NGUỒN GỐC, BẢN CHẤT TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ TIÊN Ở ...

Thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng phổ biến ở Việt Nam và một số quốc gia Đông Á. Đây là một điểm khác biệt căn bản về văn hóa giữa Việt Nam so với các quốc gia phương Tây, nơi mà đời sống tinh thần của con người chủ yếu là Thiên chúa giáo hay các quốc gia Ả Rập mà Hồi giáo là quốc giáo. Nguồn gốc, bản chất của tín ngưỡng này đã được nhiều nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu từ lâu với những kiến giải sâu sắc bằng nhiều phương pháp. Bài viết này là một đóng góp trên cơ sở nghiên cứu, so sánh, đối chiếu với những loại hình tín ngưỡng hay tôn giáo khác để tìm ra nguồn gốc, bản chất thực sự của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam.

Trước hết, cần phải làm rõ khái niệm tổ tiên, thờ cúng tổ tiên. Tổ tiên của một người là những người cùng huyết thống như cụ, kỵ, ông, bà, cha, mẹ... nhưng đã chết. Thờ cúng tổ tiên chính là thờ cúng những người này với niềm tin là họ sẽ giúp đỡ, phù hộ cho người đang sống. Đây là một tín ngưỡng đã có từ thời nguyên thủy, bắt nguồn từ niềm tin của con người vào sự bất tử của linh hồn, tức là sau khi chết chỉ thể xác mất đi còn linh hồn thì ở lại mãi.

Xét về nội dung, ta có thể nhận thấy tín ngưỡng này nhắc nhở mọi người nhớ đến nguồn cội của mình, kính trọng tổ tiên khi họ còn sống, thờ cúng khi họ chết đi. Nội dung quan trọng nhất của tín ngưỡng này là giúp cho những người đang sống có được một sức mạnh cần thiết để đương đầu, tồn tại trong cuộc sống khắc nghiệt trên cơ sở thờ cúng những người đã chết.

Để hiểu rõ về bản chất của tín ngưỡng này hơn chúng ta cần phải có một sự hiểu biết về đời sống xã hội của con người từ khởi thủy cho đến bây giờ. Trong quá trình phát triển của con người xã hội, đặc biệt là ở Việt Nam, các cá nhân luôn gặp phải thách thức, khó khăn, cần nỗ lực vượt qua để tồn tại, có một cuộc sống tốt đẹp. Những thách thức này mang tính phổ biến, có nhiều loại, với quy mô, mức độ khác nhau nhưng luôn luôn là mối đe dọa thường trực đối với con người. Cũng chính trên cơ sở này mà nảy sinh nhiều tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển của xã hội trong trường kỳ lịch sử, đặc biệt là về kinh tế, nhận thức.

Thách thức đầu tiên mà bất kỳ ai cũng gặp phải trong cuộc đời chính là cái chết. Cả với người nguyên thủy hay người hiện đại thì cái chết luôn là một thách thức không thể vượt qua được. Cũng chính vì con người không thể lẩn tránh được cái chết nên niềm tin vào sự bất tử của linh hồn dần dần xuất hiện trong tâm thức, đặc biệt là người nguyên thủy, điều này vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay. Nó hiện diện trong hầu hết các tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán. Chính các tín ngưỡng, tôn giáo cũng có thể coi như một sự chuẩn bị về mọi mặt cho con người để đương đầu được với cái chết. Khi xem xét bất kỳ tín ngưỡng nào hay các hình thức cao hơn của nó như các tôn giáo có tổ chức, chẳng hạn như Thiên chúa giáo, chúng ta có thể thấy chúng giống như những phương tiện mà con người sáng tạo ra để đương đầu với sức mạnh to lớn của cái chết. Nhưng để vượt qua được sức mạnh này thì niềm tin vào những gì không có thực như sự bất tử của linh hồn, của tổ tiên phải dần dần được xuất hiện như một cứu cánh bất chấp tính hiện thực hay không hiện thực của chúng. Niềm tin vào sự bất tử của linh hồn đã kéo theo sau nó tin tưởng vào tồn tại vĩnh hằng của tổ tiên sau khi chết; không chỉ có vậy, đó còn là niềm tin về sự ảnh hưởng của họ tới con người đang sống. Nó như một tia hy vọng, thắp lên khát vọng được che chở, bảo vệ trước sức mạnh không thể vượt qua được là cái chết của con người, góp phần giúp mọi người đương đầu, vượt qua được cái chết một cách dễ dàng, thanh thản hơn. Mục tiêu của nó không chỉ là giúp con người lãng quên cái chết, vứt bỏ ác mộng của cái chết sang một bên để tiếp tục sống mà còn là rút ra từ cái chết những động lực để sống, sức mạnh để tồn tại. Cũng chính điều này là cơ sở, động lực thúc đẩy con người tập trung hướng tới, xây dựng, phát triển một cuộc sống vật chất với đầy đủ những thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ to lớn trong suốt lịch sử đã qua.

   Bàn thờ tổ tiên của người Việt Nam. Ảnh tư liệu   

Có thể nói, đời sống tinh thần của con người khi cân bằng trở lại đã được biểu hiện khá đầy đủ trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mặc dù điều này không bao giờ được cảm thấy trực tiếp từ những người tin theo tín ngưỡng này. Với ngay cả nhiều tín ngưỡng khác cũng như hình thức cao hơn của nó là các tôn giáo thì việc đề cập đến cái chết cũng không phải nhiều; ngay cả với những người tuân theo những tín ngưỡng hay tôn giáo này thì cảm nhận về điều này phần lớn cũng không được nhận thấy, dù như đã nói ở trên trong các tôn giáo luôn chứa đựng không chỉ niềm tin vào sự bất tử mà nó còn là sự chuẩn bị về mặt tinh thần cho con người để đương đầu với cái chết. Thờ cúng tổ tiên, đặc biệt là ở thời nguyên thủy xa xưa phần nào đó giúp con người vượt qua nỗi khổ, sự sợ hãi cái chết. Đây là điểm đầu tiên, nội dung quan trọng mà tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mang lại cho tất cả mọi người, đó là tạo dựng sức mạnh để hiểu, vượt qua được cái chết.

Thách thức thứ hai mà các cá nhân gặp phải trong cuộc sống chính là sức mạnh to lớn, nhiều khi mang tính hủy diệt của tự nhiên. Tự nhiên là một thế giới bao quanh, buộc con người phải chung sống, hòa đồng, thích nghi với nó. Nhưng tự nhiên hoang dã, không thể kiểm soát được, liên tục gây ra thảm họa cho con người. Trong xã hội nguyên thủy, cổ đại, tự nhiên là những gì mà con người không thể chiến thắng nổi. Chính trên cơ sở này mà việc tìm hiểu, lý giải tự nhiên qua các câu chuyện huyền thoại xuất hiện ở tất cả dân tộc thuộc mọi nền văn hóa trên thế giới. Tự nhiên đã được nhân cách hóa lên thành một thế giới với những vị thần tượng trưng cho những sức mạnh mà con người gặp phải. Không chỉ trong thần thoại, truyền thuyết từ ngàn xưa mà sức mạnh to lớn của tự nhiên còn được phản ánh trong cả các tôn giáo, tín ngưỡng. Nhưng khác với thần thoại, truyền thuyết chỉ mang tính mô tả, tôn kính thì tôn giáo, tín ngưỡng là những giải pháp cho vấn đề.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam cũng là một giải pháp, dù hiện nay chúng ta không thấy có sự hiện diện của điều này. Giống như trong trường hợp đầu tiên, thế giới mà mọi người đang sống hiện nay đã có những biến đổi rất mạnh với sự xuất hiện của nhà nước, khoa học, kỹ thuật, sự phát triển kinh tế mạnh mẽ. Nhưng khi xem xét xã hội của những người nguyên thủy thì ta thấy tổ tiên được cảm nhận gần gũi, trực tiếp hơn. Đó là những con người cụ thể, họ phải đương đầu với tự nhiên gian khó, nhưng đã vượt qua được. Sự tôn kính tổ tiên là một nhắc nhở, có ảnh hưởng trực tiếp lên chính cuộc sống của con người. Trải qua rất nhiều những biến đổi của xã hội thì cho đến bây giờ, với con người hiện đại, tổ tiên đã hoàn toàn mất đi đặc điểm cụ thể như tính gần gũi, trực tiếp, đối thoại được như trong thời nguyên thủy. Tôn thờ tổ tiên như một sự nhắc nhở mọi người về những bậc tiền nhân, những người mà trong quá khứ nguyên thủy xa xôi đã phải đương đầu, chiến thắng được tự nhiên. Như vậy, một phần nào nó cũng góp phần tạo dựng thêm sức mạnh tinh thần cho mọi người để đối đầu được với tự nhiên khắc nghiệt trong đời sống hiện tại, giống như trong quá khứ xa xưa.

Thách thức thứ ba mà mỗi người gặp phải trong cuộc sống đến từ những mối quan hệ trong cuộc sống hàng ngày của con người. Những mối quan hệ này làm phát sinh trạng thái tình cảm, có thể mang tính tích cực hay tiêu cực. Trong những trường hợp mang tính tiêu cực, chúng sẽ phá hoại, ảnh hưởng lớn tới đời sống tinh thần của mỗi người. Trong nhiều trường hợp, sự ảnh hưởng tiêu cực này còn lây lan sang các hoạt động, công việc của mọi người, tạo ra những khó khăn mới. Nếu như những sức mạnh vật chất mang tính quyết định thì những sức mạnh tinh thần cũng không bỏ qua được, bởi niềm tin, ý chí luôn nằm sau những động lực của sự phát triển. Nếu như ở nhiều nước khác, các tôn giáo như Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo... là những sức mạnh tinh thần lớn, phổ biến nhất, thì trong xã hội Việt Nam những tín ngưỡng chính là những sức mạnh như vậy. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên phần nào cũng đã xuất hiện trong bối cảnh này, gián tiếp, phần nào đó giúp mang lại sự cân bằng trong đời sống tình cảm của từng người, từ đó cân bằng lại các mối quan hệ phức tạp, khó khăn của các cá nhân trong gia đình, xã hội. Nó làm được điều này bởi đã nhắc nhở lại quá khứ của tổ tiên, những tôn ti, trật tự trong gia đình, xã hội, nghĩa vụ, trách nhiệm mà mỗi thành viên trong gia đình, xã hội phải thực hiện. Nó giống như một thiết chế giáo dục sơ khởi, có tính định hướng cho mọi người về những chuẩn mực, đạo đức cần thiết để sống trong xã hội.

Thách thức thứ tư bắt nguồn từ công việc của mỗi người trong xã hội. Trong các xã hội nguyên thủy, trung đại ở châu Âu, cận đại ở châu Á, công việc chủ yếu là nông nghiệp, lao động chân tay đơn giản, mang tính tự cung tự cấp cho cộng đồng. Từ các xã hội trung, cận đại trở đi ở châu Âu, thương nghiệp, công nghiệp đã bắt đầu hình thành, phát triển, có ảnh hưởng ngày càng lớn, cuối cùng dẫn đến sự ra đời của nền kinh tế tư bản, những cuộc cách mạng công nghiệp, khoa học, kỹ thuật, cuối cùng là những biến đổi ở thượng tầng chính trị qua các cuộc cách mạng tư sản. Tuy nhiên, ở Việt Nam đương thời, những yếu tố này mới chỉ manh nha xuất hiện, ngay lập tức gặp phải những trở lực từ nền văn hóa Khổng giáo, nên đã không tạo dựng được một nền kinh tế tư bản theo kiểu phương Tây. Nhưng dù sống trong xã hội nào, phải làm công việc gì thì tất cả mọi người luôn phải đối mặt, chịu đựng những sức ép. Không chỉ có thế, các xã hội từ nguyên thủy cho tới cận đại, hiện đại vẫn là các xã hội có giai cấp, tầng lớp với sự phân chia ra người cai trị, bị trị. Những khó khăn nảy sinh từ công việc có xu hướng lớn dần, mạnh lên, đặt ra nhiều thách thức nan giải. Do vậy, việc tìm kiếm những niềm tin, ý chí mới để vượt qua chúng là điều dễ hiểu.

Trong xã hội Việt Nam, khi mà các tôn giáo không có, không xuất hiện được như trong các xã hội phương Tây thì sự nảy sinh tín ngưỡng nói chung, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nói riêng nhằm tìm kiếm sự che chở từ một thế giới bên kia, thế giới của những người đã mất, gián tiếp giúp cho những người đang sống có được cảm giác an ủi, động viên trong những hoàn cảnh khó khăn này, giúp cho họ đối mặt, vượt qua. Với niềm tin vào sự giúp đỡ của một tổ tiên siêu hình, siêu việt, sự thực hành những nghi lễ thờ cúng đã khiến cho những người đang sống cảm nhận được sự hướng về, gắn bó trở lại với những bậc tiền nhân cũng như sự che chở mà họ mong đợi. Sau mỗi lần cúng lễ như vậy, với mọi người, đó là sự trở lại, phục hồi của niềm tin, ý chí, những động lực sống mạnh nhất.

Trong xã hội nguyên thủy, những sức mạnh kể trên có ảnh hưởng đến việc định hình thế giới quan của họ cũng như cách thức họ phản ứng lại để tồn tại, thích nghi. Quá trình hòa hợp cũng như tìm hiểu thế giới xung quanh với họ là việc làm bình thường, tự động, mang tính liên tục, trực tiếp. Con người hiện đại ngày nay không chỉ được thừa hưởng tất cả những gì đã qua của các thế hệ đi trước mà thực ra còn được tạo dựng bởi tất cả những thành quả của những thế hệ trước mình. Tuy nhiên, sự phát triển luôn luôn là một quá trình hai mặt, vừa mang tính kế thừa nhưng  đồng thời lại phải vượt qua những gì có trước đó, nhưng tín ngưỡng, tôn giáo đã xuất hiện ngay trong thời nguyên thủy lại có tính chất nhắc nhở mọi người, giúp gắn bó, liên kết mọi người trở lại với quá khứ dù là gián tiếp hay trực tiếp. Đây chính là nguồn gốc, bản chất thực sự của tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới, trong đó có thờ cúng tổ tiên.

Trên thực tế, tầm ảnh hưởng quan trọng của các tôn giáo, tín ngưỡng xuất hiện trong suốt lịch sử hơn hai nghìn năm qua, trong sự phát triển của hầu hết các xã hội trên thế giới. Nếu như ở phương Tây thì Thiên chúa giáo, một tôn giáo có tổ chức cao đã góp phần định hình cho xã hội Trung cổ châu Âu sau sự sụp đổ của đế chế La Mã vào cuối TK V cho tới tận thời tiền tư bản TK XIV, thì ở Đông Á, tôn giáo lại không thể xuất hiện được, có ảnh hưởng mạnh trong xã hội, trừ trường hợp Thần đạo ở Nhật Bản. Thay vào đó, chúng ta thấy sự xuất hiện của các tín ngưỡng nhiều loại khác nhau chi phối đời sống tinh thần của con người xã hội, trong đó có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Thờ cúng tổ tiên trở thành một thành tố của văn hóa Việt Nam từ rất lâu với một bản sắc, đặc trưng, sức mạnh riêng nếu so sánh với các xã hội phương Tây, Ả Rập. Việc nghiên cứu, tìm hiểu cũng như phát huy tích cực, hạn chế tiêu cực của tín ngưỡng này trong xã hội Việt Nam hiện nay cũng cần được quan tâm, dù rằng bản thân tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã là một quá trình văn hóa nội sinh rất khó biến đổi của các cá nhân hay toàn xã hội.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 401, tháng 11- 2017

Tác giả : BÙI LƯU PHI KHANH

Từ khóa » Tín Ngưỡng Thờ Cúng Tổ Tiên Là Nguồn Nào Của Pháp Luật