Người Giữ Hồn Tiếng đàn Cadong - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

Khi biết tôi muốn tìm gặp già Hồ Văn Dinh, Chủ tịch UBND xã Trà Bui (Bắc Trà My, Quảng Nam), ông Đinh Văn Xuân xuýt xoa: "Giá như các nhà báo nói sớm, sáng nay tôi nhờ người leo lên ngọn núi ấy mà nhắn với ông không vào rẫy nữa". Ông Xuân còn cho biết, phải mất nửa ngày băng rừng nhưng cơ hội gặp được già lại mỏng manh, bởi họa hoằn lắm mùa này ông mới có ở nhà. Dù vậy, tôi vẫn nhất quyết tìm bằng được già Dinh...

Chân dung người giữ lửa

Ra khỏi trụ sở xã Trà Bui, về thôn 4 đã có con đường mòn hẳn hoi tuy hơi gập ghềnh và phải băng qua nhiều con suối nhỏ. Dọc đường đi, gặp người nào tôi đều hỏi đến già Dinh. Có người tỏ ra phấn khởi pha chút tự hào vì có lẽ trong mắt họ, già Dinh đáng là bậc tiền bối trong các giai điệu của rừng. Song, không ít người nhìn tôi với vẻ ái ngại, có lẽ họ sợ cho đôi chân mang giày da của tôi không thể leo nổi những ngọn núi để đến nơi ở của già.

Theo tay chỉ của một tiều phu, căn nhà sàn của già Dinh hiện ra trước mắt nhưng nằm chót vót bên sườn một ngọn núi. Leo lên, trầy trật muốn bở hơi tai nhưng đến được thì nhà già Dinh lại vắng ngắt. Có lẽ, ông đã đi rẫy thật rồi. Gọi mãi mới có tiếng trả lời từ người em út của ông trong xó bếp. Tôi nhen nhóm hy vọng qua câu chào của bà: "Cán bộ tìm ông già à, ông vô rẫy từ hôm qua, sắp về rồi đấy".

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trưởng Ban Văn hóa xã Trà Bui cho biết: "Hiện tại, già Dinh có thể chơi được mười hai loại nhạc cụ khác nhau. Món nào cũng điêu luyện. Đặc biệt là tài đánh chiêng của ông thì khó tìm thấy người thứ hai ở vùng này. Ông thường tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống dân tộc khi địa phương tổ chức. Ông Dinh từng được mời đi lưu diễn ở tận TP Hồ Chí Minh...".

Mặt trời đã ngả qua phía núi, già Dinh mới trở về với gùi bắp nặng trĩu trên vai.

Già Dinh năm nay đã gần 70 tuổi, là một trong số ít người Cadong biết chơi và sản xuất được nhiều loại nhạc cụ truyền thống. Đặc biệt, ông được nhiều người biết đến bởi tài đánh chiêng trong các lễ hội.

Tôi nhớ lần được thưởng thức tài nghệ của ông trong đêm lễ hội văn hóa các dân tộc miền núi được tổ chức tại Phước Sơn gần đây. Đêm ấy, du khách say sưa với tiếng chiêng của ông và trong tiết mục biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống của đoàn Bắc Trà My. Dập dìu theo các điệu múa, tiếng chiêng lúc khoan lúc nhặt, lúc liên hồi thôi thúc, giục giã người vào hội.

Đưa mắt về những mảnh giấy khen đang nằm xộc xệch trên vách nhà, ông nói chậm rãi: "Huyện họ cũng khen mà tỉnh họ cũng khen, thỉnh thoảng cũng có người vô đây rồi bảo già đụng đến cái chiêng, khua lại cái ktốc. Hồi trước, mình đi biểu diễn nhiều, nhưng lâu nay bận rẫy, không thể đi đâu xa được". Già Dinh đặt bộ ấm chén lên sàn, khói thuốc phả trắng, mốc meo như màu râu. Ông hứa sẽ khảy một điệu bróh để đưa tiễn hoàng hôn nếu tôi ở lại.

Giai điệu của đại ngàn

Già Dinh lôi từ góc nhà chiếc đàn bróh đã sẫm màu và có mặt sau bóng nhẵn vì lâu ngày tựa vào da thịt người chơi. Ông đặt những ngón tay thô ráp lên dây đàn, so cung. Âm vực sâu lắng của tiếng bróh bắt đầu... Màu nắng cuối ngày như đỏ quạch, tiếng rừng rầm rì, đen thẫm... Bỗng, tiếng đàn ngừng bặt, ông giải thích: Người Cadong sử dụng nhạc cụ này để trải lòng mình với thiên nhiên. Tuy bróh có cấu tạo đơn giản (gần giống với đàn bầu) nhưng không dễ sử dụng. Nếu không có tâm hồn thì tiếng đàn trở nên lạc lõng, cô độc.

Khác với bróh, ktốc là một loại nhạc cụ rất đặc trưng của người Cadong. Thói quen của người đàn ông Cadong là mỗi sáng thức dậy, bên ấm trà và trong khói thuốc, bao giờ cũng có tiếng đàn ktốc giòn giã. Người chủ gia đình dùng tiếng đàn ktốc để báo thức cho mọi người thức dậy và chuẩn bị cho một ngày rẫy. Ngón nghề khảy ktốc của ông Dinh rất điêu luyện bởi loại nhạc cụ này đã gắn với ông hơn sáu mươi mùa rẫy. Có thể nói, những cung bậc tình cảm, những chiều kích của cuộc sống ông có thể thẩm thấu được mỗi khi say sưa với từng giai điệu ktốc.

Ngoài các loại nhạc cụ truyền thống của người Cadong, già Dinh có thể sử dụng được rất nhiều nhạc cụ của các dân tộc khác. Trong chiếc gùi ông vẫn thường mang đi rẫy, lúc nào cũng có các nhạc cụ gọn gàng như sáo, tiêu... Văn hoá của các dân tộc anh em, ông Dinh có vẻ rất am tường.

Khát vọng lưu truyền

Ông Nguyễn Sanh, con rể của già Dinh thường được cha mình chỉ dạy sử dụng và chế tác các loại nhạc cụ mỗi khi ông rỗi rãi. Theo ông Sanh, các loại nhạc cụ đặc trưng của người Cadong rất khó sử dụng và chế tác. Già Dinh là người rất khắt khe đối với người chơi trong yêu cầu về tiết tấu, giai điệu của các loại nhạc cụ này. Tuy nhiên, ông có một khát vọng là làm sao có thể lưu truyền những nét độc đáo của nhạc cụ Cadong cho các thế hệ con cháu.

Ông Sanh bảo, khi truyền dạy các loại nhạc cụ này, già Dinh thường dặn rằng: Đánh cái chiêng để nghe tiếng vọng của rừng núi. Thổi cái sáo cho vút tận trời xanh. Phải kéo đàn cho ma quỷ kinh hồn. Ông Sanh vẫn mày mò vì biết được tâm nguyện của già Dinh. Trong nhà, không còn nhiều người để ông Dinh truyền thụ những hiểu biết của mình. Mùa lễ hội, cả gia đình ông Dinh thường nghỉ rẫy để ăn mừng và tham gia múa hát. Theo ông Sanh, đó là cơ hội tốt để bảo tồn và học hỏi thêm những nét đặc trưng của dân tộc mình

Từ khóa » đàn Cadong