Nguồn Gốc Của Nhà Nước Là Gì? Bản Chất Và đặc Trưng Của Nhà ...

Mục lục bài viết

  • 1 1. Nguồn gốc của nhà nước là gì?
  • 2 2. Bản chất của nhà nước:
    • 2.1 2.1. Vai trò xã hội (tính xã hội) của nhà nước:
    • 2.2 2.2. Tính giai cấp của nhà nước:
  • 3 3. Đặc trưng của nhà nước:

1. Nguồn gốc của nhà nước là gì?

Trong lịch sử nhân loại, sự hình thành nhà nước ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới là một quá trình rất lâu dài, đa dạng, phức tạp và do nhiều yếu tố tác động. Theo quan điểm của học thuyết Mác – Lênin về nguồn gốc nhà nước, F. Ăng ghen trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước ” và Lê-nin trong tác phẩm “Nhà nước và cách mạng” đã chỉ ra rằng lịch sử nhân loại đã từng trải qua chế độ cộng sản nguyên thủy, một hình thái kinh tế – xã hội đầu tiên của loài người không có giai cấp và nhà nước. Đây là xã hội được cấu thành từ các tổ chức thị tộc, là kết quả của quá trình cộng cư ổn định của những người có chung huyết thống.

Cơ sở kinh tế của thị tộc là sản xuất tập thể và sở hữu chung đối với tài sản của thị tộc. Do việc phân phối bình quân và năng suất lao động thấp nên trong xã hội cộng sản nguyên thủy không có sản phẩm dư thừa và cũng đồng thời triệt tiêu khả năng chiếm đoạt sản phẩm dư thừa làm của riêng. Theo F. Ăng-ghen, thực chất trong thị tộc đã có sự phân công lao động nhưng đó là sự phân công mang tính chất tự nhiên giữa các thành viên khác nhau của thị tộc để thực hiện những công việc thích hợp, đó không phải là sự phân công lao động xã hội do địa vị khác nhau trong sản xuất và đời sống.

Trong thị tộc cũng tồn tại một hệ thống quản lý thực hiện quyền lực bao gồm:

Hội đồng thị tộc: Đây là tổ chức quyền lực cao nhất của thị tộc, bao gồm những thành viên đã trưởng thành, có quyền bàn bạc dân chủ và đưa ra những quyết định tập thể về tất cả những vấn đề quan trọng có liên quan đến thị tộc, về việc tiến hành các biện pháp cưỡng chế đối với thành viên không thực hiện theo đúng quyết định của thị tộc.

Đứng đầu thị tộc là tù trưởng và thủ lĩnh quân sự do Hội nghị toàn thể thị tộc bầu ra trong số những người nhiều tuổi, nhiều kinh nghiệm và có uy tín nhất trong cộng đồng. Về nguyên tắc, tù trưởng và thủ lĩnh quân sự không có một đặc quyền riêng nào.

Ngoài ra, trong xã hội nguyên thủy đã có những cách tổ chức quyền lực cao hơn thị tộc như bào tộc, bộ lạc, liên minh bộ lạc, nhưng do bản chất có chung cơ sở kinh tế, nên những tổ chức này cũng giống thị tộc. Như vậy, quyền lực trong xã hội thị tộc là quyền lực xã hội, không tách rời xã hội.

Do lực lượng sản xuất phát triển, khả năng lao động của con người phát triển nhanh chóng, năng xuất lao động không ngừng tăng lên dẫn đến ba lần phân công lao động: 1) Chăn nuôi tách khỏi trồng trọt; 2) Thủ công nghiệp tách khỏi nông nghiệp; 3) Buôn bán phát triển và thương nghiệp xuất hiện.

Nhờ có phân công lao động nên năng suất lao động và sản phẩm xã hội tăng lên nhanh chóng, từ đó xuất hiện sản phẩm dư thừa và làm phát sinh khả năng chiếm đoạt sản phẩm dư thừa đó. Lợi dụng ưu thế của mình, những người có địa vị trong cộng đồng thị tộc – bộ lạc đã chiếm đoạt sản phẩm dư thừa của tập thể, dẫn đến hệ quả là tư hữu xuất hiện.

Chính tư hữu xuất hiện đã dẫn đến nguyên tắc bình đẳng bị phá vỡ. Mâu thuẫn giai cấp nảy sinh và dần phát triển tới mức “không thể điều hòa được”. Chính tồn tại xã hội thay đổi dẫn đến sự cần thiết phải có một cách thức tổ chức quyền lực mới thay thế. Tổ chức đó là công cụ quyền lực của giai cấp nắm ưu thế về kinh tế và là tổ chức thực hiện sự thống trị giai cấp. Tổ chức đó chính là nhà nước một bộ máy trấn áp đặc biệt của giai cấp này với giai cấp khác.

Như vậy, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tiền đề kinh tế cho sự ra đời nhà nước là chế độ tư hữu tài sản. Tiền đề xã hội cho sự ra đời nhà nước là sự phân chia xã hội thành các giai cấp (hoặc các tầng lớp xã hội) mà giữa các giai cấp, tầng lớp đó, những lợi ích cơ bản đối kháng nhau đến mức không thể điều hòa được.

Chính vì vậy, “nhà nước” được hiểu là “hình thức (phương thức) tổ chức xã hội có giai cấp, là tổ chức quyền lực chính trị công cộng đặc biệt, có chức năng quản lý xã hội để phục vụ lợi ích trước hết cho giai cấp thống trị và thực hiện những hoạt động nảy sinh từ bản chất của xã hội.”

Thực tế lịch sử ra đời nhà nước sơ khai rất đa dạng, do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài hai nguyên nhân kinh tế và nguyên nhân xã hội, sự xuất hiện nhà nước sơ khai (hay còn gọi là nhà nước tiền công nghiệp) còn có nhiều nhân tố khác, với mức độ ảnh hưởng nhiều ít, trực tiếp hoặc gián tiếp rất khác nhau, trong đó có:

– Yếu tố bên trong, như vị trí địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn cung cấp thức ăn, giao thông… Chính những yếu tố này là cơ sở để thu hút sự tập trung dân cư, khiến cho có nơi này nhà nước ra đời sớm hơn nơi khác, trở thành trung tâm kinh tế – chính trị – văn hóa sớm hơn các vùng khác;

– Yếu tố bên ngoài, như nhu cầu hợp nhất các cộng đồng dân cư tạo sự thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao lưu buôn bán (Inter-Polity Trade); nhu cầu tự vệ trước khả năng chiến tranh (War); sự ra đời hay phát triển của các nhà nước láng giềng (Tributary or Client State Formation); sự cạnh tranh về sinh thái và chủng tộc (ethnic and ecological competition); sự phát triển về vũ khí quân sự của các nhà nước láng giềng (military technology)…;

– Các yếu tố văn hóa – kinh tế – khoa học, kĩ thuật, như sự ra đời của chữ viết, sự ra đời của các thành thị, sự tiến bộ về kĩ thuật, sự ra đời của tôn giáo, sự tập trung hóa về chính trị, sự thống nhất về tư tưởng, ý thức hệ.

Nguồn gốc của Nhà nước tiếng anh là Origin of the state”.

2. Bản chất của nhà nước:

Từ xưa đến nay, các vấn đề về nhà nước luôn là tâm điểm tranh luận của triết học, luật học, chính trị học trên thế giới, bởi lẽ nhà nước là một hiện tượng xã hội rất phức tạp, đa dạng, và đặc biệt luôn vận động và thay đổi theo thời gian. Bản chất nhà nước là điều cốt lõi trong nhà nước, quy định sự vận động, tồn tại và phát triển của nhà nước, quy định nội dung, hoạt động và mục đích tồn tại của nhà nước.

Theo học thuyết Mác – Lênin, bản chất nhà nước được thể hiện ở hai phương diện là vai trò xã hội (tính xã hội) và tính giai cấp. Hai phương diện này lại tiếp tục được thể hiện một cách rõ nét thông qua những đặc điểm, những chức năng cơ bản, bộ máy nhà nước, ở hình thức, chế độ chính trị. Cũng giống như các hiện tượng xã hội khác, hai phương diện này vừa có sự thống nhất, vừa có sự mâu thuẫn nội tại.

2.1. Vai trò xã hội (tính xã hội) của nhà nước:

Một thuộc tính khách quan, phổ biến của mọi nhà nước đó là vai trò xã hội (tính xã hội) của nhà nước. Khách quan vì đây là thuộc tính không phụ thuộc vào ý muốn con người. Phổ biến vì nó tồn tại ở mọi nhà nước, không phân biệt kiểu nhà nước nào.

Thứ nhất, để tồn tại và phát triển, nhà nước nào cũng phải quan tâm giải quyết các vấn đề chung của xã hội. Trước tiên nhà nước được hiểu là một tổ chức quyền lực công cộng.

Chẳng hạn, người Việt Nam ngay từ tấm bé đều biết đến hai hình ảnh “nước dâng đến đâu, núi đồi cao đến đó” (Sự tích Sơn Tinh – Thủy Tinh) và hình ảnh “một cậu bé ba tuổi nhổ tre đánh giặc” (Sự tích Thánh Gióng). Hai hình ảnh đó nhắc nhở người dân Việt Nam rằng ngay từ đầu dân tộc này đã phải giải quyết hai yêu cầu thường trực, khách quan của xã hội đó là nhu cầu trị thủy và chống giặc ngoại xâm.

Để giải quyết những công việc này đòi hỏi phải có sự liên kết, một sự tổ chức thành một thực thể cao hơn làng (công xã nông thôn). Hai yếu tố trị thủy và chống giặc ngoại xâm không mặc nhiên ra đời nhà nước, nhưng là những yếu tố khởi đầu, thúc đẩy nhanh quá trình hình thành nhà nước ở Việt Nam và đồng thời quy định chức năng của nhà nước sau này. Tính xã hội ở đây thậm chí còn nảy sinh sớm và có trước cả tính giai cấp. Điều này không phải ngoại lệ vì các nhà nước đầu tiên ở Phương Đông như Ai Cập, Lưỡng Hà, Trung Quốc, ấn Độ cổ đại, thậm chí là các nhà nước ở Phương Tây như Hy Lạp hay La Mã, nhà nước cũng nảy sinh từ xã hội và trước tiên sự ra đời của nó là với vai trò là một tổ chức quyền lực công cộng, duy trì trật tự, ổn định xã hội.

Thứ hai, bất kỳ nhà nước nào cũng sẽ không thể tồn tại, phát triển được nếu như giai cấp thống trị tuyệt đối không chú ý, quan tâm, bảo vệ quyền lợi của các giai cấp, tầng lớp khác, kể cả những giai tầng không có quan điểm, tiếng nói giống với giai cấp mình.

Chẳng hạn, trong Bộ Quốc triều hình luật thời Lê ở Việt Nam có rất nhiều những quy định bảo vệ quyền lợi của những người yếu thế trong xã hội như người già, phụ nữ, trẻ em, nô lệ, người tàn tật, người cô quả…Không những thế, Bộ luật này còn có nhiều quy định rõ ràng trách nhiệm của quan lại và hệ quả pháp lý trong trường hợp quan lại không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ của mình.

Hay trong Bộ luật Hammurabi ở Lưỡng Hà cổ đại ở Điều 2 có quy định về trách nhiệm của Thẩm phán: “Nếu thẩm phán xử một vụ kiện mà ra phán quyết bằng văn bản, nếu sau đó phát hiện lỗi trong văn bản là do lỗi của thẩm phán, thẩm phán sẽ phải trả 12 lần giá trị tiền phạt mà ông ta đã yêu cầu bồi thường trong vụ kiện, đồng thời ông ta sẽ bị buộc phải rời khỏi ghế thẩm phán vĩnh viễn và không bao giờ có thể trở thành thẩm phán lần nữa”. Quy định về trách nhiệm của thẩm phán cho thấy thời kỳ này rất coi trọng công tác xét xử, rất coi trọng trách nhiệm xét xử công bằng của thẩm phán. Cũng trong Bộ luật này đã có một số quy định bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ.

Chẳng hạn như quy định người chồng phải có nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc người vợ ở Điều 128: “Nếu người chồng lấy vợ, nhưng không quan hệ sinh lý với người vợ đó, thì người phụ nữ này không phải là vợ của y.”* Hoặc quy định người vợ có quyền ly hôn khi người chồng đi khỏi nhà không có lý do ở Điều 136: “Nếu người chồng bỏ nhà đi không rõ lý do, khi anh ta trở lại, người vợ có quyền ly dị.” Không những thế luật còn quy định người chồng không được bỏ vợ khi biết người vợ mắc bệnh nặng. Người chồng phải có nghĩa vụ nuôi nấng người vợ cho đến hết đời.

Thứ ba, mức độ thể hiện và thực hiện vai trò xã hội của các nhà nước không hoàn toàn giống nhau. Tính xã hội của nhà nước chịu sự quy định, chịu sự tác động của nhiều yếu tố như: thể chế chính trị, sự phát triển kinh tế- xã hội, các mối tương quan lực lượng, truyền thống, phong tục tập quán; hoàn cảnh lịch sử, việc cam kết và thực thi các điều ước quốc tế…

Nhiều nhà nước đương đại hiện nay đã thực hiện rất nhiều những chính sách xã hội như chính sách xóa đói giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội, chính sách lao động – việc làm, chính sách bảo vệ môi trường, chính sách về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội….Nhiều nhà nước đều tuyên bố và cam kết xây dựng nhà nước pháp quyền, nhà nước dân chủ ở đó quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Họ thiết lập cơ chế phân quyền, cơ chế giám sát bên trong giữa các cơ quan nhà nước, giữa các đảng phái chính trị và giám sát bên ngoài nhằm kiểm soát hành vi của công quyền. Trong phạm vi quốc tế hiện nay, sự phát triển và phát huy vai trò ngày càng lớn của các hình thức tổ chức tự nguyện và tự quản phi vụ lợi.

Xã hội hiện đại cũng chứng kiến vai trò ngày càng lớn của các công ty xuyên quốc gia trong việc cung cấp tri thức và công nghệ quan trọng nhất cho các nền kinh tế. Các tổ chức xã hội dân sự đóng vai trò tư vấn chính sách, phản biện xã hội, tổ chức các công việc công ích để đáp ứng các nhu cầu của cộng đồng xã hội mà nhà nước và thị trường không đủ khả năng đảm nhận. Nhà nước không chỉ đơn thuần định ra, thiết lập các quy tắc chính thức, áp dụng cưỡng chế bắt các tổ chức và cá nhân phải tuân theo, mà nhà nước còn là một “đấu thủ quan trọng nhất trong các trò chơi kinh tế”. Trong xã hội hiện đại, trước những thay đổi to lớn đang diễn ra trong đời sống chính trị – xã hội ở các quốc gia khác nhau, vai trò của nhà nước và dịch vụ công cùng các nhu cầu về bảo đảm an toàn, an ninh không ngừng tăng lên.

2.2. Tính giai cấp của nhà nước:

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, nhà nước nào cũng có tính giai cấp sâu sắc. Hay nói cách khác, tính giai cấp của nhà nước cũng là một thuộc tính khách quan và phổ biến tồn tại ở mọi nhà nước. Điều này thể hiện ở những nội dung sau:

Thứ nhất, nhà nước chỉ ra đời trong xã hội có giai cấp. Hay nói cách khác. trong chế độ cộng sản nguyên thủy, khi chưa có tư hữu xuất hiện, chưa có sự phân hóa giai cấp, thì ở đó chưa có nhà nước.

Thứ hai, nhà nước là do giai cấp thống trị xã hội tổ chức nên, phục vụ quyền lợi chủ yếu, trước hết là cho giai cấp thống trị xã hội. Từ khi nhà nước xuất hiện đến nay thì tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như chế độ chính trị, tương quan lực lượng giai cấp, những điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội, đảng phái, bối cảnh kinh tế, quốc tế vv… mà mức độ thể hiện cũng như phương diện thực thi tính giai cấp luôn có sự khác nhau nhất định.

Chẳng hạn, trong nhà nước phong kiến Việt Nam, tính giai cấp được thể hiện ở chỗ nhà nước là do giai cấp thống trị tổ chức nên, bảo vệ quyền lợi cho nhà vua, giai cấp địa chủ. Thông qua việc phong cấp đất cho quý tộc, pháp luật cũng có sự ưu ái cho những quan lại trong bộ máy nhà nước, ví dụ Điều 3 của Bộ luật Hồng Đức về chế độ Bát nghị. Tuy nhiên, xét toàn diện thì mức độ thể hiện, mức độ thực thi quyền lực ở các triều đại ở Việt Nam cũng không hoàn toàn giống nhau. Trong lịch sử Việt Nam có những triều đại xuất hiện những vị vua anh minh, tiến hành nhiều cuộc cải cách thành công như dưới thời trị vì của vua Lý Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông và nhiều vị vua khác.

Thứ ba, sự thống trị của giai cấp được thể hiện trên ba mặt là kinh tế, chính trị và tư tưởng. Xét một cách lô-gích, thông qua nhà nước, giai cấp thống trị về kinh tế trở thành giai cấp thống trị về chính trị. Cũng vì nắm được quyền lực nhà nước, hệ tư tưởng của giai cấp thống trị trở thành hệ tư tưởng thống trị xã hội. Quyền lực chính trị do nhiều tổ chức thực hiện, nhưng nhà nước là công cụ chủ yếu của quyền lực chính trị.

Tóm lại, theo cách hiểu của chủ nghĩa Mác – Lênin, nhà nước là một bộ máy, công cụ quyền lực đặc biệt, là một tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị, bộ máy để thực hiện nền chuyên chính của giai cấp thống trị xã hội, đảm bảo thực hiện những nhiệm vụ giai cấp và những nhiệm vụ chung nảy sinh từ bản chất của xã hội.

3. Đặc trưng của nhà nước:

Các nhà nước trong lịch sử có sự khác nhau về bản chất, nhưng tất cả các nhà nước đều có những đặc trưng (dấu hiệu) cơ bản chung. Những đặc trưng này để phân biệt nhà nước với các tổ chức chính trị – xã hội, với tổ chức thị tộc nguyên thủy trước kia. Hiện nay có nhiều quan niệm khác nhau về những đặc trưng chủ yếu của nhà nước, nhưng về cơ bản có hai luồng quan điểm cơ bản sau đây:

Quan niệm thứ nhất có tính truyền thống thể hiện trong các giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật nêu rõ nhà nước có 5 đặc trưng cơ bản sau đây:

Thứ nhất, Nhà nước là tổ chức quyền lực chính trị công cộng đặc biệt với bộ máy thực hiện cưỡng chế và quản lý đời sống xã hội.

Thứ hai, Nhà nước có lãnh thổ và thực hiện sự quản lý dân cư theo theo các đơn vị hành chính lãnh thổ (dấu hiện dân cư và lãnh thổ).

Thứ ba, nhà nước có chủ quyền quốc gia.

Thứ tư, nhà nước là tổ chức duy nhất có quyền ban hành pháp luật và đảm bảo sự thực hiện pháp luật.

Thứ năm, nhà nước quy định các loại thuế và thực hiện thu thuế dưới hình thức bắt buộc.

– Đặc trưng 1: Nhà nước là tổ chức quyền lực chính trị công cộng đặc biệt với bộ máy thực hiện cưỡng chế và quản lý đời sống xã hội.

Khi xuất hiện nhà nước đã lập nên quyền lực chính trị đặc biệt. Nhà nước là tổ chức quyền lực đặc biệt, không còn hoà nhập với dân cư nữa. Không những thế, nhà nước còn có bộ máy cưỡng chế gắn liền vớiquân đội, cảnh sát, nhà tù, trại giam và những cơ quan cưỡng chế khác. Đây là những cơ quan mà không tồn tại trong chế độ thị tộc nguyên thủy cũng như trong các tổ chức khác.

Bản chất của quyền lực chính trị của nhà nước thuộc về một thiểu số giai cấp thống trị. Cùng với sự phát triển của xã hội, bộ máy nhà nước đã được hoàn thiện để thực hiện quản lý xã hội.

– Đặc trưng 2: Nhà nước có lãnh thổ và thực hiện sự quản lý dân cư theo theo các đơn vị hành chính lãnh thổ (dấu hiện dân cư và lãnh thổ).

Phạm vi thực hiện quyền lực của nhà nước là trên toàn bộ lãnh thổ nhà nước. Nhà nước quản lý dân cư theo các đơn vị hành chính, không phụ thuộc vào quan điểm chính trị, giới tính, huyết thống, nghề nghiệp nhằm đảm bảo cho sự quản lý tập trung, thống nhất của nhà nước. Mối quan hệ giữa người dân với nhà nước được thể hiện rõ nhất thông qua chế định quốc tịch, một chế định xác lập sự phụ thuộc của công dân vào một nhà nước nhất định và tương ứng, nhà nước cũng phải có những nghĩa vụ nhất định đối với công dân của mình. Việc quản lý dân cư theo lãnh thổ ở đây không giản đơn chỉ áp dụng đối với người mang quốc tịch nước sở tại mà cả với người nước ngoài, cho dù quy chế pháp lý của người nước ngoài hạn chế và khác với công dân nước sở tại.

– Đặc trưng 3: Nhà nước có chủ quyền quốc gia

Chủ quyền quốc gia là quyền tối cao của nhà nước về đối nội và độc lập về đối ngoại. Hay nói cách khác, chủ quyền quốc gia là quyền tự quyết của quốc gia đó về các vấn đề đối nội và đối ngoại. Nhà nước là người đại diện chính thức, đại diện về mặt pháp lý cho toàn xã hội về đối nội và đối ngoại. Chủ quyền quốc gia thể hiện tính độc lập và không phụ thuộc của nhà nước trong việc giải quyết các công việc đối nội và đối ngoại của mình.

Khái niệm chủ quyền quốc gia cũng chỉ là khái niệm tương đối. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia không đồng nhất với đóng cửa không giao lưu với các quốc gia, các tổ chức quốc tế khác. Ngược lại, việc tham gia hợp tác quốc tế cũng không có nghĩa là đánh mất chủ quyền quốc gia. Nhà nước cũng như mọi sự vật, hiện tượng khác không thể tồn tại trong sự tách rời, biệt lập với các quốc gia khác. Xu hướng toàn cầu hóa hiện nay cho thấy nhà nước nào cũng tham gia vào nhiều tổ chức quốc tế, diễn đàn quốc tế và cùng chia sẻ lợi ích, cùng gánh vác những nghĩa vụ khác nhau. Ví dụ: Việt Nam đang tham gia các tổ chức quốc tế như: ASEAN, FAO, IAEA, ILO, IMF, UN, UNCTAD, UNESCO, WFTU, WHO, WIPO, WMO, APEC, ASEM…; Nhiều vấn đề toàn cầu nảy sinh đòi hỏi sự chung sức của nhiều quốc gia: AIDS, Cúm gia cầm H5N1, Nạn khủng bố, môi trường…

– Đặc trưng 4: Nhà nước là tổ chức duy nhất có quyền ban hành pháp luật và đảm bảo sự thực hiện pháp luật.

Nhà nước là đại diện chính thức cho toàn xã hội. Chỉ có nhà nước mới có quyền ban hành pháp luật và quản lý dân cư, các hoạt động xã hội bằng pháp luật. Pháp luật có tính bắt buộc chung, được đảm bảo thực hiện bằng nhà nước với các biện pháp tổ chức, cưỡng chế, thuyết phục tùy theo bản chất nhà nước và những điều kiện khách quan khác. Các tổ chức thị tộc nguyên thủy và với các tổ chức phi nhà nước không có đặc trưng này..

– Đặc trưng 5: Nhà nước có quyền định ra và thu các loại thuế dưới hình thức bắt buộc

Nhà nước nào cũng có quyền định ra và thu các loại thuế dưới hình thức bắt buộc. Thuế được sử dụng để nuôi sống bộ máy nhà nước, thực hiện các hoạt động chung của toàn xã hội. Mục đích cơ bản của việc thu thuế là để nuôi sống một bộ máy nhà nước, những cán bộ công chức, những người không trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội. Chỉ nhà nước mới được thu thuế, các tổ chức khác không phải là nhà nước không có đặc trưng này. Chẳng hạn, một lớp học thu quĩ lớp để phục vụ cho công việc của lớp; Đoàn thanh niên thu đoàn phí để tri trả cho hoạt động Đoàn; Câu lạc bộ bóng đá thu tiền để tri trả cho hoạt động chung…đó không phải là thu thuế.

Từ vấn đề bộ máy nhà nước, dân cư và lãnh thổ, chủ quyền quốc gia thực chất đều do pháp luật và đương nhiên vấn đề thuế cũng vậy, đây là những vấn đề quan trọng, cần thiết và đều là đối tượng điều chỉnh của pháp luật. Tuy nhiên mục đích của việc đưa ra 5 đặc trưng cuối cùng là để chỉ ra những đặc điểm riêng của nhà nước mà các tổ chức, đơn vị phi nhà nước không có được.

Quan niệm thứ hai về ba đặc trưng cấu thành nhà nước:

Từ đầu thế kỷ XX, một học giả người Đức có tên là Georg Jellinek đã đưa ra luận thuyết ba yếu tố (Drei-Elemente-Lehre) trong đó khẳng định một nhà nước có ba điều kiện cấu thành bao gồm dân cư (Staatsvolk), lãnh thổ (Staatsgebiet) và chủ quyền (Staatsgewalt).68 Đây cũng là ba đặc trưng riêng có của nhà nước để phân biệt với các tổ chức khác.

Luận thuyết ba yếu tố của Georg Jellinek được nhắc đến rất nhiều trong các công trình khoa học về nhà nước. Nhiều cuốn từ điển luật học nổi tiếng trên thế giới cũng dựa trên luận thuyết này để đưa ra khái niệm nhà nước. Chẳng hạn, theo Từ điển luật học) ở Đức của tác giả Creifelds, nhà nước được hiểu là “một cộng đồng của các các cá nhân trong một tổ chức chính trị của mình, tổ chức ấy bao gồm lãnh thổ (ein Staatsgebiet), dân cư (ein Staatsvolk) và hệ thống chính quyền có chủ quyền (eine Staatsgewalt).”69 Tương tự, theo Từ điển lịch sử pháp luật Châu Âu của tác giả Koebler, nhà nước là một tổ chức thỏa mãn ba điều kiện dân cư, lãnh thổ và quyền lực. Nhà nước trước hết phải có dân cư, bao gồm những người có cùng chung một quốc tịch. Ngoài ra, nhà nước nào cũng có một lãnh thổ giới hạn, trong đó dân cư sinh sống và tổ chức quyền lực. Bên cạnh đó, nhà nước phải có chủ quyền, chủ quyền ấy thể hiện ở việc quản lý của nhà nước đối với dân cư theo lãnh thổ, thể hiện ởquyền tự quyết của nhà nước đó trong các vấn đề đối nội và đối ngoại. Nhà nước có thể được gọi tắt, thông qua những đại diện như các cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước hoặc các tổ chức. Nhà nước theo nghĩa là pháp nhân của luật công như ở Đức hiện nay bao gồm liên bang và tiểu bang. Tùy cách giải thích về chính trị mà nhà nước có thể được giải thích thành nhà nước cảnh sát, nhà nước pháp quyền, nhà nước xã hội, Nhà nước phúc lợi chung.

Từ khóa » Các đặc Trưng Của Nhà Nước Có ý Nghĩa Gì