Người Họa Sĩ Vẽ Tranh Bằng Máu Của Mình - Báo Đồng Khởi

Họa sĩ Diệp Minh Châu và bức tranh “Bác Hồ và ba cháu thiếu nhi Trung  - Nam - Bắc”. (Ảnh tư liệu)

Họa sĩ Diệp Minh Châu và bức tranh “Bác Hồ và ba cháu thiếu nhi Trung - Nam - Bắc”. (Ảnh tư liệu)

Quê ông ở xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre. Năm 1940, ông từng đậu thủ khoa vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội - là một trong hai trường mỹ thuật danh giá nhất châu Á thời đó. Tuy nhiên ông không có bằng tốt nghiệp, bởi lúc bấy giờ chiến tranh nổ ra ác liệt, Nhật đảo chính Pháp, các giáo sư người Pháp bị quân Nhật bắt giữ nên việc dạy và học bị dừng lại. Thời gian theo học, Diệp Minh Châu từng tham gia phong trào sinh viên yêu nước, Hội truyền bá Quốc ngữ một cách cuồng nhiệt của tuổi trẻ.

Khi chuẩn bị lên đường ra Hà Nội theo học ngành mỹ thuật, dù cả nhà đều khóc nhưng ông vẫn quyết chí ra đi. Ông ra Hà Nội bằng tàu hỏa loại ghế hạng thấp nhất. Bấy giờ đất nước trong hoàn cảnh chiến tranh, điều kiện đi lại khó khăn, mới hay nghị lực, bản lĩnh và lòng đam mê hội họa của ông đến dường nào. Lớn lên trong gia đình nông dân nghèo, ý thức điều đó nên ông phải tự tìm cách nuôi mình để duy trì việc học tập. Có khi hàng tháng trời gia đình không gửi tiền ra, để có tiền sinh hoạt, ông kiếm sống bằng mọi cách. Có lúc ông vẽ phông màn cho các rạp hát ở Hà Nội, vẽ bìa cho các bản nhạc… Sau đó rời Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, về Bến Tre, Mỹ Tho (Tiền Giang), ông tổ chức triển lãm lấy tiền giúp cho đồng bào miền Bắc rơi vào nạn đói năm Ất Dậu - 1945. Cũng trong thời gian này, ông tham gia cướp chính quyền ở quê nhà. Ông từng là Trưởng ban Trừ gian của huyện Châu Thành (Bến Tre). Trong nhật ký, ông viết: “Hận dân tộc dâng cao trong tôi, tôi vào nhà bếp xếp bút màu gửi má tôi cất giùm. Tôi xé giấy thông hành, giấy thuế thân rồi đi lãnh mọi công tác mà cách mạng giao phó…”.

Năm 1947, nhân hai năm tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc khánh ở chiến khu Đồng Tháp Mười, sau khi nghe tốp ca thiếu nhi hát bài “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, cảm xúc dâng trào, ông liền dùng dao rạch cánh tay mình, lấy máu để vẽ bức tranh nổi tiếng: “Bác Hồ và ba cháu thiếu nhi Trung - Nam - Bắc”. Điều đặc biệt là ông vẽ bức tranh ấy qua trí tưởng tượng. Vì bấy giờ ông chưa từng thấy hình ảnh Bác Hồ bằng bất kỳ phương tiện gì. Liền sau đó, ông gửi bức tranh này cùng với bức thư ra cho Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc. Ngoài ra, ông còn vẽ bức tranh mang tên “Chiến sĩ Lê Hồng Sơn hy sinh lúc xung phong” bằng chính máu của người chiến sĩ ấy. Hiện bức tranh này còn được lưu giữ tại Bảo tàng Quân đội. Ngoài ra, nhiều họa phẩm của ông còn được lưu giữ ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Bảo tàng Thế giới.

Họa sĩ Diệp Minh Châu từng có nhiều năm công tác ở Viện Văn hóa kháng chiến Nam Bộ. Đến năm 1952, ông được điều ra Chiến khu Việt Bắc. Ở đây ông từng có thời gian sáu tháng gần gũi với Bác Hồ. Ông vẽ rất nhiều tranh về Bác với diện mạo và tâm hồn Bác mà ông cảm nhận được bằng tấm lòng kính quý. Cả đời ông có đến hơn hai ngàn tác phẩm, trong đó có khoảng hai trăm bức tranh, tượng điêu khắc về Bác Hồ đều mang tầm nghệ thuật rất cao. Trong đó có bức tượng đồng mang tên “Bác Hồ với thiếu nhi”, được dựng trước trụ sở UBND TP. Hồ Chí Minh hiện nay. Do tài năng và triển vọng, trong thời gian ở Hà Nội, ông được cử đi học hai năm ở Tiệp Khắc, đi nghiên cứu tượng đài ở Liên Xô và Ấn Độ. Đồng thời có thời gian một năm đi tu nghiệp ở Ấn Độ. Ngoài ra, ông còn có hơn năm mươi lần tổ chức triển lãm tập thể và cá nhân trong và ngoài nước. Ông là một trong những họa sĩ Việt Nam triển lãm tranh đầu tiên ở Pháp. Đồng thời, ông từng có nhiều giải thưởng lớn cấp quốc gia. Tên tuổi của ông vang dội không những ông là “học trò cưng” của thầy giáo - danh họa Tô Ngọc Vân mà ông còn là giảng viên Trường Mỹ thuật Việt Nam cùng với nhiều tác phẩm đặc sắc để lại cho đời, cũng như đã dày công đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ cho nền mỹ thuật nước nhà. Những danh tác của họa sĩ lớn Diệp Minh Châu đáng biểu dương và vinh danh hơn hết, bởi ông dành tâm huyết, đam mê và tài năng cả một đời nhằm phụng hiến cho thần tượng của mình: Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau năm 1975, về sống ở TP. Hồ Chí Minh, ông vẫn miệt mài sáng tạo, đồng thời hết lòng chăm lo cho các họa sĩ trẻ. Từ đó, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nhận xét, đánh giá về ông: “Một con người mà ai ai cũng hết lòng yêu thương và kính trọng”. Còn nhà báo Lê Phú Khải nhận định rằng, Diệp Minh Châu “Vẽ vì con người, vẽ để vui sống”. Trong bối cảnh lịch sử, đời sống nghệ thuật thời đó, thật ít có sự nghiệp nào gắn bó với vận mệnh đất nước như cuộc đời và sự nghiệp của người nghệ sĩ lớn Diệp Minh Châu.

Ông bộc lộ năng khiếu từ lúc 7 tuổi. Khi ấy thầy giáo đưa ra các vật phẩm làm mẫu ông liền vẽ một cách thuần thục trước sự ngạc nhiên của thầy và bạn bè trong giờ học. Sau đó ông được nhà trường khen thưởng trước toàn trường. Từ đó ông được mọi người gọi với cái tên trìu mến, quý trọng - “Châu vẽ”. Qua đó góp phần làm nguồn động viên cho ông dấn thân vào sự nghiệp hội họa cũng như một đời tận tụy phục vụ cho công cuộc giải phóng dân tộc. Họa sĩ Diệp Minh Châu là hiện thân, là biểu tượng câu nói của thi hào Nga Mác-Xim Goóc-Ki: “Con người bẩm sinh là nghệ sĩ”.

Năm 2002, họa sĩ Diệp Minh Châu thanh thản về với đất mẹ tại TP. Hồ Chí Minh, hưởng thọ 83 tuổi. Không những ông để lại tài sản tinh thần vô giá, mà còn để lại tấm gương “Sống, chiến đấu, lao động và học tập” tiêu biểu, trong sáng vô ngần, để cho đồng nghiệp trẻ noi theo cũng như người người tiếc thương vô hạn.

Trong ngày mất của họa sĩ Diệp Minh Châu, Giáo sư - Tiến sĩ Mai Quốc Liên đã viết vào sổ tang: “Cuộc đời, tác phẩm của ông lớn lên theo dòng lịch sử, ông là chứng nhân của thời đại chúng ta”.

Phạm Bội Anh Thuyên

Từ khóa » Họa Sĩ Vẽ Tranh