NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỦA MÚA LÂN TRUNG THU - Travel Plus

Tương truyền rằng việc múa lân trong dịp lễ Tết Trung thu là tập tục bắt nguồn từ sự tích Phật Di Lặc hạ trần chế ngự lân để bảo vệ dân lành. Ta vẫn thường thấy trong màn trình diễn mua lân có một ông bụng phệ, đầu hói, mặc áo dài sặc sỡ, tay cầm quạt mo, mang mặt nạ cười toe toét đi theo đùa giỡn lân và khách xem múa, mà mọi người gọi là ông Địa, đó chính là Đức Phật Di Lặc hoá thân thành để chế ngự con lân.

Truyền thuyết kể vào thuở khai thiên lập địa, Lân là một con thú rất hung dữ, chuyên ăn thịt người và năm nào cũng xuất hiện phá phách vào mỗi dịp tết Trung Thu. Ông Địa lấy cỏ linh chi cho nó ăn và thu phục được nó, biến nó thành con thú hiền lành không còn quậy phá dân lành và chỉ biết ăn thực vật.

Kể từ đó, hằng năm ông Địa lại dẫn lân đi vui Tết trung thu cùng mọi người và ban phước lành, may mắn, ấm no đến cho mọi nhà. Lân xuất hiện ở đâu thì ở đó tà ma bị loại trừ, nhân dân hạnh phúc, đất đai màu mỡ. Đám múa gồm một người đội chiếc đầu lân bằng giấy hoặc bằng vải màu sặc sỡ và múa theo nhịp trống. Nối liền với đầu lân là đuôi Lân được làm bằng mảnh vải dài do một người phía sau cầm phất theo nhịp múa của đầu lân.

Có nhiều hình thức múa lân nhưng phổ biến và đặc sắc nhất phải kể đến chính là Mai Hoa Thung- một điệu nhảy đỉnh cao của nghệ thuật múa lân sư rồng. Đây được xem là điệu nhảy khó nhất, đòi hỏi người nhảy phải có nhiều kĩ năng và thật sự điêu luyện, bởi chỉ một phút sơ sẩy có thể gây tai nạn nghiêm trọng. Người múa phải phối hợp thật nhịp nhàng, phải thật sự đam mê và có sự kiên trì, dày công luyện tập nhiều năm tháng mới có thể biểu diễn thành công và đem lại cho người xem một màn trình diễn thật ngoạn mục và hấp dẫn. Nhìn cảnh tượng lân duy chuyển điêu luyện và linh hoạt trên cột cao làm người ta liên tưởng đến hình ảnh mọi việc khó khăn đều có thể vượt qua suôn sẻ và tài lộc, thịnh vượng sẽ đến với gia đình.

Chính vì ý nghĩa tốt đẹp đó mà ngày nay, mỗi khi có những dịp lễ như tết Nguyên Đán, tết trung thu, kể cả khai trương, mở tiệm, người ta thường mời Lân đến múa như một lời cầu mong về những điều tốt đẹp sẽ đến, an khang thịnh vượng. Đăc biệt, ngoài rước đèn, mâm cỗ, bánh trung thu,... múa lân đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong dịp Tết trung thu để mang lại những màn trình diễn vui vẻ cho tất cả mọi người và náo động không khí tươi vui đem lại một ngày hội Trung thu náo nhiệt và vui vẻ hơn.

Từ khóa » Hình ảnh Múa Lân Ngày Trung Thu