Nguồn Gốc Của Cây Bơ 034 - Vua Bơ Nguyễn Đăng Trung

Ngược nắng, ngược gió, chúng tôi vượt hơn 150km đường tìm về Tiền Yên để được thung thăng trong trang trại bơ giống hàng đầu khu vực Tây Nguyên của lão nông Nguyễn Đăng Trung. Nghe nói, lão là người đã bạt nắng đi tìm “vương miện” cho cây bơ…

Cha đẻ của giống bơ lạ

Táo bạo. Nhiều người nói về lão như thế. Bởi lão là người tiên phong ở Bảo Lâm dám cưa trắng cả chục hécta cà phê giống cũ để ghép giống mới, rồi trồng xen giống bơ sáp vào trang trại cà phê để thu lợi gấp hai, ba lần trên cùng đơn vị diện tích. Hiện trang trại hơn chục hécta của lão nông Nguyễn Đăng Trung tại thôn Tiền Yên (xã Lộc Đức, Bảo Lâm), với trên 2.500 cây bơ đang bước vào thời kỳ thu hoạch đều được cơ quan hữu quan công nhận là cây đầu dòng để nhân giống cung cấp cho cả vùng Tây Nguyên.

Nhiều người ở xã Lộc Đức, nói về lão rằng: Trong khi nhiều hộ tại Tiền Yên trồng cây keo che bóng cho cà phê, ông Trung lại làm theo cách khác. Ông quyết định chọn cây bơ, vì vừa làm cây che bóng vừa cho thu hoạch. Những năm trước, thấy năng suất, chất lượng của giống bơ thực sinh (trồng bằng hạt) còn thấp, ông tìm đến một trung tâm nghiên cứu cây ăn quả ở thành phố Bảo Lộc mua hơn 300 cây bơ ghép giống mới về trồng. Cây phát triển không được như mong đợi, ông lại khăn gói đi tìm những cây bơ cho quả ngon để cắt chồi mang về tự ghép… Sau hơn 13 năm ròng rã cất công tìm kiếm, đầu tư tiền của, nhân giống, trồng thử nghiệm, ông đã tạo dựng được trang trại cà phê – bơ giống đầu dòng hơn 10 hécta, đứng đầu khu vực Tây Nguyên. Nhiều người dành cho lão cái biệt danh trìu mến: “ông vua kép”.

Nắng buông dịu nhẹ. “Ông vua kép” Nguyễn Đăng Trung đưa tôi ngược miền ký ức. Ông kể: Đi dữ lắm. Bạt nắng mà đi. Mình phải tìm đến những vùng trồng bơ nổi tiếng mới mong có cây giống tốt, cứ nghe ở đâu có giống bơ ngon là mình có mặt. Trong quá trình khảo nghiệm, điệp khúc “trồng – chặt” cứ lặp lại miết. Và niềm vui vỡ òa ngay chính mảnh đất cao nguyên bazan, ông phát hiện ra cây bơ ngon nhất ngay trung tâm huyện Bảo Lâm. Đó là cây bơ cổ thụ của gia đình bà Tuyết, được trồng từ thời Pháp thuộc. Ông xin cắt một số chồi về ghép. Lúc đầu do thiếu kinh nghiệm, chưa rành kỹ thuật nên cây bị thối rễ, chết gần hết. “Không nản chí, tôi lại tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, lên mạng tìm tài liệu, mạnh dạn đầu tư vườn ươm công nghệ cao, nhờ vậy đã ghép thành công và trồng đại trà giống bơ mới này” – ông Trung thổ lộ.

Qua thời gian, bơ phát triển tốt, lúc lỉu quả, nhiều quả nặng đến 1,5kg, dài 40cm, trông như quả mướp, thớ màu vàng, mịn và dẻo, hàm lượng chất béo cao. “Tôi may mắn tìm thấy cây bơ sáp độc nhất, vô nhị này khi cây còn sung sức và kịp xin chồi về ghép. Bây giờ thì lão bơ trên đã cằn cỗi, suy kiệt, do sự tác động của nhiều yếu tố khách quan, chủ quan” – ông Trung bộc bạch.

Tình cờ, ông Trung còn tìm được cây bơ độc đáo khác tại huyện Bảo Lâm, để bổ sung vào bộ sưu tập bơ lạ của mình. Sau khi ông mang chồi về ghép, cho ra loại bơ có quả như cái bầu nước, dài đến 20cm, nhiều quả nặng hơn một ký, mùi và vị loài bơ lạ này làm nhiều người thích thú, tìm về.

Đưa bơ đi thi “hoa hậu”

Năm 2009, tại hội thi “cây bơ năng suất cao, chất lượng tốt tỉnh Lâm Đồng lần thứ ba”, lão nông Nguyễn Đăng Trung mang hai cây bơ “độc” và “lạ” này dự thi và giành luôn hai giải đứng đầu. Từ đây, Hội đồng khoa học công nhận, đây là những giống bơ đầu dòng và đặt tên là BLD 034 và BLD 036.

Nở nụ cười đôn hậu, ông Trung kể: Tìm được cây giống thì lại thấp thỏm chờ đợi nhiều năm ròng, đến ngày cây ra quả mới biết chất lượng. Chưa kể, khi có được giống bơ tốt vẫn phải chờ các cuộc thi về “cây giống ăn quả” của các cơ quan hữu quan. Những ai chuyên sản xuất, nhân giống cây ăn quả đều trông đợi vào những cuộc thi này, chẳng khác gì các cuộc thi “hoa hậu”, người nào cũng muốn giành “vương miện” cho cây giống của mình.

Không dừng lại ở đó, ông Trung tiếp tục tuyển chọn thêm một số giống bơ phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng địa phương để ghép BLD 034, BLD 036, tạo ra thế hệ bơ mới kháng bệnh tốt, đạt năng suất, chất lượng cao để trồng đại trà, trồng xen với cà phê trên toàn diện tích của trang trại. Để vươn tới đỉnh chất lượng, ông không ngần ngại đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ tiên tiến và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho toàn bộ diện tích trang trại. Nhờ đó, mỗi cây bơ mới sáu tuổi đã cho cả trăm quả mỗi năm, khoảng 9 đến 10 tấn/hécta. Riêng năm 2014, gia đình ông thu trên 50 tấn quả từ trang trại bơ trồng xen cà phê. Tùy vào kích cỡ quả, bơ chính vụ hay trái mùa mà giá bán dao động từ 30-60 ngàn đồng/kg, gấp nhiều lần so với bơ thường, mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tiếng lành đồn xa, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến trang trại của “vua bơ”, đưa bơ lạ vào bán trong nhà hàng, siêu thị với giá nhảy vọt.

Cùng với bơ ăn quả, gia đình ông Trung còn dành hơn 1ha đất xây dựng trang trại bơ giống, chuyển giao mô hình trồng xen bơ với cây cà phê, cung cấp giống bơ ghép cho cả khu vực Tây Nguyên. Hai năm gần đây, ông Trung đã sản xuất và cung cấp cho nông dân quanh vùng trên 50 ngàn cây bơ giống chất lượng, thu về cả tỷ đồng.

Với hành trình không ngừng nghỉ tìm “thương hiệu” cho cây bơ, lão nông Nguyễn Đăng Trung đã được vinh danh tại Hội nghị Tổng kết phong trào thi đua yêu nước tỉnh Lâm Đồng năm 2014. Vinh dự hơn, ông được nông dân trong vùng suy tôn là “vua bơ”.

Xem thêm:

  1. Làm giàu nhờ những giống bơ lạ
  2. Trồng bơ mang lại lợi nhuận cao

Theo Báo Lâm Đồng

Từ khóa » Bơ 034 Xuất Xứ