Người "hiệp Sĩ" Chống Lại Cái Chết Trắng - Công An Nhân Dân

Ngày ấy, Lê Hùng lại vừa mới ra trường, còn trẻ, công việc ở phường bề bộn, nếu không có kinh nghiệm rất dễ lúng túng bởi những chuyện không đâu vào đâu. Hàng xóm láng giềng cãi vã, xô xát, họ gọi điện lên Công an phường.

Có khi nửa đêm, điện thoại réo vang, ngỡ "cháy nhà" đến nơi nhưng khi xuống hiện trường tìm hiểu mới hay anh chồng say rượu về nhà đòi quan hệ với vợ không được liền đuổi đánh…

Nhưng, nhớ nhất và ám ảnh Lê Hùng nhiều nhất là trường hợp gia đình N.Ng.M.. Khi ấy, về Thủ Thiêm nhận công tác chưa được bao lâu thì anh gặp ngay "ca khó": Cô gái N.Ng.M. được mẹ dắt lên phường, bức xúc trình báo việc M. bị chính cha đẻ mình là Nguyễn Văn Nở hãm hiếp nhiều lần. Biết Nở là đối tượng vừa mới thực hiện xong án phạt tù vì tội hiếp dâm, cướp của, Lê Hùng băn khoăn vì nếu Nở phạm tội đúng như lời cô con gái của y trình báo thì rất có thể đối mặt với án tử hình.

Sau này, đúng như Lê Hùng dự đoán, Nguyễn Văn Nở lãnh án tử hình. Chỉ có điều, Lê Hùng không thể ngờ, cái "đại gia đình" của tên tội phạm mà anh tham gia bắt ngay từ ngày đầu mới nhận công tác ấy còn "ám ảnh" không dứt đến cả chục năm sau.

Làm việc ở Công an phường Thủ Thiêm khoảng 1 năm, năm 1999, Lê Hùng được điều chuyển về Tổ phòng chống ma túy, thuộc Đội hình sự của quận (nay đổi thành Đội CSĐT tội phạm về ma túy, Công an quận 2). Năm 2009, anh tiếp tục "tái ngộ" Ng.M., nhưng khác rằng, nếu trước đó Ng.M. là nạn nhân thì hôm ấy, cô lại là tội phạm, bị bắt vì tội mua bán trái phép chất ma túy.

Tìm hiểu thêm về cô gái, Lê Hùng được biết, sau khi Ng.M. không còn ở chung với gia đình nữa, cô ra ngoài thuê trọ, hành nghề bán dâm, nghiện ma túy rồi tham gia buôn bán để có tiền hút xách. Ít lâu sau thì anh nghe tin Ng.M. chết trong trại tạm giam vì đã có HIV giai đoạn cuối. Trước đó, các anh trai của Ng.M. là Nguyễn Văn Đông cũng đã bị Lê Hùng cùng đồng đội bắt vì tội tiêu thụ đồ gian và Nguyễn Văn Tây bị bắt vì tội buôn bán ma túy.

Nghĩ lại chuyện cũ, Lê Hùng bảo rằng, sau này, những va chạm với cuộc sống cho anh hiểu rằng đó là bi kịch tất yếu của một gia đình thiếu "căn bản", thiếu tình thương, thiếu giáo dục.

Đáng tiếc là cho đến tận hôm nay vẫn còn rất nhiều người ngộ nhận về chất gây nghiện chết người này chỉ vì càng ngày chúng càng được chế biến và "núp" dưới nhiều hình thức, tên gọi khác nhau mà không phải ai cũng hiểu rằng đó chính là ma túy. Phổ biến gần đây nhất phải kể đến ma túy đá. Nếu đối tượng sử dụng loại này, kiểm tra theo phương pháp thông thường rất khó phát hiện.

Ngay nhiều người sử dụng cũng chỉ đơn thuần cho rằng đó là một chất kích thích, không gây nghiện như ma túy. Nhưng thực tế, tác hại của nó khôn lường.

Còn nhớ, cuối năm 2008, khi Chuyên án 908M bước vào giai đoạn "chạy nước rút", nhiều đối tượng bị "gom" về trụ sở đơn vị. Qua 7 ngày không ngủ, chúng vẫn tỉnh táo như thường nhờ có sử dụng ma túy đá. Thế nhưng, chỉ vừa hết thuốc là người rũ ra, không còn sức sống…

Được biết, song song với vai trò của một "chuyên gia" bất đắc dĩ về ma túy và phòng chống tội phạm về ma túy, Đại úy Lê Hùng còn là một trong những cán bộ, chiến sĩ luôn năng nổ trong các hoạt động phong trào của đơn vị, cũng như các tổ chức đoàn thể khác.

Thế nên, ngoài danh hiệu Chiến sĩ Công an trẻ tiêu biểu của thành phố cùng một loạt những giấy khen, bằng khen của Công an các cấp, anh còn được tặng khá nhiều phần thưởng, danh hiệu khác: Bằng khen của UBND TP HCM, "Người tốt việc tốt" của MTTQVN TP HCM, "Dân vận khéo" của Ban chấp hành Đảng bộ quận 2… Nhưng với Lê Hùng, cuộc sống bình yên của người dân thành phố mới là phần thưởng cao quý nhất

Từ khóa » Tiểu Sử Lẹ Què