Người Tiêu Dùng Dễ Rơi Vào “ma Trận” Thị Trường Bếp

Người tiêu dùng dễ rơi vào “ma trận” thị trường bếp - Hình 1

Mã bếp Junger model IS-19 được bày bàn tại Siêu thị Nguyễn Kim

“Vết” trượt dài của bếp Junger IS-19

Theo khảo sát của PV, tại các cửa hàng chuyên kinh doanh các loại bếp cũng như tại các siêu thị điện máy trên địa bàn Hà Nội, nhiều loại bếp của các hãng sản xuất khác nhau được quảng cáo với đa dạng mẫu mã, tính năng, giá cả thì dao động từ 500.000 đồng tới hàng chục triệu đồng tùy thuộc vào hãng sản xuất và nơi xuất xứ. Điều này, khiến NTD như bị lạc vào "ma trận" về giá và mẫu mã của thị trường. Và cũng từ đây, câu chuyện giá cả liệu có tương xứng với chất lượng - lại được dư luận quan tâm.

Trường hợp của gia đình chị Đ.T.T (ở Tô Ngọc Vân, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, chị đã mua một bếp hồng ngoại đơn Junger model IS-19 tại siêu thị Nguyễn Kim với giá 2,5 triệu đồng. Theo chị T, nhân viên siêu thị tư vấn, đây là dòng bếp hồng ngoại có nhiều tính năng ưu việt, như không kén nồi nấu, tự ngắt điện khi quá nhiệt để bảo vệ người dùng… Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, gia đình chị T. “phát sốt” vì chất lượng không như lời giới thiệu.

"Khi sản phẩm gặp lỗi, gia đình đã thông báo tới đơn vị bán hàng để được bảo hành, tuy nhiên bếp sửa xong lại hỏng, hỏng rồi lại sửa, đặc biệt thời gian chờ đợi cũng lâu. Sau nhiều lần phản ánh, đơn vị bán hàng đã xin lỗi gia đình và nhãn hàng Junger đã thu hồi sản phẩm, trả lại tiền. Nhưng điều tôi lo lắng nhất là chất lượng thực sự của sản phẩm. Nghi ngờ về xuất xứ nhãn hàng nên tôi khiếu nại đến báo chí đề nghị làm rõ”, chị T. cho hay.

Còn chị L.T.M (tại TP. HCM) chia sẻ:

"Cách đây không lâu, sau khi xây nhà mới xong tôi và ông xã đã đến TTTM Vincom (Lê Thánh Tôn, Q1) để tìm hiểu 1 số dòng bếp điện lắp cho gia đình. Tham quan 1 vòng, tôi thấy ấn tượng nhất với hãng bếp Kitchmates và Junger, về chất lượng thì tôi chưa đánh giá vì tôi và chồng tôi đều là công chức nên không rành đồ điện cho lắm. Cả 2 hãng đều đang có chương trình KM tặng bộ nồi rất hấp dẫn (bộ nồi giá hơn 18 triệu) nhưng qua lời giới thiệu tôi thấy yên tâm hơn với hãng Junger, nhân viên bảo đây là bếp của Đức nhưng được lắp ráp tại Thái Lan.

Khi sử dụng được hơn 1 tháng thì con trai tôi về chơi (con trai tôi sống tại Đức hơn 20 năm nay), sau khi nghe câu chuyện, con trai tôi giật mình khi biết giá cái bếp đắt gấp 2 lần bếp chính hãng ở bên Đức, nhưng ngạc nhiên hơn là theo con trai tôi nói thì tại Đức không có cái hãng bếp Junger nào cả (bếp tôi mua là loại 1 từ 1 hồng ngoại với giá 27 triệu đồng). Tôi nghe xong mà choáng váng, vì cứ nghĩ là mua tại TTTM lớn thì sẽ an tâm, thế mà cũng bị lừa. Tôi đành ngậm ngùi ôm cái bếp xài đến khi nào nó hư thì vứt luôn, chứ chẳng biết làm sao".

Người bán hàng đánh đố NTD?

Để có những thông tin chi tiết và cụ thể hơn, giúp bạn đọc có thể hiểu rõ về mã bếp Junger model IS-19, PV đã có mặt tại một siêu thị Nguyễn Kim, trên địa bàn Hà Nội.

Tại đây, một nhân viên bán hàng thông tin: “Mặt kính của bếp điện từ Junger model IS-19 nhập khẩu từ Đức và lắp ráp tại Thái Lan. Chính vì vậy, nhãn hàng này được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan. Bếp Junger model IS-19 được bảo hành 2 năm không đổi sản phẩm, nhưng nếu có hỏng hóc thì có thể gọi hãng hoặc siêu thị, khách hàng sẽ được bảo hành tại nhà”.

Để đáp ứng các thắc mắc của PV về nhãn hàng, xuất xứ cũng như mã số, mã vạch đối với một sản phẩm nhập khẩu, nhân viên tại đây đã lật đáy một bếp Junger hồng ngoại đôi, model ID-16. Tuy nhiên, mặt sau của bếp không thể hiện series sản phẩm và mã số, mã vạch cần thiết cho một sản phẩm nhập khẩu. Mặt trước của bếp có giá bán và một dãy mã số, mã vạch riêng.

Lý giải về mã số, mã vạch “lạ” này, nhân viên này cho biết: “Đây là mã hàng của siêu thị chứ không phải mã số, mã vạch của sản phẩm nhập khẩu”. Nói rồi, nhân viên này chỉ vào một tờ giấy được trưng bày trên kệ của nhãn bếp Junger: “Đây là CO (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá) các nhãn hàng bếp của Junger”. Tuy nhiên, khi PV đòi hỏi được xem CQ (giấy chứng nhận chất lượng) thì nhân viên này cho biết: “Không có CQ. Muốn xem phải đến công ty nhập khẩu...”.

Các chuyên gia về đồ gia dụng cho biết, để mua được chiếc bếp từ đảm bảo chất lượng cùng chế độ bảo hành chính hãng, khi mua sản phẩm bếp, NTD nên để ý đến xuất xứ rõ ràng của bếp, chọn những thương hiệu uy tín và đặc biệt, khi đi chọn mua, có thể yêu cầu cho xem bản CO, CQ của hàng hóa.

Nếu cửa hàng nào không xuất trình hoặc nói vòng quanh là không đảm bảo đươc đúng xuất xứ như công bố, thì không nên mua. Bên cạnh đó, giá cả cũng thực sự phù hợp với chất lượng sản phẩm và đặc biệt chế độ bảo hành, bảo trì chính hãng miễn phí 2 năm sử dụng.

CO LÀ GÌ? CQ LÀ GÌ?

C/O (Certificate of origin): là giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cho hàng hóa xuất khẩu được sản xuất tại nước đó. C/O phải tuân thủ theo quy định của nước xuất khẩu và cả nước nhập khẩu, thành ra có nhiều loại CO (miễn thuế, ưu đãi thuế quan, có hạn ngạch,…). Do đó mục đích của C/O là chứng minh hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, hợp pháp về thuế quan và các quy định khác của pháp luật về XNK của hai nước nhập và xuất khẩu (nói nôm na là không phải hàng lậu hay hàng trôi nổi không có nhà sản xuất rõ ràng).

C/Q (Certificate of quality): là giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn của nước sản xuất hoặc các tiêu chuẩn quốc tế. Mục đích của CQ là chứng minh hàng hóa đạt chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố kèm theo hàng hoá.

Hoàng An

Từ khóa » Nồi Junger Của Nước Nào