Người “góp Nhặt” Những Mảnh Ruộng Hoang - Trang Thông Tin điện ...

Những thửa ruộng bị bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm đã được nông dân Lê Ngọc Tất ở phố 5, phường Tào Xuyên, TP. Thanh Hóa “đánh thức” biến thành vườn cây trĩu quả.

Hai vợ chồng ông Tất ra đồng từ 4 giờ sáng để tránh nắng nóng. Những ngày này gia đình ông đang bận bịu thu hoạch ruộng lạc. 5 sào lạc của vợ chồng ông Tất sẽ cho sản lượng khoảng 7,5 tạ lạc tươi, với giá bán 30.000 đồng/1 kg, ông Tất sẽ thu về hơn 20 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, công chăm sóc, ông Tất sẽ còn lại khoảng 10 triệu đồng.

Nhiều người dân ở phố 5 gọi ông Tất là lão “gàn”, bởi khi khu công nghiệp về địa phương, người người, nhà nhà đi tìm việc làm mới tại các công ty, nhưng ông Tất lại không thế. Ông đến từng hộ dân có ruộng nhận xin lại để làm. Từ lúc chỉ có 1 - 2 đám ruộng ban đầu, giờ ông đã góp nhặt được hơn 10 thửa ruộng với diện tích khoảng hơn 2 ha để cải tạo thành cánh đồng trồng rau màu tập trung.

Theo ông Tất, việc cải tạo ruộng hoang ban đầu gặp nhiều khó khăn. Nhiều thửa ruộng bỏ lâu năm cỏ mọc um tùm, đất cằn dẫn đến việc cải tạo mất nhiều thời gian và chi phí phân tro. Gia đình đã phải đầu tư máy cắt cỏ, thuê người cắt cỏ, xới đất, đầu tư bạt để ủ cỏ tạo thành phân…

Sau nhiều lần cải tạo, đến nay những mảnh đất hoang trở nên màu mỡ, trồng cây nào cũng hợp, cho năng suất cao.

Những thửa ruộng vốn bị các gia đình bỏ hoang đang cho ông Tất nguồn thu nhập cao.

Để thuận lợi cho việc cách tác trên 2 ha đất nông nghiệp, ông Tất đã bàn với vợ mua máy bơm nước, kéo điện từ nhà ra để thắp sáng cho rau màu, đầu tư máy cày, máy kéo…

Theo ông, dù mất nhiều tiền cho việc mua sắm trang thiết bị phục vụ cho nông nghiệp, nhưng mỗi ngày nhìn công sức mình bỏ ra trở nên vườn xanh mướt, đơm hoa, kết trái, cho thu nhập… khiến ông có thêm động lực để làm.

Ông Tất sử dụng khoảng hơn 1 ha trồng các loại rau màu, mùa nào thức ấy như rau muống, rau ngót, mồng tơi, cà chua; khoảng 0,5 ha diện tích trồng các cây công nghiệp ngắn ngày như ngô, lạc, đậu; phần diện tích đất còn lại ông trồng cây ăn quả như bưởi da xanh, mít thái, na,…

Ông Tất cho biết, vào thời điểm rau đắt thương lái đến tận vườn để đặt mua hàng. Còn bình thường, vợ chồng ông chở lên chợ đầu mối rau quả thành phố Thanh Hóa để nhập.

Ông Tất bảo, được bà con tín nhiệm bầu giữ làm Chi hội trưởng Chi hội nông dân, bản thân mình xác định phải làm gương cho các hộ. Nhiều hộ thấy ông Tất yêu đồng, yêu ruộng, cũng không nỡ để ruộng hoang, cố gắng cấy lúa, trồng rau để chủ động hơn trong sinh hoạt.

Ngoài cây rau màu ông Tất còn trồng xen cây ăn quả như na, bưởi, mít...

Với cánh đồng hơn 2 ha, sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông thu về khoảng hơn 200 triệu đồng/năm. Theo ông Tất làm nông là nghề vất vả, thu nhập không cao, tuy nhiên là một người sinh ra và lớn lên bên cánh đồng, nhìn thấy những “bờ xôi ruộng mật” rơi vào cảnh hoang hóa khiến ông không khỏi nặng lòng.

Ông Lê Xuân Thành, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Tào Xuyên cho biết, nhiều năm nay nguồn lao động trẻ ly hương đi xa lập nghiệp hoặc xin làm công nhân ở khác khu công nghiệp, các cơ sở gói nem rất phổ biến, nên tình trạng đồng ruộng bị bỏ ruộng hoang có chiều hướng gia tăng. Ông Tất đã làm “lan tỏa” tình yêu ruộng đồng, nhiều hộ dân đã thấy được thu nhập từ cánh đồng của ông Tất, mà giảm dần việc bỏ ruộng hoang.

Từ khóa » Những Mảnh Ruộng Bỏ Hoang