NGƯỜI SÙNG ĐẠO? - Hướng Đi Ministries

Các bài trước:

https://huongdionline.com/2015/09/30/niem-tin-cua-nguoi-vo-than/ https://huongdionline.com/2015/10/14/toi-khong-phai-la-nguoi-sung-dao/

Người sùng đạo?

niemtincuavothan

Đầu tiên tôi xin hỏi bạn, bạn có thể chân thành trả lời có hay không loại người sùng đạo? Đừng ngụy tạo thể loại người ấy bao gồm người có cung cách như đàn bà, người về hưu, và người đầu óc lẫn thẫn. Tôi có thể kể ra một số người trong nhà thờ của chúng ta, họ có thể là: thầy thuốc phụ khoa, công nhân nhà máy, quản lý thư viện, người làm vườn, chủ ga-ra, thợ xây, kiến trúc sư, kỹ sư, người đã tìm gặp Chúa trong tù, luật sư, nhà bác học nguyên tử, giảng viên đại học, người làm phúc lợi, hàng trăm sinh viên (đại đa số đang theo học các ngành khoa học), những người đến từ I-ran, Ấn Độ, Sri Lanka và Rhodesia, Nam Phi (da trắng và da đen) và Hoa Kỳ, Canada, Thụy Điển, Đức, Hồng Kông, Nhật Bản, Úc, Kenya, Uganda, Sudan, Nigeria… Họ có những điểm khác biệt trong quan điểm, hoàn cảnh sống, nền giáo dục, tính cách, tuổi tác, sở thích, tất cả mọi điều, sự khác biệt ấy lớn đến nỗi thật lố bịch nếu xếp tất cả họ vào một thể loại người sùng đạo. Những Cơ Đốc Nhân này không chỉ có một dạng: họ là tất cả mọi dạng người – người hướng ngoại và hướng nội, người mạnh mẽ và người yếu đuối, người lớn tuổi và trẻ tuổi, người da trắng và da đen. Họ rất khác biệt nhưng có một điểm chung thống nhất, và điểm chung ấy mạnh như thép: Đức tin nơi Chúa Giê-su Christ.

Đây là một ví dụ mà tôi nghĩ đến. Một vài ngày trước tôi nhận được một bức thư từ một nhà báo làm cho Tạp chí Thời đại. Người ấy kể cho tôi rằng anh nguyên là thủ quỹ của Hội Nhân Văn Oxford. Anh đã tin Chúa vào năm 1966 nhờ sự bắt phục của Chúa Thánh Linh, Đấng hiện diện trong đời sống người tiền nhiệm của tôi, quản nhiệm Nhà thờ St. Aldate. Hiện tại anh đang dấn thân vào công việc Chúa tại Hồng Kông, và anh không chỉ kinh nghiệm sự trưởng thành sâu sắc trong đời sống mình mà còn dẫn dắt một số lượng lớn những người khác đến với Đấng Christ, Đấng mà anh đã từng chối bỏ trong quá khứ nhưng hiện đang sống trong anh. Có thể nào bạn nói một người như vậy là hạng người sùng đạo? Có thể nào bạn nói những môn đồ đầu tiên của Chúa Giê-su là người sùng đạo? Có lẽ một người bí ẩn như Giăng là người như vậy, nhưng còn những tay đánh cá vạm vỡ và trung thành với lời thề như Anh-rê và Phi-e-rơ thì thể nào? Thế còn những chiến sĩ tranh đấu cho tự do như Giu-đa Ích-ca-ri-ốt và Si-môn Xê-lốt? Những người chỉ muốn gom về nhiều tiền như Ma-thi-ơ? Những tay nghiện rượu và đồng tính tại thành Cô-rinh-tô mà sau này đã trở thành Cơ đốc Nhân? Còn những tên trộm cắp và thuật sĩ tại thành Ê-phê-sô? Thật là lố bịch khi cho rằng những người theo Chúa Giê-su là hạng người sùng đạo.

Niềm tin phi tôn giáo

Xin đừng để việc bạn không ưa thích tôn giáo khiến bạn không đến với Chúa Giê-su. Theo một nghĩa thật sự thì Chúa Giê-su đến để phá bỏ tôn giáo. Dietrich Bonhoeffer, một người Đức tử đạo, đã không hề chơi chữ khi ông đưa ra thành ngữ “Cơ đốc Giáo phi tôn giáo”. Thành ngữ này mô tả chính xác bản chất của Cơ đốc Giáo. Nó không phải là sự nỗ lực của người có đời sống tốt để làm đẹp lòng Chúa và đạt được một chỗ ở trên thiên đàng. Nhưng đó chính là sự giáng sinh của Chúa trong tình yêu thương và Ngài đến trần gian để tìm kiếm những con người mà có lẽ họ sẽ chẳng bao giờ tìm kiếm Ngài. Ngài dang rộng vòng tay với họ trên cây thập tự và nói: “Hãy đến với ta, chúng ta sẽ cùng chia sẻ sự sống.” Không phải là một tôn giáo, nhưng là một sự giải thoát. Đó là lý do những Cơ đốc Nhân đầu tiên lại rất thích nhấn mạnh rằng họ không có đền thờ, không có bàn thờ, không có thầy tế lễ trung gian. Họ không có một tôn giáo theo nghĩa thông thường được chấp nhận, vì vậy mà người La Mã gọi họ là “người vô thần”. Thay vào đó, họ có một Đấng biết rõ họ, yêu thương họ, và không bao giờ từ bỏ họ. Không gì có thể phân cách họ khỏi sự hiện diện yêu thương của Ngài.

Vậy lời cầu nguyện của Cơ đốc nhân không trở nên một nghi lễ nhưng là  trò chuyện với một Người Bạn Lớn. Thờ phượng không phải là một lễ vào Chủ Nhật nhưng là sự tuôn tràn tình yêu và tôn thờ một cách tự nhiên đến với Đấng Cứu Rỗi từ dân sự của Ngài khi họ cùng nhau nhóm lại. Họ không cần giáo đường, bởi vì nơi nào có đôi ba người nhơn danh Chúa nhóm nhau lại thì Ngài ở giữa. Họ không cần các thầy tế lễ làm trung gian vì Chúa Giê-su đã mở một con đường trực tiếp và bình đẳng đến với sự hiện diện của Đức Chúa Trời cho mỗi một người trong số họ. Hiểu một cách đúng đắn, Cơ đốc Giáo là niềm tin không câu nệ nhất: nó không tách người thế tục khỏi người thiêng liêng, nhưng giữ chặt cả hai với nhau. Chúa quan tâm đến việc tôi làm trong công việc thường ngày cũng như những mục vụ trong các buổi lễ của nhà thờ.

Vâng, Cơ đốc Giáo dành cho người không theo tôn giáo. Không phải quá đáng khi nói nếu bạn theo đuổi tôn giáo, Cơ đốc Giáo sẽ rất khó đối với bạn, gần như là không thể. Bạn sẽ cảm thấy gần như không thể để trở thành Cơ đốc Nhân, bởi vì “tôn giáo” sẽ dẫn bạn theo hướng: bạn sẽ cảm thấy bằng cách nào đó mình tốt hơn và làm đẹp lòng Chúa hơn người hàng xóm không có đạo của bạn, và đó cũng là những gì mà các người Pha-ri-si suy nghĩ – và đó cũng là điều ngăn họ đến với Chúa Giê-su. Bạn cũng có thể cảm thấy gần như không thể trở thành một Cơ đốc Nhân bởi một lần nữa “tôn giáo” của bạn sẽ dẫn đi theo hướng: bạn sẽ cảm thấy rằng đời sống Cơ đốc Nhân phụ thuộc vào sự tuân theo tôn giáo chứ không phải vào Chúa. Bạn sẽ có khuynh hướng giữ một góc nhỏ tôn giáo trong cuộc sống bạn cho Chúa chứ không dành cho Ngài trọn vẹn đời sống. Bạn hẳn sẽ cảm thấy trở nên và sống như một Cơ đốc Nhân còn khó hơn rất nhiều một người không phải là “người sùng đạo”.

Vấn đề chân lý

Một vài câu hỏi khác dành cho những ai không theo đạo. Bạn có quan tâm đến chân lý? Đó là một vấn đề sống còn. Có phải tôi nghe bạn nói: “Dĩ nhiên tôi có quan tâm”? Tốt lắm, vậy bạn và Cơ đốc Nhân quan tâm đến cùng một vấn đề. Chúa Giê-su công bố: “Ta là chân lý.” Nói cách khác, Ngài tuyên bố Ngài là hiện thực tối thượng trong hình thể con người. Nếu bạn quan tâm đến điều gì là tối thượng và điều gì là chân thật thì bạn không thể vẫn giữ thái độ thờ ơ với Chúa Giê-su được. Bạn sẽ phải xác minh những tuyên bố của Ngài và gạt bỏ chúng đi vì không phải là sự thật theo quan điểm của bạn. Đây là điều bạn không thể làm nếu bạn vẫn tiếp tục quan tâm sâu sắc đến chân lý. Lúc đó bạn nhún vai nói, “Tôi không phải là người sùng đạo.”

Vấn đề dũng khí

Câu hỏi tiếp theo: bạn có đủ dũng khí cho sự tin quyết của bạn? Gần đây tôi đã gặp một người vô thần trong một nhóm thảo luận, một người có năng lực đang thực hiện nghiên cứu tiến sĩ ngành vật lý. Khi chúng tôi nói chuyện riêng với nhau sau buổi họp, tôi đã hỏi anh đã bao giờ anh đọc một trong số các sách Phúc Âm với tâm trạng cởi mở, sẵn sàng đáp lại với lời kêu gọi từ Đấng Christ khi anh bị bắt phục bởi những gì anh đọc. Câu trả lời của anh làm tôi rất bất ngờ, nhưng khi suy nghĩ kỹ tôi nhận ra nó có thể đúng cho rất nhiều người khác. Anh nói: “Tôi không dám.” Thật là một sự thừa nhận đáng chú ý! Đây là một người quen với việc đánh giá vật chất, đưa ra những nhận xét, cam kết với những lý thuyết vật lý trên nền tảng bằng chứng; vậy mà anh e sợ phải làm cùng một điều với Kinh Thánh Tân Ước trong trường hợp nó có thể thuyết phục anh và kéo anh về với Đấng Christ mà anh đang lẩn tránh. Chắc chắn, nếu anh ấy có đủ mạnh mẽ cho sự tin quyết vào niềm tin vô thần của mình, anh ấy hẳn phải sẵn lòng để đọc Sách Phúc Âm. Nó sẽ là tài liệu trực tiếp để anh ấy chế giễu những người khác tin Chúa. Nhưng không, anh ấy không có đủ dũng khí cho niềm tin của mình.

Câu hỏi tiếp theo cũng gần giống như vậy: bạn có dám đứng về thiểu số? Đức Chúa Giê-su căn dặn những môn đồ tiềm năng của Ngài hãy ngồi xuống và tính cái giá phải trả khi đi theo Ngài. Có phải họ đã được chuẩn bị để đứng về phía 10.000 người chống lại một lực lượng đối phương 20.000 người không? Nếu không, họ phải nhận hiệp ước hòa bình nhục nhã cho kẻ thua cuộc. Thật không dễ chịu chút nào khi thừa nhận mình sai về những vấn đề cơ bản của sự sống và cái chết. Không dễ để cùng tham gia với người bạn Cơ đốc bị khinh thường. Không dễ để nhận sự chế nhạo khi làm việc vì lòng trung thành với Đấng Christ. Không dễ để bạn chấp nhận Đấng Christ ảnh hưởng đến đạo đức của bạn. Dĩ nhiên là không dễ. Đức Chúa Giê-su không bao giờ nói điều đó là dễ dàng. Ngài phán rằng đi theo Ngài nghĩa là bước vào sự chết và kinh nghiệm sự sống. Chết với lối sống cũ, tiếp nhận đời sống mới, năng lực mới, những chuẩn mực mới từ Chúa. Tất cả những điều này đều rất khó. Nhiều người cải trang cho sự hèn nhát của họ bằng một câu nói thờ ơ, “Tôi không phải là người sùng đạo.” Nhưng sự hèn nhát vẫn còn đó. Giê-su ở Na-xa-rét này đã quá đòi hỏi, kiên quyết, yêu thương, chính trực đối với những ai thỏa hiệp, nhượng bộ, lười biếng và muốn đi theo đám đông.

Vấn đề trọn vẹn

Một câu hỏi khác tôi muốn hỏi những ai không quan tâm đến tôn giáo: bạn có muốn tìm sự trọn vẹn? Đức Chúa Giê-su mô tả Vương Quốc Đức Chúa Trời giống như việc tìm một kho báu. Hãy tưởng tượng một nông dân đang cày ruộng, ủ rũ, đơn điệu, chẳng một mong đợi đặc biệt nào. Và rồi lưỡi cày của anh đào trúng một chiếc hộp. Anh kiểm tra và kinh ngạc phát hiện chiếc hộp chứa đầy kim cương và hồng ngọc. Tim ai mà không đập nhanh khi phát hiện ra những điều như vậy chứ? Chúa Giê-su muốn ám chỉ rằng tìm thấy Vương Quốc Đức Chúa Trời cũng giống như vậy. Bởi vì Nước Chúa được đem đến cho chúng ta qua thân vị một vị vua; và vị vua đó chính là Chúa Giê-su. Thế thì thật sự Nước Chúa chẳng có gì liên can đến “tôn giáo”, những đòi hỏi và tuân theo giáo nghi.

Đời sống Cơ đốc Nhân liên quan đến mối quan hệ. Đầu tiên là sự phục hồi mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời; tiếp đến là sự phục hồi mối quan hệ của chúng ta với nhau, khi sự hòa hợp thiết yếu đem lại từ Đấng Christ được thể hiện ra bên ngoài. Mối quan hệ là một trong những điều quý giá nhất của cuộc sống. Song rất nhiều lần chúng bị làm hỏng bởi sự ích kỷ, định kiến chủng tộc, lòng đố kỵ, hoặc sự kiêu hãnh. Đức Chúa Giê-su Christ hiệp nhất mọi người và đem lại sự hòa hợp cho nơi nào có sự bất hòa; và nó có nghĩa là sự trọn vẹn ở mức độ sâu sắc nhất.

Tôi nhớ một em sinh viên bất hạnh hay e thẹn, em đã tìm được niềm tin nơi Đấng Christ trong ngày cuối tuần đầu tiên của ngày vào Đại học. Chỉ trong vòng sáu tuần lễ sau đó em được nở ra như một bông hoa và tạo mối quan hệ với những người khác bằng sự tự do vượt bậc. Tôi nhớ về một cặp vợ chồng khi hôn nhân của họ đã đi đến đỉnh điểm đổ vỡ, rồi thì cả hai đều tìm thấy niềm tin nơi Chúa Giê-su. Mối quan hệ mới với Đấng Christ đã đem họ lại gần với nhau hơn bao giờ hết, và hôn nhân của họ giờ đây vững mạnh và hạnh phúc. Tôi nhớ về một anh lính, bị kinh tởm bởi lòng tự cao tự đại và khiếm nhã, toàn bộ thái độ của anh đối với người khác được thay đổi triệt để khi anh bằng lòng để Chúa Giê-su Christ kiểm soát cuộc đời mình. Tôi nhớ về hai cậu học sinh không thể nào chịu đứng chung với nhau, cho đến khi cả hai tìm được Chúa trong cùng một kỳ trại: về sau các mối quan hệ được thay đổi trên một bình diện hoàn toàn mới (tôi làm chứng điều này vì tôi là một trong hai học sinh ấy).

Chính Đức Chúa Giê-su đã kéo lại những con người bị nhiều áp lực của thế giới chia cắt. Ngài hành động tại Bắc Ai-len để những tín hữu chân thật (trái ngược với “người sùng đạo” dù họ là người Tin Lành hay Công Giáo) vượt biên giới gặp nhau vào ban đêm để cầu nguyện cho nhau, giúp đỡ các quả phụ, và chăm sóc những người bị thương. Chúa hành động tại Trung Đông khi Ngài đem những người không thể hòa hợp về mặt chính trị, những người Ả-rập và người Do Thái, họp lại với nhau trong mối thông công Cơ đốc. Ngài hành động tại Nam Phi giữa những tín hữu da trắng và da đen: tôi đã tận mắt chứng kiến những cảnh đó. Nhưng tôi biết không một thế lực nào trên trái đất có thể làm điều tương tự. Thật vậy, Chúa Giê-su là bửu vật: vì Ngài đem đến sự trọn vẹn cho tất cả các mối quan hệ của chúng ta, khi chúng ta sẵn lòng để Chúa chữa lành mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời.

Vấn đề số mệnh

Một câu hỏi khác tôi muốn hỏi những ai không quan tâm đến tôn giáo: bạn có quan tâm đến tương lai của bạn? Ai mà không quan tâm chứ? Học vấn của chúng ta, những khát vọng, khả năng chuyên môn mà chúng ta theo đuổi, niềm khao khát được tiến cử tất cả đều phục vụ cho mục đích này – bảo đảm một tương lai tốt hơn. Nhưng khi chúng ta đã có chúng rồi thì sao? Đó chẳng phải là một sự trống rỗng ở đỉnh vinh quang sao? Tiền không làm ta thỏa mãn mãi mãi được, tình dục, danh tiếng hay điều gì khác cũng vậy. Và rất nhiều người khi đã ở đỉnh cao đều biết điều đó. Nữ diễn viên Raquel Welch đã thổ lộ cách chân thật trên tờ Daily Express ngày 31 tháng 10 năm 1972:

Tôi đã đạt được mọi thứ mình muốn, nhưng tôi hoàn toàn khổ sở… Tôi nghĩ thật là lạ vì tôi đã đạt được mọi thứ mà mình muốn khi còn nhỏ – giàu có, danh tiếng, và thành đạt trong sự nghiệp. Tôi có những đứa con thật xinh đẹp, và một đời sống tuyệt vời, song tôi hoàn toàn không hạnh phúc. Tôi nhận ra điều đó thật khủng khiếp khi một người có thể đạt được tất cả nhưng vẫn cảm thấy rất khổ sở.

Pascal đã diễn tả theo cách rất thú vị khi so sánh thế giới bên kia giống như một sự đánh cược: nếu bạn tin vào Đức Chúa Trời bạn không mất mát gì trong đời này, và có một lợi thế đáng cân nhắc ở đời sau. Nếu bạn không tin, nhưng thực tế là có một đời sau, bạn thật bất hạnh vô cùng!

Cuối cùng thì cuộc sống có ý nghĩa gì? Có phải chúng ta đang đi về hướng diệt vong, hay còn có một sự sống nào khác bên kia nấm mồ? Nếu bạn thực sự quan tâm đến tương lai mình, chắc chắn bạn không thể tránh cân nhắc đến vấn đề số mệnh sau cùng. Pascal đã diễn tả theo cách rất thú vị khi so sánh thế giới bên kia giống như một sự đánh cược: nếu bạn tin vào Đức Chúa Trời bạn không mất mát gì trong đời này, và có một lợi thế đáng cân nhắc ở đời sau. Nếu bạn không tin, nhưng thực tế là có một đời sau, bạn thật bất hạnh vô cùng! Hãy nghiêm túc với vấn đề này khi bạn ngoảnh mặt với một Đấng đã được chứng thực rõ ràng rằng Người đã bẻ gãy sự chết, và đã sống lại để nói cho chúng ta biết không những có một thế giới bên kia mà còn chỉ cho ta cách để đến đấy? Trong kinh doanh hay thương mại muốn gia tăng cái lợi trước mắt mà quên đi tăng giá trị vốn là một điều không tưởng. Song đó lại chính là những gì một người không nghĩ đến sự sống sau cái chết đang làm. Anh ấy nghĩ đến những mục tiêu trước mắt, và không kể đến sự thật là nguồn vốn của anh, sự sống, đang tụt giá về số không bất cứ khi nào có thể, trong khi nếu được đầu tư đúng đắn thì nó sẽ tăng giá trị theo cấp số nhân. Những Cơ đốc Nhân khẳng định niềm tin của mình không chỉ dựa trên những tài liệu được viết cách đây 2000 năm trước, nhưng dựa trên kinh nghiệm hiện có và vẫn tiếp tục xảy ra trên toàn thế giới, đó là Đức Chúa Giê-su ở Na-xa-rét đã bẻ gãy rào cản tột bực của vạn vật: sự chết. Bạn cho rằng điều này có thể đúng; hoặc có thể sai. Bạn phải quyết định sau khi kiểm nghiệm. Nhưng việc loại bỏ toàn bộ vấn đề mà nói rằng “tôi không phải là người sùng đạo” là điều hoàn toàn sai lầm nếu bạn nghiêm túc suy nghĩ về tương lai của bạn.

Niềm tin có hai mặt.

Đôi khi người ta nói rằng: “tôi không phải là người sùng đạo” với một sự khao khát, thay vì họ nói: “Tôi ước gì có được niềm tin của bạn.” Câu trả lời của tôi rất đơn giản. Bạn có thể có niềm tin của tôi. Niềm tin không gì khác hơn lòng tin; và lòng tin sẽ không có giá trị nếu không có hai mặt. Thứ nhất, cần phải có bằng chứng tốt chứng minh sự đáng tin cậy; tiếp đến cần có sự cam kết thực sự. Chỉ đơn giản thế thôi. Bạn có niềm tin vào động cơ máy bay Boeing khi bạn đi trên một chuyến bay, đúng không? Điều đó có nghĩa là quan niệm của bạn cho rằng động cơ máy bay Boeing là đáng tin cậy; cũng có nghĩa là bạn bằng lòng giao phó chính mình cho sự đáng tin cậy của họ. Cơ đốc Giáo cũng vậy. Đầu tiên bạn cần phải tin chắc rằng có một Đức Chúa Trời, Ngài quan tâm đến con người, Ngài đã bày tỏ chính Ngài qua Đức Chúa Giê-su Christ và bạn có thể có mối giao thông với Ngài. Kế đến bạn cần trao phó chính mình cho Đấng đáng tin cậy.

Trong những trang sau chúng ta sẽ xem xét những chủ đề khác nhau theo một tiến trình mà tôi hy vọng sẽ giúp bạn cảm nhận được sự đáng tin cậy của Đức Chúa Trời và cũng khích lệ bạn giao phó chính mình cho Ngài. Rồi thì bạn sẽ có niềm tin của tôi. Khi đó bạn sẽ có thể nói rằng: “Tôi không phải là người sùng đạo, nhưng tôi nghĩ tôi đã tìm được chìa khóa của vấn đề.”

(Còn nữa)

MICHAEL GREEN

Translated by Vinh Hien.

Từ khóa » Sùng đạo Có Nghĩa Là Gì