Người Nói Nhiều, Là Dấu Hiệu Của Bệnh Tâm Lý Hay Là Do Tính Cách?

Lắm mồm. Ba hoa. Dài dòng. Chỉ thích nghe giọng nói của chính mình (chỉ thích nghe mình nói, thích làm trung tâm của sự chú ý).

Nếu bạn là người nói nhiều thì có lẽ bạn từng nghe ai đó nói đến một hoặc hai từ ở trên. Những lời nhận xét thẳng thắn như thế này có thể khiến bạn lo lắng rằng mình nói hơi nhiều.

Có thể bạn sẽ thử thách mình giữ im lặng trong một hoặc hai ngày, nhưng thật khó vì bạn có quá nhiều điều muốn chia sẻ. Chưa tính đến việc khi bạn không góp chuyện thì mọi người sẽ lấy làm ngạc nhiên và tự hỏi tại sao bữa nay bạn lại không nói gì.

Nói nhiều không phải là xấu. Trên thực tế, đó là một nét tính cách được đánh giá cao trong nhiều ngành nghề. Nhưng khi nào thì nói nhiều trở thành một lời nguyền?

Bao nhiêu là quá nhiều?

“Nói quá nhiều” không phải mang cùng một nghĩa đối với tất cả mọi người.

Không phải ai cũng thích chuyện trò, nên với một số người thì chỉ nói vài ba câu đã là quá nhiều. Nhưng với những người thích nghe một câu chuyện hay ho thì họ có thể hào hứng nghe bất cứ điều gì mà bạn muốn chia sẻ. Đôi lúc người ta bảo bạn nói quá nhiều đơn giản vì họ không thích nghe bạn nói mà thôi.

Thay vì chú ý đến số lượng từ bạn nói, hãy thử khám phá xem bạn chiếm bao nhiêu không gian trò chuyện và nó ảnh hưởng đến người khác ra sao?

Bạn có ngắt lời đồng nghiệp không? Nói át luôn cả tiếng bạn bè? Giành nói hết trong bữa cơm tối gia đình? Nói những điều mà người khác xem là cay nghiệt, thiếu tử tế hoặc mang tính xúc phạm?

Dưới đây là một số thông tin về thuật ngữ y học về tính nói nhiều có thể giúp bạn đánh giá thói quen ăn nói của mình:

Áp lực giao tiếp bằng lời nói (Pressured speech)

Kiểu nói chuyện này thường bao gồm việc nói rất nhanh và hùng hồn, thường khó dừng lại, ngay cả khi người khác tìm cách để chen ngang một câu.

Bạn nói nhiều hơn bình thường, với tốc độ nhanh hơn nhiều, thậm chí âm lượng lời nói cao hơn. Bạn có cảm giác như thể mình không thể kiểm soát được ngôn từ phát ra khi bạn nhảy từ ý tưởng này sang ý tưởng khác, xâu chuỗi các suy nghĩ lại với nhau nhanh đến mức người nghe phải cố gắng lắm mới theo được bạn.

Hyperverbal (Nói nhanh)

Hyperverbal chỉ về lối nói rất nhanh.

Có lẽ bạn phát hiện thấy mình nói nhanh để giãi bày hết mọi thứ mà bạn cần nói. Bạn có thể gặp khó khăn trong việc đợi đến lượt mình nói và thấy mình thường xuyên ngắt lời người khác.

Điều này cũng không quá khác biệt so với Áp lực giao tiếp bằng lời nói, và một số chuyên gia có thể dùng 2 thuật ngữ này thay thế cho nhau được. Tuy nhiên, hyperverbal không nhất thiết liên quan đến sự chuyển đổi nhanh giữa các ý nghĩ hoặc việc sử dụng các vần điệu hoặc cách chơi chữ để kết nối những suy nghĩ, như Áp lực giao tiếp bằng lời nói thường làm.

Ngôn ngữ vô tổ chức (Disorganized speech)

Kiểu nói chuyện này thường bao gồm việc nhanh chóng chuyển đổi giữa các chủ đề, không có sự kết nối rõ ràng nào giữa các chủ đề.

Bạn có thể trả lời câu hỏi bằng những câu trả lời mà người khác xem là chả liên quan gì nhau. Đôi khi, ngôn ngữ vô tổ chức bao gồm các chuỗi từ ngẫu nhiên dường như thiếu sự kết nối rõ ràng.

Ngôn ngữ vô tổ chức có thể không nhanh hơn so với ngôn ngữ bình thường, nhưng nó vẫn có thể gây khó hiểu cho người khác. Nếu nghiêm trọng thì nó có thể cản trở việc giao tiếp bình thường.

Thôi thúc nói chuyện cưỡng chế (Compulsive communication)

Các nhà nghiên cứu đã mô tả khuôn mẫu này là thôi thúc nói chuyện cưỡng chế hay “nghiện nói - talkaholism,” có vài dấu hiệu chính sau đây:

  • nói rất nhiều, thường là nói nhiều hơn bất cứ ai, trong hầu hết các tình huống
  • phải cố gắng lắm mới nói ít được, ngay cả khi đang làm việc, trong giờ học, hay vào những khoảng thời gian “yên tĩnh” quan trọng khác
  • nhận ra bạn nói rất nhiều, thường là bởi vì người ta bảo với bạn như thế
  • khó giữ im lặng, ngay cả khi việc tiếp tục nói chuyện sẽ khiến bạn gặp nhiều rắc rối

Nghiên cứu khác chỉ ra những người có thôi thúc nói chuyện cưỡng bức có khả năng:

  • không nhận ra họ đang nói quá nhiều
  • có khuynh hướng tranh cãi
  • có thói quen giành nói hết
  • chẳng quan tâm đến sự chỉ trích hay nhận xét tiêu cực của người khác

Nhìn chung là, những người có thôi thúc nói chuyện cưỡng chế gặp khó khăn trong việc kiểm soát lời ăn tiếng nói của mình, ngay cả khi họ rất cố gắng.

Điều gì đang diễn ra

Thường thì sự nói nhiều không khác gì một nét tính cách.

Ví dụ, những người hướng ngoại thường có kỹ năng giao tiếp tuyệt vời. Nhiều người có thể thích thú với một cuộc gặp riêng tư với bạn bè (hay khách lạ) mà vẫn nhận ra khi nào thì giữ im lặng có thể là phản ứng tốt nhất. Nếu bạn có thể dễ dàng ngừng nói khi cần thì tính nói nhiều, ưa tán gẫu có khả năng chỉ là một khía cạnh của cá tính độc đáo của bạn.

Điều đó nói lên rằng, nhiều dạng thức khác nhau của việc nói nhiều có thể xuất hiện như một triệu chứng của một số bệnh tâm thần:

  • Áp lực giao tiếp bằng lời nói (Pressured speech) thường xảy ra như một phần của hưng cảm hoặc các cơn hưng cảm.
  • Ngôn ngữ vô tổ chức có thể xuất hiện như một triệu chứng chính của bệnh tâm thần phân liệt và các chứng rối loạn tâm thần khác, cùng với chứng rối loạn nhân cách phân liệt.
  • Nói lan man hoặc nói quá nhiều có thể xuất hiện cùng với chứng lo âu xã hội. Bạn sợ nói sai hoặc sợ bị người khác đánh giá, nhưng cuối cùng bạn lại nói nhiều hơn dự tính nhằm để bù đắp cho sự lo lắng của bạn và giúp xoa dịu những lo âu xoay quanh việc người khác nghĩ gì về bạn.
  • Hyperverbal (lối nói nhanh) có thể xuất hiện như một triệu chứng của ADHD - tăng động giảm chú ý hoặc lo âu
  • Nếu bạn đang lo âu thì bạn có thể nói nhiều hơn bình thường hoặc nói rất nhanh khi bạn cảm thấy căng thẳng nhất.
  • Nói quá nhiều về bản thân. Người mắc chứng rối loạn lưỡng cực thường thao thao bất tuyệt về những thành tựu, mục tiêu hay kế hoạch của họ trong cơn hưng cảm. Cách nói năng này của họ thường có vẻ hoành tráng hoặc thiếu thực tế. Người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ (narcissistic personality disorder) có thể nói rất nhiều về tài năng, những thành tựu của họ hay những người quan trọng mà họ quen biết để thu hút sự chú ý.

Tôi có nên đi khám bác sĩ không?

Hãy nhớ rằng những tình trạng nói trên đều có liên quan đến các triệu chứng khác. Nhìn chung thì các triệu chứng sẽ trở nên khá rõ ràng và chúng thường sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến các mối quan hệ và cuộc sống thường ngày của bạn.

Dưới đây là một số triệu chứng chính khác của những chứng bệnh đó:

  • Các cơn hưng cảm trong rối loạn lưỡng cực thường liên quan đến mức năng lượng tăng lên, ít cần ngủ, suy nghĩ dồn dập và quá nhanh, năng suất lao động tăng lên ở trường học hoặc nơi làm việc. Bạn cũng có thể cảm thấy bồn chồn và dễ phân tâm.
  • Lo lắng và lo âu xã hội liên quan đến những lo âu thường trực và dai dẳng về nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống hằng ngày của bạn. Với chứng lo âu xã hội thì những nỗi lo lắng đó gắn chặt với môi trường xã hội và suy nghĩ của người khác về bạn. Những tình trạng này cũng có thể bao gồm các triệu chứng thể chất như đau đớn và căng thẳng, đau dạ dày và khó ngủ.
  • Những triệu chứng ADHD khác bao gồm tính hay quên, khó quản lý thời gian, mất tập trung hoặc khó tập trung, bồn chồn hoặc tăng động.
  • Với chứng rối loạn nhân cách ái kỷ, bạn sẽ có một niềm tin mãnh liệt vào tầm quan trọng của bản thân, khó hiểu được nhu cầu và cảm xúc của người khác, và khát khao nhận được sự khen ngợi và ngưỡng mộ.
  • Tâm thần phân liệt thường bao gồm ảo giác, ảo tưởng và những triệu chứng khác khiến bạn mất kết nối với thực tại.

Khi việc nói nhiều không đi cùng với bất kỳ sự căng thẳng nào về cảm xúc hoặc gây ra những cảm xúc không thoải mái nào thì có thể đó chỉ là một phần của con người bạn.

Làm sao để nói chuyện có ý thức hơn

Ngay cả khi một người thích tán gẫu không có bất kỳ vấn đề tiềm ẩn nào thì nó vẫn có thể gây ra một số khó khăn trong những tương tác hằng ngày.

Vào lúc này hay lúc khác, bạn có lẽ từng nghe nói rằng giao tiếp là con đường 2 chiều. Bạn không thể chỉ lo bày tỏ ý kiến của riêng mình. Việc lắng nghe cũng rất cần thiết. Trừ khi bạn dành thời gian để làm cả hai điều này, bằng không thì bạn vẫn chưa thực sự biết giao tiếp.

Nếu có người từng phàn nàn rằng, “Hãy để người khác nói vài lời,” hoặc “Ừ, cậu đã kể câu chuyện đó cả triệu lần rồi,” thì rất đáng để bạn xem xét lại những cuộc trò chuyện gần đây của mình để cân nhắc về thời gian mà bạn dành để nói so với thời gian để lắng nghe.

Những mẹo này có thể giúp bạn giao tiếp có ý thức hơn.

Chú ý đến phản ứng của người khác

Bạn thường học được rất nhiều điều về phong cách trò chuyện và âm lượng giọng nói của mình bằng cách để ý đến phản ứng của người khác.

Hãy thử hỏi mình những câu sau:

  • Người khác có xu hướng bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách nhanh chóng đáp rằng “Mình chỉ có vài phút để nói chuyện” hay “Mình đang vội, liệu chúng ta có thể nói ngắn gọn được không”?
  • Liệu mọi người có vẻ miễn cưỡng bắt đầu một cuộc trò chuyện? Họ có thể vẫy tay và rời khỏi phòng khi bạn bước vào hoặc trả lời các cuộc gọi điện thoại bằng một tin nhắn ngắn gọn.
  • Mọi người thường tỏ ra lơ đễnh hoặc không hứng thú với những điều bạn nói? Họ có thể gật đầu hoặc lướt điện thoại khi bạn đang nói, hoặc kết thúc cuộc chuyện trò bằng rất nhiều từ “Wow,” “Yeah,” và “Huh.” Tất nhiên là những phản hồi này không được lịch sự cho lắm, nhưng khi hầu hết những người mà bạn nói chuyện đều phản ứng theo cách này thì bạn cần nên xem lại.
  • Bạn từng phát hiện thấy mình từng cắt lời hoặc xen ngang lời người khác chưa?
  • Đôi lúc bạn có nói nhiều hơn dự định hoặc tiết lộ thông tin mà người khác yêu cầu bạn giữ kín hay không?

Nếu câu trả lời của bạn đa số là có thì hãy xem xét đến việc tạm để qua một bên những kỹ năng trò chuyện được phát triển khá tốt của bạn và tận dụng cơ hội để trau dồi kỹ năng lắng nghe tích cực của mình.

Giữ cho cuộc trò chuyện được cân bằng

Ngay cả khi bạn là một người nói nhiều, bạn không cần phải câm như hến. Trên thực tế, bạn có thể thấy mình đang ở trong những tình huống mà nói nhiều là một lợi thế.

Có lẽ bạn thường xuyên dành thời gian cho một người bạn hướng nội, hoàn toàn vui vẻ lắng nghe khi bạn dẫn dắt cuộc trò chuyện.

Tuy nhiên, trong một nhóm hỗn hợp hoặc những người bạn cũng nói nhiều khác, bạn có thể muốn cố gắng hơn để dành cơ hội được nói cho tất cả mọi người.

Sau đây là vài gợi ý để giữ cân bằng:

  • Hãy đặt câu hỏi thay vì lấp đầy khoảng trống bằng những kinh nghiệm của riêng bạn.
  • Hãy lắng nghe khi người khác trả lời thay vì nghĩ đến những điều bạn muốn nói tiếp.
  • Tránh cắt ngang ngay khi cuộc trò chuyện tạm dừng. Một số người cần nhiều thời gian hơn người khác để thu thập quan điểm của họ, và khoảng thời gian tạm lắng ngắn ngủi cho người khác cơ hội để suy xét về những điều người khác đã nói trước khi nói.
  • Tránh cắt ngang lời khi người khác đang nói. Nếu bạn có câu hỏi hay muốn làm rõ ràng vấn đề gì, hãy chờ họ nói hết và dừng lại một cách tự nhiên trước khi bạn hỏi.

Thoải mái với sự im lặng

Con người thường cảm thấy không thoải mái khi cuộc trò chuyện tự dưng im lặng.

Có lẽ bạn nói nhiều vì bạn lo mình trông có vẻ nhàm chán. Bạn thậm chí còn lo sợ những khoảnh khắc im lặng với người yêu có nghĩa là hai người chẳng có gì để nói với nhau và cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ của bạn sẽ không kéo dài.

Im lặng không phải điều xấu, và một số người thậm chí còn thích sự im lặng. Nó cho ta cơ hội để suy ngẫm và sắp xếp suy nghĩ. Tham gia một cách tích cực và tôn trọng vào cuộc trò chuyện sẽ ngốn khá nhiều năng lượng—ngay cả khi bạn chỉ lắng nghe. Người yêu của bạn, hoặc bất cứ ai khác, có thể không có cùng mức độ năng lượng dành cho trò chuyện giống như bạn.

Hãy giữ một cuốn nhật ký để ghi lại các suy nghĩ xuất hiện trong những lúc yên tĩnh. Đôi lúc, viết chúng ra giấy có thể làm dịu bớt nhu cầu nói ra, còn nếu không—bạn vẫn còn lần sau để nói!

Suy nghĩ trước khi nói

Chắc chắn đó là một câu nói xưa như trái đất, nhưng điều đó không làm giảm đi sự thông thái của nó.

Chẳng có gì sai khi tập thói quen cân nhắc điều bạn muốn nói trước khi mở lời. Hãy tự hỏi bản thân, “Điều này có gì mới mẻ hay không?” hoặc “Mình có nên chia sẻ điều này với mọi người không?”

Có lẽ bạn trở nên nói nhiều để bù đắp cho người yêu ít nói trong mối quan hệ, hoặc tính nói nhiều của bạn phát triển do tuổi thơ cô đơn. Cũng có thể nỗi lo hay sự căng thẳng thúc đẩy bạn giảm bớt lo lắng bằng cách lấp đầy không gian chết trong cuộc trò chuyện.

Hãy thử hít thở sâu, làm các bài tập chánh niệm và những kỹ thuật nền tảng để kiểm tra bản thân trước khi bạn nói và bỏ thói quen nói ra mọi suy nghĩ có trong đầu.

Đặc biệt là những kỹ thuật chánh niệm có thể giúp bạn học cách tập trung vào hiện tại và ưu tiên cho những điều quan trọng nhất và phù hợp nhất trong môi trường hiện tại của bạn.

Kết luận

Không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra ranh giới giữa “nói quá nhiều” và “nói vừa đủ.”

Bạn có lẽ không nên lo lắng về mức độ nói chuyện của mình nếu bạn nói rất nhiều mà người khác dường như vẫn thích trò chuyện với bạn hay hay tìm đến bạn. Tuy nhiên, nếu mọi người có vẻ chủ động tránh trò chuyện với bạn thì bạn cần cố gắng nói ít lại và lắng nghe nhiều hơn.

Nếu việc bỏ thói quen nói thao thao bất tuyệt là thách thức đối với bạn thì một nhà trị liệu tâm lý có thể giúp bạn tìm hiểu nguyên do của thôi thúc nói chuyện mang tính cưỡng bách và giúp bạn xây dựng kỹ năng giao tiếp tỉnh thức hơn.

Nguồn

https://www.healthline.com/health/talking-too-much?fbclid=IwAR2H9mDDsZSGDKX4-dtQSCicja7mg8wezq8TIe-neaCKC0MgSLx6PG99dLM#takeaway

Từ khóa » Bớt Nhiều Chuyện