Người Sưu Tập 15.000 Mẫu đồ đá Thời Tiền Sử - VnExpress

"Ban đầu mục đích sưu tập để trang trí trong nhà, nhưng sau thời gian tìm hiểu tôi mới biết nó còn có giá trị lịch sử rất lớn", ông Thành nói và lần lượt mở những chiếc hộp chứa những mẫu vật bằng đá hình thù giống rìu, bôn đá (cuốc), cào đá, công cụ gieo hạt, hòn nghiền, bàn đá, bàn dập... mà mình dày công sưu tập.

Ông Thành cẩn thận đặt rìu đá, bôn đá lên tấm nhung vì sợ trầy xước. Ảnh: Trần Hoá.

Những mẫu vật giống rìu đá, bôn đá mà ông Thành sưu tập. Ảnh: Trần Hoá.

Phổ biến nhất là rìu có vai bằng đá lửa, bôn hình răng trâu bằng đá phtanite; bàn mài đá cứng, hòn nghiền nhỏ bằng đá cuội, bàn nghiền lớn bằng sa thạch, viên cuội tròn dẹt có lỗ thủng... Bộ sưu tập được ông Thành đánh ký tự, phân loại và bảo quản kỹ lưỡng.

Cẩn thận đặt những "báu vật" lên tấm khăn nhung, ông Thành hồi tưởng cơ duyên mình biết và sưu tầm những mẫu đồ đá. Năm 1977, ông Thành tốt nghiệp kỹ sư cơ khí Đại học Bách khoa TP HCM. Sau một thời gian giảng dạy tại ngôi trường này, ông Thành quyết định trở về Kon Tum sinh sống.

Năm 1988, ông Thành lên làng Lung Leng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, Kon Tum làm mỏ khai thác vàng (khi ấy khai thác vàng chưa bị cấm). Mùa khô năm sau, tại ngôi làng này, cách vị trí hợp lưu giữa hai dòng sông Pô Kô và Đăk Bla một km, nhiều công nhân đãi vàng liên tục phát hiện những cục đá có hình dạng khác nhau. Cục xù xì, cục bóng loáng được đẽo theo hình thù nhất định; cục có hình trụ bo tròn xung quanh, ở giữa đục lỗ tinh xảo.

Nghi ngờ những hòn đá này do người tiền sử sáng chế, ông Thành quyết định mua và giữ lại mục đích để trang trí trong nhà. Suốt tuần sau đó, ông thường xuyên đến các bản làng và tình cờ biết người đồng bào Jrai cũng nhặt được những hòn đá hình dáng tương tự - người dân địa phương gọi là "búa trời".

Ông Văn Đình Thành kể về cơ duyên gắn bó với việc sưu tầm các mẫu đồ đá. Ảnh: Trần Hóa.

Ông Văn Đình Thành kể về cơ duyên sưu tầm các mẫu đồ đá. Ảnh: Trần Hóa.

Để có được mẫu đá kỳ lạ này, ông Thành mua nhu yếu phẩm, quần áo trao đổi với bà con. Đến cuối năm 1989, ông đã sưu tập được hơn 2.000 hòn đá lớn, nhỏ. Năm 1991, ông Thành bị sốt rét, phải dừng công việc đãi vàng về nhà buôn bán. Song những lúc rảnh rỗi, ông Thành vẫn rong ruổi khắp buôn làng để tìm hoặc nhờ người quen hỏi mua những thứ mình cần bổ sung vào bộ sưu tập.

Thời gian này, PGS, TS Nguyễn Khắc Sử cùng các nhà khảo cổ của Viện Khảo cổ Việt Nam vào Kon Tum khai quật các di chỉ khảo cổ học ở dọc sông Pô Kô, huyện Sa Thầy trước khi lòng hồ thủy điện Yaly tích nước. Qua sự giới thiệu, nhóm khảo cổ đã liên hệ và có một tuần nghiên cứu hàng ngàn mẫu vật do ông Thành sưu tầm.

"Nhờ PGS Sử, lúc đó tôi mới có chút hiểu biết về đồ đá người tiền sử và phân loại cổ vật theo các giai đoạn sơ kỳ, trung kỳ, hậu kỳ đồ đá", ông Thành nói và cho biết, trong 5 năm tới ông dự kiến xây dựng bảo tàng tư nhân để lưu giữ và phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, giúp lớp trẻ biết được nguồn cội lịch sử.

Công cụ gieo hạt, hòn nghiền, bàn đá, bàn dập...của người tiền sử. Ảnh: Trần Hoá.

Công cụ gieo hạt, hòn nghiền, bàn đá, bàn dập... của người tiền sử. Ảnh: Trần Hoá.

PGS, TS Nguyễn Khắc Sử, Trưởng phòng Nghiên cứu thời đại đồ đá, Viện Khảo cổ Việt Nam cho biết, các cổ vật do ông Thành sưu tầm có niên đại từ văn hóa hậu kỳ Đá mới đến sơ kỳ Kim khí, từ 4.000 năm đến 2.000 năm về trước.

Bộ sưu tập này là tư liệu đồ sộ, phản ánh các khía cạnh khác nhau trong hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội thời tiền sử và sơ sử ở Kon Tum. Cho thấy từng có những cư trú, khai phá vùng đất dọc bờ sông, nhất là chỗ hợp lưu sông Đăk Bla và sông Pô Kô - có quan hệ nhất định với cư dân văn hóa Biển Hồ (Gia Lai), cư dân tiền sử ở ven biển Trung Bộ

Ngoài ra, trên vùng đất Kon Tum các nhà khảo cổ đã sưu tầm được 25 rìu đồng và 12 khuôn đúc rìu đồng, chủ yếu ở huyện Sa Thầy. Những tư liệu này cho thấy nơi đây từng là trung tâm luyện kim đúc đồng của Tây Nguyên; có quan hệ kỹ thuật với các trung tâm luyện kim đúc đồng khác.

Kon Tum là mảnh đất hấp dẫn nhiều ngành khoa học xã hội nhân văn nhưng những năm qua các nhà khoa học đang làm việc đơn lẻ, ít có liên kết. "Đã đến lúc cần có chiến lược chung cho khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, phải nghiên cứu liên ngành, đa ngành trong phác dựng bức tranh toàn cảnh về văn hoá xã hội Tây Nguyên", PGS, TS Nguyễn Khắc Sử cho hay.

Trần Hoá

Từ khóa » Giá Bán Rìu đá Cổ