Nguồn Gốc Tín Ngưỡng Thờ Cá Voi - Báo Cần Thơ Online

Cá voi được cư dân miền biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ xem là vị phúc thần của biển cả cứu người gặp nạn giữa sóng nước, nên ở hầu hết những khu vực ven biển đều thờ cá voi. Tín ngưỡng này một phần có nguồn gốc từ những đặc tính sinh học của cá voi, một phần đến từ tâm thức dân gian khi con người cầu mong sự che chở của các thế lực siêu nhiên để được bình an trước thiên tai, bão dữ.

Gian chính điện thờ cá voi ở Hòn Sơn - Kiên Giang. Ảnh: Trần Kiều Quang

Gian chính điện thờ cá voi ở Hòn Sơn - Kiên Giang. Ảnh: Trần Kiều Quang

Theo "Từ điển Bách khoa Nông nghiệp Việt Nam", cá voi còn có tên khác là cá ông, cá ông voi, là động vật có vú lớn nhất hiện nay với thân dài từ 12 đến 33 mét tùy theo loài, có con nặng trên trăm tấn. Cá voi bơi rất nhanh, phân bố rộng khắp, nhưng sống chủ yếu ở biển ôn đới và hàn đới, thường di cư đều đặn vào các mùa, nhưng không vượt qua xích đạo mà chỉ cư trú trong một bán cầu. Ở vùng biển Việt Nam thỉnh thoảng vẫn gặp cá voi lớn. Món khoái khẩu của cá voi là cá mòi và ruốc, vốn thường đi thành đàn và xuất hiện nhiều ở cửa sông, nhất là vùng miền Trung. Khi gặp biển động, để tránh sóng gió, cá voi tìm vật trôi nổi trên biển để nép vào, cùng vật ấy bơi vào bờ, nơi ít sóng gió(1). Chính nhờ đặc điểm sinh học này mà những người đi biển cho rằng cá voi là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh của những người đi biển nên họ đã thiêng hóa cá voi bằng nhiều truyền thuyết khác nhau.

Người ta cho rằng cá voi là tiền thân của đức Quan Thế Âm Bồ Tát đã có lần hóa thân để cứu khổ chúng sinh. Ngài hóa thân thành cá voi (Ông Nam Hải) đi tuần du biển cả để cứu những người đi biển mỗi khi họ gặp nạn. Riêng vùng Sông Đốc, Cà Mau, ngư dân ở đây còn truyền tụng câu chuyện "Sự tích cá voi". Ngày xưa, có vợ chồng nọ chuyên sống bằng nghề đi biển. Một hôm, người vợ tới ngày sinh nở nên không đi biển cùng chồng. Người chồng trên đường về gặp cơn bão lớn đắm thuyền mà chết và biến thành cá voi. Người vợ ẵm con đi thuyền ra biển tìm chồng, lại gặp cơn bão lớn. Lúc thuyền sắp chìm, người vợ xin Trời Phật chứng cho tấm lòng chung thủy và cho được đoàn tụ với chồng khi chết. Lúc này xuất hiện một con cá voi lớn nâng chiếc thuyền sắp chìm vào bờ an toàn. Trước khi bơi ra biển, người chồng nhắn vợ hãy ở nhà làm ruộng rẫy nuôi con khôn lớn, còn người chồng đã chết đi và được Trời Phật cho hóa thành cá voi, ở biển cứu người. Sau này cá voi già chết dạt vào bờ, người con nhặt xương cốt thờ cúng để tưởng nhớ cha mình. Dân làng nhớ ơn cá voi lúc còn sống đã cứu giúp họ khi gặp sóng to gió lớn nên đến ngày giỗ, họ tụ tập đông đủ đem nhiều lễ vật đến cúng rất linh đình(2).

Bộ xương cá voi được thờ Hòn Tre - Kiên Giang. Ảnh: Trần Kiều Quang

Bộ xương cá voi được thờ Hòn Tre - Kiên Giang. Ảnh: Trần Kiều Quang

Ngoài việc được lưu truyền trong dân gian, cá voi còn được ghi chép trong sách sử. "Gia Định thành thông chí" của Trịnh Hoài Đức cho biết: "Thần là con cá nhân ngư, không có vảy, đầu tròn, trơn láng, đỉnh tráng có lỗ phun nước ra như mưa, môi voi, đuôi tôm, dài đến 2,3 trượng (8,12m), ưa nhảy bơi trên mặt biển. Ngư phủ giăng lưới đánh bắt, thường hô là thần mà cầu khẩn, thì nhân ngư đuổi bầy cá chạy cả vào lưới. Ngư phủ rất cảm ơn, có khi nhân ngư lầm vào trong lưới, thì ngư phủ mở một mặt lưới kêu mà dẫn ra, nhân ngư ắt theo cửa lưới ấy mà ra! Lại những ghe thuyền trong biển gặp lúc sóng gió nguy hiểm, thường thấy nhân ngư dìu đỡ thân ghe bảo vệ vào bờ yên ổn. Có hoặc còn ghe bị chìm úp thì cũng trong cơn sóng gió rầm rộ ấy nhân ngư cũng đưa người lên bờ, sự hỗ trợ hiển nhiên rõ rệt. Triều đình đã phong tặng làm Nam Hải Tướng quân Ngọc lân Tôn thần, kê vào tự điển. Cá ấy rủi ro mà bị ác ngư khác đánh chết nổi trên mặt bể thì dân miền biển góp tiền mua hàng, vải đồ liệm rồi lựa một người đàn anh trong ngư hộ đứng làm chủ tang, đào đất chôn cất cẩn thận và dựng đền ở ngay bên mộ. Những chỗ có chôn cá ấy thì dân chỗ ấy được nhiều lợi may mắn, còn chỗ tuy không chôn cũng đều lập đền thờ, dọc theo miền biển đều như thế cả"(3).

Như vậy cá voi là phúc thần của biển cả mà cư dân ven biển luôn tôn kính, được dân gian gọi bằng nhiều danh xưng trang trọng: Ông Khơi, Ông Lộng, Ông Nam Hải, Ông Cậu, Ông Chuông, Ông Thông, Ông Máng… Chính sự tôn kính này mà dân gian còn tương truyền hễ cá voi lụy (chết) lập tức sẽ có con cá voi khác to lớn hơn kè vào bờ. Người ta còn cho rằng, dù Ông lụy bao lâu đi nữa thì xác Ông vẫn nằm ngửa trôi lênh đênh trên biển, ấy là tránh cho các loài cá khác xà xẻo thịt da của mình; hoặc khi Ông lụy sẽ có rất nhiều binh tôm tướng cá hầu cận ông sẽ đưa ông vào bờ.

Mỗi khi ra khơi, nếu gặp chuyện gì bất trắc thì ngư dân lập tức cầu Ông và được cứu giúp. Vì vậy, khi gặp Ông lụy, theo quy ước của nhiều làng biển, người phát hiện đầu tiên được xem là người được Ông tín nhiệm, do đó được vinh dự làm trưởng nam, tức là người thay mặt dân làng chịu tang trong 100 ngày (trước đó có tục để tang đúng 3 năm). Khi phát hiện Ông lụy, người ta tìm cách dìu vào bờ và vạn trưởng huy động dân làng đưa lên bờ để làm lễ an táng. Trường hợp gặp phải xác Ông quá lớn thì người ta dùng đăng quàng lại, cử người canh giữ cho đến khi lấy được bộ xương đưa lên lăng thờ. Lăng Ông có người trông coi, hương khói, có một hội đồng quản lý.

Lễ hội nghinh Ông Sông Đốc, Cà Mau. Ảnh: Lê Chí

Lễ hội nghinh Ông Sông Đốc, Cà Mau. Ảnh: Lê Chí

Lễ hội nghinh Ông Sông Đốc, Cà Mau. Ảnh: Lê Chí

Ngày lễ cúng Ông hay lễ hội nghinh Ông diễn ra không đồng nhất giữa các nơi vì điều này phụ thuộc vào ngày Ông lụy, thông thường vào những tháng có biển động, gió bão nhiều. Cho nên ở Bình Đại, Bến Tre ngày 16 tháng 6 âm lịch là ngày cúng Ông. Còn ở Sông Đốc, Cà Mau thì lễ cúng ông được tổ chức vào các ngày 14, 15, 16 tháng 2 âm lịch. Ở Cầu Ngang, Trà Vinh thì cúng vào ngày 10, 11, 12 tháng 5 âm lịch... Lễ cúng quy mô lớn hay nhỏ phụ thuộc vào tình hình kinh tế từ biển hằng năm của từng địa phương. Duy có điều, vật phẩm dùng để cúng gần như không có sự khác biệt lớn giữa các địa phương.

Về cơ bản nghi thức cúng Ông không khác mấy so với nghi thức cúng ở đình làng, gồm nhiều nghi lễ và giai đoạn khác nhau. Thông thường lễ bắt đầu từ lúc rạng sáng. Lễ vật gồm heo quay, gà vịt, xôi, bánh trái, hương đăng trà quả được đặt lên bàn cúng trước lăng Ông. Đến giờ hành lễ, những người trong ban tế tự đốt nhang khấn vái, châm trà rót rượu dâng cúng, những người phụ lễ đứng hai bên bàn hương án gồm có học trò lễ và một số người ăn mặc theo kiểu binh tôm tướng cá. Tế xong, ban tế tự thỉnh lư hương trên bàn hương án lên kiệu đã được chuẩn bị sẵn ở lăng. Khi kiệu đến cầu cảng, chủ lễ trực tiếp rước lư hương lên tàu. Các tàu ở đây đã được chuẩn bị sẵn, kết thành đoàn với thứ tự theo quy ước, được trang trí cờ hoa. Đoàn tàu ra biển trong tiếng kèn, tiếng trống, tiếng nhạc rộn rã. Nếu đoàn tàu gặp Ông phun nước thì đoàn tàu quay trở về ngay; nếu không thì đến điểm đã định giữa biển khơi, làm lễ dâng hương, dâng rượu, đọc sớ cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, biển nhiều tôm cá, sau đó làm Lễ Xin keo, rồi quay về lăng tiếp tục diễn ra các lễ cúng Tiền hiền, Hậu hiền, Lễ Chánh tế...(4).

Tục thờ cá voi và lễ hội nghinh Ông là dịp để người dân sống nhờ vào biển cả thể hiện sự biết ơn với thiên nhiên, cũng như bày tỏ tấm lòng với các bậc Tiền hiền, Hậu hiền có công với quê hương.

Trần Kiều Quang

(1) Dẫn theo Đinh Văn Hạnh - Phan An (2004), Lễ hội dân gian của ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu, NXB Trẻ, tr.98 -99. (2) Nguyễn Bé Lê (2013), Lễ hội nghinh ông ở thị trấn Sông Đốc Cà Mau, trong cuốn Lễ hội dân gian đồng bằng sông Cửu Long, NXB Phương Đông, tr.111. (3) Đinh Văn Hạnh - Phan An, Sđd, tr.100 (4) Thạch Phương - Hồ Lê - Huỳnh Lứa - Nguyễn Quang Vinh (1992), Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.97-99.

Từ khóa » Tín Ngưỡng Thờ Cá ông