Nguồn Gốc Của Pháp Luật

Mục lục bài viết

Toggle
  • Khái niệm và bản chất của pháp luật
  • Nguồn gốc của pháp luật

Pháp luật luôn là một trong những công cụ sắc bén trong quá trình Nhà nước quản lý xã hội. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được nguồn gốc của pháp luật, hay những khái niệm, bản chất của pháp luật. Trong bài viết lần này, chúng tôi sẽ cung cấp tới quý bạn đọc một số nội dung liên quan tới vấn đề Nguồn gốc của pháp luật là gì?

Khái niệm và bản chất của pháp luật

Pháp luật là hệ thống bao gồm những quy tắc xử sự chung được đặt ra bởi Nhà nước, mang tính chất bắt buộc thực hiện.

Có biện pháp giáo dục hoặc cưỡng chế để đảm bảo thực hiện theo pháp luật hướng tới mục đích bảo vệ quyền lợi của giai cấp mình và điều chỉnh các mối quan hệ xã hội.

Bản chất của pháp luật:

– Tính giai cấp của pháp luật trước hết ở chỗ: Pháp luật phản ánh ý chí Nhà nước của giai cấp thống trị; nội dung của ý chí đó được quy định bởi điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp thống trị.

Nhờ nắm trong tay quyền lực Nhà nước; giai cấp thống trị đã thông qua Nhà nước để thể hiện ý chí của giai cấp mình một cách tập trung thống nhất; hợp pháp hóa ý chí của Nhà nước; được Nhà nước bảo hộ thực hiện bằng sức mạnh của Nhà nước.

– Mục đích của pháp luật trước hết nhằm điều chỉnh quan hệ giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Do đó, tính giai cấp của pháp luật còn thể hiện ở mục đích điều chỉnh của pháp luật.

Vì vậy, pháp luật là nhân tố để điều chỉnh về mặt giai cấp các quan hệ xã hội nhằm hướng các quan hệ xã hội phát triển theo một trật tự phù hợp với ý chí của giai cấp thống trị. Với ý nghĩa đó, pháp luật là công cụ thực hiện sự thống trị giai cấp.

Nguồn gốc của pháp luật

Nguồn gốc của pháp luật được xem xét dưới 02 góc độ là theo quan niệm chung của xã hội và theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin:

Thứ nhất: Quan niệm chung về nguồn gốc của pháp luật

Ở xã hội cộng sản nguyên thủy, do nhu cầu của cuộc sống cộng đồng, các quan hệ xã hội giữa người và người được điều chỉnh bằng các quy tắc đạo đức, phong tục, tập quán và các quy tắc tông giáo.

Khi trong xã hội xuất hiện sở hữu tư nhân, sự phân chia giai cấp, người giàu, người nghèo, người bóc lột và bị bóc lột, đồng thời,  cũng nảy sinh những mâu thuẫn giai cấp đối kháng, đòi hỏi phải có những quy tắc xử sự mang tính bắt buột chung được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế đối với các thành viên trong xã hội và một tổ chức quyền lực chính trị đặc biệt có bộ máy cưỡng chế đảm bảo cho các quy tắc xử sự đó được thực hiện.

Do đó, những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của Nhà nước cũng là những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của pháp luật. Pháp luật hình thành bằng ba con đường chủ yếu: Nhà nước thừa nhận những tập quán đã có từ trước phù hợp với lợi ích của mình và nâng lên thành pháp luật; Nhà nước thừa nhận các quyết định có trước về từng vụ việc cụ thể của cơ quan xét xử hoặc cơ quan hành chính cấp trên để trở thành khuôn mẫu cho các cơ quan cấp dưới tương ứng giải quyết những vụ việc tương tự xảy ra – Án lệ; Nhà nước ban hành những quy phạm pháp luật. Đó cũng chính là nguồn gốc của pháp luật.

Thứ hai: Nguồn gốc của pháp luật theo quan điểm chủ nghĩa Mác-lênin

Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin cho rằng:

Cũng như Nhà nước, pháp luật là sản phẩm của sự phát triển xã hội. Pháp luật không phải là ý chí của thượng đế hay của một lực lượng siêu nhiên nào ngoài trái đất gán ghép vào xã hội.

Pháp luật nảy sinh trong đời sống xã hội, là kết quả của sự biến đổi xã hội từ xã hội không có giai cấp sang xã hội có giai cấp:

– Trong xã hội nguyên thủy chưa có Nhà nước thì cũng chưa có pháp luật. Để quản lý, điều chỉnh các quan hệ xã hội khi đó người ta dựa vào tập quán, đạo đức, tín điều tôn giái… Là những công cụ điều chỉnh thể hiện ý chí và bảo vệ lợi ích chung của các thành viên trong xã hội nên được mọi người thừa nhận và tự giác tuân theo.

– Nguyên nhân làm xuất hiện Nhà nước cũng chính là nguyên nhân làm xuất hiện pháp luật, nghĩa là, khi xã hội phát triển đến một giai đoạn nhất định (xem nguyên nhân xuất hiện Nhà nước) thì những công cụ quản lý như đạo đức, tập quán, tín điều tôn giáo… Không còn khả năng hoặc không thể duy trì quản lý xã hội được nữa, vì ý chí các thành viên trong xã hội không còn thống nhất; lợi ích các giai cấp trong xã hội đã có sự khác biệt căn bản, thậm chí đối lập với nhau. Trong điều kiện đó, để có thể giữ cho xã hội trong vòng “trật tự”, đồng thời bảo vệ được lợi ích của giai cấp mình, giai cấp, lực lượng thống trọ đã thông qua Nhà nước hình thành ra một công cụ điều chỉnh mới là pháp luật.

Do đó, pháp luật ra đời do nhu cầu xã hội để quản lý một xã hội đã phát triển ở một giai đoạn nhất định, giai đoạn xã hội đã phát triển quá phức tạp, đã xuất hiện những giai cấp có lợi ích đối lập với nhau và nhu cầu chính trị – giai cấp để bảo vệ lợi ích cho giai cấp, lực lượng thống trị về kinh tế và chính trị trong xã hội.

Theo quan điểm Mác-Lênin thì pháp luật ra đời và tồn tại gắn liền với xã hội có giai cấp, nó là sản phẩm của sự phát triển xã hội vừa mang tính khách quan (sinh ra do nhu cầu đòi hỏi của xã hội đã phát triển đến một giai đoạn nhất định) vừa mang tính chủ quan (phụ thuộc ý chí Nhà nước của giai cấp, lực lượng thống trị).

Như vậy, nguồn gốc của pháp luật đã được chúng tôi phân tích cụ thể trong bài viết phía trên. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nêu lên khái niệm và bản chất của pháp luật.

Từ khóa » Nguyên Nhân Ra đời Của Nhà Nước Và Pháp Luật