Người Lính Tàu Không Số Và Câu Chuyện “tò Vò Mà Nuôi Con Nhện…”

Ông chỉ là người em kết nghĩa của cha tôi, nhưng giữa hai người có tình thâm giao đặc biệt. Nay cha mẹ tôi đã qua đời, ông lại là người cô đơn thật sự vì ông không có con, nên trong thâm tâm ông rất buồn. Nhưng những việc ông đã vượt qua và làm được khiến tôi luôn cảm thấy nếu không kể về ông thì không có gì là quà tặng ông xứng đáng hơn.

Ông Tiệp là em kết nghĩa của cha mẹ tôi. Không rõ hoàn cảnh đó đã xảy ra khi nào. Chỉ biết ông là người thật phóng khoáng, khoẻ mạnh và lực luỡng khác thuờng.

Ông sinh ra và lớn lên ở miền trung du tỉnh Phú Thọ, nhưng khi vào bộ đội lại ở Binh chủng Hải quân luôn cung ứng hậu cần cho Quân đội, đã từng nhiều năm trên những con tàu không số vận chuyển vũ khí và lương thực trong kháng chiến chống Mỹ.

Ông có vợ cùng quê, cũng thật khoẻ mạnh và chất phác. Ông đóng quân ở Hải Phòng rồi mới đưa vợ xuống thành phố này phục vụ trong một quân y viện cùng cha mẹ tôi.

Không rõ cha mẹ tôi vì sao lại nhận ông làm em kết nghĩa, chỉ biết rằng, những ngày ông ròng rã trên biển mặc cho số phận với bom đạn và đại dương thì vợ ông đều ở nhà tôi cho đến khi bà sinh người con trai đầu tiên, kém tôi 10 tuổi.

Cha mẹ tôi đã làm thủ tục khai sinh cho cậu bé này và hai mẹ con ở nhà tôi suốt những tháng ngày ông đi chiến đấu như một người em gái của cha mẹ tôi.

Cũng từ đây dần dần tôi loáng thoáng biết rằng ông T không phải là cha đứa bé, qua câu chuyện lúc được lúc không của người lớn. Tôi chỉ hơn cậu có 10 tuổi nên chuyện đó cũng chẳng làm tôi để ý nhiều.

Tuy vậy ông Tiệp vẫn thật yêu thương cậu bé. Cha mẹ tôi cũng thế. Nên tôi cũng coi chuyện mình nghe lỏm chỉ là chuyện đâu đó. Hình như mọi người khi đó đều muốn rằng chính cậu bé tên Hùng là con đẻ của ông để ông yên tâm công tác và ra trận dưới đạn bom và mênh mông biển cả.

Là người đi biển nên ông thật phóng khoáng và vui tính. Tôi chưa hề thấy ông nặng lời với bà vợ lần nào.

Khi cậu con đầu được 6, 7 tuổi thì mẹ cậu lại sinh thêm hai đứa con nữa, một gái và một trai.

Cũng vẫn là cha mẹ tôi làm chứng sinh và cưu mang cả 4 mẹ con. Nhưng mỗi lần như vậy, cha mẹ tôi lại buồn thêm, và có lần đã thấy mẹ tôi nặng lời với bà, tuy không tường tận nhưng thật nặng nề.

Với ông, chỉ thấy cha tôi nhắc nhiều về chuyện rượu chè, nhưng tôi chưa thấy ông say khi về nhà, hay có chuyện khác thường gì với vợ con ông.

Sau khi sinh 3 đứa con, không rõ vì lý do gì, ông đưa vợ con về quê, bỏ lại tất cả sau hơn chục năm gây dựng cơ nghiệp ở đất Cảng.

Cuộc sống nơi thôn quê những năm chiến tranh và bao cấp thật vất vả. Ông vẫn trong quân ngũ.

Sau nhiều năm gián đoạn, tôi đi học xa chỉ biết tin tức qua đôi lần cha mẹ tôi kể về gia đình ông. Tôi biết các con ông giờ đã lớn cả, nhưng do nghèo đói nơi thôn dã nên chẳng được học hành gì nhiều.

Chính cha mẹ tôi đã cùng đưa vợ con ông về quê, qua con sông Thao khi ấy chỉ có thuyền thúng cứ xoay xoay đến rợn cả người.

Thời gian trôi đi vô tình. Ông vẫn gắn bó với gia đình tôi. Khi tôi lấy vợ chính ông là người lo sắp xếp loa đài, hội trường. Và từ thời ấy, tôi biết chắc rằng cả 3 người con của ông đều không phải con ông, chúng chỉ chung mẹ và đều khác cha. Ông đã không có thiên chức làm cha vì chuyện gì không rõ.

Nhưng thật lạ, tôi luôn thấy ông nhắc đến các người con ấy như không có chuyện gì. Ông luôn quan tâm đến từng người một mà không hề có sự ghẻ lạnh, hay hắt hủi. Ông đã dựng vợ gả chồng cho tất cả và chịu đựng bao phiền toái vì những tội lỗi và lầm lạc của chúng nữa. Như một người cha và với tôi, còn hơn nhiều người cha thật sự.

Chỉ ông có lương hưu, nhưng ông vẫn tằn tiện nuôi cả hai đứa cháu của người con cả để lại do vợ chồng cậu ta đi làm ăn xa tận Sài Gòn. Có lần, nhà tôi có việc, ông không xuống được, cho con cháu đi thay mình nhưng lại phải chi tiền xe, vì chúng quá nghèo, mà ông thì thấy vắng mặt là điều không thể.

Mấy năm gần đây, vợ ông đau ốm triền miên. Lại chỉ mình ông chăm sóc bằng sức lực tàn tạ cùng đồng lương hưu tằn tiện. Giặt giũ, nâng đỡ bà đi lại, nấu nướng, thuốc men, chỉ mình tay ông.

Các con ông ở không xa nhưng đều nghèo, nên chỉ mưu sinh cho bản thân còn chưa xong nói chi đến thêm miệng ăn của cha mẹ.

Người đàn ông đó đã chịu đựng cả đời mình để người đời nhìn vào cuộc đời ông có đủ vợ con. Nỗi đau đớn trong tâm can ông chắc chẳng ai thấu được. Và ông phải dồn nén lắm, bởi sau này khi lớn lên, tôi được biết rằng ông đã phải chịu áp lực và điều tiếng rất nhiều với gia đình, họ tộc, nên mới đưa vợ con về quê, bởi họ sợ ông cứ đi xa và bà cứ đẻ tiếp như vậy thì thật khổ cho ông và dòng họ.

Nay ông và bà đều già rồi, nhưng ông rất chăm bà hơn nhiều vợ chồng nhà khác. Con cháu ông tuy nghèo nhưng vẫn coi ông là cha chúng, dù chúng biết rằng chúng chỉ có chung một người mẹ.

Tôi chỉ thấy ở ông một điều khác thường là ông khóc nhiều và hay khóc khi đến nhà tôi hoặc khi chúng tôi lên thăm ông bà, hay nói chuyện qua điện thoại.

Những dòng nước mắt ấy, tôi không thể đặt tên nhưng độ mặn mòi thì tôi thấm thía. Ông nhớ ngày giỗ của cha mẹ tôi, và gần đây khi không còn đi xa được, ông đều gọi điện về nhà tôi và làm giỗ cho cha mẹ tôi ở tại nhà ông.

Ông còn nhớ cả tên các cháu nội của tôi và nhắc đến chúng mỗi lần gọi điện về với lời thăm hỏi khi nào cũng đẫm nước mắt.

Trước vợ con, ông lúc nào cũng rắn rỏi và bình tĩnh chịu đựng khác thường. Vậy mà, mỗi khi đến gia đình tôi, ông lại là một con người khác hẳn, yếu đuối và đáng thương đến lạ lùng. Ông khóc như chưa từng khóc bao giờ. Và lần nào cũng vậy, những dòng nước mắt của một ông già đầm đìa như không thể ngừng trên đôi vai đã sụm xuống và dưới mái đầu đã bạc phơ chỉ còn đôi ba sợi tóc, làm tôi luôn nghĩ tới những oái oăm của cuộc đời với nhiều người thật khó hoá giải, mà với ông sao thật giản đơn: Ông chỉ khóc khi đến nhà tôi, nơi ông đã có nhiều nỗi niềm chăng? Hay chính nơi đây ông đã giấu đi tất cả những gì cần giấu của cuộc đời mình?

Các con ông giờ đã yên bề gia thất, con cái đủ đầy chỉ vẫn tội nghèo. Họ đều không biết cha đẻ của mình nhưng đều an phận vì đã có ông hơn mọi người cha khác. Ông yêu thương họ đã đành, ông lại tha thứ hết cho mẹ họ và giờ đây khi đã về già ông lại còn yêu thương hơn ngày còn trẻ.

Những ông bố đã giật mình, hốt hoảng dẫn đến còn phẫn chí khi thấy đứa con không phải dòng máu của mình, liệu đã đến mức đau khổ như ông, người chẳng biết đến công nghệ ADN nhưng vẫn biết chắc rằng cả ba đứa trẻ do vợ mình sinh ra chẳng phải của mình?

Với ông, tôi luôn lấy là tấm gương về sự hy sinh và lòng nhân ái của con người, trong khi ông chẳng khi nào nghĩ đến việc mình làm, nỗi đau mình chịu có tên gọi là gì!

Vâng, số phận đương nhiên là đồng hành cùng sự chấp nhận, nhưng tình yêu thương và lòng nhân ái luôn phải là biển cả mênh mông mới mong khoả lấp đi những gì là đớn đau, là phiền muộn được đặt tên bằng sự ích kỷ bản năng của mỗi con người.

Ông là lính biển, ông đã từng có mặt trên những con tàu không số, cũng có nghĩa là ông đã từng hơn một lần quên đi danh phận của mình trước bom đạn và biển cả vì những gì thật lớn lao mà giờ đây khi đã thanh bình, người ta mới kịp nêu tên.

Thời đại mới đã đem lại cho loài người thật bao tiện ích. Nhưng đôi khi sự lạnh lùng của những kết quả xét nghiệm khoa học lại làm trỗi lên lòng ích kỷ và dẹp đi lòng nhân ái biết bao lần!

Ông đã chẳng bao giờ đặt tên được cho những việc mình đã làm trong suốt cuộc đời đầy cam go, vất vả và bạc phận của mình. Nhưng ông chỉ coi đó là sự tự nhiên là vậy. Những đớn đau trong lòng theo tháng năm đã chai sạn đi, quan trọng hơn là ngay từ khi vợ ông sinh đứa con đầu, ông đã quyết định cho mình tự nguyện là người cha chính thức cho những đứa con không có ADN của mình.

Ông đã nuôi dạy họ thành những công dân và con họ lại sinh thêm những công dân khác. Ông chỉ biết rằng chúng đã được sinh ra làm người với danh nghĩa ông là cha chúng thì sẽ được là con ông mà thôi.

Nuôi chừng ấy người con thuở gian khó, ông chưa cầu xin con nào trong số chúng báo đáp. Đồng lương hưu ít ỏi từ những ngày phục vụ trên đoàn tàu không số năm nào đủ để nuôi hai thân già cùng đứa cháu còn nhỏ dại tùng tiệm qua ngày.

Một người chồng như thế, một người cha như thế hỏi công nghệ ADN kia phỏng có ích gì?

Kể câu chuyện này, tôi không mong gì hơn ngoài việc nhờ Ban biên tập sửa lại và cho được đăng trên mặt báo như một lời cảm ơn cuộc đời đã cho tôi biết một con người bằng da thịt là ông.

Và may mắn thay nếu ông được đọc câu chuyện này về cuộc đời mình do người khác kể chắc sẽ là bù đắp một chút gì mà cuộc đời đã dành cho số phận của ông.

Với tuổi ngoài tám mươi lại bệnh tật suốt năm tháng, chỉ mong ông được nghe người khác kể chuyện về ông một lần. Bởi có bao giờ ông nói về mình đâu!

Người viết: Nguyễn Văn Nhân

Cục Đăng kiểm Việt Nam, số 18, Phạm Hùng, Từ Liêm, Hà Nội. ĐT: 0913213310.

Lời BBT

Anh Nhân kính mến! Câu chuyện của bác Tiệp có đôi chỗ khuất nẻo. Anh đã không lý giải cho chúng tôi hay độc giả biết được lý do vì sao vợ bác Tiệp lại liên tục sinh con khi chồng ra trận. Và lý do nữa là mỗi lần trở về nhà bế những đứa con không phải là giọt máu của mình, song bác Tiệp vẫn nín lặng làm tốt, thậm chí là quá tốt chức phận của một người bố, còn tốt và cao thượng không kém gì người cha thực sự.

Chúng tôi đã suy nghĩ về điều này vì nó làm cho lôgich của câu chuyện không được rõ ràng lắm, nhưng cũng có thể bản thân anh Nhân là lớp con cháu sau này không hiểu được lý do cụ thể trong những bí mật của ông Tiệp cũng như vợ ông ấy.

Chúng tôi cũng đã cố liên lạc với anh theo số điện thoại anh để lại trong thư để làm rõ hơn nội dung của câu chuyện nhưng không liên lạc được. Tuy nhiên, nội dung câu chuyện quá xúc động, vì thế chúng tôi quyết định đăng nguyên văn câu chuyện anh viết về bác Nguyễn Khắc Tiệp với mong muốn gửi tới bạn đọc sự chia sẻ tới mảnh đời cũng như số phận của một người lính bất hạnh đó là ông Tiệp.

Chúng tôi cũng nhận được rất nhiều thư, hồi âm và các câu chuyện của độc giả liên quan đến ADN gửi tới. Tuy nhiên, chúng tôi tạm khép lại những trang đời về số phận của những con người liên quan đến ADN tại đây. Xin trân trọng gửi lời cảm ơn đến tất cả những độc giả đã có hồi âm cho chuyên mục “Chuyện khó tin nhưng có thật” của chúng tôi

Từ khóa » Tò Vò Mà Nuôi Con Nhện