Văn hóa
Thứ bảy, 28/12/2013, 10:13 AM Nguồn gốc và ý nghĩa chiếc áo cà sa
Chiếc áo cà sa là biểu tượng của đạo pháp, của nhà tu hành, do đó cũng tượng trưng cho những gì trân quý, cao cả và thiêng liêng nhất
Không như pháp phục của những tôn giáo khác, chiếc áo cà sa của đạo Phật không thuần túy chỉ là chiếc y che mình mà đã trở thành một hình ảnh mang tính biểu trưng của Phật giáo. Chiếc áo cà sa là biểu tượng của đạo pháp, của nhà tu hành, do đó cũng tượng trưng cho những gì trân quý, cao cả và thiêng liêng nhất. Chiếc y cà sa cũng là biểu tượng của phạm hạnh, đức độ, là ánh đạo vàng, biểu trưng cho sự giác ngộ toàn năng nên được tứ chúng phật tử tôn xưng và kính ngưỡng. Đối với hàng phật tử xuất gia, được khoác trên mình chiếc y cà sa để hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sinh là một hạnh duyên thù thắng mang lại nhiều hạnh phúc, an lành và thành tựu. Cà sa - dịch từ tiếng Phạn là kasaya tên đầy đủ là cà sa duệ, theo nghĩa đó, kasaya không có ý nghĩa là y áo, y phục mà có nghĩa là bạc màu, cáu cặn hay hư hoại. Sách chữ Hán dịch kasaya là đạm (màu nhạt), trọc hay trược (đục, dơ bẩn, ô nhiễm, rác bẩn), hoặc còn dịch chữ này là hoại sắc, bất chính sắc, hư nát, dính bẩn… Tóm lại, chiếc áo cà sa của người Phật tử xuất gia tượng trưng cho những gì nghèo nàn, thô sơ, giản dị và khiêm nhường nhất.
1. Nguồn gốc của chiếc y cà sa: Cà sa là tên gọi chung các loại y phục dành riêng cho hàng Phật tử xuất gia. Sở dĩ có sự khác biệt về chiếc y cà sa giữa các tông môn, hệ phái Phật giáo là do tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên, môi trường, khí hậu, phong tục, tập quán… ở các khu vực khác nhau nên chiếc y cà sa cũng có những thay đổi cho phù hợp. Điều này chúng tôi xin được trình bày ở phần sau.
|
Chư tôn đức trong Đại Giới đàn |
Theo Luật tạng, chiếc y cà sa do đức Phật chế, được hình thành do lúc ban đầu, Tăng đoàn của Phật y áo không khác biệt gì với những người tu hành thuộc các truyền thống tôn giáo khác. Vì thế vua Tần-bà-sa-la (Bimfbisara) của nước Ma-kiệt-đà[i] (Magadha), một đệ tử của đức Phật, mới đề nghị với Phật xin cho các đệ tử được ăn mặc khác hơn để mọi người dễ nhận ra. Vào thời điểm ấy, Phật và người đệ tử thân cận nhất là A-nan-đà[ii] (Ànanda) đang du hành phương Nam để thuyết giảng, Phật thấy những thửa ruộng lúa hình chữ nhật, chia cắt bởi những đoạn bờ thẳng tăm tắp. Phật liền bảo A-nan-đà cứ theo mẫu ấy mà may áo cho Tăng đoàn. Vì thế, chiếc y cà sa mang hình những thửa ruộng, được chắp nối vào nhau bằng những mảnh vải như hình những thửa ruộng được ngăn cách bởi những đoạn bờ. Cũng vì thế trong kinh sách tiếng Hán, chiếc áo cà-sa còn được gọi là cát triệt y, điền tướng y tức là áo hình thửa ruộng. Nguồn gốc chiếc y cà sa còn được giải thích bằng một cách khác, đó là xưa kia, theo truyền thống Phật giáo, các nhà sư phải tự đi nhặt những mảnh vải vụn, những tấm khăn đắp hay liệm người chết vứt bỏ ở những nơi hỏa táng, nghĩa địa hay những đống rác, rồi đem về tự mình nhuộm màu, chắp nối và may lấy áo để mặc. Bởi vậy. chiếc y cà sa mới mang hình của các mảnh vải vụn được ráp nối với nhau. Ngày nay, tại một số tu viện lớn ở Srilanka hay Mianma vẫn còn giữ được truyền thống đó. Điều đó cho thấy chiếc áo cà sa là biểu tượng của những gì khiêm tốn, đơn sơ và giản dị nhất mà ta có thể tưởng tượng ra. Nhưng đồng thời điều đó cũng toát lên một ý nghĩa hết sức lớn lao của chiếc áo cà sa trong đạo Phật, đó là để nhắc nhở các nhà tu hành Phật giáo về tấm thân vô thường của họ tại thế gian. Chiếc cà sa của đạo Phật ngoài tác dụng để che thân còn có tác dụng như một tấm chăn đắp hay dụng cụ để ngồi, vì vậy, chiếc y cà sa còn có tên gọi là phu cụ (dụng cụ để đắp) hay tọa cụ (dụng cụ để ngồi). Kinh Bát nhã có kể chuyện Phật cùng với các đồ đệ sau khi khất thực về, ăn xong, Phật tự lau rửa bình bát, sau đó tự tay xếp áo cà-sa làm tọa cụ và ngồi lên đó để thuyết giảng. Có khi các đồ đệ lấy áo của mình xếp chồng lên nhau để Phật ngồi thuyết pháp. Y cà sa được may theo hình chữ nhật, chia ra làm ba loại là tiểu, trung, đại. Tiểu y gọi là y An-đà-hội (Antaravasaka) là y mặc bên trong. Y An-đà-hội chỉ có 5 mảnh nên còn gọi là y ngũ điều, cả tấm y gồm mười miếng, cứ 1 miếng dài, 1 miếng ngắn ráp lại vào nhau theo chiều dọc gọi là một điều. Trung y gọi là y Uất-đa-la-tăng (Utarasangha) là y mặc ở trên y An-đà-hội. Y này gồm 7 mảnh nên còn gọi là y thất điều, cả tấm y gồm 21 miếng, cứ 2 miếng dài thì 1 miếng ngắn ráp lại thành một điều. Đại y gọi là y Tăng-già-lê (Sangati) là y đắp ngoài của chư tăng. Y này gồm 9 mảnh nên còn gọi là y cửu điều. Cả tấm y gồm 27 miếng, mỗi hàng hai miếng dài một miếng ngắn ráp lại gọi là một điều. Luật Phật cũng quy định, tùy theo cấp bậc và đạo hạnh mà chiếc y Tăng-già-lê có thể có từ 9 đến 25 điều. Những vị càng đạo cao đức trọng càng có tấm y Tăng-già-lê nhiều điều. Màu sắc của chiếc y cà sa không nhuộm hẳn bằng một màu nào cả, tránh không dùng năm màu chính là xanh, vàng, đỏ, trắng và đen, vì vậy, chiếc y cà sa được pha trộn nhiều màu để tạo ra một màu sắc thật giản dị, đúng theo ý nghĩa nguyên thủy của chữ kasaya trong tiếng Phạn. Áo gồm nhiều mảnh, có thể mỗi mảnh một màu, vì đó là những mảnh vải nhặt được và khâu nối với nhau. Ngày nay tùy theo truyền thống của từng pháp phái, địa phương, phong tục, khí hậu… mà chiếc áo cà-sa cũng phần nào có sự cải biến, từ cách may cho đền màu sắc. Ở Ấn Độ và các nước theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy nhuộm y màu vàng; ở Việt Nam, Trung Quốc y cà sa nhuộm các màu vàng, lam, nâu, nâu đỏ; ở Hàn Quốc y cà sa nhuộm màu lam; ở Nhật Bản y cà sa nhuộm màu đen hay nâu đen (màu trà); ở Tây Tạng, y cà sa nhuộm màu vàng nghệ hay nâu đỏ… Nói chung có ba màu chính gọi là như pháp cà sa sắc tam chủng (ba màu sắc của áo cà sa theo phép quy định) gồm màu gần như đen (màu thâm, màu bùn đất), màu gần như xanh (màu rỉ đồng) và màu gần như đỏ (màu hoa quả). Như trên đã nói, y cà sa xuất phát từ Ấn Độ là xứ nóng nên ngoài 3 y tiểu, trung, đại như đã đề cập không còn loại y nào khác và do đó, y cà sa cũng là y thường phục của chư tăng theo Phật giáo Nguyên thủy. Khi Phật giáo được du nhập vào các quốc gia khác như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… do đây là những xứ lạnh nên y cà sa đã có sự thay đổi để phù hợp với điều kiện môi trường cũng như phong tục, tập quán của từng quốc gia. Ở Việt Nam, Trung Quốc… y phục của tăng đoàn mang nhiều ảnh hưởng của truyền thống may mặc dân tộc, áo ngắn cài khuy làm bằng vải ở giữa, áo dài cài khuy vải ở bên hông, quần may rộng rãi để tiện trong các sinh hoạt… Y cà sa của Phật giáo Bắc tông được khoác trùm lên các y áo trên và chỉ khoác cà sa trong những dịp tổ chức các nghi thức Phật giáo trang trọng, tôn nghiêm chứ không phải là thường phục của tăng ni. Một điều chú ý là đối với hệ phái Phật giáo Bắc tông, chỉ những vị tỳ kheo và tỳ kheo Ni mới được phép mang y cà sa, còn những vị khác không được phép mang y cà sa. Chiếc y cà sa là biểu tượng cho đạo Phật, cho sự màu nhiệm của Phật pháp chính vì vậy, cũng được gắn cho rất nhiều tên gọi cũng như các công dụng khác nhau, mặc dù ban đầu, chiếc y cà sa chỉ được dùng để che thân, làm chăn đắp hay dùng để ngồi. Theo sách Phật chế tỳ kheo lục vật đồ[iii] thì y cà sa có 12 tên gọi là: 1.Cà sa; 2.Đạo phục (áo của người tu hành theo đạo Phật); 3. Thế phục (áo của người xa rời thế tục); 4.Pháp y (áo theo đúng pháp quy định); 5.Ly trần phục (áo của người thoát tục); 6.Tiêu sầu phục (áo có khả năng tiễu trừ phiền não); 7.Liên hoa phục (áo như hoa sen không nhiễm bùn); 8.Gián sắc phục (áo không dùng năm màu chính để nhuộm); 9.Từ bi phục (áo của người thực hành đức từ bi); 10.Điền tướng y (áo theo hình thửa ruộng); 11.Ngọa cụ (dụng cụ để ngồi); 12. Phu cụ (dụng cụ dùng để đắp). Trong kinh Tâm địa quán[iv] thì nêu lên 10 lợi ích của chiếc y cà sa, đó là: Che thân khỏi thẹn ngượng; tránh ruồi muỗi, nóng rét; biểu thị các tướng của sa môn; sinh phúc cõi phạm thiên[v]; nảy sinh bảo tháp tướng diệt mọi tội; màu không rực rỡ không làm nảy sinh lòng ham muốn; vĩnh viễn đoạn trừ phiền não; tiêu trừ tội lỗi, nảy sinh điều thiện; như nơi đất tốt có thể làm nảy sinh lòng bồ đề; như giáp trụ, mũi tên độc phiền não không làm hại được. Hay như trong kinh Bi hoa[vi], nêu lên 5 đức của y cà sa là: Trong tứ chúng, những điều sai trái nặng nề mà biết một lời tâm niệm kính trọng cà sa thì liền được thụ ký tam thừa[vii]; thiên long nhân quỷ nếu cung kính cà sa thì cũng được đắc tam thừa; quỷ thần cũng như mọi người nếu có được một phần nhỏ của chiếc cà sa cũng sẽ được ăn uống no đủ; chúng sinh mắc điều sai trái mà tâm niệm cà sa thì cũng sẽ nảy sinh lòng từ bi; giữa nơi chiến trận, có được mảnh nhỏ cà sa, cung kính tôn trọng vật báu đó thì luôn được chiến thắng. Chiếc y cà sa, từ tác dụng ban đầu là vật thiết yếu của mỗi người tu sỹ trong cuộc sống tu hành, dùng để phân biệt người tu sỹ Phật giáo với các tôn giáo khác, đã được hình tượng hóa và mang một ý nghĩa thiêng liêng, biểu tượng cho những gì trân quý, cao cả nhất của Phật pháp và giáo pháp. Chiếc y cà sa không chỉ mang ý nghĩa vật chất mà đã chuyên chở các ý nghĩa tinh thần, trở thành pháp bảo độ trì cho những người con Phật tu hành theo đúng chánh pháp.
2. Ý nghĩa của chiếc y cà sa: Xét theo góc độ ý nghĩa vật chất, chiếc y cà sa được may bằng cách ráp nối những mảnh vải vụn lượm lặt lại với nhau, theo cách này sẽ tận dụng và tiết kiệm vải rất nhiều và có thể thay các miếng khác nhau khi có miếng nào bị rách, hỏng. Và hơn thế, khi chư tăng nhận phẩm vật cúng dàng của phật tử, tùy khả năng của phật tử cúng dàng những mảnh vải lớn hay nhỏ, đều được sử dụng, mang lại lợi ích và không lãng phí. Đó cũng là sự đúc kết kinh nghiệm của các hành giả tu lâu năm trong các tu viện thanh tịnh phải tự lo lượm vải khâu may y phục cho mình. Điều đó cũng nói lên ý nghĩa khiêm nhường và giản dị của chiếc y cà sa. Tăng đoàn chủ trương không có giáo sản, chỉ sống bằng sự bố thí của tín chủ nên không đòi hỏi và sẵn sàng sử dụng những gì được phật tử dâng cúng. Những người xuất gia tu hành mặc y cà sa hoại sắc cốt để che thân chứ không phải nghiêm sức để chau chuốt cho mình. Tăng đoàn, hoặc là mặc y cà sa chắp vá được từ các mảnh vải thừa nhặt được, hoặc là thụ nhận mọi loại vải dù là thô xấu cúng dường từ thiện tín rồi nhuộm đi để may mặc, cốt sao có y mặc mà thôi chứ không bận lòng phân biệt tốt xấu. Mỗi lần nhìn thấy chiếc y cà sa của mình vị tỳ kheo đều nhớ biết mình là người xuất gia mà lo tinh tấn với đạo nghiệp, nếu bỏ qua điều đó sẽ làm uổng phí đời sống xuất gia, uổng phí thiện tâm của đàn thí. Người xuất gia khoác lên người chiếc áo cà sa cũng là để tự kiểm chứng bản thân mình, giúp họ luôn giữ giới, nhắc nhở họ không được tà dâm, sát sinh, trộm cắp, không sân si, bám níu… Chiếc áo ấy đem đến sự an lạc, giúp họ phát lộ lòng từ bi, giúp tăng trưởng trong tâm thức sự can đảm, tinh tấn, sức mạnh và trí tuệ để vượt qua những chướng duyên trên con đường tu tập. Chiếc y cà sa có nhiều mảnh cũng là sự biểu trưng cho con đường tu tập hướng đến giác ngộ có nhiều thứ lớp, giai đoạn. Đức Phật đã trải qua vô lượng kỳ kiếp để đạt đến chứng quả Bồ đề. Mỗi hành giả đời sau phải liên tục tích lũy công đức, tạo phúc, sửa chữa lỗi lầm, làm cho tâm trong sạch, bảo vệ tăng đoàn trước những nghiệp chướng, biết chờ đợi đủ nhân duyên, đúng thời kỳ mới có được thành tựu. Bởi vậy, các vị tăng ni cao tăng, thạc đức thì mặc đại y đến 25 điều vì các vị đã tích lũy được nhiều công đức còn những vị mới thụ giới thì chỉ mặc đại y 9 điều thôi. Nhìn vào đại y mặc trong những lúc hành lễ cũng có thể nhận biết được phẩm trật thứ lớp trong tăng đoàn. Tăng đoàn mang trên mình bộ y cà sa như một sự nhắc nhở phải luôn nhớ đến công ơn sâu dày của đàn tín. Các nhà tu hành được thụ thí từ sự cúng dường của phật tử để thanh thản, an tâm lo tu học đó là nhờ công lao khó nhọc biết bao người. Vậy mỗi tỳ kheo phải luôn niệm tưởng và làm sao cho xứng đáng với công ơn đó. Chiếc y cà sa mang những giá trị tâm linh, là biểu tượng của đạo pháp do đó cũng trở nên nhiệm màu và linh thiêng. Hàng phật tử xuất gia đủ hạnh duyên được khoác lên mình chiếc y cà sa sẽ có thêm sức mạnh để ngăn ngừa những tội lỗi, đoạn trừ những phiền não, làm cho những điều xấu không thể xâm nhập vào thân thể, đồng thời chiếc y cà sa đó cũng khiến cho nhà tu hành không bị tham sân si cám dỗ, tác động, làm nảy sinh trong lòng những điều thiện và sự từ bi. Đó cũng chính là những giá trị tinh thần tốt đẹp mà đạo Phật đang vun bồi và hướng tới. Trong Phật giáo, chiếc y cà sa còn mang một giá trị truyền thống hết sức ý nghĩa, đó là truyền thống trao truyền y bát, tức y cà sa và bình bát đựng phẩm vật. Người được thụ nhận y bát sẽ là người kế tục sự nghiệp lãnh đạo tăng đoàn của đức Phật. Truyền thống này xuất phát và được phổ biến trong Phật giáo Thiền tông. Sách Liên đăng hội yếu[viii] có thuật lại tích này như sau: Trong một cuộc hội ở trên núi Linh Thứu[ix], Đức Thế tôn giơ cành hoa ra trước mặt đại chúng mà không nói lời nào. Mọi người đều im lặng không hiểu gì, chỉ có Ngài Ma-ha-ca-diếp[x] (MahàKac’yapa) là mỉm cười. Đức Thế tôn liền nói: “Ta có chính pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, vi diệu pháp môn[xi] nay trao lại cho Ma-ha-ca-diếp”. Sau đó Phật đã trao truyền lại y bát cho ngài Ma-ha-Ca-diếp. Truyền thuyết này gọi là Niêm hoa vi tiếu (Cầm hoa mỉm cười), nêu lên khái niệm về sự tinh tế và cao siêu của sự giác ngộ không thể trình bày hay diễn đạt bằng lời nói được. Yên lặng tượng trưng cho sự quán nhận trực tiếp, vượt lên trên ngôn từ và sự hiểu biết quy ước của chúng ta. Đây cũng là một đặc thù của thiền tông, vì thế ngài Ma-ha-ca-diếp được xem là tổ thứ nhất của Thiền tông trên đất Ấn Độ. Ngài Ma-ha-ca-diếp sau khi nhận y bát của Đức Phật đã lãnh đạo tăng đoàn khi đức Phật nhập diệt. Ngài Ma-ha-Ca-diếp về sau lại trao y bát của mình cho ngài A-nan-đà. Tục lệ truyền thụ này kéo dài ở Ấn Độ cho đến tổ thứ 28 là Ngài Bồ-đề-đạt-ma (Bodhidharma, 470 - 543), tức gần một ngàn năm sau khi Phật tịch diệt. Khi ngài Bồ-đề-đạt-ma sang truyền đạo ở Trung Quốc, ngài trở thành vị tổ thứ nhất của Thiền tông trên phần đất này. Tục lệ truyền y bát tiếp tục trên đất nước Trung Hoa cho đến tổ thứ sáu là ngài Huệ Năng (638-713), tức được thêm khoảng hai trăm năm nữa. Tổ của ngài Huệ Năng là ngài Hoằng Nhẫn (601-674) trao chiếc áo cà sa tượng trưng sự lãnh đạo tông phái cho ngài Huệ Năng, vì Huệ Năng là người thấu hiểu sâu xa hơn hết về thiền học trong số các đệ tử của tông phái. Ngài Huệ Năng kính cẩn tiếp nhận chiếc áo cà sa cao quý ấy và đồng thời cũng hiểu rằng chiếc áo tượng trưng cho lãnh đạo và uy quyền này rồi sẽ gây ra sự ganh tỵ và tranh chấp trong tăng đoàn. Ngài Hoằng Nhẫn cũng ý thức được điều ấy nên khi trao chiếc áo cho ngài Huệ Năng đã khuyên Huệ Năng bỏ trốn về phương Nam và từ đó về sau không truyền thụ y bát nữa. Truyền thuyết trên đây có thể mang nhiều yếu tố hư cấu nhưng điều đó đã chứng tỏ sự quan trọng của chiếc y cà sa trong Phật giáo. Người được thụ nhận y cà sa và bình bát tức là đã được thụ nhận, lĩnh hội tâm pháp và sự màu nhiệm của đạo pháp để kế tục sự nghiệp của tăng đoàn. Và khi đó, y bát cũng không còn chỉ là vật dụng thông thường mà đã trở thành những giá trị tinh thần tối cao và linh thiêng của Phật giáo. Chiếc áo cà-sa qua thời gian, không gian đã có những thay đổi để phù hợp với điều kiện môi trường khí hậu, phong tục, tập quán của mỗi quốc gia, mỗi vùng đất nhưng những biến đổi đó không làm mất đi những giá trị biểu trưng, những hình tượng tiêu biểu của đạo Phật. Chiếc áo cà sa vẫn luôn luôn giữ được truyền thống và phong cách hàng ngàn năm của Phật giáo, từ những tục lệ xa xưa của Phật giáo Nam tông cho đến những cải cách về hình thức của Phật giáo Bắc tông. Tất cả đều không đi ra ngoài đạo pháp và hơn thế càng làm cho hình ảnh Phật giáo trở nên thân thuộc, gần gũi, gắn bó mà vẫn trang trọng, tôn kính và thiêng liêng./. Tác giả:
Phúc Nguyên Nguồn: http:/btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/2269/Nguon_goc_va_y_nghia_chiec_ao_ca_sa_cua_dao_Phat - [i] Nơi có thành Vương Xá là nơi Đức Phật từng thuyết pháp. [ii] A-nan-đa là con vua Hộc Phạn, một người em họ của Phật. A-nan-đa cũng là một trong mười đại đệ tử của Phật và là người thông thái, hiểu biết số một. [iii] Do Nguyên Chiếu, người đời Tống, Trung Quốc soạn. [iv] Tên đầy đủ là Đại thừa bản sinh tâm địa quán kinh. [v] Chỉ một trong ba cõi trời, nơi mọi sắc dục trần gian đều bị loại bỏ, chỉ còn sự tịch tĩnh, thanh tịnh. [vi] Bộ kinh gồm 10 quyển do Đàm Vô Sấm người đời Lương, Trung Quốc dịch. [vii] Chỉ ba hàng giác ngộ của đạo Phật gồm; Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát. [viii] Do Ngộ Minh, người đời Tống, Trung Quốc soạn. [ix] Còn gọi Linh Sơn, cách thành Vương Xá nước Ma-kiệt-đa 10 dặm về hướng Đông. Dáng núi giống hình con chim thứu (chim ó) và trên núi có rất nhiều chim thứu nên gọi là núi Linh Thứu. [x] Còn tên gọi khác là Ca-diếp, Ca-nhiếp là một trong mười đại đệ tử của Đức Phật [xi] Tất cả đều chỉ những diệu lý pháp giới của đức Phật – đấng Giác Ngộ Toàn Năng mà hạng phàm phu mê vọng không có cách nào có và nhìn thấu được. Đây cũng được coi là tâm ấn của Thiền tông theo phương pháp “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự” (Truyền riêng ngoài giáo điển, không dùng văn tự).
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
- Tags:
- y áo
- ca sà
- dâng y
- bắc tông
- đạo phật
- phật giáo
- xuất gia
- truyền thống Phật giáo
Ý kiến của bạn
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
-
Đại tạng kinh Phật giáo: Kho tàng văn hóa - tri thức của nhân loại
-
Kinh Khất thực thanh tịnh
-
Kinh Bách Dụ: Vua bị chê là bạo ngược
-
Kinh Hoa Nghiêm: Nguồn gốc, ý nghĩa và nội dung
-
Chưa từng khinh mạn là hy hữu
-
Kinh Diệu pháp Liên Hoa tóm lược – Thí dụ ngôi nhà cháy (P.2)
-
Lễ kính Phật - dung nhan từ xấu thành đẹp
-
Bài kinh: Pháp đại bố thí đưa đến giải thoát
-
Đức Phật dạy có bốn loại vợ chồng sống chung với nhau
-
Kinh Lương Hoàng Sám (Quyển 6)
Ám áp bên Thầy ngày Nhà giáo Việt Nam
Văn hóa
16:57 20/11/2018 Sáng ngày 20/11/2018 (14/10/Mậu Tuất), phật tử đạo tràng BQT chùa Đức Hòa và Thiên Bửu đã vân tập về Tổ đình Thiên Bửu (thôn Bình Thành, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) để chúc mừng Hòa thượng viện chủ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.
Phật
Văn hóa
12:28 14/11/2018 Phật ngồi trên sườn núi,/Nhìn xuống đường bụi mù,/Phật đang nghĩ gì thế nhỉ!/Thương con người ngược xuôi?
Tọa đàm về tác giả bài thơ bất hủ “Em đi chùa Hương”
Văn hóa
12:18 14/11/2018 Sáng ngày 9/11/2018, Nhà xuất bản Phụ nữ và Khoa Viết văn – Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức tọa đàm “Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp” về sự nghiệp văn chương, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày mất của nhà thơ tài hoa bạc mệnh.
An lành
Văn hóa
10:12 13/11/2018 Xin cầu thấu rõ chân diệu pháp/Hiện tượng vạn vật luôn biến đổi/Muôn sự hết thảy nương nhau thành/Để tâm tịch lặng an lành nhất/An lành như thế thật an lành!
Xem thêm
Tin đọc nhiều nhất
1
Tâm chú Lăng Nghiêm có lợi ích vô cùng
2
Thần chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni (bản tiếng Việt)
3
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
4
Công đức, lợi ích của người đọc tụng thần chú
5
Diệu dụng của thần chú Lăng Nghiêm
6
Khái quát đầy đủ nhất về Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện
7
Công năng của thần chú Vô Lượng Thọ
Tin chọn lọc
Mai nở ngoài sân
Nhớ quá Việt Nam
Tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức
Vũ trụ chuyển mình (Hết)
Vũ trụ chuyển mình (P.1)
Tôn giả A Na Luật (Hết)
Từ điển Phật giáo
Tìm kiếm
Dữ liệu Phật giáo
- Đức Phật
- Tự Điển
- Giáo hội