữa, Mí Khóc trở về buôn làng sinh hoạt, lao động bình thường, nên từ đó đồng bào ở Tân Hiên thêm tin yêu, quý mến Đại uý Dỏn và coi anh như đứa con của buôn làng.

Không chỉ ở Tân Hiên, mà 5 năm qua Đại úy Lê Văn Dỏn cùng đồng sự đã đấu tranh ngăn chặn hơn 10 vụ việc nghi kỵ ma lai, cầm đồ thuốc độc ở nhiều thôn, buôn khác. Ngoài ra, anh cũng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các xã trong huyện Sơn Hòa chủ động hoà giải 45 vụ việc mâu thuẫn khác, góp phần mang lại bình yên cho những buôn làng.

5 năm liền Đại úy Lê Văn Dỏn được công nhận là chiến sĩ giỏi và là chiến sĩ thi đua cơ sở, được Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên tặng nhiều giấy khen

Từ khóa » Những Người đi Bắt Ma