Người Phạm Tội đưa, Nhận Hối Lộ Sẽ Bị Xử Lý Như Thế Nào? - PLO

Mới đây, trong Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Bộ Chính trị, đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm..., đặc biệt là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; thu hồi triệt để tài sản do tham nhũng mà có.

Cùng với đó là tập trung kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều tố cáo, khiếu nại, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc…

Hôm 14-4, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ba bị can về tội nhận hối lộ trong vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao và các đơn vị liên quan.

Trước đó, ngày 10-3, tại cuộc họp lãnh đạo chủ chốt ở Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, điều tra để xử lý nghiêm vi phạm trong các vụ án được dư luận quan tâm, trong đó có có vụ án "nhận hối lộ" để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Vậy pháp luật Việt Nam quy định việc xử phạt đối với tội đưa hối lộ, nhận hối lộ như thế nào?

Đối với hành vi đưa hối lộ

Theo Điều 364 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì tùy theo trường hợp mà có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù đến 20 năm.

Cụ thể, người phạm tội bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm trong trường hợp: Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng; Lợi ích phi vật chất.

Bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội hai lần trở lên; hoặc của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

- Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng thì bị phạt tù từ bảy năm đến 12 năm.

- Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỉ đồng trở lên thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.

- Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Đối với hành vi nhận hối lộ

Theo Điều 354 BLHS 2015, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì có thể bị phạt tù với mức thấp nhất là hai năm, mức cao nhất là tử hình.

Cụ thể, bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm trong trường hợp tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; hoặc lợi ích phi vật chất.

Bị phạt tù từ bảy năm đến 15 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn; Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; Gây thiệt hại về tài sản từ 1 tỉ đồng đến dưới 3 tỉ đồng; Phạm tội hai lần trở lên; Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước; Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

+ Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng.

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 3 tỉ đồng đến dưới 5 tỉ đồng.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

+ Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỉ đồng trở lên

+ Gây thiệt hại về tài sản 5 tỉ đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Infographic Ai đã bị khởi tố trong vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao?

Infographic Ai đã bị khởi tố trong vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao?Infographic

NGUYỄN THẢO Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Nhận Hối Lộ 200 Triệu