Người Dưng - Báo Đà Nẵng điện Tử

Tịnh ngồi bệt xuống sàn nhà tắm, mắt mờ đi vì đầu ong ong nhức buốt. Cơn đau có màu mệt mỏi, lan tím tái toàn thân, khi những suy nghĩ cứ đua nhau quẫy lên như một bầy cá mắc lưới. Bên ngoài, không nghe tiếng con Tịnh khóc. Chỉ có lặng im trải ra mênh mông, với tiếng nước nhểu tong tong từ cái vòi không vặn sát được, đối lập với sự ồn ào trong đầu Tịnh.

Tịnh tưởng con khóc. Khi cô nạt ngang nó, trong bữa cơm nó bưng cái mặt chù ụ đòi ăn canh rau. Đứa nhỏ không phải loại đòi hỏi, Tịnh cũng đâu phải người mẹ cộc cằn. Cơn giận chỉ bùng lên, bởi vì giai đoạn này có ăn đã là hên lắm rồi. Đợt giãn cách kéo dài lâu hơn, tất cả mọi người trong chung cư ở yên một chỗ, các cửa hàng và siêu thị quá tải không nhận giao hàng nữa. Rau cải thành hàng hiếm…

Chén cơm đã văng vô tường, bể đôi, hạt trắng tung tóe như một sự bùng nổ. Tịnh nhẩm tiền để dành không đủ cầm cự lâu, mà lương tháng công ty nấn ná hoài chưa có. Cái hẹn thanh toán cứ dài ra, như ngọn dây leo xanh tốt vươn thân mỗi ngày. Đã bị giảm lương mà còn vậy. Thịt cá ê hề đó, chỉ không rau, không chịu được một vài bữa sao? Vậy là Tịnh thấy đầu mình bốc cháy.

Tiếng chuông điện thoại vang lên, Tịnh giật mình chụp lấy. Hy vọng sếp gọi báo chuyển lương. Không, số con Út Giàu. Tịnh bực bội tắt đi. Hôm qua đã chửi một chặp mà nó vẫn lì lợm gọi. Người gì đâu cứng đầu, ai cần nó quan tâm tới chớ.

Tịnh bực bội đứng dậy, nghiến răng bước ra cửa, tiếng điện thoại vừa tắt thì tiếng gõ cửa vang lên. Cẩn thận đeo khẩu trang, mở cửa chẳng thấy ai. Định chửi thề một tiếng cho xì bớt cơn bực, chân Tịnh chợt chạm phải thứ gì mềm mềm. Túi nilon ai đó để dưới cửa. Cô cầm lên coi, lớp bọc trong suốt hiện bên trong mớ rau muống và mấy con khô cá lóc.

Có lẽ gió từ ngoài trời thổi vô làm nguội bớt cơn nóng trong Tịnh. Cũng phải, đóng cửa suốt ngày cái quạt máy cũng khè ra lửa nói chi người ngột ngạt. Hay sự non nhuốt của bó rau thấm vô tay làm lòng cũng lây cái mơn mởn xanh, khi Tịnh nhẹ nhẹ vò vò mấy cái lá cho mùi mủ rau bốc lên? Chắc của con nhỏ dãy dưới cho. Lần trước nó cũng cho Tịnh chục trứng vịt bằng cách để ngoài cửa như vầy, kèm mảnh giấy nhắn. Có thân thiết gì đâu mà cho hoài, chắc nó thương cảnh mẹ con Tịnh đơn chiếc. Cắn nhẹ răng cố nuốt mặc cảm, Tịnh bước trở vô, chuẩn bị lặt rau nấu miếng canh cho con. Chắc khóc thầm xong nó đói dữ rồi.

***

Tịnh bước xuống lầu, thắc mắc ai gửi đồ cho mình. Cô nhớ không đặt gì hết. À, có đặt mớ rau cải, nhưng bị hủy đơn hết rồi còn đâu. Thôi thì, dù khó chịu bởi không báo trước, nhưng biết đâu người ta đổi ý chịu giao rau.

Tịnh thấy bóng lưng người đàn ông quen thuộc hiện nơi đáy mắt. Như một hòn đá chạm mặt ao bắt đầu lan sóng, rồi cồn lên rung động, những ký ức ùa về. Người từng gọi cô là vợ, ba của con cô. Cô đã quên cả hai vẫn ở chung tòa nhà này, chỉ nghĩa tình là dứt. Có mấy khi thấy anh qua hỏi han con đâu, đứa nhỏ cũng quen chuyện thiếu mùi cha từ sớm nên coi anh như không tồn tại. Nhìn anh ốm đi hẳn. Tịnh cười cợt mình, giờ còn hơi sức đâu quan tâm người dưng. Ừ, giữa cô với anh, còn gì ngoài hai chữ người dưng.

Tịnh lướt ngang anh, không chào. Cô dồn hết quan tâm vào thùng hàng nặng trĩu, dán miếng giấy ghi chữ xấu hoắc sai chính tả “cẳn thặng đồ dễ bể (cẩn thận đồ dễ bể)”. Ai gửi đây ta, không phải trả tiền hàng hay phí giao gì hết. Tịnh đem về nhà, khui ra.

Trời ơi quá trời là đồ. Những đám rau rễ còn nồng mùi đất, nào cải trời, nào dền nào muống, nào bắp cải, nào củ sắn…, được gói cẩn thận bằng giấy báo và tập học sinh. Tịnh muốn úp mặt vô chúng mà hít hà, mót một chút quê. Con mèo nhà Tịnh thiếu cỏ đánh hơi mùi thảo mộc bò ra, len lén nhai mấy cọng sả ló đầu khỏi giấy gói. Cô xua xua mà nó kiên quyết bám, nên để riêng cho nó cây sả. Nhai hết luôn đi cho vừa bụng mày, Tịnh bật cười nhìn con mèo ngấu nghiến. Cô quay lại điểm coi còn gì. Có mớ khô, cả mấy chai nước mắm nhĩ. Mấy chục hột vịt hột gà dính lông, rơm rạ và còn ấm như mới lấy từ ổ đang ấp. Còn thịt heo nữa. Khoai dính đầy đất cát lả tả rơi, như người đào cũng vội. Nguyên nải chuối còn đang rỉ mủ. Ai sợ mẹ con cô chết đói mà gửi cả đống vầy?

À, con Út Giàu. Tịnh vuốt vuốt mép tờ giấy học sinh gói rau, thấy ghi tên thằng con trai Út Giàu. Chắc hết giấy nên nó xé luôn tập cũ của thằng nhỏ. Ơi là trời. Đã nói đừng gửi gì, con nhỏ này lì thiệt. Tịnh không muốn nhận sự thương hại của ai, nhất là nó.

Con Tịnh bước ra, thấy mớ rau mừng húm. Mắt nó hấp háy sáng lên, nghĩ tới những bữa cơm có canh rau không còn khô ran nuốt đau cuống họng nữa. Tịnh nhìn con, thở dài, thôi mình nhận vậy. Mai gọi cảm ơn Út Giàu. Tịnh phải sơ chế hết đám rau này cất vô tủ lạnh để giữ được lâu. Xong xuôi chắc cô đi ngủ một giấc. Cơn mệt lút ngút chân tóc, người cô óc ách mệt. Phải ngủ thôi, dậy rồi tính tiếp.

***

Tịnh biết những giấc mơ sẽ luôn kéo ký ức về. Thân xác cô ngủ, còn đầu thì thức. Thức với những quá khứ, luôn là vậy. Về anh, cái người dưng đáng ghét.

Thật lạ lùng cuộc đời, hai kẻ xa lạ đến gần nhau, yêu thương nhau rồi lại trở về xa lạ. Tịnh từng đau đớn thốt lên hỏi ông trời, nếu đã định dang dở thì còn đưa hai người đến với nhau làm gì? Tác hợp chi mối tình này, như thứ cây trồng vừa đơm trái là chết héo chẳng kịp chín.

Nghe đâu anh có người mới rồi. Tịnh thì chọn một mình nuôi con. Cô nhìn đâu cũng thấy những bóng đen lảng vảng quanh những người đàn ông ngỏ ý với cô. Cả nỗi sợ. Tịnh nhớ tới ba dượng, người luôn nhìn cô thù ghét bởi cô là con riêng của mẹ. Cô sợ con mình cũng gặp cảnh như vậy, chịu thiệt thòi bởi người dưng không máu mủ.

Nhắc người dưng, còn một người dưng khác khiến Tịnh mệt cả người lẫn tim. Ôi đời cô khổ vì những người dưng. Còn ai vô đây ngoài Út Giàu.

Người đàn bà đó hết sức lạ lùng. Tịnh tưởng nó là thứ cành giâm khát đất, chỉ cần chạm ẩm là riết róng nảy mầm. Nó tìm tới nhà cô, trong bộ dạng của con chó con xác xơ lạc bầy khát sữa, mong tìm lại mẹ ruột mình. Nhận ra mẹ cô không phải tia hy vọng nó cần tìm, nó chua chát quay về. Bữa đó, nó nhìn hai mẹ con cô thèm thuồng, buột miệng kể lần này là lần đi tìm cuối cùng. Đôi vai nó buông thõng, như đã không thể chịu nổi sức nặng vừa nuôi bầy con, vừa bôn ba tìm mẹ. Mẹ cô thấy thương, nhận làm con nuôi, kêu rảnh tới chơi. Nhận danh nghĩa vậy thôi, có nuôi nó được ngày nào, vậy mà nó cứ một má hai má, cứ theo cô kêu chế Hai ơi hoài. Tưởng mẹ cô mất rồi nó sẽ rời đi, bởi thấy cô đối xử với nó như người dưng nước lã. Nhưng mà, nó đúng là thứ cành giâm kiên trì, có bị bứng rời đất vẫn cố vươn rễ bám ngược trở lại.

Trong những ký ức đan dày bằng mơ đó, Tịnh rỉ nước mắt.

***

Tịnh bối rối nhìn anh. Cũng nhờ có khẩu trang nên phần nào sự lúng túng của cô đã được che đậy. Tối qua đem mớ rau qua chia cho nhỏ tầng dưới coi như đáp lễ rau muống và khô cá lóc của nó, Tịnh nhận được câu trả lời chưng hửng, em đâu có cho chế mấy thứ đó. Cô chợt nhớ, có than với mấy bà hàng xóm con cô thiếu rau không chịu ăn cơm. Lúc đó, hình như anh ngang qua. Đúng rồi, anh có cầm bịch rau muống và khô cá. Câu trả lời vỡ ra lại mắc kẹt trong đầu. Ra anh còn nhớ đứa nhỏ mê khô cá lóc…

- Uhm, cảm ơn anh nhe. Nó khen khô ngon lắm. Em có mớ rau, đem qua chia anh - Tịnh đưa bịch rau, định xong là quay lưng đi luôn.

Chứ Tịnh còn biết nói gì nữa đây. Giữa cả hai cũng không còn gì để nấn níu.

- Ảnh ngại vậy đó, chị thông cảm. Thương con nhỏ lắm mà giả bộ hoài. - Cô gái ló đầu ra sau vai anh, đôi mắt cười rạng rỡ trả lời giùm người đàn ông đang tần ngần của mình.

Tịnh không nói gì, vẫy vẫy tay thay lời tạm biệt. Như có hòn đá từ vai lăn vô lòng cô, nặng trịch. Nó không ở lại đó, nó lăn đi, biến mất. Để lại cảm giác nhẹ hẫng tới trống rỗng, mất một lúc Tịnh mới biết đó gọi là bình yên. Cô gái đó là một người tốt, Tịnh biết. Cũng mừng cho anh. Mối bận tâm cuối cùng mà bấy lâu nay cô chối bỏ mọc cánh bay lên. Cô quay người lại nói với đôi vợ chồng chưa cưới:

- Hết dịch thì mời hai người qua nhà tui ăn cơm nhen!

***

Chần chừ hoài Tịnh cũng gọi cho Út Giàu. Tính cảm ơn một tiếng thôi, chứ không nói gì nhiều. Cũng có gì mà nói. Hai tiếng người dưng luôn tạo cho cô một khoảng cách vời vợi với nó.

- Chế Hai ơi, ổn hông, thiếu gì la một tiếng em gửi lên liền nhe. - Út Giàu rổn rảng, kiểu nói chuyện lớn tiếng tự nhiên như giống cây mọc dại, mà thân tình.

- Gửi hết rồi má con mày lấy cái gì ăn! - Tịnh giỡn chơi cho có chuyện để nói.

- Má bắt con ăn kho quẹt muốn chết, để dành đồ ăn gửi cho dì Hai. - Tiếng con trai Út Giàu chen ngang méc, lẫn giữa tiếng chửi của mẹ nó - Trời đất ơi thằng quỷ này, ai mượn mày khai! Chế Hai ơi đừng nghe nó nói bậy nhe!

Tịnh tắt điện thoại. Cô không thể nghe được gì nữa. Không dám nghe. Nước mắt cô nhểu giọt giọt. Nó rơi trong im lặng, tứ tung, bể ra, ướt đọng trên sàn. Rơi như một trận mưa, khi cô là đám mây đã bầm đen không thể kìm nén nổi thêm giây nào. Tịnh khuỵu xuống, bật khóc nức nở. Giàu ơi là Giàu, mày cần gì đối xử tốt với một người dưng tới vậy?

Tịnh thấy mình teo nhỏ lại. Thấy mình của ngày xưa, bưng cho ba dượng tô canh tự tay nấu, bị ông gạt phăng. Nước nóng bắn trúng tay còn thẹo tới giờ. Tịnh thấy cả mình ngày hôm qua, ôm anh môi siết môi trong tiếng chúc mừng của mọi người và nụ cười an tâm của mẹ. Rồi anh rời đi thản nhiên, bỏ lại Tịnh ôm đứa con đang khóc ngần ngật vì sốt.

Đôi vai Tịnh ấm lên. Cô ngỡ mẹ hiện về, ôm lấy mình. Không, con gái cô đang ôm lấy cô. Ở khoảng cách này, cô nhìn thấy cả từng sợi lông mi của nó. Nó giống cô như tạc. Và từ bao giờ, nó cũng sống lặng im như cô hồi xưa? Ít nói cười, ngoan ngoãn và cam chịu. Giống tới mức đáng sợ.

Tịnh nhói lên như có dao rọc tim làm hai. Trời ơi, nếu vậy sau này nó sẽ trở thành một Tịnh hoài nghi, xa cách với mọi người. Một Tịnh coi người dưng luôn là người dưng, không dám gần, không dám nhận. Tịnh vòng tay ôm chặt con, thật chặt. Cô hôn lên tóc, lên vai, lên trán, lên mi mắt. Đưa hai bàn tay ôm lấy cả khuôn mặt con, ân cần nâng lên, Tịnh cố cất đi tiếng thút thít:

- Hết dịch có muốn về nhà dì Út Giàu chơi không?

- Dạ muốn! - Con nhỏ reo lên sau một đỗi tròn xoe mắt. Đôi mắt vô tư, buông bỏ gánh nặng phải làm một đứa con nít hiểu chuyện.

Tịnh biết con mình quý Út Giàu. Ừ, cái con nhỏ xởi lởi đó, ai mà không quý. Tịnh lau lau nước mắt, cầm điện thoại lên, định gọi lại cho nó. Hồi nãy tắt máy ngang chắc nó cũng lo. Chà, Tịnh cắn lấy môi mình, không biết hai tiếng Út ơi gọi có gượng miệng quá không. Gượng cũng phải tập. Cái gì cũng tập nhiều thành quen. Kể cả những vết thương, phải tập chữa lành từng chút một.

Có tiếng gõ cửa. Tịnh đứng lên, đeo khẩu trang bước ra. Không biết ai tìm cô giờ này.

- Mai chung cư dỡ dây phong tỏa nên tui đi phát phiếu đi chợ trước cho mọi người. - Anh chàng dãy dưới đưa cho Tịnh tấm phiếu màu xanh. - Có phiếu mới đi chợ được nhe, nhớ coi đúng ngày, coi chừng bị phạt. Ưu tiên nhà có mèo nên phát trước.

Con mèo mập ú nhà Tịnh nghe có người nhắc ngoeo ngoeo trả lời. Tịnh bật cười, đó giờ chỉ nghe ưu tiên nhà có người già và con nít, ai đời lại ưu tiên nhà có mèo.

Anh chàng đưa tay vẫy vẫy con mèo, cười híp mắt:

- Hết dịch cho tui qua sờ ké nó miếng nha. Nhớ muốn chết.

Tịnh không kìm được tiếng cười, bật ra khúc khích, không ngờ con mèo mập nhà mình cũng có người hâm mộ cuồng nhiệt. Anh chàng ngại ngần đưa tay gãi gãi đầu.

- Nào cần đổi nước hay bưng bê gì nhớ kêu tui nhe! - Trước khi đi, anh chàng còn quay lại nói vớt. Đúng là Tịnh hay nhờ anh rinh nước từ tầng dưới lên. Nhưng mà…

- Chú đó xạo đó mẹ. Chú nói kiếm mèo chứ mỗi lần qua chơi thấy nhìn mẹ không hà. - Con của Tịnh ôm mèo lú đầu ra, mặt đăm chiêu như bà cụ non.

- Vô nhà liền! Mai mốt đeo khẩu trang rồi mới được ra nhe hông! - Tịnh không biết trả lời sao, mượn cớ la con cho đỡ lúng túng.

Nắng chiều rớt xuống trên vai Tịnh ấm hửng. Trời đã chuyển dần sang đỏ, sắp hoàng hôn. Ai nói hoàng hôn buồn, nhưng với Tịnh lúc này, nó là dấu hiệu của sự nghỉ ngơi. Một đêm dài sẽ đến, mang cho mọi người giấc ngủ ngon. Để rồi mai, bình minh mới sẽ hiện lên, người ta vươn vai dậy chuẩn bị cho một khởi đầu mới mà.

PHÁT DƯƠNG

Từ khóa » Chao Quá Dì út ơi