Mừng xuân là phải mừng làng. Cơ quan hành chính của làng (ngày nay là các ủy ban xã), bộ máy hương chức ở nông thôn phải tổ chức lễ mừng này. Lễ ấy gọi là Lễ Khai hạ (Khai là mở, hạ là mừng). Ðầu xuân phải mừng thôn xóm, mừng làng xã trước. Ngày Khai hạ thường là sáng mồng một Tết, cả làng tập trung ở đình, cụ thủ chỉ đội mũ, mặc áo thụng ra lạy các vị thần, chủ yếu là Thành hoàng làng. Ba tiếng trống, chiêng, mõ cùng vang lên sau lời hô của một quan viên, được gọi là ông lĩnh xướng. Ông xướng to: - Ðệ nhất trực kiến: Thần linh tại thượng (dân chúng tin rằng có vị thần linh ngự lên trên hết). - Ðệ nhị trực trừ: Trừ ương trừ ách, tống khứ tha phương (Xin cho năm nay, đuổi hết tai ương hoạn nạn, đem lại bình yên cho làng). - Ðệ tam trực mãn: Mãn tài, mãn lộc, hoa cốc phong đăng (Xin cho năm nay cả làng có tài, có lộc, mùa màng tươi tốt). Sau mỗi lời xướng như vậy, có ba tiếng: tùng, bi li, cốc. Và chỉ có ba tiếng ấy thôi, không đánh trống chiêng nhiều. Phường bát âm dạo lên dóng dả, cả làng vui vẻ. Cụ thủ chỉ lễ xong ba lễ, rồi lui ra. Dân làng mừng xuân bằng lễ Khai hạ, gọn gàng mà đơn giản, nhưng thiêng liêng và hào hứng vô cùng. Tiếp đó, làng cử một ông tư văn, ra đọc bài Văn thúc ước (hay hương ước) của làng, để nhắc nhở mọi người phải giữ gìn phép tắc, đạo nghĩa, làm sao cho làng mình có mĩ tục thuần phong. Cùng với việc khai hạ, dân làng còn tổ chức ngày hội mùa xuân, cũng vào sáng mồng một, hoặc có nơi tổ chức vào ngày mồng hai cho đến mồng bảy. Có hai hình thức, đồng thời diễn ra: Những người có nghề nghiệp riêng, thì cùng nhóm lại, tổ chức cúng thần tổ ngành nghề. Thợ đúc, thợ may, thợ hàng thủ công,… đều có cuộc họp riêng, ở ngay trong nhà hay chỗ hành nghề. Lễ ấy gọi là Lễ Khai trương (nếu là thợ làm đồ gốm, nung gạch thì gọi là khai lò,…). Ðầu năm mới phải có nén hương, đỏ ngọn lửa đầu tiên để mở màn – gọi là Khai nghiệp. Mỗi nghề đều có một thánh sư. Mừng xuân, phải mừng vị thánh sư ấy. Nếu trong làng không có những phường nghề riêng, thì toàn dân cũng kéo ra sân đình diễn trò, gọi là trò tứ dân (sĩ, nông, công, thương), hoặc là trò trình nghề. Dân chúng tụ tập ở sân đình, để xem các đoàn người ra diễn những động tác hợp với nghề nghiệp của họ. Nhà nông thì cầm cày cuốc, cho người đóng giả làm trâu, người đi câu thì vác cần, đeo giỏ. Có cả những người đóng vai thầy đồ dạy học, thầy bói, thầy cúng,… Ai làm việc gì thì biểu diễn những động tác của nghề nghiệp ấy, biểu diễn một cách tự do. Thêm vào đấy, còn có những người đóng các vai nghịch ngợm như vai cô gái lẳng lơ, vai chàng ăn tham,… cốt gây vui nhộn cho bà con. Người ta gọi đó là trò trình nghề. Rất vui và thoải mái, diễn cho dân chúng cả làng xem, nhưng cũng là biểu diễn cho các thần linh trong làng chứng kiến. Vậy là ở đây, mừng xuân còn có ý nghĩa là mừng nghề nghiệp. Nghề có tinh, có hào hứng, thì cả năm mới mong được nhiều lợi nhuận. Sau những cuộc mừng vui có tính chất chung như vậy, mới đến việc mừng người thân, tổ chức ngay trong gia đình. Mừng tuổi là mừng các cụ già được thêm tuổi, thêm sự khang ninh, mừng các cháu bé, năm mới lớn thêm một ít. Tùy theo hoàn cảnh gia đình mà có những hình thức mừng khác nhau: mừng câu đối, mừng bài thơ mới, mừng cuốn sách, cái bút là những gia đình thiên về học hành. Mừng cái áo, cái quần là dựa theo nhu cầu của người mà mình trân trọng. Ngày xưa có lễ mừng tuổi các cháu bằng tiền, nhưng rất ít, để gọi là có lộc, có khước mà thôi. Hồi ở với bà con các dân tộc trên núi Pắc Bó, Bác Hồ thường mừng tuổi các cháu bằng một mảnh giấy hồng điều gói một hay hai xu. Mừng người thân là mừng cha mẹ, ông bà, vợ chồng, con cái anh em và mừng cả các bạn hữu nữa. Mừng bạn ngày xưa thường rất lịch thiệp: mừng bằng chén rượu, bằng bông hoa, hoặc bằng một vật liệu gì tự tay làm lấy. Ngày xưa, ta không có cái thói mừng bằng phong bì! |