Người Họa Sĩ Vẽ Huy Hiệu Đoàn Và Chân Dung Bác Hồ ... - Báo Yên Bái

Sinh ra trong một gia đình không có truyền thống hội họa, học hết PTTH, vì nhà nghèo không có tiền để tiếp tục theo học văn hóa, ông Thuận quyết định chuyển sang học nghề bằng cách thi vào Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định và đỗ đầu. Khi đang học năm thứ 3, ông lại "nhảy cóc" một năm để thi thẳng vào Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương rồi trở thành sinh viên xuất sắc thứ 2 trong trường.

Người vẽ huy hiệu Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh

Năm 1951, Đoàn Thanh niên được gọi với tên Đoàn Thanh niên Cứu quốc, rất cần thiết phải có huy hiệu với biểu trưng riêng để tỏ rõ tính tiên phong của Đoàn. Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận và họa sĩ Tôn Đức Lượng được tổ họa sĩ của Trung ương Đoàn giao trách nhiệm sáng tác mẫu Huy hiệu Đoàn.

Đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng với mục tiêu cao cả là phải truyền tải được tinh thần Đoàn Thanh niên Cứu quốc cũng như ý chí mạnh mẽ của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn lịch sử đặc biệt này nên đòi hỏi người nghệ sỹ sẽ phải sáng tác với tâm huyết cũng như tinh thần trách nhiệm rất cao.

Biểu tượng Đoàn thanh niên Cứu quốc – nay là Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Trong hai mẫu của hai họa sĩ đưa tới, Bác Hồ đã lựa chọn mẫu của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận làm huy hiệu chính thức của Đoàn thanh niên Cứu quốc.

Bác Hồ còn đề bên dưới bản vẽ của ông dòng chữ: "Huy hiệu Đoàn thanh niên là tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên, ý nghĩa của nó là thanh niên phải xung phong gương mẫu trong mọi lĩnh vực công tác, trong học tập, lao động và rèn luyện đạo đức cách mạng. Thanh niên phải thành một lực lượng to lớn và vững chắc trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, đồng thời phải vui vẻ, hoạt bát...".

Với tác phẩm Huy hiệu Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (TNCS HCM), họa sỹ Huỳnh Văn Thuận đã tạo một dấu ấn rõ nét của mình trong nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam.

Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận xúc động nhớ lại: "Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ một điều rất đơn giản và tâm huyết rằng lớp thanh niên đặc biệt là đoàn viên là những người tiên phong đi đầu cầm lá cờ đỏ sao vàng tiến lên dưới sự lãnh đạo vẻ vang của Đảng, của Đoàn . Học tập lao động và chiến đấu vì tổ quốc thân yêu. Từ ý tưởng ấy tôi chọn bàn tay cầm ngọn cờ phần phật tung bay trong tư thế sẵn sàng tiến bước”.

Người vẽ chân dung Bác Hồ trên đồng tiền Việt Nam

Hoạ sỹ là người vẽ chân dung Bác Hồ trên đồng tiền Việt Nam. Sau thành công của chiếc huy hiệu Đoàn TNCS, họa sỹ Huỳnh Văn Thuận lại nhận một nhiệm vụ bí mật đặc biệt quan trọng là cùng các họa sỹ Lê Phả, Bùi Trang Chước thành nhóm vẽ đồng tiền riêng của Việt Nam.

Trong điều kiện tuyệt đối bí mật, nhóm họa sỹ đã mất nhiều tháng khảo sát, nghiên cứu thật kỹ lưỡng, đúc kết, chắt lọc từ những hình ảnh tinh hoa của đất nước nhằm thể hiện ý chí, quyết tâm của quân dân cả nước trên đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận kể: "Công việc vẽ tiền phải tuyệt đối bí mật, thậm chí cả vợ con cũng không được biết. Do yêu cầu của tờ tiền là phải tinh xảo đến mức tối đa để tránh làm giả nên tôi vừa đeo kính, lại vừa phải soi kính lúp để nét vẽ suông, nhỏ và đều nhau. Chúng tôi cũng mất nhiều tháng lên các đền chùa để tham khảo phục trang của người dân tộc để nét hoa văn trên tờ tiền mang bản sắc Việt Nam".

Họa sỹ Huỳnh Văn Thuận đặc biệt đảm nhiệm một nhiệm vụ quan trọng là thể hiện chân dung của Bác Hồ trên đồng tiền quốc gia. Do công nghệ thời đó còn lạc hậu, thô sơ nên công tác bảo mật trên đồng tiền chủ yếu dựa vào tạo hình của người họa sỹ.

Nét vẽ của ông đơn giản nhưng vẫn đảm bảo được tính bảo mật một cách tinh tế, khéo léo. Hình ảnh Bác được phác họa chân thực, phong thái khoan thai, giản dị của một lãnh tụ gần gũi với người dân, toát nên được vẻ nhân từ, khoan dung của Bác.

Cũng chính trong thời gian được gần Bác Hồ, hình ảnh Bác đã lôi cuốn họa sỹ Huỳnh Văn Thuận và ông đã dần trở thành họa sỹ chuyên vẽ về Bác Hồ.

Với phong cách vẽ đầy tinh tế của mình, họa sỹ đã cho công chúng được chiêm ngưỡng thần thái uy nghiêm nhưng giản dị của Bác, người xem dường như có thể cảm nhận rõ nét sự gần gũi, thân thương cũng như sự hiền từ , dịu dàng trong tính cách của người Cha già dân tộc tràn đầy tình yêu thương đồng bào.

Tranh có hình tượng Bác Hồ đem đến cho nhân dân, chiến sĩ nơi chiến trường một niềm tin vào sự tất thắng Đây có lẽ là sự thành công, là đỉnh cao mà ông đã đạt được trong nghệ thuật.

Năm 1974, ông được bầu làm Cục trưởng Cục Mỹ thuật miền Nam. Cuối năm 1976, ông được điều chuyển về Hà Nội. Ông làm Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Bộ Văn hóa - Thông tin từ năm 1977 – 1979, Ủy viên Ban chấp hành - Phó Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam khoá I, II (1957 - 1989). Trong quá trình công tác, ông đã được tặng: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mĩ cứu nước hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận đã được nhiều giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Triển lãm Tranh cổ động toàn quốc…
(Theo Giáo dục & Thời đại)

Từ khóa » Họa Sĩ Vẽ Huy Hiệu đoàn