Người Lao động Có Thể đóng BHXH ở 2 Công Ty được Không?

Người lao động có thể đóng BHXH ở 2 công ty được không? Trường hợp người lao động muốn tham gia BHXH tại 2 công ty trên cùng 1 chứng minh nhân dân. Việc đóng cả 2 bảo hiểm thì có bị phat, cắt chế độ hay ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động không?

Mục lục bài viết

  • 1. Luật sư tư vấn về việc tham gia bảo hiểm xã hội
  • 2. Tham gia bảo hiểm cho người lao động làm việc ở 2 công ty
    1. 2.1 - Về đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội
  • 3. Chế độ lương và trách nhiệm tham gia BHXH cho người lao động?
    1. 3.1 Thứ nhất, về chế độ tiền lương của người lao động
    2. 3.2 Thứ hai, về vấn đề tham gia bảo hiểm xã hội

1. Luật sư tư vấn về việc tham gia bảo hiểm xã hội

Hiện nay trên thực tế do nhu cầu, tính chất công việc có nhiều trường hợp người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động khác nhau. Khi giao kết nhiều hợp đồng lao động, cả người lao động và người sử dụng lao động đều khá hoang mang trong việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trên thực tế, có nhiều trường hợp do không nắm rõ các quy định của pháp luật về việc tham gia bảo hiểm cho người lao động có nhiều hợp đồng lao động dẫn đến việc tham gia bảo hiểm trùng giữa các công ty. Từ đó, gây khó khăn cho người lao động trong việc giải quyết các chế độ.

Để tránh các trường hợp rủi ro đáng tiếc xảy ra do đóng trùng bảo hiểm xã hội ở nhiều công ty, quý khách hàng nên tìm hiểu các quy định của pháp luật về vấn đề này. Một trong những cách thức đơn giản nhất để tránh được rủi ro trong vấn đề này đó là liên hệ tư vấn với công ty Luật Minh Gia. Quý khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn kịp thời.

2. Tham gia bảo hiểm cho người lao động làm việc ở 2 công ty

Câu hỏi tư vấn:

Chào công ty luật Minh Gia. Tôi cần công ty tư vấn trường hợp bảo hiểm xã hội như sau: Hiện tôi đang tham gia bhxh do cơ quan nhà nước chi trả. Hiện có một đơn vị công ty tư nhân tôi muốn làm thêm họ cũng yêu cầu tôi phải đóng bhxh. Tôi muốn làm cả hai bên và không muốn bỏ bên nào. Vậy cho tôi hỏi: 1. Có thể đóng bhxh 2 công ty trên cùng 1 cmt không? 2. Tôi có một thẻ căn cước. Liệu tôi có thể dùng nó cho đơn vị thứ 2 đóng không? 3. Trường hợp tôi đóng cả hai thì bảo hiểm có phạt hay cắt chế độ không? Và có ảnh hưởng đến quyền lợi của tôi không? Rất mong công ty tư vấn dùm. Chân thành cám ơn!

Trả lời tư vấn:

Cám ơn bạn đã gửi thông tin tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi giải quyết như sau:

- Về đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội

Căn cứ Khoản 4 Điều 85 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

“4. Người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 của Luật này mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.”

Căn cứ Quyết định 2777/QĐ-BHXH thì “… Trường hợp người lao động đồng thời có từ 02 hợp đồng lao động (HĐLĐ) đủ điều kiện tham gia trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH, BHTN theo HĐLĐ giao kết đầu tiên, đóng BHYT theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất.”

Như vậy, nếu bạn đồng thời làm việc và hưởng tiền lương, tiền công từ hai công ty trở lên thì bạn chỉ có thể đóng một bảo hiểm xã hội tại nơi bạn giao kết hợp đồng lao động đầu tiên mà không được phép tham gia đóng bảo hiểm xã hội cùng lúc ở nhiều công ty khác nhau. Do đó, nếu bạn có 2 sổ bảo hiểm xã hội thì phải làm thủ tục gộp thành 1 sổ duy nhất. Khi đó, cơ quan BHXH thu hồi tất cả các sổ BHXH, sau đó hoàn chỉnh lại cơ sở dữ liệu, in thời gian đóng, hưởng BHXH, BHTN của các sổ BHXH vào sổ mới. Số sổ BHXH cấp lại là số của sổ BHXH có thời gian tham gia BHXH sớm nhất. Lúc đó quyền lợi của bạn vẫn được đảm bảo. Nếu bạn không thực hiện thủ tục gộp thành 1 sổ BHXH thì cơ quan BHXH sẽ không giải quyết các vấn đề liên quan quyền lợi BHXH cho bạn.

Tóm lại, bạn chỉ dược quyền đóng 1 bảo hiểm xã hội ở công ty bạn thực hiện giao kết hợp đồng lao động đầu tiên. Trường hợp bạn có 2 sổ BHXH, bạn nên làm thủ tục gộp 2 quyển vào 1 quyển theo quy định, để đảm bảo quyền lợi của bạn sau này hưởng các chế độ BHXH như: chế độ hưu trí, thai sản, ốm đau….

----

3. Chế độ lương và trách nhiệm tham gia BHXH cho người lao động?

Câu hỏi:

Tôi hiện chưa có bằng mầm non nhưng đang học và làm hợp đồng ở 1 trường mầm non được hơn 1 năm rưỡi, lương lúc đầu của tôi là 2,5 triệu đồng, 1 năm sau lên 2,7 triệu đồng, đầu năm 202x tất cả mọi giáo viên đều lên lương 3,309000 đồng. Riêng tôi không được lên lương do không tham gia bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm xã hội, như vậy là đúng hay sai.

Và tại sao tham gia bảo hiểm thì lại được lên lương nhiều đến thế? Tôi đang hưởng lương theo khu vực 4. Mong luật sư giải đáp thắc mắc giúp tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung yêu cầu tư vấn của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về chế độ tiền lương của người lao động

Căn cứ theo quy định tại Bộ luật lao động quy định về tiền lương như sau:

''Tiền lương

1. Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.

Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

2. Tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc.

3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.''

Như vậy, theo quy định trên thì tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.Tại Điều 3 Nghị định 157/2018/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động như sau:

''Điều 3. Mức lương tối thiểu vùng

1. Quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau:

a) Mức 4.180.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I;

b) Mức 3.710.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II;

c) Mức 3.250.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III;

d) Mức 2.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

...''

Thứ hai, về vấn đề tham gia bảo hiểm xã hội

Tại Luật bảo hiểm xã hội quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:

''Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

c) Cán bộ, công chức, viên chức;

...''

Theo quy định trên thì trường hợp của bạn nếu đã ký hợp đồng từ đủ 01 tháng trở lên thì theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, cơ quan phải có trách nhiệm tham gia bảo hiểm bắt buộc cho bạn.

Do đó, vấn đề tham gia bảo hiểm xã hội là trách nhiệm của cơ quan nơi bạn làm việc. Về vấn đề tăng lương thì do đơn vị bạn quyết định, không phụ thuộc vào việc bạn có tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hay không.

Từ khóa » đóng 2 Sổ Bảo Hiểm Xã Hội