Người Vay Tiền Ngân Hàng Cho Người Khác Nhận Tiền Thay Có được ...

Vay tiền ngân hàng cho người khác nhận tiền thay có được không? Khi giao kết hợp đồng vay tài sản, các bên trong giao dịch vay có thể ủy quyền cho người khác xác lập giao dịch thay mình được không? Người được ủy quyền phải chịu trách nhiệm với khoản vay đó như thế nào? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Mục lục bài viết

  • 1. Luật sư tư vấn quy định về việc vay vốn ngân hàng
  • 2. Tư vấn về việc ủy quyền cho người khác nhận tiền vay ngân hàng
    1. 2.1 Trường hợp 1: Bạn ký tên trong hợp đồng vay tiền với tư cách bên vay:
    2. 2.2 Trường hợp 2: Bạn đứng ra bảo lãnh cho bạn của bạn vay tiền tại ngân hàng:
    3. 2.3 Trường hợp 3: Bạn chỉ ký tên trên hợp đồng vay tiền với tư cách là người nhận tiền:

1. Luật sư tư vấn quy định về việc vay vốn ngân hàng

Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Trong giao dịch vay tài sản, các bên có thể ủy quyền cho người khác thay mặt họ xác lập hoặc thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện đúng nội dung ủy quyền, phạm vi ủy quyền và giảm thiểu các tranh chấp phát sinh, hợp đồng ủy quyền cần thỏa thuận rõ các điều khoản cụ thể về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong giao dịch.

Vì vậy, nếu bạn đang gặp phải những vướng mắc liên quan đến vấn đề giao kết và thực hiện hợp đồng, bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi để được tư vấn.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Tư vấn về việc ủy quyền cho người khác nhận tiền vay ngân hàng

Nội dung hỏi tư vấn:

Em chào luật sư Luật Minh Gia.Vui lòng cho em hỏi 1 vấn đề: chị bạn em vay ngân hàng 500 triệu, và cho em nhận giúp, không có giấy tờ gì ủy quyền hết. Và khi lên ngân hàng thì em chỉ ký nhận là xong. Chị bạn em giải thích là ngân hàng nói phải có người thứ 3 nhận tiền thì ngân hàng mới giải ngân được. Và chị tư vấn ngân hàng nói em cũng chỉ nhận tiền dùm thôi chứ không ảnh hưởng gì cả. Nhưng thực ra không có giấy tờ gì hết.

Vậy luật sư cho em hỏi: nếu sau này chị bạn em không có điều kiện trả tiền thì em có bị ảnh hưởng gì không? Vì trong hợp đồng không ghi người nhận tiền là ai. Mong luật sư trả lời giúp em. Em cảm ơn nhiều ạ.

Trả lời tư vấn:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thông tin bạn đưa ra cho thấy bạn ký nhận tiền nhưng không thể hiện rõ bạn là người trực tiếp ký tên với tư cách là bên vay tiền hay người đứng ra bảo lãnh cho bạn của bạn vay tiền tại ngân hàng. Do đó, có thể xảy ra các trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Bạn ký tên trong hợp đồng vay tiền với tư cách bên vay:

Theo quy định của pháp luật, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác (Điều 463 Bô luật Dân sự 2015).

Khi giao kết hợp đồng vay, bạn phải có nghĩa vụ trả nợ theo quy định tại Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

“Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Như vậy, đối chiếu với trường hợp của bạn, nếu bạn ký tên trên hợp đồng vay tài sản thì có thể xác định bạn là bên vay. Và khi đó bạn sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận của các bên. Trong trường hợp bạn không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ thì bên cho vay có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu bạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Trường hợp 2: Bạn đứng ra bảo lãnh cho bạn của bạn vay tiền tại ngân hàng:

Điều 335 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về biện pháp bảo lãnh như sau:

“1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.”

Như vậy, nếu bạn bảo lãnh cho bên vay vay tiền trước ngân hàng thì bạn có thể sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho bên vay theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng vay.

Trường hợp 3: Bạn chỉ ký tên trên hợp đồng vay tiền với tư cách là người nhận tiền:

Trong trường hợp này cần phải xem xét nếu như bên vay tiền là bạn của bạn, bên cho vay là ngân hàng và bạn chỉ ký tên với tư cách người thụ hưởng mà không có thỏa thuận khác về việc bạn phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì bạn không phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Tuy nhiên, thông tin bạn cung cấp không thể hiện rõ bạn ký tên trên hợp đồng vay với tư cách gì; do đó, để có thể xác định chính xác quyền và nghĩa vụ của bạn thì bạn cần đối chiếu lại hợp đồng vay mà các bên đã thỏa thuận.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Từ khóa » Giải Ngân Cho Bên Thứ 3 Là Gì