Người Nông Dân Sáng Chế Máy Tách Vỏ Hạt Vừng đầu Tiên ở VN

Những ý tưởng táo bạo

Tuổi thơ "ham chơi" cùng với hoàn cảnh gia đình quá nghèo nên chỉ phấn đấu tới lớp bốn, cậu bé Lành đã phải nghỉ học phụ giúp gia đình việc đồng áng. Lớn lên, ông làm công nhân cầu đường không đủ ăn, rồi chuyển sang nghề sửa ôtô và cuối cùng là mở một xưởng cơ khí tại vùng quê nghèo thôn Văn Xá Đông.

Với trí tưởng tượng phong phú, có kinh nghiệm trong nghề cơ khí vừa cần mẫn chịu khó, ông Lành luôn tự mày mò sáng tạo ra rất nhiều máy móc phục vụ người dân. Đầu tiên là chiếc máy bóc vỏ lạc ra đời năm 1987, lúc đó do một người buôn tỏi gợi ý. Người ta đặt máy bóc vỏ tỏi nhưng vì vỏ tỏi quá mỏng không đạt yêu cầu giữ lớp vỏ lụa bên ngoài nên ông chuyển sang làm máy bóc vỏ lạc.

"Tui ngồi tưởng tượng xem kích cỡ quả lạc, tính toán tốc độ gió, vận dụng búa đập cao su làm răng cho hạt đi đằng hạt, vỏ đi đằng vỏ. Xong rồi bắt tay vô làm liền. Chiếc máy đầu tiên to tướng, làm bằng gỗ là thành công đầu tiên, bán được với giá 600 nghìn đồng".

Sau đó cải tiến dần máy nhỏ hơn, hiệu suất cao hơn. Tiếng đồn lan dần khắp nơi, từ đó, máy bóc lạc của ông Lê Hữu Lành được người dân khắp nơi từ Đắk Lắk cho đến Bắc Giang tìm đến mua. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, khách hàng góp ý, ông sáng chế luôn máy sàng đậu. Qua thời gian, chiếc máy bóc lạc được tối ưu hoá, chiếc máy mới hiện nay vừa gọn nhẹ vừa cho năng suất hoạt động 15 tấn/ngày.

Vào đầu năm 2005, một khách hàng yêu cầu ông Lê Hữu Lành làm một máy bóc vỏ hạt vừng, ông nhận lời và bắt tay vào làm. Mất 8 tháng nghiên cứu, mày mò sáng chế, đến lần thứ 6 ông Lành đã hoàn thiện máy tách hạt vừng với cơ chế can giờ hoạt động và dùng nước làm mềm vỏ trước khi đưa vào tách bóc. Máy tách hạt vừng của ông Lành có thể sử dụng điện dân dụng hoặc máy nổ, máy bóc được 3 tạ hạt vừng/giờ, gấp 40 lần so với tách bóc thủ công, tỷ lệ tách nhân và vỏ đạt 99%. Bình quân mỗi máy bán ra với giá 15 triệu đồng.

Từ sáng chế này, ông Lành đã trở thành người đầu tiên trong nước sáng chế ra máy bóc vỏ hạt vừng. Sáng chế này được Hội Nông dân huyện Hương Trà đề cử tham gia giải thưởng nông dân sáng tạo về khoa học - công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2007 và đạt luôn giải nhì toàn tỉnh. Hiện tại, máy bóc vừng đã có ở các tỉnh miền Trung như Quảng Nam. Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế theo đơn đặt hàng của các cơ sở...

Những sáng chế phục vụ dân cày

Ngoài sáng tạo máy bóc vỏ lạc, bóc vỏ vừng, ông Lành còn có hàng loạt cải tiến về máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con trong vùng. Bên cạnh máy xay nhựa, máy cắt hành, máy cắt sắn… sản phẩm gần đây đang được bà con ở tỉnh Thừa Thiên - Huế sử dụng rộng rãi là bộ giàn cày có tính năng làm cỏ và cày ải. Do máy cày Nhật mua về không hợp với phương thức cày ải ở những vùng đất cứng như miền Trung nên hàng chục triệu đồng của người dân đành bỏ xó.

Một nông dân ở xã Hương Vân (Hương Trà) mang máy về cơ sở ông Lành nhờ cải tiến. Sau 3 tháng mày mò, cuối cùng, hệ thống giàn gồm 3 lưỡi cày xéo, bốn chiếc lưỡi cắt đất hình dĩa ra đời gắn vào chiếc máy cày cho phép làm cỏ, cày ải tự do trên thửa ruộng một cách thuận tiện mà không cần phải chọn góc, chọn bờ như trước.

Ông Lành luôn tôn trọng yêu cầu khó tính của các bác nông dân bởi đơn giản, họ chính là nguồn kích thích trí sáng tạo của ông. "Làm ra máy mới, nông dân sẵn sàng thay tui làm thí nghiệm, lúc thì cày ruộng, lúc bóc vỏ vừng… thành công rồi ai cũng vui" - ông Lành tâm sự. Tận tình và không bao giờ bó tay trước mọi thử thách, cơ sở cơ khí Hữu Lành ở xã Hương Văn luôn là nơi đặt hàng tin cậy của nhiều người dân

Từ khóa » Cách Sát Vỏ Hạt Vừng