Người Mẫu Quảng Cáo Và Người Mẫu Thời Trang, Ai Kiếm Nhiều Tiền ...

Người mẫu quảng cáo và người mẫu thời trang, ai kiếm nhiều tiền hơn?

Ngày đăng: 07/08/20

Nghề người mẫu thời trang luôn là một ánh hào quang đối với các bạn trẻ, một vùng đất hứa, một cơ ngơi ngời sáng, và tất cả đều chỉ được quyết định bởi sắc vóc trời phú do cha mẹ ban tặng cho họ. Chẳng đòi hỏi kiến thức uyên thâm hay kỹ năng thần sầu, tất cả những gì người mẫu cần để lập nghiệp chính là khuôn mặt khả ái và một thái độ cầu thị, dễ hợp tác.

Tóm tắt nội dung

Toggle
  • Tiêu chuẩn của người mẫu quảng cáo và người mẫu thời trang
  • Khu vực làm việc
  • Tính lâu dài của người mẫu thời trang vs. người mẫu quảng cáo
  • Người mẫu quảng cáo và người mẫu thời trang, ai kiếm nhiều tiền hơn?
  • Tại sao công việc của người mẫu thời trang hay quảng cáo lại kiếm được nhiều tiền như vậy?

Cũng chính vì thế mà công việc này trở thành mục tiêu nghề nghiệp chính của rất nhiều người trẻ, không biết rằng chính mảnh đất xa hoa này thực chất khó để sinh tồn hơn là suy tưởng của họ. Nhưng bài viết này sẽ không đề cập đến những vấn đề khác của ngành người mẫu trừ vấn đề đã được đưa ra ở tiêu đề, rằng giữa người mẫu quảng cáo và người mẫu thời trang, ai sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, và vì sao công việc này lại kiếm được nhiều tiền.

Tiêu chuẩn của người mẫu quảng cáo và người mẫu thời trang

Có 4 hạng mục người mẫu phổ biến là người mẫu thời trang, người mẫu quảng cáo, người mẫu nội y (thể thao/ thể hình), người mẫu tay/ chân (để quảng cáo cho đồng hồ, trang sức, mỹ phẩm như sơn móng tay…). Trong đó thì phổ biến nhất, chiếm số đông vẫn nằm ở hai hạng mục đầu. Điểm khác biệt giữa người mẫu thời trang và người mẫu quảng cáo nằm ở ngoại hình và thể trạng. Để trở thành người mẫu thời trang thì sẽ cần đạt một chiều cao cụ thể. Đối với nữ phải từ 1m73-1m78 (5f8 – 6ft), trong khi nam là từ 1m78 – 1m85 (5ft9 – 6ft2). Cân nặng cũng phải luôn được duy trì ở mức 42-54 kg đối với nữ và 55-75 kg đối với nam. Số đo ba vòng đối với người mẫu thời trang cao cấp cũng có những quy định cụ thể.

Độ tuổi mà người mẫu thời trang cao cấp cũng phải đáp ứng là từ 14 – 27 tuổi (nữ). Thực tế là sau tuổi 35 thì khả năng vẫn có thể được yêu chuộng bởi ngành thời trang cao cấp là không quá nhiều. Chỉ có những nhân vật đạt danh xưng là siêu mẫu thì mới vẫn còn được quan tâm. Đối với nam giới thì độ tuổi lại thoáng hơn. Thậm chí vẫn có người ở độ tuổi trung niên vẫn được yêu chuộng bởi các thương hiệu thời trang cao cấp bởi nam giới ở độ tuổi trung niên mới có kinh tế dư dả để chi tiêu vào mặt hàng này.

Người mẫu thời trang cao cấp

Đối với người mẫu quảng cáo thì chỉ cần có ngoại hình sáng, thân thiện, ăn hình một tý là được. Họ không nhất thiết phải ép mình vào những quy chuẩn quá khắt khe của người mẫu thời trang, bởi quảng cáo là để phục vụ cho phần đông công chúng, nên người mẫu có ngoại hình gần gũi và dễ liên tưởng tới bản thân người xem là điều quan trọng. Hình thể và chiều cao, đặc điểm hình thái khuôn diện đa dạng đều là điều kiện mở của ngành quảng cáo. Người mẫu quảng cáo đương nhiên cũng vẫn phải chăm chút cho ngoại hình của mình, bởi dù sao đây cũng là một ngành công nghiệp đòi hỏi rất cao về vẻ ngoài.

Người mẫu quảng cáo

Khu vực làm việc

Đối với những người xem công việc làm người mẫu là nguồn thu nhập chính yếu thì họ sẽ buộc phải đến sống ở những thành phố có bản doanh của các agency đại diện lớn. Người mẫu tự do sẽ không bao giờ có thu nhập hay có cơ hội được tiếp cận với những công việc có thu nhập tốt như là một người mẫu thuộc agency, bởi thông qua agency thì portfolio (hồ sơ hình ảnh) của họ mới tiếp cận được tới khách hàng lớn. Hầu hết các agency có trụ sở tại các thành phố tiêu điểm của ngành thời trang như California, New York, Paris, Tokyo, Milan, London… Những người mẫu quảng cáo hay thời trang đều nên cắm quân tại thành phố có agency họ ký hợp đồng.

Điểm khác biệt là người mẫu nổi danh hay đẳng cấp siêu mẫu sẽ được thiết đãi chẳng kém cạnh gì người nổi tiếng. Yêu cầu công việc sẽ khiến họ phải di chuyển thường xuyên tới các nơi khác nhau để tham dự tuần lễ thời trang, đồng hành cùng các thương hiệu hay nhà thiết kế, tham gia các sự kiện để quảng bá hình ảnh thương hiệu, hay sự kiện gây quỹ ủng hộ, và chụp hình cho các ấn phẩm thời trang quốc tế. Hầu hết chi phí di chuyển của người mẫu sẽ được agency lo hoặc nằm trong khoản thanh toán của khách hàng.

Tham gia các chương trình tìm kiếm người mẫu cũng là cơ hội tốt để người mẫu được ký kết với các công ty quản lý lớn, hoặc được công chúng chú ý tới.

Tính lâu dài của người mẫu thời trang vs. người mẫu quảng cáo

Thời gian hành nghề của người mẫu quảng cáo cũng giống như là một người diễn viên vậy. Họ sẽ có một quá trình làm việc lâu dài, bền vững hơn hẳn người mẫu thời trang, tuy rằng cũng sẽ có những giai đoạn họ không giành được công việc nào cả. Sự cạnh tranh là vô cùng gay gắt, đòi hỏi người mẫu luôn phải nhìn rạng rỡ nhất có thể. Cơ hội việc làm cũng mở rộng hơn đối với những người mẫu có thể đáp ứng nhiều tính chất khác nhau như làm mẫu khỏa thân trong các trường nghệ thuật hay quảng cáo quần áo tại các hội chợ.

Công việc của người mẫu thời trang dù rất thú vị nhưng sẽ vô cùng mệt mỏi, áp lực. Đối với người mẫu thời trang thì những công việc như chụp hình thời trang cùng các tạp chí, nhiếp ảnh gia, thương hiệu lớn sẽ càng giúp làm tăng cường sức hút và nhận diện của người mẫu đó, giúp gia tăng cơ hội được trúng tuyển thêm nhiều công việc khác nhau. Đối với siêu mẫu thì họ sẽ tự mình chọn lựa cơ hội việc làm mà họ mong muốn. Hợp đồng quảng cáo béo bở tuy không thường xuyên xuất hiện, nhưng khi xảy ra thì những người mẫu thời trang được yêu cầu cụ thể cho công việc này sẽ phải thu xếp cuộc sống cá nhân để bay đến địa điểm được yêu cầu của khách hàng. Thường thì người mẫu thời trang sẽ không làm công việc này lâu dài bằng người mẫu quảng cáo, bởi tính chất áp lực, cạnh tranh vô cùng gay gắt, đòi hỏi sự chuyên tâm cao độ và thường xuyên phải đối diện với bộ mặt tiêu cực của ngành thời trang, sẽ khiến họ suy kiệt dần theo thời gian.

người mẫu thời trang

Người mẫu quảng cáo và người mẫu thời trang, ai kiếm nhiều tiền hơn?

Người mẫu quảng cáo sẽ không bao giờ có thể kiếm được nhiều tiền như là người mẫu thời trang cao cấp. Nhiều người mẫu quảng cáo xem công việc làm người mẫu chỉ là phụ trợ thêm cho công việc chính của họ. Theo thống kê vào năm 2017 của công ty Bureau of Labor Statistics, trung bình thu nhập của một người mẫu quảng cáo là 22,900$/1 năm, nghĩa là một nửa sẽ kiếm được hơn và một nửa còn lại ít hơn con số này. Người mẫu tại khu vực California và New York sẽ có thu nhập cao hơn hẳn, khi con số này là 51,530$ và 29,350$ là mức trung bình tại hai nơi.

Người mẫu thời trang thì có khả năng kiếm tiền tốt hơn hẳn, chẳng hạn như Kendall Jenner được thống kê là có thu nhập lên tới 22 triệu đô vào năm 2017, bao gồm tất cả các dự án tiếp thị khéo léo, quảng cáo trên truyền hình và truyền thông trên mạng xã hội của cô nàng. Dĩ nhiên Kendall Jenner là một tên tuổi lớn trong ngành thời trang ở thời điểm hiện tại, nhưng những người mẫu thời trang danh tiếng khác cũng sẽ phải có mức thu nhập khiêm tốn nhất là từ 1 triệu đô.

Chân dài Kendall Jenner

Thu nhập trung bình của tầng lớp người lao động tại California là 63,783$ và New York là $50,825 (theo thống kê của Smart Asset). Nếu so sánh với mức thu nhập trung bình là 51,530$ và 29,350$ của người mẫu tại hai khu vực trên thì rõ ràng công việc người mẫu lại dư dả hơn hẳn, không phải trên khía cạnh thu nhập, mà là thời gian. Công việc của người mẫu sẽ không đòi hỏi phải liên tục 8 tiếng một ngày, 6-7 ngày/ 1 tuần. Hầu hết người mẫu có thời gian rảnh khá nhiều để phát triển những khía cạnh khác của bản thân hoặc làm thêm một công việc phụ trợ, linh động về thời gian khác.

Tại sao công việc của người mẫu thời trang hay quảng cáo lại kiếm được nhiều tiền như vậy?

Thực chất, mỗi một người mẫu trong khoảng thời gian đầu đều làm việc không công, hoặc được trả công rất thấp, nhằm mục đích lấy kinh nghiệm, hay có hình ảnh để làm giàu thêm hơn tập hồ sơ công việc, hình ảnh cá nhân để được ký với các agency lớn, hoặc gửi cho khách hàng tham khảo nếu như là người mẫu tự do.

Một người mẫu khi được ký kết với agency rồi thì mỗi một công việc họ sẽ phải ký hợp đồng rõ ràng. Thường agency sẽ thu của người mẫu một khoản phí từ 20-33% trên tổng thu nhập cho mỗi công việc được nhận của người mẫu. Đây gọi là chi phí quản lý của agency đối với người mẫu, bởi họ sẽ phải làm việc với khách hàng, thương thảo điều kiện và mức chi phí có lợi cho người mẫu mà họ đại diện, cũng như đảm bảo quyền lợi và sự an toàn của người mẫu trong quá trình làm việc. Đối với các agency lớn thì con số này thường sẽ là 33%. Nhưng dù sao agency lớn thì thường khách hàng của họ cũng sẽ lớn nên chắc chắn người mẫu sẽ không bao giờ thiệt thòi khi ký kết với một agency.

Agency thì cũng có nhiều kiểu. Chẳng hạn như Slaymodelsla tại LA là một agency chuyên đại diện cho người mẫu chuyển giới.

Mỗi một công việc được hoàn thành, người mẫu sẽ được trả một khoản được gọi là day rate (lệ phí hoàn thành công việc) bởi agency. Chi phí này thường chỉ vài trăm đô và chẳng đáng kể. Nhưng đó không phải là nguồn thu chính yếu bởi việc khách hàng quyết định sử dụng hình ảnh hay chất liệu có sự góp mặt của người mẫu như thế nào mới là yếu tố quyết định người mẫu sẽ được trả chi phí như thế nào, khái niệm này được agency gọi là buyout hay usage.

Buyout hay usage được quyết định bởi chính khách hàng, bao gồm: platform – nền tảng mà họ sẽ sử dụng hình ảnh của người mẫu (chẳng hạn như trên social media, báo chí, TV, băng rôn, biển quảng cáo…); territory – lãnh thổ hay khu vực mà hình ảnh của người mẫu sẽ được sử dụng (chẳng hạn như châu Âu, châu Á Thái Bình Dương,… hay là toàn cầu); how long – thời gian sử dụng hình ảnh đó là bao nhiêu lâu, 1 tuần, 1 tháng, 1 năm hay 3 năm chẳng hạn. Trong ba yếu tố cấu thành nên buyout ở trên thì thời gian sử dụng và phạm vi lãnh thổ càng nhiều, càng rộng khắp thì số tiền mà người mẫu và agency nhận được sẽ càng lớn.

Buyout chính là khoản thù lao hậu hĩnh của nghề người mẫu

Ví dụ hợp đồng công việc đó định rõ rằng hình ảnh của người mẫu sẽ được sử dụng trên toàn thế giới, trong vòng hai năm (nhiều hợp đồng còn ghi rõ là bắt đầu từ và kết thúc khi nào), sẽ ấn định cụ thể số tiền được nhận của người mẫu, và trong trường hợp này sẽ không thể thấp hơn 10,000$, và thời gian để sản xuất ra hình ảnh hay chất liệu sử dụng cho mục đích thương mại này sẽ chỉ tốn một buổi hoặc một ngày làm việc.

Annaliese Dayes – một người mẫu quảng cáo tại London, nổi danh từ cuộc thi Britain’s Next Top Model mùa 5 và America’s Next Top Model mùa 16 đã chia sẻ trên Vlog của mình về một trong những hợp đồng quảng cáo có giá trị lớn nhất mà cô từng làm là của hãng hàng không Emirates Airline vào năm ngoái với mức 19.758 bảng Anh (khoảng hơn 600 triệu vnd). Quyền lợi của Dayes không chỉ là nhận được một hợp đồng quảng cáo kinh phí lớn, mà khách hàng còn đưa cô đến thành phố Dubai xa hoa để trải nghiệm dịch vụ và làm việc đồng thời tại đó trong vài ngày.

Hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của thương hiệu về việc hình ảnh đó của người mẫu sẽ được sử dụng vì mục đích gì, ở đâu và thời gian bao lâu. Có thể họ sẽ quyết định sau khi xem thành phẩm sau cùng, hoặc là đã lên kế hoạch sẵn từ trước. Cũng rất nhiều trường hợp, thời gian sử dụng hình ảnh của người mẫu được chính khách hàng kéo dài thêm hơn. Trong trường hợp đó thì họ sẽ gửi thông báo tới agency, ký kết một hợp đồng gia hạn sử dụng và người mẫu tiếp tục được trả thêm một khoản chi phí sử dụng hình ảnh khác mà không phải tốn công sức gì thêm.

Các agency cũng thường xuyên tạo điều kiện để người mẫu có hình ảnh mới để bổ sung vào hồ sơ công việc của mình.

Đó chỉ là câu chuyện người mẫu tại thị trường quốc tế chuyên nghiệp. Điều đáng buồn là tại thị trường Việt Nam thì việc ký kết cùng agency là một thực tế khác biệt, không thuận theo ý muốn của phần đông người mẫu Việt. Hầu hết trong số họ vẫn hoạt động với tư cách là một người mẫu tự do, chứ không ký hợp đồng độc quyền với một công ty quản lý nào cả. Vậy nên quyền lợi của họ sẽ chỉ dừng ở mức day rate, chứ không thể nào dư dả và phát triển lâu dài hơn được.

Một thực trạng đáng buồn khác là luật bảo vệ bản quyền hình ảnh và sở hữu trí tuệ tại Việt Nam vẫn còn quá lỏng lẻo, không thắt chặt, tạo ra nhiều nan đề khó khăn để người mẫu và những người làm công việc sáng tạo, đặc biệt là về hình ảnh, biết được quyền lợi để bảo vệ và đấu tranh cho những sản phẩm, công sức lao động làm ra của chính mình. Đó là lý do mà các người mẫu Việt không nhận thức (hoặc cam chịu) rằng quyền lợi của mình còn lớn hơn nhiều lần so với thù lao được trả sau mỗi buổi chụp hình, quay/ chụp quảng cáo.

Rõ ràng nền thời trang nước nhà vẫn cần lắm một mô hình chuyên nghiệp, bài bản như thế giới để công việc người mẫu trở nên có trị giá và tiềm năng phát triển thật chất và thậm chí là mở mang cơ hội để đưa những gương mặt xuất chúng được thử sức và tiệm cận hơn với nền thời trang của thế giới.

Thực hiện: Fellini Rose

Tags:

công ty quản lý người mẫucông việc người mẫumodel agencynghề người mẫungười mẫu quảng cáongười mẫu thời trangnhiếp ảnh thời trang

BÀI VIẾT HAY CHO BẠN

22/05/2024
Nhiếp ảnh gia Mạnh Bi khởi nguồn cảm hứng để truyền lửa cho thế hệ kế cận

Nhiếp ảnh gia (NAG) Mạnh Bi là cái tên thành danh trong ngành nhiếp ảnh thời trang Việt. Gần 15 năm trong nghề, cá nhân...

24/11/2023
Tầm ảnh hưởng của Cindy Sherman tới giới thời trang rộng như thế nào?

Cindy Sherman, nhiếp ảnh gia Self-Portrait, sinh năm 1954, đã trải qua những năm tháng tuổi thơ tại vùng ngoại ô yên bình của Huntington,...

22/10/2022
Petra Collins – Một thế giới nhiếp ảnh đầy tính nữ

Phụ nữ luôn được xem là đối tượng có nhiều tác động quan trọng đến dòng lịch sử thời trang và khi nhìn vào bức...

Post navigation

Previous post:

Trào lưu phục hưng những bộ suit cổ điển của những thương hiệu xa xỉ

Next post:

Kinh doanh trực tuyến: 9 thống kê về hành vi mua sắm trực tuyến mà bạn cần biết trong năm 2020

Bài viết mới nhất

09/11/2024
67 năm về trước có Christian Dior: một biểu tượng hai số phận

Cách đây 67 năm về trước, đóa hoa thời trang huyền thoại – cha đẻ Dior, Christian Dior đã lụi tàn, để lại cho hậu...

06/11/2024
“Modern Flirt” – Thước phim lãng mạn mở màn cho show diễn Chanel Cruise 2025 tại Hồng Kông

Trước thềm show diễn trình làng bộ sưu tập Chanel Cruise 2025 tại Hồng Kông, nhà mốt Pháp dẫn dắt làng mốt vào vũ trụ...

25/10/2024
Những chiếc váy sống mãi từ trang sách đến màn ảnh

Những chiếc váy kinh điển đã đi từ trang sách đến màn bạc, qua hàng thập kỷ vẫn sống mãi và đẹp tuyệt vượt thời...

12/10/2024
Fashion show: Màn trình diễn thực sự diễn ra ở hậu trường

Bạn có tò mò và muốn khám phá những gì diễn ra đằng sau sàn catwalk? Từ chiến dịch mới của Miu Miu đến nụ...

Từ khóa » Siêu Mẫu Thời Trang Là Gì